14/06/2021 09:30

Giáo xứ Phú Lạc

I - VỊ TRÍ Giáo xứ Phú Lạc cách Tòa giám mục khoảng 23 km về hướng Tây Bắc; phía Tây Nam giáp sông Hồng; phía Đông Nam giáp xứ Duyên Lãng. Phú Lạc xưa kia thuộc tổng Đặng Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình.

Năm thành lập: 1946
Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm
Số giáo dân khoảng 1.250
Linh mục quản xứ: Đaminh Đào Trung Thành
Địa chỉ: Nhà thờ Phú Lạc, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Điện thoại: 0363964486

II - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Sau triều Minh Mệnh, người dân Phú Lạc mới đón nhận ánh sáng Đức tin do các thừa sai Đaminh từ Kẻ Diền đến rao giảng. Thời Minh Tông Nguyễn Hiến Tổ (niên hiệu Triệu Trị), tuy không bãi bỏ các chiếu chỉ cấm đạo, nhưng vẫn để cho đạo Công giáo chút tự do. Vì thế, số tín hữu của Phú Lạc có phần gia tăng.
Năm 1847, Phú Lạc trở thành họ lẻ của xứ Kẻ Diền, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy. 
Năm 1907, Kẻ Diền chia làm hai xứ An Lập và Duyên Lãng. Phú Lạc thuộc về xứ Duyên Lãng với 702 nhân danh.
Năm 1937, giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên và được tu sửa vào các năm 1943 và năm 1986.
Năm 1946, Đức cha Santos Ubierna Ninh - Giám mục Tông toà Giáo phận Thái Bình - đã nâng họ Phú Lạc lên thành giáo xứ.
Do vị trí địa lý nằm sát sông Hồng, nên giáo xứ đã ba lần di chuyển nhà thờ và hài cốt cha thánh Đaminh Đinh Đức Mậu.
Năm 2000, giáo xứ xây dựng ngôi thánh đường mới và được khánh thành vào năm 2005.
Vừa trở thành một họ đạo, Phú Lạc đã chịu sự bách hại của triều Tự Đức. Các tín hữu bị bắt lên huyện học “Thập Điều” của vua Minh Mạng, với mục đích bắt họ bỏ đạo. Tuy nhiên, giáo dân nơi đây vẫn trung thành giữ vững Đức tin và đóng góp cho Giáo Hội hai Hiền Phúc Đaminh Thể và Đaminh Hậu. 
Từ năm thành lập đến nay, Phú Lạc có các cha coi sóc: cha Nghiêm, cha Vinh sơn Nguyễn Khắc Hiếu, cha Tôma Vũ Nguyên Sùng, cha Giuse Vũ Công Phước, cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Học, hiện nay là cha Đaminh Đào Trung Thành.
 
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo xứ có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, Ca đoàn, hội con Đức Mẹ, hội Mân Côi, hội Gia trưởng, hội Kèn đồng, hội Trống trắc, ban Giáo lý, hội Tông Đồ, Dòng ba Thánh Thể, hội Cồng chiêng...