14/06/2021 09:30

Giáo xứ Cao Mại

Giáo xứ Cao Mại: cách Tòa Giám Mục 25km về hướng Đông Nam; phía Đông Bắc giáp xứ Nam Thái; phía Tây Nam giáp xứ Hữu Tiệm. Trước đây Cao Mại là Tổng lỵ của tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

GIÁO XỨ CAO MẠI

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo xứ : 1706
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1991
Năm cung hiến: 28/12/2006

Tước hiệu : Thánh Phanxicô Xaviê
Đón nhận Sắc phong Đền Thánh : 27/6/2014

Tước hiệu : Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Bổn mạng : Thánh Phanxicô Xaviê (03/12)
Số giáo dân : 2.778 (toàn xứ); 2.407 (họ Nhà Xứ)
Địa chỉ: Nhà thờ Cao Mại, thôn Đông Nghĩa, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

 

I - VỊ TRÍ

Giáo xứ Cao Mại: cách Tòa Giám Mục 25km về hướng Đông Nam; phía Đông Bắc giáp xứ Nam Thái; phía Tây Nam giáp xứ Hữu Tiệm. Trước đây Cao Mại là Tổng lỵ của tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo truyền ngôn, khoảng thế kỷ XI, Cao Mại là cồn cát Biển Đông, có tên là Cao Mại và được chia làm 3 thôn: Cao Mại Thượng, Cao Mại Hạ và Cao Đường. Sau một thời gian, Ban Hương Thôn cũng đệ trình lên Tổng Tri Phủ Bắc Kỳ, tách thôn Cao Mại Thượng làm hai là Cao Mại Nhân và Cao Mại Nghĩa Giáp.

Khoảng cuối thế kỷ XVII, các thừa sai Dòng Tên cùng 6 thầy trợ sĩ đến đây rao giảng Tin Mừng và thành lập một họ giáo tên là Cao Mại Nghĩa Giáp. Quãng năm 1664, các thầy đã cùng với cha Chất xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Năm 1706, Đức cha Raymundo Lezolin Cao - Giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài - nâng họ giáo Cao Mại Nghĩa Giáp lên thành giáo xứ và nhận thánh Phanxicô Xaviê và thánh Anna làm quan thầy.

Theo sử ký Địa phận Trung, xứ Cao Mại được

cha Trực và cha Ân dòng Tên coi sóc. Khi các cha Dòng Tên rút về, Giáo xứ Cao Mại sát nhập vào xứ Bác Trạch, do cha Lý dòng Đaminh coi sóc. Khoảng đầu thế kỷ XX, Đức cha Phêrô Munagorri Trung tách Cao Mại và các họ khác thành một xứ độc lập.

Năm 1911, dưới thời cha Lương, Giáo xứ có 964 nhân danh và đã xây dựng được ngôi nhà thờ bằng gỗ lim, mái ngói, chạm trổ hoa văn, sơn son thếp vàng, với diện tích 576m2. Năm 1950, trong một biến cố đau thương, ngôi nhà thờ cổ kính ấy đã bị đốt cháy cùng với một số giáo dân đang ẩn núp trong đó. Biến cố lịch sử này để lại bao xót xa và tổn thất cho giáo xứ.

Sau đó, ngôi Nhà Chung 2 tầng được sử dụng tạm thời cho việc nguyện kinh,dâng lễ.

Ngày 15/3/1977, Đức cha Giáo phận cho phép tháo dỡ nhà Hội quán (phía Nam nhà thờ), đền thánh Vinhsơn và nhà thờ Phú Cốc (họ Phú Cốc di cư hết) ghép thành ngôi nhà thờ nhỏ.

Ngày 30/7/1991, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang dâng thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi nhà thờ với chiều dài 75m, rộng 24m, cao 14m. Ngày 21/4/1992, ngôi thánh đường nguy nga, kiến trúc mái vòm theo kiểu Ấn Độ đã hoàn thành.Những công trình khác cũng được hoàn thiện dần như: Nhà Chung (1998), nhà Giáo lý (2005)...

