14/06/2021 09:30

Giáo xứ Bồ Ngọc

Giáo xứ Bồ Ngọc cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 30km về hướng Bắc; phía Bắc và phía Tây giáp sông Luộc; phía Tây Nam giáp xứ Phục Lễ; phía Đông Nam giáp xứ Lai Ổn.

 

 

GIÁO XỨ BỒ NGỌC

 

Năm đón nhận Tin Mừng : 1638
Năm thành lập Giáo xứ : 1645
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 25/3/2006
Ngày Cung hiến : 6/12/2007,
Tước hiệu : Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (7/10)
Số giáo dân : 960 (toàn xứ), 214 (nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Bồ Ngọc, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

I - VỊ TRÍ

Giáo xứ Bồ Ngọc cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 30km về hướng Bắc; phía Bắc và phía Tây giáp sông Luộc; phía Tây Nam giáp xứ Phục Lễ; phía Đông Nam giáp xứ Lai Ổn.

II - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Lược sử hình thành và phát triển

Đời vua Lê Chân Tông, niên hiệu Dương Hòa thứ tư (1938), cha Felice Morelli - một thừa sai người Ý - dùng thuyền xuôi sông Hồng Hà, rẽ vào sông Luộc và đến làng Bồ Trang rao giảng Tin Mừng. Người dân nơi đây đã hân hoan đón nhận và loan truyền đến các làng lân cận.

Năm 1645, dân làng đã dựng một nhà nguyện để thờ phượng. Cha Morelli làm phép nhà nguyện đúng ngày lễ Đức Mẹ Dâng Con (02/02/1645). Vì thế, Giáo họ đã nhận lễ này làm quan thầy. Vào ngày Lễ Phục sinh cùng năm, cha Morelli lập xứ Kẻ Bái (đây là Giáo xứ đầu tiên của Thái Bình được thành lập). Cha đặt nơi đây làm Trụ Sở Truyền Giáo không chỉ cho vùng Thái Bình, nhưng còn cho các tỉnh thành lân cận, dọc theo những dòng sông. Sau nửa thế kỷ, xứ Lai Ổn đã hình thành, để thuận lợi cho công việc đi lại truyền giáo, các cha đã chuyển trụ sở về Lai Ổn.

Khoảng năm 1885, phong trào Văn Thân nổi lên với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, nhà thờ và nhiều nhà giáo dân bị đốt phá, giáo dân bị bách hại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nhà thờ được tu sửa lại.

Năm 1890, giặc Ngũ Dinh (Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung), dọa đánh xứ Kẻ Bái, chúng đưa thư đòi Giáo xứ nộp tiền và gạo. Giáo xứ không có khả năng đáp ứng yêu cầu, sợ họ phá hủy nhà thờ nên cha xứ và giáo dân tháo dỡ nhà thờ, nhà xứ, đem ngâm giấu dưới sông; chuông, trống gửi vào đình chùa; đồ thờ, cờ ảnh gửi ra bên lương giữ hộ. Vì lý do này, Đức cha Onate Thuận, Giám mục địa phận Trung (1884-1897) phạt xứ Kẻ Bái bị hạ xuống hàng xứ tùy, thuộc xứ Lai Ổn.

Năm 1917, cha Đaminh Cao Xuân Yến đã điều hành xây ngôi nhà thờ bề thế nguy nga Kẻ Bái.

Năm 1918, Cha Đaminh Nguyễn Quang Đỉnh cùng với giáo dân xây dựng Nhà xứ, Nhà Phước, Nhà Dục Anh và tháp chuông. Sau đó, cha đã đệ đơn xin Đức Giám mục tái lập xứ Kẻ Bái, đồng thời xin đổi tên là Giáo xứ Bồ Ngọc và đổi bổn mạng tước hiệu Mẹ Dâng Con thành tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi để các tín hữu hưởng các ơn ích của hội Văn Côi.

Năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri Trung, Giám mục địa phận Trung, ban Sắc chấp thuận việc tái lập xứ Kẻ Bái, đổi tên xứ Kẻ Bái thành xứ Bồ Ngọc.

Sau mấy chục năm nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày 25/3/2006, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Lương và Giáo xứ xây thánh đường mới với chiều dài 42m, rộng 15m, cao 7m và tháp chuông cao 25m. Ngày 06/12/2007, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang chủ sự lễ khánh thành và Cung hiến nhà thờ với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi.

