18/09/2023 11:01

Dự tu Thái bình miền nam tĩnh tâm tháng 9/2023

Sáng ngày 10/9/2023, Chúa Nhật XXIII TN , anh em dự tu Thái bình Miền nam đã có buổi tĩnh tâm đầu tháng 9 mở đầu năm học mới, tại trụ sở giáo phận Thái bình. Đồng hành cùng anh em dự tu trong ngày tĩnh tâm này là cha Gio-a-kim Phạm Văn Việt.

Như thường lệ anh em đã có mặt từ sớm để chuẩn bị cho buổi tĩnh tâm được diễn ra sốt sắng nhất. Sau khoảng thời gian gặp gỡ, trò chuyện và chuẩn bị, đúng 9g00 cùng với cha giảng phòng, anh em đã dâng lời nguyện xin Chúa Thánh Thần khai mở tâm trí, để Ngài sửa chữa và hun đúc nơi anh em lòng yêu mến, sự nhiệt thành cũng như khát khao được dấn thân theo Chúa trong ơn gọi đời dâng hiến.

Trong  lần tĩnh tâm này cha Gio-a-kim đã mang đến cho anh em một chủ đề rất gần gũi nhưng lại là một thách đố rất lớn đối với suy nghĩ và lối sống của thời đại hôm nay, đó là mối phúc đầu tiên trong 8 mối phúc : “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ”(Mt 5,3). Đầu bài chia sẻ cha đã triển khai lối sống tinh thần nghèo khó của Tin mừng bằng câu chuyện: “Chiếc bát vàng của bác nông dân” qua câu chuyện này, cha giảng phòng đã giúp cho anh em hiểu rằng: tinh thần nghèo khó không có nghĩa là nghèo khó về mặt vật chất mà còn là tinh thần thanh thoát , không bám víu vào của, không lấy vật chất làm đích đến của cuộc đời hay lấy giàu sang làm quy chuẩn đánh giá người khác.

Với sự khéo léo nhằm khơi dậy cho anh em có sự suy tư, chọn lựa, cha Gio-a-kim đặt một câu hỏi rất hay người giàu hay người nghèo sống tinh thần nghèo khó tốt hơn?”. Mặc dù cả 2 mẫu người đều được mời gọi sống tinh thần nghèo khó. Nhìn vào đời sống thực tế,  những người giàu có dường như lại có thể sống được đúng tinh thần nghèo khó hơn, khi họ nhận ra rằng tiền bạc không phải là đích đến của cuộc đời và coi tiền bạc chỉ là phương tiện Chúa ban, đồng thời họ biết dùng của cải để chia sẻ, giúp những người khác, nhất là những người đau khổ bần cùng của xã hội. Trong khi đó, những người nghèo chưa hẳn là những người đã sống tinh thần nghèo khó. Đó là khi họ để cho những tham lam, ước muốn chiếm đoạt, chi phối cuộc đời, và rồi họ khát khao có được tiền bạc mằng mọi cách, kể cả làm những gì trái với lương tâm.

Bên cạnh đó, cha giảng phòng chia sẻ thêm về điều mà Chúa Giê-su muốn hướng đến khi nói về tâm hồn nghèo khó, đó là những người biết phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa. Khi mà con người biết phó thác vào Thiên Chúa, lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn của cuộc đời thì mới thoát ra khỏi được cái xiềng xích của tiền bạc và hướng đến đích điểm của cuộc đời là cánh cửa Thiên đàng, là hạnh phúc Nước Trời. Mẫu gương tuyệt đối mà mỗi anh em được mời gọi bước theo để sống tinh thần nghèo khó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng giầu sang phú quý nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở nên nghèo hèn để thánh hóa và cứu độ chúng ta. (x. Pl 2,6-11).

Sau bài chia sẻ là giờ Chầu Thánh Thể và giao hòa với Chúa qua Bí tích Hòa giải.

Vào 10g15, anh em hiệp thông trong thánh lễ đồng tế với cha chủ tế Gio-an Nguyễn Văn Cương và cha Gioakim Phạm Văn Việt.

Khởi đầu bài giảng, với phụng vụ lời Chúa, Chúa nhật XXIII thường niên, Chúa dạy về cách sửa lỗi cho nhau trong tinh thần bác ái, cha Gio-a-kim Phạm Văn Việt đã chia sẻ một câu chuyện rất hay về hai cách sửa lỗi người khác, của hai vị linh mục đã đưa đến hai kết quả khác nhau, mặc dù cùng trong một tình huống, đó là cậu bé giúp lễ làm đổ rượu lễ: 1 cậu trở thành một viên sĩ quan chống lại Giáo hội, còn một cậu lại trở thành một vị giám mục tài đức hết lòng vì Giáo hội. Qua câu chuyện đó, cha đã đúc kết cho anh em một câu hỏi: Làm thế nào để sửa lỗi cho anh em đúng cách? Đó chính là trước khi sửa lỗi cho một người anh em thì chúng ta được mời gọi nhìn nhận con người thật của mình, cũng với những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi, và cần được đón nhận sự góp ý, sửa chữa của người khác. Vì thế, cùng với lời cầu nguyện cho bản thân, chúng ta cũng được mời gọi hãy cầu nguyện cho người anh em của mình, xin Chúa mở tâm trí và biến đổi chúng ta cũng như người anh em cần được sửa lỗi. Đây cũng chính là nền tảng để trong một cộng đoàn giúp nhau nên thánh mỗi ngày, nhờ việc sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái.

Sau thánh lễ, anh em tham dự bữa trưa cùng nhau trong niềm vui huynh đệ và ra về trong bình an của Chúa Thánh Thần.

BTTDTTBMN