14/06/2021 09:30

Giáo xứ Đồng Quan

Giáo xứ Đồng Quan: cách Toà Giám Mục khoảng 7km về phía Đông Nam; phía Tây Bắc giáp với làng Đồng Sách. Con sông Hoàng Giang chia cắt 2 cánh đồng của làng Đồng Quan với làng Luật Trung và làng Luật Nội.

Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVIII
Năm nâng lên hàng Giáo xứ : 1911
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997

Bổn mạng : Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/08)
Số giáo dân : 1.304 (toàn xứ); 425 (họ Nhà Xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Quan, thôn Đồng Tâm, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

I - VỊ TRÍ

Giáo xứ Đồng Quan: cách Toà Giám Mục khoảng 7km về phía Đông Nam; phía Tây Bắc giáp với làng Đồng Sách. Con sông Hoàng Giang chia cắt 2 cánh đồng của làng Đồng Quan với làng Luật Trung và làng Luật Nội.

II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Năm 1745, thời vua Cảnh Hưng, giáo dân Cổ Việt có liên đới dòng tộc với dân Đồng Quan. Hai ông Tuần Lương và Huyện Kiêm – anh em ruột - có thông gia với ông Lê Cảnh Thức ở xứ Cổ Việt, nhờ đó các ông đã được đón nhận đức tin. Ông Trần Văn Kiêm có bằng Đồng Sĩ Phủ, làm nghị viện Bắc Kỳ, nên có cơ hội chuyển chi họ mình về mảnh đất mới là Đồng Quan để sinh sống.

Không biết họ Đồng Quan được thành lập năm nào, nhưng ngôi nhà thờ đầu tiên được tiền nhân xây vào năm 1752. Khi Giáo xứ Cổ Việt được thành lập (1793), Giáo họ Đồng Quan thường xuyên được đón cha về dâng lễ. Tới năm 1888, Giáo xứ Thân Thượng được thành lập, họ Đồng Quan được cắt về giáo xứ mới này.

Năm 1889, số giáo dân ngày một đông nên nhà thờ được xây dựng lại.

Năm 1911, Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã tách họ Đồng Quan và một số giáo họ khác để nâng lên hàng giáo xứ.

Mặc dù nhà thờ được trùng tu hai lần vào năm 1954 và 1989, nhưng qua dòng thời gian, ngôi nhà thờ chẳng những đã xuống cấp mà lại còn rất chật hẹp. Năm 1997, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã cho phép xây dựng nhà thờ mới rộng rãi và bề thế hơn, được cắt băng khánh thành ngày 21/11/2000.

Năm 2003, cộng đoàn nơi đây khởi công xây dựng ngôi nhà xứ mới, rộng 350m2. Năm 2011, Giáo xứ xây dựng và hoàn thiện 4 đài xung quanh nhà thờ, bao gồm: đài thánh Giuse, đài thánh Đaminh, đài thánh Vinhsơn và đài Đức Mẹ La Vang.
Biến cố đáng ghi nhớ đánh dấu sự hồi sinh 
của Giáo xứ, đó là sau 50 năm không có cha sở thì ngày 04/01/2006, cha Gioan B. Nguyễn Sơn Hải đã được Bề Trên cử về trực tiếp coi sóc nơi đây.

Ngày 24/4/2012, cộng đoàn vui mừng tổ chức đại lễ tạ ơn Chúa nhân dịp 100 năm thành lập Giáo xứ.

Năm 2014, để thuận tiện hơn trong việc mục vụ, Giáo họ Luật Nội được chuyển từ xứ Đồng Quan về xứ Truyền Tin.

Ơn gọi trong Giáo xứ: Đồng Quan vinh dự là quê hương của cha bề trên Đaminh Trần Đình Thủ (1906 - 2007, Thủ Đức, Sài Gòn), người đã sáng lập và chèo lái con thuyền Đồng Công vượt qua vô vàn sóng gió, nhất là từ sau năm 1975, để theo Chúa Kitô trên con đường Thập Giá. Ngoài ra còn có cha Gioan Phạm Quang Tự (+, Xuân Lộc), thầy phó tế Giuse Phạm Quang Hào (+ 1980), thầy phó tế Giuse Phạm Ngọc Tính (+), thầy phó tế Giuse Trần Ngọc Chinh (+), cha Đaminh Trần Mạnh Nam, SDB (Đức), Cha Giuse Trần Cao Thăng (Gx. Bắc Dũng, Sài Gòn), Cha Giuse Nguyễn Đức Văn (Phan Thiết), và 05 tu sĩ.

Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha Giuse Toàn, Đaminh Thức (1925), Đaminh Phạm Hữu Quang, cha Gioan B. Trần Du Đồng, cha Đaminh Mưu, cha Giuse Phạm Kim Bảng, cha Micae Tung, cha Vinhsơn Thái, cha Đaminh An, cha Đaminh Đỉnh (1955), cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1973-1977), cha Giuse Nguyễn Quang Phục (1977-1991), cha Tôma Aq. Trần Trung Hà (1991-1994), cha Giuse Nguyễn Thành Hiến (1994-1996), cha Phanxicô Ass. Nguyễn Tiến Tám (1996-2006), cha Gioan B. Nguyễn Sơn Hải (2006-2010), cha Giuse Đinh Xuân Ngọc (2010-2014), và hiện nay là cha Đaminh Trương Văn Thụy (9/2014 - nay).

Các Giáo họ trực thuộc: họ Kính Danh, Kinh Nhuế, Phụng Thượng và Việt Hưng.

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Giáo xứ với nề nếp sẵn có, lại được cha xứ trẻ trung đầy nhiệt huyết, nên mọi sinh hoạt mục vụ, cũng như sinh hoạt các hội đoàn rất phong phú và sinh nhiều ích lợi. Để tiếp tục ổn định, phát triển và nâng cao đời sống đức tin của giáo dân, cha xứ mời gọi sự cộng tác nhiệt thành của các đoàn thể. Cha xứ cũng như Giáo xứ chú trọng đến mục vụ giới trẻ qua việc thành lập xứ đoàn Giuse Nguyễn Văn Túc, mở các buổi sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa. Công việc này đã và đang đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

 

 

 

GIÁO HỌ KÍNH DANH

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập giáo họ : 1800
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1999
Bổn mạng : Chúa Kitô Vua (CN 34 TN)

Số giáo dân : 425
Địa chỉ : Nhà thờ Kính Danh, thôn Luật Trung, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cách nhà xứ khoảng 1km về hướng Đông Đông Nam.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Cuối thế kỷ XVIII, khu vực thôn Luật Trung chỉ là một trại nhỏ giữa cánh đồng (trại Đồng Trẽ), gồm những người giáo dân của dòng họ Trần, Nguyễn, Mai, Phạm, Đặng, Bùi, Hà, Đinh đến đây làm ăn sinh sống, và cũng là để ẩn nấp qua những cơn bách hại Đạo. Nhờ ơn Chúa, cộng đoàn nhỏ bé sơ khai này mỗi ngày một phát triển; và để có nơi cầu nguyện chung, mọi người đã hợp lực xây dựng một nhà nguyện đơn sơ ở giữa trại (nay là “ao họ” ở giữa làng).

Dần dần, do số giáo dân mỗi ngày một gia tăng và việc đi lại cũng trở ngại - bà con phía ngoài làng phải đi qua một chiếc cầu tre. Do vậy, các cụ đã quyết định hạ nhà thờ cũ để xây dựng 2 nhà thờ mới, một ở đầu làng - nay là họ Kính Danh và một cuối làng - nay là xứ Truyền Tin.

Nhà thờ Luật Trung (ở đầu làng) được dựng bằng gỗ lim chạm trổ công phu, hoa văn sắc sảo, theo thiết kế văn hóa Á Đông, gồm Nhà Thờ, Nhà Vuông và Quán Cư, do ông Cố Độ, ông Cụ Lễ, ông Cụ Trầm, và con cháu các cụ là những quan chức có thế giá thời đó hiến đất và dâng cúng để dựng xây cho cộng đoàn một nơi thờ tự xứng đáng. Nhà thờ được hoàn thành năm 1822, lấy tên là Kính Danh và nhận lễ Kính Danh Chúa làm quan thầy. Tới đầu thế kỷ XX, Giáo họ có tới 478 nhân danh.

