14/06/2021 09:30

Giáo xứ Trung Châu

I - VỊ TRÍ Trung Châu, còn gọi là Trung Chu, nay thuộc xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; cách Toà giám mục Thái Bình khoảng 80 km về phía Tây Bắc; cách Hà Nội khoảng 30 km về hướng Đông Nam; phía Đông Bắc giáp xứ An Vĩ; phía Bắc giáp xứ Hàm Tải; phía Nam giáp xứ Sài Quất và phía Tây giáp với Sông Hồng.

Năm thành lập: 1946
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi
Số giáo dân khoảng 439
Linh mục chính xứ : Vinh sơn Phạm Văn Tuyên
Địa chỉ: Nhà thờ Trung Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

II - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trung Châu đón nhận Tin Mừng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Ngày đó, Trung Châu thuộc xứ Ngọc Đồng, nhận lễ Sinh nhật Đức Mẹ làm quan thầy. Năm 1890, Trung Châu là một trong 12 họ lẻ của xứ Sài Quất.
Năm 1946, Đức cha Santos Ubierna Ninh - Giám mục Tông tòa Địa phận Thái Bình - đã nâng họ Trung Châu lên thành giáo xứ.
Thời Tự Đức cấm đạo, Trung Châu có nhiều nhân chứng đức tin, trong số đó có 5 vị đã được lưu danh trong sổ Tử đạo Rôma và đang chờ phong Chân Phước.
Các linh mục đã coi sóc giáo xứ: cha Hiếu, cha Thọ, cha Khuông, cha Oánh, cha Khuyến, cha Trực, cha Tôma Trần Công Tính, cha Giuse Nguyễn Văn Ban, cha Giuse Nguyễn Văn Kha và hiện nay là cha Vinh sơn Phạm Văn Tuyên.
Giáo xứ Trung Châu gồm có họ Nam Mẫu, họ Ninh Tập, họ Bắc Châu, họ Phương Đường. Ngoài ra, xứ Trung Châu còn có Giáo họ Ngọc Châu (hiện nay chỉ còn móng nhà thờ) và Giáo họ Phương Trù (không còn nhà thờ).
 
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy là một giáo xứ xa Tòa giám mục, giáo dân thưa thớt, nhưng tinh thần sống đạo của Trung Châu vẫn sốt sắng. Từ khi có cha xứ trực tiếp coi sóc, mọi sinh hoạt trong giáo xứ được thăng tiến. Để từng bước đi vào ổn định, nâng cao đời sống đức tin của giáo xứ, các hội đoàn, các ban ngành hăng say cộng tác với cha xứ chu toàn bổn phận, giúp giáo xứ lạc quan hướng tới tương lai.
 

Flycam Nhà thờ Trung Châu