14/06/2021 09:30

Giáo xứ An Vỹ

Giáo xứ An Vỹ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 80km về hướng Tây Bắc; phía Tây Nam giáp xứ Trung Châu; phía Đông Bắc giáp xứ Lực Điền.

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1927
Năm thành lập Giáo xứ : 1930
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2005
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
Số giáo dân : 855 (Toàn xứ), 350 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ An Vỹ, xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. 

 

I - VỊ TRÍ 

Giáo xứ An Vỹ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 80km về hướng Tây Bắc; phía Tây Nam giáp xứ Trung Châu; phía Đông Bắc giáp xứ Lực Điền.

 

II – HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Lược sử hình thành và phát triển 

Khoảng cuối thế kỷ XIX, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vãi vào mảnh đất An Vỹ và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận. 

Năm 1927, Giáo họ An Vỹ được thành lập, thuộc Giáo xứ Lực Điền, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng. 

Năm 1930, Đức cha Phêrô Munagorri Trung tách Giáo họ An Vỹ khỏi xứ Lực Điền và nâng lên hàng giáo xứ. 

Biến cố 1954, nhà thờ An Vỹ bị trưng dụng làm nhà kho, các giáo họ bị mai một (trước kia, An Vỹ có tới 17 giáo họ nhưng thời gian sau này chỉ còn lại 4 giáo họ). 

Năm 1990, khi về coi sóc Giáo xứ Sài Quất và quản nhiêm Giáo xứ An Vỹ, cha xứ Jos Nguyễn Văn Ban và Giáo họ bắt tay vào công việc tôn tạo nhà Chúa. 

Năm 2005, cha Jos Nguyễn Văn Ban cùng với Giáo họ hân hoan khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 45m, rộng 13m, cao 12m và một tháp chuông cao 35m và được cắt băng khánh thành ngày 30/8/2015, do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự. 

Các linh mục coi sóc Giáo xứ 

Cha Lê Quang Oánh; cha Mai Chí Thuật; cha Sâm; cha Phêrô Nguyễn Quang Hiến; cha Tôma Trần Công Tính; cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Giuse Nguyễn Văn Ban; cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh; cha Giuse Nguyễn Văn Hải hiện nay là cha quản nhiệm Giuse Nguyễn Duy Hùng (dòng Thừa sai Đức tin). 

Các giáo họ trực thuộc: Hoàng Trạch, Đức Nhuận, An Cảnh Hạ (14), An Cảnh Thượng. 

Các giáo họ không còn nhà thờ: Kim Bàn (1933), Phố Phủ (1925), Thống Quan (1925), An Thái (1948 - chỉ còn 3 gia đình), An Bình (1938), Tha Bình - Thọ Bình (1937), Bình Quý (1935), Dương Trạch (1943), Thái Thịnh (1925 - còn 4 gia đình), Đông Tảo (1943 - còn 3 gia đình), Đông Tảo Nam (1950), Thái Sơn (1945 - còn 5 giáo dân), ông Đình (1930 - có 14 gia đình Công giáo, tài sản hiện còn một cái ao), Yên Vĩnh (1947 - có 1 gia đình). 

 

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

Trước năm 1954, đời sống Đức tin của Giáo xứ An Vỹ rất sầm uất, mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, biến cố di cư 1954 đã đưa An Vỹ sang trang sử khác: nhà thờ bị trưng dụng, các giáo họ bị mai một, nhiều người đã rời xa Đức tin. 

Hiện nay, để duy trì và gìn giữ gia sản Đức tin của cha ông, cộng đoàn Giáo xứ An Vỹ đã thành lập các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, ban Giáo lý viên, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn. Các đoàn hội hoạt động rất sôi nổi, nhờ đó đời sống Đức tin của Giáo xứ ngày một thăng tiến mạnh mẽ. Trong các đoàn hội, ban Ca đoàn, Thiếu nhi là thành phần được chú ý hơn cả, các em không những chăm chỉ học hỏi giáo lý, mà còn dùng chính lời ca tiếng hát để phụng sự Thiên Chúa. Mỗi em là một nhân chứng Đức tin như chính các Thánh Tử đạo xưa, luôn biết làm chứng cho Chúa qua các hoạt động của mình. 

