14/06/2021 09:30

Giáo xứ Đan Chàng

Giáo xứ Đan Chàng (còn gọi là Kẻ Vân) cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 70km về hướng Tây Bắc; phía Tây giáp xứ Hạ Lễ; phía Bắc giáp xứ Ngọc Châu; phía Đông Nam giáp xứ Phương Bồ.

Năm đón nhận Tin Mừng : 1616
Năm thành lập Giáo họ Kẻ Vân : Đầu thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo xứ : 1875
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 29/4/2001
Năm cung hiến Nhà thờ Giáo xứ : 22/10/2003.

Tước hiệu : Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (7/10)
Số giáo dân : 1.464 (Toàn xứ), 750 (họ Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Đan Chàng, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

 

I - VỊ TRÍ

Giáo xứ Đan Chàng (còn gọi là Kẻ Vân) cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 70km về hướng Tây Bắc; phía Tây giáp xứ Hạ Lễ; phía Bắc giáp xứ Ngọc Châu; phía Đông Nam giáp xứ Phương Bồ.

II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Lược sử hình thành và phát triển

Vào khoảng năm 1616, người dân thôn Tân Viên (Kẻ Vân) được đón nhận ánh sáng Tin Mừng. Có thể nói, thôn Tân Viên là một trong những nơi được đón nhận ánh sáng đức tin sớm nhất trong khu vực Hưng Yên. Hạt giống tốt được gieo vào mảnh đất màu mỡ nên số tín hữu gia tăng nhanh. Ban đầu, các tín hữu đã lập một nhà nguyện nhỏ để cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, Giáo họ Kẻ Vân được thành lập và nhận Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi làm bổn mạng.

Năm 1802, do thiếu linh mục, Kẻ Vân sát nhập vào Giáo xứ Cao Xá.

Năm 1863, giáo dân nơi đây ngày càng đông, ngôi nhà thờ cũ đã trở nên chật hẹp, một số giáo dân đã hiến đất để xây dựng ngôi nhà thờ mới.

Năm 1875, Giáo họ Kẻ Vân được ban Sắc nâng lên hàng giáo xứ.

Năm 1911, cha Lãng cho xây dựng thánh đường bằng gỗ.

Ngày 01/01/1954, nhà thờ bị bom san bình địa hoàn toàn và làm chết 327 người.

Năm 1960, Giáo xứ tu sửa lại ngôi thánh đường mới với chiều dài 30m, rộng 10m, cao 8m và tháp chuông cao 14m.

Ngày 29/4/2001, cha Gioan Baotixita Đỗ Bá Dương và cộng đoàn Giáo xứ đã khởi công xây dựng lại ngôi Thánh đường với chiều dài 45m, rộng 14.2m, cao 16m và tháp chuông cao 39m, được khánh thành và cung hiến ngày 22/10/2003 do Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Sang chủ sự.

Các chứng nhân tử đạo

Trong thời kỳ cấm đạo, Giáo xứ đã có những người con đổ máu mình làm chứng cho Chúa Kitô. Các Hiền Phúc đó là: Đaminh Phúc (số 705); Giaxinto Cao (số 768); Gioan Húc (số 769); Đaminh Diên (số 789); Đaminh Lộc (số 790); Đaminh Nhân (số 791); Đaminh Cư (số 770); Đaminh Cử (số 771).

Ơn gọi trong Giáo xứ

Giáo xứ Đan Chàng tự hào vì có các linh mục phục vụ Giáo Hội: cha Đaminh Đặng Duy Hòa; cha Đaminh Đặng Xuân Đồng; cha Fx. Salêsiô Nguyễn Quốc Hoàng và cha Vinhsơn Đặng Xuân Hải.

