I - VỊ TRÍ
Giáo xứ Hưng Yên tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hưng Yên, cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 50 km về hướng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 55 km về hướng Đông Nam.
Năm thành lập: 1918
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi
Số giáo dân khoảng 428
Linh mục chính xứ: Đaminh Bùi Ngọc Hải
Địa chỉ: nhà thơ Hưng Yên, 76 Bãi Sậy, Minh Khai, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Điện thoại: 03213862663
II - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Nói đến Hưng Yên, chúng ta nhớ đến Phố Hiến. Tên gọi Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, nơi đây mới là một thương cảng nổi tiếng, nằm trải dài dọc theo tả ngạn Sông Hồng. Phố Hiến là một trong những thủ phủ quan trọng của trấn Sơn Nam, bao gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên. Chính vì thế, Phố Hiến không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là điểm quy tụ các nền văn hoá và tâm linh. Ngày nay, dấu chứng ấy vẫn còn thể hiện qua các công trình kiến trúc như Nhà thờ, Chùa, Đền, Miếu... Nhà Thờ Hưng Yên (Phố Hiến) vẫn giữ được dáng dấp và đường nét hoa văn của người Bồ Đào Nha.
Hưng Yên đón nhận Tin Mừng ngay từ thời Phố Hiến còn thịnh vượng. Khoảng giữa thế kỷ XVII, các Thừa sai theo tàu buôn của người Bồ Đào Nha cập bến Phốâ Hiến để vào miền Bắc nước ta. Các ngài đã thiết lập một nơi để đón tiếp và hướng dẫn các thừa sai đến sau (nơi đó là họ Nam Hoà thuộc xứ Tiên Chu, tiền thân của xứ Hưng Yên bây giờ).
Sau thời Văn Thân, khi đạo Chúa được tự do hoạt động, Giáo họ Nam Hòa được đổi thành Giáo họ Hưng Yên (1898) cho đúng với vị trí quan trọng của một họ đạo tỉnh lị. Lúc ấy họ giáo khá sầm uất, và thường có các linh mục lui tới. Sử ký địa phận Trung (1916) viết về xứ Tiên Chu: “Đấng nào coi sóc xứ này thì hay ở họ tỉnh cho được giúp bổn đạo mà lo việc quan, song họ Tiên Chu thì làm đầu xứ”.
Sau năm 1918, Đức Cha Phêrô Munagorri Trung – Giám mục Giáo phận Trung - đã ban sắc nâng họ Hưng yên lên giáo xứ. Khi trở thành giáo xứ, Hưng Yên đã nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Quan Thầy. Hiện nay, Hưng Yên có 5 họ lẻ: An Tảo, An Lợi, Đaminh, Hoàng Xá và Cao Phụ.
Trong thời kỳ cấm đạo, vì là tỉnh lỵ nên Hưng Yên có nhiều tín hữu bị giam cầm. Làng Bái Trang (gần tỉnh) đã trở thành pháp trường xử nhiều người bị bắt vì đạo. Giáo xứ Hưng Yên ngày nay là quê hương của thánh Tôma Ngô Túc Khuông và thánh Giuse Phạm Văn Túc ở họ Hoàng Xá (thời các ngài tử đạo thì thánh Ngô Túc Khuông thuộc xứ Tiên Chu, và thánh Phạm Văn Túc thuộc xứ Ngọc Đồng). Hưng Yên còn có 12 vị Hiền phúc tử đạo khác nữa, trong đó có một vị thuộc hàng nữ lưu can đảm.
Các cha coi sóc giáo xứ từ ngày thành lập đến nay: cha Cương, cha Khiêm, cha Thịnh, cha Sự, cha Tôma Nguyễn Tình, cha Tôma Trần Công Tính, cha Vinh sơn Phạm Văn Tuyên và hiện nay là cha Đaminh Bùi Ngọc Hải.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hưng Yên là một giáo xứ nằm ngay giữa lòng đô thị phồn hoa, nên việc sống đạo gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc tổ chức các hội đoàn như: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Ca đoàn, Sinh viên, Giới trẻ... các cha xứ luôn lo lắng cho đời sống đức tin của giáo dân nơi đây. Các ngài đã cố gắng tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, quy tụ mọi người về nhà thờ giúp họ sống đức tin Kitô giáo ngày càng kiên vững hơn.
Ngoài việc chăm sóc đức tin cho người tín hữu, cha xứ đương nhiệm còn mở nhà máy nước nhằm phục vụ nước sạch cho mọi người. Vì vậy, giáo dân xứ Hưng Yên cũng vinh dự được cộng tác với cha xứ để phục vụ cộng đồng. Tinh thần đó có tính truyền giáo rất thiết thực.