 

GIÁO HỌ HOÀNG TRẠCH 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ Chèm Vẽ : 1932
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1956
Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông Đồ (29/6) Số giáo dân : 245
Địa chỉ : Nhà thờ Hoàng Trạch,xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Cách nhà xứ khoảng 8km về hướng Bắc. 

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Theo truyền ngôn, cụ Vũ Văn Đản (khi ấy 12 tuổi) được một gia đình Công giáo tại Chèm Vẽ (Hà Nội ngày nay) nuôi dạy và hướng dẫn cụ theo đạo. Khi trưởng thành, cụ trở về quê hương và kêu gọi một số gia đình theo đạo. 

Năm 1932, số giáo hữu đã tăng lên 6 hộ gia đình (gia đình: ông bà Tẹo, ông bà Cộ, ông bà Cỏn, ông bà Thịnh và ông bà Giang) với 22 nhân khẩu. Sau đó, một số người đến đây để sinh sống và họ xin gia nhập đạo Chúa. Ban đầu, các tín hữu tập trung đọc kinh cầu nguyện tại tư gia. 

Năm 1932, Giáo họ Chèm Vẽ được thành lập, thuộc Giáo xứ Lực Điền, nhận thánh Phêrô làm bổn mạng (về sau, Chèm Vẽ được đổi tên thành Giáo họ Hoàng Trạch). 

Năm 1934 - 1939, Giáo họ dựng ngôi nhà nguyện bằng tường tranh, vách đất, lợp lá cọ với chiều dài 16m, rộng 4m. 

Năm 1939 - 1940, Giáo họ xây ngôi nhà thờ mới với chiều dài 19m, rộng 5m. 

Năm 1946, Giáo họ Hoàng Trạch được cắt về Giáo xứ An Vỹ. 

Năm 1947, Giáo họ làm ngôi nhà thờ trên nền móng cũ, khung bằng gỗ, vách đất, mái rạ. 

Năm 1953, ngôi nhà thờ bị trúng bom, chỉ còn duy nhất một pho tượng thánh quan thầy Phêrô.

Năm 1956, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ hiện nay trên nền móng cũ với khung gỗ, mái cọ. 

Năm 1996, Giáo họ xây dựng một tháp chuông cao 11m với 2 quả chuông nặng 156kg và 80kg.

 

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

Hoàng Trạch là giáo họ có số giáo dân đông nhất của Giáo xứ An Vỹ, vì thế Giáo họ có đầy đủ các đoàn hội: hội Gia Trưởng, hội Hiền mẫu, hội Têrêxa Hài Đồng, ban Lễ sinh, ban Ca. Các đoàn hội sinh hoạt rất đều đặn, sốt sáng và không ngừng vươn lên về mọi mặt. Người tín hữu Hoàng Trạch luôn ý thức sứ mệnh của mình đem Chúa đến cho người khác, xứng danh là giáo họ địa đầu về địa lý của Giáo phận. 

 

GIÁO HỌ ĐỨC NHUẬN 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1930
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1958
Bổn mạng : Thánh Đaminh (8/8)
Số giáo dân : 34
Địa chỉ : Nhà thờ Đức Nhuận, thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Bắc. 

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Hiện nay, không ai còn biết hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Đức Nhuận như thế nào. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XX, hạt giốngTin Mừng đã bén rễ, đâm chồi và nảy lộc, báo hiệu một cộng đoàn đức tin sẽ hiện diện. 

Năm 1930, Giáo họ Đức Nhuận được thành lập, thuộc Giáo xứ Lực Điền, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng. Các tín hữu dựng 5 gian nhà gỗ, mái lợp tranh, vách bằng tre lứa và bùn rơm để cầu nguyện. Số giáo dân bấy giờ có tất cả 20 hộ gia đình. 

Năm1946, GiáohọtáchkhỏixứLựcĐiền và chuyển về Giáo xứ An Vỹ. 

Biến cố 1954, nhiều giáo dân di cư vào Nam, Giáo họ chỉ còn 10 hộ ở lại. 