Các chứng nhân tử đạo

Giáo xứ Bồ Ngọc có những bậc tiền bối anh dũng, dám hy sinh mạng sống giữ vững Đức Tin: 15 Hiền phúc: Phêrô Cao (số 864); Phêrô Thiện (số 865) và em là Đaminh Lừng (số 874); Gioan Phú (số 876); Đaminh Lương (số 877); Phêrô Ba (số 866); Phêrô Bường (số 867); Phêrô Tài (số 868); Phêrô Nguyên (số 872); Phêrô Hiên (số 875); Đaminh Trạc (số 873); Thầy giảng Phêrô Quế (số 1262); Đaminh Hội (số 1276); Phêrô Tâm; Đội trưởng Phạm Hữu Trực. Ngoài ra, Giáo xứ còn có nhiều chứng nhân: Đaminh Bình; Đaminh Cẩm; Đaminh Bi... Trên đất Bồ Ngọc có Đống Năm Mươi là nơi giam giữ và thiêu sinh 50 vị tử đạo năm 1862.

Các linh mục coi sóc Giáo xứ

Cha Felice Morelli; cha Thập (Santa Cruz); cha Giêrônimô; cha Gioan Án; cha Trí; cha Diện; cha chính Đăng; cha thánh Gia; cha thánh Liêm; cha thánh Tước; cha Nghiêm; cha Thuận; cha Vĩnh; cha Văn; cha Thanh; cha Thân; cha Huỳnh; cha Vị; cha Stêphanô Cẩm; cha Phêrô Yến (1908-1918); cha Đaminh Đỉnh (1918-1940); cha Đaminh Tín (1940-1949); cha Micae Tuần, OP (1949- 1952); cha Gioan Sâm; cha Gioakim Mai Quý Thân; cha Gioan Baotixita Trịnh Xuân Thu (1954-1978); cha Gioakim Nguyễn Duy Thiện (1978-1998); cha Đaminh Đặng Văn Gia (1998-2002); cha Đaminh Nguyễn Văn Lương (2002-2014); cha Đaminh Đào Văn Thiềng (+); hiện nay là cha Đaminh Trần Quốc Bảo.

Các Giáo họ trực thuộc: Bái Đông, Đồng Tâm, Giáo Thiện và Sơn Đồng. Hai giáo họ Đại Nẫm và Thiên Phú không còn nhà thờ.

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Là một Giáo xứ kỳ cựu, các đoàn hội trong Giáo xứ được tổ chức có quy củ. Các đoàn hội tích cực cộng tác trong mọi hoạt động: giúp đỡ người nghèo, thăm hỏi bệnh nhân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.

Với sự hiện diện của các nữ tu dòng Phaolô Chartes và dòng Đaminh, phong trào giáo lý của Giáo xứ không ngừng phát triển, đời sống đức tin càng ngày càng thăng tiến.

Dịp kỷ niệm 375 năm Kẻ Bái - Bồ Ngọc đón nhận Tin Mừng, noi gương ba thánh tử đạo quê hương tín hữu Giáo xứ Bồ Ngọc quyết tâm sống gắn kết với Chúa Giêsu hơn qua việc sống Bí tích Thánh Thể, thực thi công bằng bác ái và dấn thân hy sinh phục vụ tha nhân như là những phương thế để loan báo Tin Mừng.

 

GIÁO HỌ BÁI ĐÔNG

 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1819
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1917
Bổn mạng : Ba thánh Tử Đạo Tôma Đệ,

Stêphanô Vinh và Augustinô Mới (19/12)
Số giáo dân : 220

Địa chỉ : Nhà thờ Bái Đông, thôn Bái Đông, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 1km về hướng Đông Bắc.

I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Lược sử hình thành và phát triển

Mảnh đất Bái Đông được đón nhận ánh sáng Tin Mừng khoảng đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, qua câu chuyện làm quen, trao đổi với người dân địa phương, các cha thừa sai từ Bái Tây đã rao giảng về Tin Mừng của đạo Chúa, dân chúng nghe chuyện quen dần và sinh lòng mộ mến lúc nào không biết. Cứ thế, đạo Chúa dần dần phát triển, số giáo dân mỗi ngày một tăng thêm. Xóm đạo dựng tạm nhà nhỏ làm nơi cầu nguyện sớm tối.

Năm 1819, Giáo họ Bái Đông được thành lập, nhận Danh Thánh Chúa Giêsu làm bổn mạng.

Năm 1917, Giáo họ dựng nhà thờ cổ kính, chắc chắn.

Biến cố năm 1954, nhiều người đã di cư vào Nam, số người còn lại ít. Trong hoàn cảnh thế sự gặp nhiều thử thách, mọi người vẫn quyết tâm giữ vững Đức tin, kiên cường theo Chúa noi gương tiền nhân.

Năm 2002, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Lương xin Bề trên giáo phận cho Giáo họ nhận ba Đấng thánh quê hương làm bổn mạng.

Năm 2005, cha xứ và Giáo họ đại tu nhà thờ.

Năm 2007, Giáo họ xây linh đài Đức Mẹ La Vang và đền kính ba Thánh Tử Đạo Quê Hương.