Ngày 27/6/2014, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ ban Sắc phong Giáo xứ Cao Mại lên Đền thánh kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Các chứng nhân tử đạo:

Thời vua Tự Đức cấm đạo, Cao Mại có 9 vị anh hùng tử đạo, đã có hồ sơ làm án phong Chân phước. Đó là các Hiền Phúc : Phanxicô Kiên (tử đạo năm 1856, số 598), Phanxicô Thỏa (tử đạo năm 1856, số 599), Phêrô Thảnh (tử đạo năm 1862, số 600), Phêrô Cân (tử đạo năm 1862, số 601), Phêrô Sang (tử đạo năm 1862, số 602), Đaminh Nẫm (tử đạo năm 1862, số 603), Đaminh Nhâm (tử đạo năm 1862, số 604), và Phanxicô Ngữ (tử đạo năm 1862, số 605).

Ơn gọi trong Giáo xứ: cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Học (+2008), cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuấn (Hoa Kỳ), cha Phanxicô Trần Văn Quảng (Hoa Kỳ), 04 chủng sinh và 12 tu sĩ.

Các linh mục coi sóc: cha Trực, cha Ân, cha Lý, cha Gia (1770), cha An (1855 - 1858), cha Báu (1858), cha Quản, cha Huỳnh, cha Tuấn, cha Án (1860 - 1864), cha Trác, cha Thuận, cha tràng Huấn, cha Tưởng, cha Khanh (1885), cha Phủ, cha chính Ninh, cha tràng Thái, cha Lương (1903), cha Quang, cha Vọng, cha Bình, cha Hòa, cha Tràng Tín (1916), cha Thành (1913 - 1930), cha Thiệp (1933), cha Luật (1948- 1950), cha Tước (1951),chaKhuông(1952-1953), chaTú(1957), cha Gioan B. Trần Du Đồng (1960 - 1970), cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1975 - 1977) cha Gioan Gioakim Trần Trọng Uyên (1980 - 1983), cha Giuse Nguyễn Quang Phục (1983 - 1989), cha Tôma Aq. Trần Trung Hà (1989- 06/ 3/ 1994), cha Giuse Nguyễn Thành Hiến (08/3/1994 - 2002), cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (2002 - 2014), và hiện nay là Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh (9/2014 - nay).

Các giáo họ trực thuộc: họ Thanh Nê và Cao Đường. Trước kia, Cao Mại còn có Giáo họ Tân Cơ, Khả Lễ và Phú Cốc, nhưng giáo dân đã di cư hết vào miền Nam.

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Giáo Xứ Đền Thánh Tâm được chia làm 2 giáo khu: khu Đông và khu Tây. Phục vụ tại giáo xứ có cộng đoàn Mến Thánh Giá Tân Lập, từ năm 2003 đến nay. HĐMV giáo xứ có tất cả thành viên thuộc các khu và trưởng các hội đoàn. Các hội đoàn của giáo xứ gồm: Huynh đoàn Đaminh, Gia trưởng, Hiền mẫu, Gia đình phạt tạ Thánh Tâm, Lòng Chúa Thương Xót, Trung binh, Giáo lý viên, Thiếu nhi Thánh Thể, hội Sinh viên, học sinh, ban Kèn nam nữ, ban Bác ái, hội Đồng hương xa quê Hà Nội và Sài Gòn ...

Mỗi chiều thứ 6 đầu tháng, Gia đình phạt tạ Thánh Tâm giáo phận hành hương về dâng lễ kính Thánh Tâm, và thánh lễ kính Thánh Tâm của Giáo xứ được diễn ra vào chiều thứ 6 hàng tuần.

Các lớp giáo lý dành cho các khối: Khai tâm, Rước lễ, Thêm sức và Sống đạo (Bao đồng) được tổ chức vào buổi chiều ngày Chúa nhật hàng tuần; Sau đó là thánh lễ dành cho thiếu nhi.

Giáo xứ Đền Thánh Tâm đang thực hiện các hoạt động theo đường hướng: Cổ vũ tình hiệp thông giữa các hội đoàn để cùng nhau đẩy mạnh công tác truyền giáo bằng cầu nguyện và bằng cuộc sống chứng tá giữa đời thường. Chăm sóc và duy trì sinh hoạt của thiếu nhi qua các lớp giáo lý trước thánh lễ thiếu nhi ngày Chúa Nhật. Các hội đoàn hoạt động theo đường hướng đã định, chú ý đến công tác bác ái xã hội. Tích cực thi hành sứ mạnh tông đồ làm sáng danh Chúa và Giáo Hội.