Các linh mục coi sóc Giáo xứ

Từ ngày thành lập đến nay, Giáo xứ luôn có các vị mục tử coi sóc: Cha Bá; cha Tãng; cha Tố; cha Sen; cha Lãng; cha Liêu; cha Lâm; cha Cận; cha Tân; cha Tình; cha Trụ; cha Vinh; cha Liêm; cha Oánh; cha Minh; cha Luyện; cha Vinhsơn Vũ Nguyên Sùng; cha Tôma Trần Công Tính; cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Vinhsơn Mai Thành Sơn; cha Gioan Baotixita Đỗ Bá Dương và hiện nay là cha Giuse Đinh Xuân Ngọc.

Các giáo họ trực thuộc: Bích Đông, Bích Tây, Bình Nguyên, Thổ Cầu và Trai Thôn.

III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Nhắm tới tình hiệp thông huynh đệ, sẵn sàng minh chứng cho Chúa Kitô, Giáo xứ có các Đoàn hội : Huynh Đoàn Đaminh, Ca đoàn, hội Trung binh, hội Hiền mẫu, hội Đức Mẹ Vô nhiễm và hội Têrêsa. Đặc biệt, ngay từ khi về nhận nhiệm sở, cha xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc dành thời gian ưu tiên hàng đầu cho các bạn trẻ. Cha đã thành lập và ra mắt xứ đoàn Thiếu nhi Thánh thể Gioan Phaolô II, với ước mong huấn luyện các em về nhân bản, đức tin và dấn thân làm tông đồ giữa trần thế.

 

GIÁO HỌ BÍCH TÂY

Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1928
Năm tu sửa nhà thờ hiện tại : 2006
Bổn mạng : thánh Phanxicô Salê (24/01) Số giáo dân : 63

Địa chỉ : Nhà thờ Bích Tây, thôn Bích Tràng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 1,5km về phía Nam.

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, người dân thôn Bích Tràng được đón nhận ánh sáng Tin Mừng và hạt giống đức tin dần dần đơm bông kết trái.

Năm 1928, các tín hữu khởi công xây dựng ngôi nhà thờ với chiều dài 30m, rộng 10m, cao 10m và tháp chuông cao 30m. Cũng trong năm này (1928), Giáo họ Bích Tây được thành lập và nhận thánh Phanxicô Salê làm bổn mạng.

Sau biến cố di dân 1954, Giáo họ chỉ còn 4 gia đình ở lại.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Tuy là một cộng đoàn nhỏ bé, Giáo họ Bích Đông đã thành lập được Huynh đoàn Đaminh và Ca đoàn để phục vụ và duy trì đời sống đức tin. Hiệp thông trong Năm Thánh hồng phúc của Giáo phận, Giáo họ Bích Đông luôn ý thức được sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội ngày nay.

 

GIÁO HỌ BÌNH NGUYÊN

Năm đón nhận tin Mừng : Trước những năm 1950
Năm thành lập Giáo họ : Khoảng sau năm 1950
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 05/4/2004
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)

Số giáo dân : 22
Địa chỉ : Nhà thờ Bình Nguyên, thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 7km về phía Nam.

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo truyền khẩu, hạt giống Tin Mừng đến mảnh đất Bình Nguyên vào trước những năm 1950. Để hạt giống đức tin đâm chồi và nảy lộc, các tín hữu đã xây dựng một ngôi nhà thờ làm nơi cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Khoảng sau những năm 1950, Giáo họ Bình Nguyên được thành lập, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng.

Biến cố năm 1954, giáo dân của Giáo họ hầu hết di cư vào miền Nam, chỉ còn lại 5 gia đình. Xã hội biến động cộng với số giáo dân còn lại ít ỏi, đời sống đức tin của Giáo họ không tránh khỏi sa sút. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa trợ lực và sự kiên vững của bà con giáo dân, đời sống đức tin vẫn được duy trì và ngày nay đang từng bước lớn mạnh.

Ngày 05/4/2004, cha xứ và cộng đoàn Giáo họ tu sửa lại ngôi nhà thờ với chiều dài 15m, rộng 6m, cao 4.5m để có nơi cầu nguyện và phụng sự Chúa.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Do ít người, Giáo họ chưa thể thành lập các hội đoàn. Tuy nhiên, bà con giáo dân vẫn cố gắng sống đạo theo tinh thần yêu thương và phục vụ.