Các chứng nhân tử đạo

Là một vùng đất truyền thống, Giáo họ Bái Đông đã có những người con dám đổ máu đào để giữ vững Đức tin của mình: thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ, thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh và thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới. Đồng thời, Giáo họ có ba Hiền phúc tử đạo: Đaminh Vũ; Đaminh Thứ và Ông Bột.

Ơn gọi trong Giáo họ: cha Giuse Vũ Thái Sơn (Đà Lạt); cha Phêrô Nguyễn Phước Hưng (Xuân Lộc) và một nữ tu.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Không hổ danh là quê hương của ba thánh Tử đạo, mỗi tín hữu Bái Đông luôn ý thức được sứ vụ và trách nhiệm của mình trước kho tàng đức tin vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại. Chính vì thế, Giáo họ luôn cố gắng duy trì các đoàn hội để đem lại sức sống cho đời sống tinh thần cũng như giúp nhau thăng tiến và sống chứng nhân xứng đáng là con cháu các Anh hùng Tử đạo Việt Nam.

 

GIÁO HỌ ĐẠI NẪM

Năm đón nhận Tin Mừng: Thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ: 1845
Nhà thờ: hiện nay không có nhà thờ
Bổn mạng: thánh Phêrô Tông đồ (29/6)
Số giáo dân:

Địa chỉ: Giáo họ Đại Nẫm, thôn Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Lược sử hình thành và phát triển

Mảnh đất Đại Nẫm được đón nhận ánh sáng đức tin bao giờ không còn ai rõ. Chỉ biết rằng, Giáo họ Đại Nẫm được thành lập vào năm 1845 và nhận thánh Phêrô Tông đồ làm bổn mạng.

Theo Sử ký Địa phận Trung (1916), Giáo họ Đại Nẫm, xứ Kẻ Bái có 147 nhân danh.

Năm 1918, Giáo họ xây dựng một ngôi nhà thờ để thờ phượng Chúa

Biến cố năm 1954, hầu hết giáo dân di cư vào Nam, chỉ còn lại một vài gia đình. Số còn lại được sáp nhập vào Giáo họ Bái Đông. Do vậy, ngôi nhà thờ bị bỏ hoang.

Từ năm 1954, Giáo họ Đại Nẫm không còn hoạt động.

Năm 1976, nhà thờ Quỳnh Lang bị cháy, Bề trên giáo phận cho dỡ nhà thờ Đại Nẫm để kiến thiết lại nhà thờ Quỳnh Lang.

Chứng nhân tử đạo

Tuy là một giáo họ không còn nhà thờ nhưng Đại Nẫm đã đóng góp vào vườn vạn tuế Thái Bình một người con ưu tú là Hiền phúc Đaminh Chất (số 1137).

 

 

 

 

GIÁO HỌ ĐỒNG TÂM

 

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ thứ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1910
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1917
Bổn mạng : Thánh Đaminh (8/8)

Số giáo dân : 83
Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Tâm, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 10km về hướng Đông.

I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Vùng đất Đồng Tâm được đón nhận ánh sáng Tin Mừng khoảng cuối thế kỷ XIX. Lúc đầu, khu vực này còn rất hoang sơ, um tùm, số người sống thưa thớt, lác đác và chỉ thấp thoáng một vài mái nhà. Với dòng thời gian, số giáo dân dần tăng nhanh, các gia đình dựng tạm ngôi nhà nhỏ làm nơi cầu nguyện sớm tối.

Năm 1910, Giáo họ Đồng Tâm được thành lập, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng.

Năm 1917, Giáo họ dựng nhà thờ làm bằng gỗ lim, tường gạch, lợp ngói mũi và được đại tu năm 1994.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Hòa chung trong niềm vui của toàn Giáo phận kỷ niệm 80 năm thành lập, Giáo họ Đồng Tâm luôn đồng lòng trong mọi công việc của Giáo họ cũng như Giáo xứ. Đặc biệt, mỗi người con Đồng Tâm không ngừng cố gắng hoàn thiện mình để làm chứng cho Tin Mừng trên mảnh đất còn nhiều người chưa biết Chúa.

 

 

GIÁO HỌ GIÁO THIỆN

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1895
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1912
Bổn mạng : Thánh Gia Thất

Số giáo dân : 338
Địa chỉ: Nhà thờ Giáo Thiện, thôn Giáo Thiện, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 4km hướng Đông Nam.

I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Con sông Luộc uốn mình chở đầy phù sa làm cho vùng đất làng Giáo Thiện khá phong nhiêu mầu mỡ. Vì thế, nhiều người từ các nơi về đây sinh sống lập nghiệp. Trước những thuận lợi về đất đai, Đức cha Onate Thuận (1884-1897) đã lập tại vùng này một sở ruộng - người dân gọi là “Sở ruộng Đức Cha”. Các thầy về đây làm ruộng có dịp gặp gỡ người dân trong vùng, qua những câu chuyện trao đổi, đôi khi cũng nói về đạo Chúa Trời. Cứ thế, hạt giống Tin Mừng của Chúa âm thầm được gieo vãi, lớn lên thấm vào lòng người lúc nào không ai hay. Số người tin theo Chúa dần dần tăng triển. Khi được khoảng vài chục người, họ dựng tạm ngôi nhà nhỏ làm nơi cầu nguyện, tụ tập nhau đọc kinh sớm tối.