 

GIÁO HỌ CAO ĐƯỜNG

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 24/6/1828

Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1994
Bổn mạng : Thánh Giuse Công Nhân (01/5)
Số giáo dân : 185

Địa chỉ : Nhà thờ Cao Đường, xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây Bắc.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Mảnh đất Cao Đường được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Vài năm sau đó, các tín hữu đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện sớm tối.

Năm 1828, Giáo họ chính thức được thành lập và nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

Năm 1994, thời cha Giuse Nguyễn Thành Hiến, sau khi củng cố hội đoàn, cha xứ cùng giáo dân trong họ đã khởi công xây dựng nhà thờ mới. Năm 2002, Giáo họ hoàn thiện ngôi nhà thờ và xây hai tháp chuông (cao 32m). Công trình này được khánh thành vào năm 2006.

Năm 2012, để đáp ứng nhu cầu giáo dục đức tin cho con em, Giáo họ đã xây dựng nhà giáo lý với chiều dài 21m, rộng 7m và cao 10m.

Ngày 23/12/2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã về Giáo họ thăm mục vụ, dâng Thánh lễ và chung chia niềm vui đón Chúa Giáng Sinh với bà con nơi đây.

Ơn gọi trong Giáo họ: cha Giuse Nguyễn Toàn Thư (+ 1882), cha Giuse Nguyễn Trung Thành, CSsR (Sài Gòn).

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Giáo họ có các đoàn hội như : Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ (35 hội viên), hội Lòng Chúa Thương Xót (29 hội viên), ban Ca, hội Trống và Giới trẻ. Giáo họ luôn thúc đẩy những sinh hoạt đạo đức truyền thống mang tính gia đình, nhất là duy trì thói quen đó nơi những người đi làm ăn xa (93/233).

 

GIÁO HỌ THANH NÊ

Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1865
Năm xây dựng nhà thờ : 01/3/2007
Bổn mạng : Thánh Gioakim và thánh Anna (26/7)
Số giáo dân : 186

Địa chỉ : Nhà thờ Thanh Nê, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 4km về phía Bắc.

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Mảnh đất Thanh Nê được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX. Tới năm 1865, Giáo họ được thành lập, nhận thánh Gioakim và Anna làm bổn mạng. Số giáo dân ban đầu là 280 người, với ba dòng họ: Nguyễn, Phạm và Vũ.

Năm 1867, Giáo họ dựng một ngôi nhà thờ 5 gian bằng tre, mái rạ. Năm 1877, Đức cha Ubierna Ninh đã cắt Giáo họ Thanh Nê từ xứ Thân Thượng về xứ Cao Mại.

Năm 1912, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gỗ lim, 4 hàng cột vững chắc.

Chiến tranh từ năm 1950 - 1954 đã tàn phá ngôi nhà thờ. Sau đó, công trình này được sửa chữa lại vào tháng 3/1954.

Năm 1994, ngôi nhà thờ đã xuống cấp, Giáo họ bắt tay vào công việc đại tu.

Ngày 01/3/2007, để đáp ứng nhu cầu mục vụ, dưới sự hướng dẫn của cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo, Giáo họ tiến hành khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 34m, rộng 11,8m, tháp chuông cao 32m.

Năm 2014, giáo họ khởi công việc xây dựng đài kính Đức Mẹ trong khuôn viên thánh đường.

Ngày 25/12/2014, Đức cha Phêrô cùng đoàn mục vụ Noel đã về đây dâng Thánh Lễ, tổ chức văn nghệ mừng Giáng Sinh. Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bà con lương -giáo nơi đây.

Ơn gọi trong Giáo họ: cha Gioakim Nguyễn Văn Thể (+1992), cha Gioakim Nguyễn Duy Thiện (Gx.Tân Mỹ, Thái Bình).

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Người dân Thanh Nê sống tại thị trấn nên kinh tế của 57 hộ nơi đây tương đối ổn định, Giáo họ quan tâm đặc biệt tới giới thanh thiếu niên từ phương diện đạo đức đến văn hóa. Ngoài ra, Thanh Nê còn có các hội đoàn hoạt động tích cực như: Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ, hội Mân côi, hội Trống và ban Ca...

 

(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)