Năm 1958, ngôi nhà thờ mới được xây bằng gạch và mái lợp ngói. 

Năm 1966, do chiến tranh, ngôi nhà thờ bị sập 3 gian mái. 

Năm1990, chaGiuseNguyễnVănBanvà Giáo họ tu sửa lại 3 gian mái bị hư hỏng. 

Năm 2004, với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, ngôi nhà thờ được trùng tu trên nền móng cũ với chiều dài 13m, rộng 6m, cao 4.5m. 

Hiện nay, một số giáo dân thuộc các giáo họ lân cận không còn nhà thờ sáp nhập vào Giáo họ Đức Nhuận để cùng nhau sinh hoạt, nâng tổng số giáo dân trong họ là 34.

 

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

Ngày nay, chủ nghĩa thực dụng và trào lưu hưởng thụ làm cho việc sống Đức tin của người giáo dân gặp muôn vàn khó khăn. Đối với Giáo họ Đức Nhuận khó khăn ấy lại tăng lên gấp bội, vì đây là một giáo họ nhỏ bé, nằm giữa những anh em lương dân. Tuy nhiên, với lòng tin và tình mến, người tín hữu Đức Nhuận vẫn kiên trì một lòng gắn bó với Chúa, sống hiệp thông huynh đệ với nhau, sẵn sàng minh chứng cho Chúa Kitô nơi môi trường xung quanh. 

 

GIÁO HỌ AN CẢNH THƯỢNG 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1950
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1952
Bổn mạng : Phêrô Nguyễn Bá Tuần
Số giáo dân : 35
Địa chỉ : Nhà thờ An Cảnh Thượng, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây. 

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Mảnh đất An Cảnh được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Hạt giống tốt đã bén rễ sâu, nảy mầm và đơm hoa kết trái. Ban đầu, mọi sinh hoạt động tôn giáo đều nhờ vào nhà giáo dân. 

Năm 1950, Giáo họ An Cảnh được thành lập, nhận thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần tử đạo làm bổn mạng. 

Năm 1952, Giáo họ dựng được 6 gian nhà mái tranh, cột gỗ, tường trát vách để làm nơi cầu nguyện sớm tối. 

Biến cố lịch sử 1954, Giáo họ bị tan vỡ, chỉ còn lại 2 gia đình ở lại. Trong thời gian này, Các tín hữu phải sống trong âm thầm lặng lẽ, thánh lễ không có, đời sống đức tin được nuôi dưỡng bằng các buổi cầu nguyện. Mọi sinh hoạt tôn giáo đều phải về nhà thờ Giáo xứ Ngọc Đồng. 

Năm 1990, cha Giuse Nguyễn Văn Ban được Bề trên bổ nhiệm về coi xứ Sài Quất và quản nhiệm xứ An Vỹ. Cha xứ cùng bà con giáo dân xây dựng, sửa chữa trên nền nhà thờ cũ với chất liệu bằng gạch và lợp ngói. 

 

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

Gợi nhắc về hành trình khó khăn mà người tín hữu An Cảnh Thượng đã và đang gặp phải để gìn giữ hạt giống Tin Mừng, mọi người trong và ngoài Giáo họ đều minh định một điều: “Trong bất cứ trạng huống nào, bàn tay Thiên Chúa luôn thực thi sự quan phòng che chở”. Trên con đường hướng về tương lai, mọi người trong Giáo họ không ngừng hoàn thiện bản thân để làm nhân chứng cho Chúa giữa lòng đời. 

 

GIÁO HỌ AN CẢNH HẠ 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1950
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2013
Bổn mạng : Phanxicô Xaviê (03/12)
Giáo dân : 154
Địa chỉ : Nhà thờ An Cảnh Hạ, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây. 

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Theo truyền khẩu, khoảng đầu thế kỷ XX, ánh sáng Đức tin đã đến với mảnh đất An Cảnh và người dân nơi đây đã mau mắn tiếp nhận. 

Năm 1950, Giáo họ An Cảnh (bao gồm An Cảnh Thượng và An Cảnh Hạ) được thành lập. 