Năm 1895, Giáo họ Giáo Thiện được thành lập, nhận Thánh Gia Thất làm bổn mạng.

Năm 1912, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim, được đại tu hai lần vào năm 1994 và năm 2012.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Theo dòng thời gian, Giáo họ ngày một phát triển về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt, với sự cộng tác của các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres, đời sống đức tin của bà con giáo dân càng thêm vững mạnh, các em được học hỏi giáo lý, đào sâu đức tin để hiểu biết hơn về Chúa và Giáo Hội.

 

GIÁO HỌ THIÊN PHÚ

Năm đón nhận Tin Mừng: Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ: 1902
Nhà thờ: hiện nay không còn
Bổn mạng: thánh Phêrô Tông đồ (29/6)
Số giáo dân: 48

Địa chỉ: Giáo họ Thiên Phú, thôn Hồng Thái, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 1.5km về hướng Đông Bắc.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo lời của các cụ cao niên, vào cuối thế kỷ XX, có bốn cụ: Ngô Doãn Quán, Ngô Doãn Luật, Nguyễn Văn Luật và Nguyễn Văn Đề, người ở xóm Trắng, làng Đại Nẫm, kết hôn với người có đạo, do đó các cụ trở thành người Công giáo và lập thành một xóm đạo nhỏ ở giữa cánh đồng, gần bờ đê sông Luộc.

Khoảng năm 1902, Giáo họ Thiên Phú được thành lập, nhận thánh Phêrô Tông đồ làm bổn mạng, do cha phó xứ Lai Ổn Đaminh Nguyễn Quang Chất trông coi. Ban đầu, người trong họ dựng một nhà nguyện nhỏ bằng tre, tường đất, mái lá mía để cầu nguyện sớm hôm.

Năm 1944, cha Đaminh Mai Đức Tín cùng Giáo họ dựng nhà thờ mới.

Năm 1954, do số người di cư vào Nam gần hết, họ Thiên Phú phải sáp nhập vào họ Bái Đông. Do nhà thờ Bái Đông bị xuống cấp, nhà thờ Thiên Phú đã bị dỡ để bảo trì nhà thờ Bái Đông. Từ đó, Giáo họ Thiên Phú coi như bị xóa.

Năm 2014, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Lương làm đơn kính trình xin Đức cha Phêrô cho tái lập Giáo họ Thiên Phú, đồng thời làm đơn xin chính quyền cấp lại đất cho Giáo họ và được chính quyền chấp thuận.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Từ sau năm 1954, mọi sinh hoạt của Giáo họ Thiên Phú đều theo họ Bái Đông. Tuy nhiên, trải qua biết bao thăng trầm, Giáo họ Thiên Phú nay được hồi sinh trong niềm phấn khởi vui mừng của hết thảy mọi người trong và ngoài Giáo họ. Trong niềm tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, một ngày kia ngôi nhà thờ Thiên Phú lại vang lên tiếng kinh nguyện sớm chiều để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa trên chính mảnh đất cha ông để lại.

 

GIÁO HỌ SƠN ĐỒNG

Năm đón nhận Tin Mừng: Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ: 1886
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2007
Bổn mạng: Thánh Vinh Sơn (05/4)

Số giáo dân: 105
Địa chỉ: Nhà thờ Sơn Đồng, thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Cũng giống như nhiều giáo họ khác của xứ Kẻ Bái, vùng đất Sơn Đồng được đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ban đầu, khu vực này rất hoang sơ, hầu như không có người. Sau đó, nhiều người từ các nơi chạy trốn bách hại đạo về đây sinh sống lập nghiệp, nhờ đó đạo Chúa được gieo vào vùng đất này.

Năm 1886, Giáo họ Sơn Đồng được thành lập, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng và dựng ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc xưa.

Năm 2007, cha xứ và Giáo họ xây nhà thờ mới, có tháp chuông tách riêng khỏi nhà thờ.

Ngày 05/4/2008, nhà thờ được khánh thành dịp mừng thánh Vinhsơn bổn mạng.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Là một giáo họ tuy nhỏ bé nhưng lòng đạo đức và tinh thần hăng say của mỗi người giáo dân Sơn Đồng không ngừng được vun đắp. Sơn Đồng luôn ý thức về sứ mạng truyền giáo của mình qua việc sống Lời Chúa và rao giảng đức tin bằng chính đời sống của mình.

 

(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)