14/06/2021 09:39

Đại Chủng Viện Thánh Tâm Thái Bình tĩnh tâm đầu năm học 2020- 2021.

Sau thời gian nghỉ hè tất cả quý thầy và anh em tu sinh của Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình đã trở về Nhà Chung Giáo Phận để cùng tham dự kỳ tĩnh tâm đầu năm học 2020- 2021 từ ngày 4/9/2020 đến 6/9/2021.

Giáo phận Thái Bình

Sau thời gian nghỉ hè tất cả quý thầy và anh em tu sinh của Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình đã trở về Nhà Chung Giáo Phận để cùng tham dự kỳ tĩnh tâm đầu năm học 2020- 2021 từ ngày 4/9/2020 đến 6/9/2021. Đây là dịp để quý thầy nhìn lại những tháng ngày sống bên gia đình, giáo xứ…, những gì đã làm được và chưa làm được, các mối tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và bản thân để rồi qua đó nhận ra, quyết tâm, sửa đổi trong năm học mới này. Đồng hành, chia sẻ với quý thầy trong kỳ tĩnh tâm này là cha Giuse Nguyễn Văn Phương, OP. Chủ đề cha chia sẻ với quý thầy trong kỳ tĩnh tâm đầu năm này là: “Khởi động lại trong Đức Ki-tô” được gợi hứng từ thư Phi-lip-phê và Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Ki-tô”.

Buổi sáng 04/09/2020, trong bài chia sẻ đầu tiên cha Giuse đã chia sẻ với quý thầy về “tác động trong ngoài” của đời sống xã hội, tôn giáo và bản thân mỗi người. Trước hết, Cha đã cùng quý thầy nhìn lại những sự khác biệt về đời sống xã hội xưa và nay để nhận thấy sự bình đẳng về mọi khía cạnh trong đời sống hiện nay; sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội và văn minh trí tuệ qua đó nhận ra những lợi ích, cơ hội, điều kiện… mà xã hội hiện đại ngày nay đã, đang và sẽ mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên, cha cũng nêu nên những hệ lụy, những mặt trái, góc khuất đằng sau cuộc sống hiện đại này: những trào lưu sống ảo, lối sống lệch chuẩn, chủ nghĩa vô cảm…. Qua đây cha mời gọi quý thầy và anh em nên biết nhìn nhận, tiếp thu thông tin và xử lý thông tin dưới nhiều góc nhìn khác nhau để biết cân bằng trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ đến, cha Giuse chia sẻ với quý thầy về “sự trỗi dậy của tâm linh” trong cuộc sống ngày hôm nay. Cha đã nêu nên những sự khởi sắc về tâm linh ở nhiều tôn giáo dưới nhiều hình thức khác nhau, những lý do cho sự khởi sắc đó. Cha nhấn mạnh: “Sự khởi sắc về tâm linh hiện nay phải chăng là do con người đang cảm thất thất vọng về hiện đại hóa? hay sự đổ vỡ về một thiên đường nơi trần thế? có phải là do tây phương hóa, tiêu chuẩn hóa?”. Từ đó cha đặt ra các vẫn đề cho bản thân các tôn giáo và cho bản thân mỗi quý thầy, mỗi người cần phải làm gì để đồng hành với họ.

Cuối cùng, Cha Giuse đã nêu nên sự tác động trong ngoài nơi mỗi người trẻ. Cha chia sẻ với quý thầy về tính hai mặt của người trẻ trong xã hội ngày hôm nay: sáng tạo, cần cù, thông minh…nhưng cũng bất nhất, nản trí, thất vọng, buông xuôi…Theo cha tính hai mặt nơi người trẻ ngày nay có thể bị ảnh hưởng từ nền giáo dục nhiều bất cập, gian lận… Qua đây cha mời gọi mỗi người “Khi chúng ta hăm hở tiến tới tương lai thì đôi khi hãy nhìn lại phía sau” để biết cân bằng trong cuộc sống hàng ngày. Kết thúc bài chia sẻ đầu tiên cha mời gọi quý thầy trong giờ suy niệm hãy tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho bản thân: “Là người trẻ trong xã hội hiện nay ta nhận thấy những thay đổi nào đang tác động tích cực và tiêu cực trong đời sống tâm linh của mình?”.

Tiếp nối đề tài, trong Thánh Lễ khai mạc kỳ tĩnh tâm đầu năm, dựa vào trình thuật Tin Mừng (Lc 5, 33-39), cha giảng phòng đã chia sẻ với quý thầy quan niệm về việc ăn chay qua các thời đại và vùng văn hóa khác nhau. Nếu như ở Cựu ước việc ăn chay và sống đạo đức là một, thì theo cha Giuse đến thời Tân ước việc ăn chay không còn hệ tại ở hình thức, không còn mang sự buồn tẻ, tang tóc mà việc ăn chay hệ tại nơi tâm hồn, sự từ bỏ, tinh thần của người ăn chay. Qua hai hình ảnh “tân lang” và “rượu cũ, áo mới” cha mời gọi quý thầy: “Muốn theo Đức Ki-tô thì mỗi chúng ta cần phải có tinh thần mới trong việc thi hành đạo đức và tinh thần dứt khoát theo Người giữa những thách đố của đời sống ngày hôm nay.”

Sang buổi chiều, sau giờ kinh với đề tài: “Khởi động lại để tìm lại chính mình”. Trước tiên, cha gợi mở cho quý thầy về ý nghĩa và nền tảng cho sự khởi động lại, theo cha Giuse: đây là thời gian để mỗi người chúng ta ngẫm nghĩ lại quãng đường đã qua nhưng không phải là chúng ta quên đi những lỗi lầm, bất toàn…của mình mà là để ta biết rút ra bài học, kinh nghiệm…để cố gắng hơn trong bước đường tiếp theo. Tiếp đến, cha chia sẻ với quý thầy: muốn được như thế mỗi người chúng ta cần có cái nhìn đức tin và cái nhìn hy vọng nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá. Cha Giuse nhấn mạnh thập giá chính là tuyệt đỉnh của tái tạo, là trọng tâm của đức tin, hơn nữa thập giá giúp chúng ta đối chiếu các biến cố trong đời sống hàng ngày. Qua đây, cha mời gọi quý thầy: mỗi khi bị vấp ngã, bị thất bại trong cuộc sống chúng ta hãy nhìn lên thập giá Đức Ki-tô chịu đóng đinh, thì ta sẽ được biến đổi, được an ủi, sẻ chia để có thể bước tiếp con đường chúng ta đang đi. Cuối cùng, cha Giuse cũng đưa ra những khởi điểm cho sự khởi động lại, những mục đích của việc khởi động lại và những hiệu quả của sự khởi động lại. Để giúp quý thầy nhìn lại quãng đường đã qua được hiệu quả hơn trong giờ hổi tâm và chầu thánh thể buổi tối, cha Giuse đã gợi ý cho quý thầy: “Khi nhìn lại tiến trình trong đời dâng hiến với những điều tốt đẹp mà ta đã đạt được và những điều ta chưa đạt được, mỗi người chúng ta cần bắt đầu lại từ đâu và như thế nào?”

Buổi tối, quý thầy dành thời gian hồi tâm, cầu nguyện bên Chúa Giê-su Thánh Thể.

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Dom Ky