Năm 1999, Giáo họ khởi công xây dựng nhà thờ mới (dài 50m, rộng 15m, tháp cao 37m), và hoàn thành 2003. Sau đó, họ giáo còn xây nhà giáo lý 2 tầng.

Các chứng nhân tử đạo: cụ trùm Giuse Phăng và cụ trùm Giuse Phác (hiện được an táng trong lòng nhà thờ), thầy Chánh Bát (đã từng du học Roma, hiện được an táng tại Nhà Vuông).

Ơn gọi trong Giáo họ: cha Micae M. Phạm Văn Tuân, CMC (Gx. Văn Lăng), và 01 nữ tu.

II – TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Từ thời còn là trại Đồng Trẽ cho tới nay, bà con giáo dân luôn giữ được nếp sống đạo: viếng Thánh Thể, đọc kinh chung, đọc kinh gia đình, chia sẻ Lời. 

Đời sống kinh tế nơi đây tương đối ổn định, cuộc sống an bình, hòa hợp lương-giáo. Có thể nói, những người giáo dân đang làm Danh Chúa được rạng rỡ trên chính quê hương mình.

 

 

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1923 

Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2004
Bổn mạng : Thánh Phaolô trở lại (25/01) & thánh Antôn Pađôva (13/6).

Số giáo dân : 125
Địa chỉ : Nhà thờ Kinh Nhuế, thôn Đoài, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. cách nhà xứ 700m về hướng Đông Nam.

I – HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Năm 1920, có 3 gia đình nơi đây được Rửa tội, và nhận thánh Phaolô Trở Lại làm bổn mạng. Sau đó, năm 1923, các gia đình dựng một ngôi nhà nguyện lợp rạ, gọi là nhà Giáo Tụ Lý Kế thuộc xứ Đồng Quan.

Năm 1938, nhà thờ bị đốt cháy, nhưng cùng năm đó lại có 4 gia đình xin theo đạo.

Được sự quan tâm của thầy Bốn Thư, cộng đoàn Giáo họ đã dựng được ngôi nhà thờ lợp ngói 5 gian trong - sau 3 năm 9 tháng 24 ngày thì hoàn thành. Từ đây, Giáo họ đổi tên thành Kinh Nhuế.

Những năm sau đó, do chiến tranh nên nhà thờ bị trúng bom, một số gia đình đi vào Nam chỉ còn lại 3 gia đình.

Năm 1960, thêm 1 gia đình trở lại Đạo.

Cùng năm đó, Giáo họ Cánh Sẻ mất nhà thờ, 5 gia đình đã xin sát nhập vào Giáo họ Kinh Nhuế.

Ơn Chúa thương, đầu năm 2004, gia đình cụ tổ Phaolô Lương Đức Thiện (Hoa Kỳ) đã về thăm quê hương và giúp đỡ xây dựng ngôi nhà thờ mới với tổng diện tích 650m2. Ngày 05/4/2005, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang về cắt băng khánh thành ngôi tân thánh đường trong sự hân hoan vui mừng của bà con giáo hữu.

Nhân dịp đón xuân 2014, Đức cha Phêrô cũng đã về Kinh Nhuế để thăm mục vụ, dâng Thánh Lễ và chúc tết bà con nơi đây.

II -TỔCHỨCVÀHOẠTĐỘNG

Sau bao năm ước mong, Giáo họ đã được ổn định và bắt đầu xây dựng lại nếp sống đạo với các hội đoàn như ban Ca đoàn, hội con Đức Mẹ, hội Gia trưởng... Trang sử mới đã được mở ra và giáo họ đang nỗ lực để cùng hòa nhịp với các sinh hoạt của Giáo xứ, Giáo phận.

 

 

GIÁO HỌ PHỤNG THƯỢNG

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1802
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2003
Bổn mạng : Sinh Nhật Đức Mẹ (08/9)

Số giáo dân : 23
Địa chỉ : Nhà thờ Phụng Thượng, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách họ Nhà Xứ 1km về hướng Tây Bắc.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Giáo họ Phụng Thượng được đón nhận Tin Mừng từ cuối thế kỷ thứ XVIII. Tới năm 1802, Giáo họ chính thức được thành lập, và nhận Sinh Nhật Đức Mẹ làm bổn mạng.

Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1836. Sau 70 năm, nhà thờ được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1906 với 7 gian khung cột gỗ lim, diện tích 200m2.

Năm 1916, Giáo họ có tới 278 nhân danh. Nhưng sau biến cố di dân năm 1954, số người ở lại chỉ còn 2 hộ với 7 nhân danh.

Cơn bão năm 1986 phá đổ hoàn toàn ngôi nhà thờ, sau đó giáo dân đã sửa chữa và dựng lại ngôi nhà thờ với 3 gian, diện tích 100m2.

Năm 1992, thời cha xứ Tôma Trần Trung Hà, Giáo họ Phụng Thượng được tái lập, thuộc giáo xứ Đồng Quan.

Năm 2003, cha xứ Phanxicô Assisi Nguyễn Tiến Tám và Giáo họ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với 7 gian, tháp cao 25m bằng bê- tông cốt sắt.

Năm 2006, cha xứ Gioan B. Nguyễn Sơn Hải tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện nhà thờ và các công trình phụ trợ xung quanh thánh đường. Ngày 08.9.2011, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã về thăm mục vụ và cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ, trong sự mong chờ và vui mừng của cộng đoàn nhỏ bé nơi đây.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Vì Giáo họ quá ít người nên chỉ có ông trùm phụ trách chung. Các sinh hoạt đoàn hội đều tham gia chung với họ Nhà Xứ.

 

GIÁO HỌ VIỆT HƯNG

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1937
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000
Bổn mạng : thánh Vinhsơn (05/4)

Số giáo dân : 43
Địa chỉ : Nhà thờ Việt Hưng, thôn Đề Thái, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 1km về hướng Đông Nam.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Qua các vị thừa sai, các bậc tiền bối của Giáo họ đã được đón nhận hồng ân Đức Tin. Năm 1937, Giáo họ được thành lập, lấy tên là Bặt Trung với 5 hội gia đình (25 tín hữu), nhưng chưa có nhà thờ.

Quan tâm tới đoàn chiên nhỏ bé, cha Chính An (đang coi xứ Bặt - Thân Thượng) đã lo liệu cả phần hồn phần xác cho giáo dân. Ngài sai thầy Vinhsơn Kim, Giuse Soạn và thầy Giuse Luận thường xuyên về coi sóc dạy kinh bổn và hướng dẫn giáo dân cách sống đạo.

Năm 1940, bà con giáo dân đã xây dựng được ngôi nhà thờ 5 gian bằng tre lợp lá.

Năm 1950, giáo họ có 9 hộ gia đình với 26 tín hữu, nhưng vì chiến tranh một số giáo dân bị chết, còn một số thì di tản đi khắp nơi. Tới năm 1954, Giáo họ chỉ còn 3 hộ gia đình với 11 tín hữu.

Năm 1960, được sự quan tâm của Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ, giáo họ dần đi vào ổn định. Năm 1991, thời cha xứ Tôma Trần Trung Hà, Giáo họ được đổi tên thành Việt Hưng và được nhập về xứ Đồng Quan. Đồng thời, cha cũng liên kết các hội đoàn của Giáo họ với họ Kinh Nhuế. Năm 1994, Nhà nước và một số hộ gia đình xung quanh nhà thờ trả lại đất cho Giáo họ. Vì thế, năm 2000, cha Phanxicô Ass. Nguyễn Tiến Tám cùng giáo dân tổ chức xây dựng ngôi nhà thờ, dài 17,5m, rộng7m, cao5,5m, tháp cao 17m và mái lợp bằng ngói mũi. Công trình khởi công ngày 23/09/2000 và khánh thành vào ngày 03/10/2001.  Ngày 21/3/2013, Đức cha Phêrô cùng với quý cha, quý thầy và đoàn tông đồ truyền giáo đến với Giáo họ Việt Hưng trong hành trình mục vụ Mùa Chay.

II -TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Là một giáo họ nhỏ bé, nhưng Việt Hưng vẫn thành lập được các đoàn hội như: Huynh đoàn Đaminh, ban Ca, hội Con Đức Mẹ. Cộng đoàn nơi đây tích cực hoạt động và cộng tác với cha xứ và giáo xứ phục vụ mọi người trong tinh thần hiệp thông, đoàn kết giúp đỡ nhau.

 

(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)