Năm 1952, Giáo họ dựng được 6 gian nhà mái tranh, cột gỗ, tường trát vách. Vì nhà thờ Giáo họ cách xa 2km, người tín hữu ở xóm 14 dựng một nhà nguyện để tiện việc cầu nguyện. Từ đây, Giáo họ An Cảnh Hạ dần được hình thành và nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng. 

Biến cố lịch sử 1954, Giáo họ An Cảnh Hạ chỉ còn 6 hộ gia đình ở lại. Từ đây, mọi sinh hoạt tôn giáo đều về nhà thờ Giáo xứ Ngọc Đồng. 

Năm 1990, cha Giuse Nguyễn Văn Ban cùng Giáo họ xây dựng, sửa chữa trên nền nhà thờ cũ với chất liệu bằng gạch, mái ngói. 

Ngày 4/11/2013, cha xứ và Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới để cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của các tín hữu và sẽ hoàn thành trong thời gian tới.


 

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

An Cảnh Hạ là một giáo họ không lớn so với các giáo họ khác trong Giáo phận. Tuy nhiên, Giáo họ đã thành lập được các hội đoàn: Hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, huynh đoàn Đaminh, ban Ca và ban Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh thể. Các thành viên trong hội đoàn sống Đức tin, chia sẻ nâng đỡ nhau trong cuộc sống, đoàn kết một lòng chung tay xây dựng Giáo họ, Giáo xứ. 

 

GIÁO HỌ ÔNG ĐÌNH 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1927
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : Không còn nhà thờ
Bổn mạng : Thánh Đaminh (08/8)
Số giáo dân : 35
Địa chỉ : Giáo họ Ông Đình, xã Ông Đình,
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 800m về hướng Bắc. 

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Mảnh đất Ông Đình được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng đầu thế kỷ XX. 

Năm 1927, Giáo họ được thành lập, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng với 120 nhân danh. Ban đầu, các tín hữu đã cống hiến đất dựng một nhà nguyện nhỏ làm nơi họp nhau cầu nguyện. Sau đó, Giáo họ đã xây một ngôi nhà thờ 7 gian. 

Năm 1949 -1950, do cuộc chiến tranh, nhà thờ bị đốt, chỉ còn trơ lại 4 bức tường. Giáo họ tu sửa lại làm nơi thờ phượng, cầu nguyện sớm tối. 

Năm 1954, giáo dân di cư gần hết, chỉ còn lại cụ trùm Riệu coi sóc nhà thờ. Nhà thờ được trưng dụng làm trường học. Đồ thánh được cụ trùm rước về nhà riêng. 

Năm cải cách giảm tô cụ Vũ Huy Diệu làm trùm trưởng và bị bắt, giáo dân sao nhãng về đời sống đức tin, nhiều người đã bỏ đạo. Lúc này, Giáo họ còn lại một số ít cùng thầy Chi bám trụ. 

Chiến tranh chấm dứt, lợi dụng giáo dân sao nhãng, chính quyền xã dỡ gạch nhà thờ về xây trường học, gỗ, tre nhà thờ được họ làm cầu và xây nhà kho. Ruộng đất nhà thờ, họ chia cho dân ở. 

Hiện nay, tài sản của Giáo họ chỉ còn 2880m2 ruộng, một cái ao với diện tích 650m2 và một ngôi mộ của Thầy Chi được an táng ngay tại khu đất nhà thờ mà xã đã chia cho dân ở.


 

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

Mặc dầu nhà thờ không còn, bà con giáo dân Giáo họ Ông Đình vẫn sốt sáng đọc kinh cầu nguyện với nhau tại các gia đình. Vào các ngày Chúa Nhật, bà con Giáo họ lại kéo nhau về họ nhà xứ tham dự thánh lễ. Trước bao khó khăn thử thách, Giáo họ Ông Đình đang cần rất nhiều lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo phận. Hiện nay, mọi sinh hoạt của Giáo họ do 2 bà đảm trách. Các tín hữu âm thầm cầu nguyện và nâng đỡ nhau, khi vui cũng như lúc buồn.

 

(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

 

FlyCam Giáo xứ An Vỹ