 

GIÁO HỌ THỔ CẦU

Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : Khoảng đầu thế kỷ XX
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 02/6/2004
Bổn mạng : Thánh Phaolô Trở lại (25/01)

Số giáo dân : 72
Địa chỉ : Nhà thờ Thổ Cầu, thôn Bình Năng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 6km về phía Nam.

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày nay, không ai còn rõ hạt giống đức tin đã đến vùng đất này từ khi nào và bằng cách nào. Mọi người chỉ biết cộng đoàn nơi đây đã nhận thánh Phaolô Trở Lại làm bổn mạng.

Trước năm 1928, Giáo họ đã có một nguyện đường nhỏ được làm bằng tre và lợp rạ. Số giáo dân lúc bấy giờ có khoảng 50 người. Sau đó, ông Phaolô Nguyễn Văn Thức cùng với các tín hữu khác trong họ làm lại ngôi nhà thờ với chiều dài là 28m, rộng 9.5m, cao 10m và tháp chuông cao 25m..

Năm 1952, cây tháp, mái nhà thờ và 3 gian nhà phòng bị bom phá đổ.

Biến cố 1954, bà con giáo hữu ồ ạt di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp, chỉ còn 2 hộ gia đình với 14 nhân danh ở lại quê hương.

Năm 2004, cộng đoàn Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới thay thế ngôi nhà thờ cũ đã được tu sửa nhiều lần. Ngôi nhà thờ mới có chiều dài 15m, rộng 6m, cao 4.5m và được khánh thành ngày 18/10/2006.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Là một giáo họ ít người, Thổ Cầu gặp không ít khó khăn trong việc thành lập các hội đoàn. Tuy nhiên, Giáo họ cũng thành lập được Ca đoàn, Huynh đoàn Đaminh để phục vụ các sinh hoạt trong Giáo họ, nâng cao đời sống đức tin.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GIÁO HỌ TRAI THÔN

Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1942
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2003
Bổn mạng : Thánh Giuse Thợ (01/5)

Số giáo dân : 73
Địa chỉ : Nhà thờ Trai Thôn, thôn Trai Thôn, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về phía Tây Nam.

 

I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo truyền khẩu, Trai Thôn là một vùng sông nước với những bãi lau sậy. Một gia đình Công giáo với 5 người con đã đến đây khai hoang và lập nghiệp. Sau một thời gian, những tín hữu này đã dựng tạm một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng tre và lợp lá để họp nhau cầu nguyện sớm tối.

Trước năm 1942, Giáo họ có tên gọi là Giai Thôn.

Trải qua mưa nắng, ngôi nhà thờ tre, lá bị hư hỏng và bị đổ hoàn toàn. Sau đó, nhà thờ được xây dựng lại để tạm thời có nơi thờ phượng Chúa.

Năm 1942, Giáo họ Giai Thôn được thành lập, nhận thánh Giuse Thợ làm bổ mạng.

Sau năm 1942, do biến động của xã hội, Giáo họ Giai Thôn được đổi tên thành Giáo họ Trai Thôn, thuộc làng Trai Thôn.

Năm 2000, cha xứ cùng bà con giáo dân trong họ xây dựng tháp chuông cao 22m.

Năm 2003, với sự trợ giúp kinh phí của quý ân nhân trong và ngoài xứ, bà con Giáo họ Trai Thôn hân hoan khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 28m, rộng 9m, cao 12m và được khánh thành vào cuối năm 2003.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Trai Thôn là một giáo họ nhỏ bé nhưng cũng thành lập được các đoàn hội: Ca đoàn, hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng. Các thành viên trong hội đoàn luôn nhiệt tình trong mọi công việc của giáo xứ cũng như giáo họ, xây dựng đời sống đức tin ngày càng vững mạnh.

 

(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

 

Flycam Nhà thờ Đan Chàng