14/06/2021 09:39

Đề tài tĩnh tâm năm 2020: (2) GẮN BÓ VỚI HÌNH ẢNH ĐÍCH THẬT CỦA THIÊN CHÚA

WGPTB - Các linh mục Giáo phận Thái Bình đã bước sang ngày thứ hai trong tuần tĩnh tâm linh mục đoàn năm 2020. Trong buổi sáng ngày hôm nay (17.11.2020), quý cha được lắng nghe Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường chia sẻ đề tài giảng phòng số 2: BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU, GẮN BÓ VỚI HÌNH ẢNH ĐÍCH THẬT CỦA THIÊN CHÚA

Đề tài 2

BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU

GẮN BÓ VỚI HÌNH ẢNH ĐÍCH THẬT

CỦA THIÊN CHÚA

Chủ đề tĩnh tâm của chúng ta là: BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU. Bước theo Chúa Giêsu là ơn gọi căn bản của chúng ta. Điều đó có nghĩa là làm cho sự nghiệp của Chúa Giêsu trở thành sự nghiệp của chúng ta, quan tâm của Chúa Giêsu trở thành quan tâm của chúng ta, xác tín của Chúa Giêsu trở thành xác tín của chúng ta, tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành tư tưởng của chúng ta và thế giới quan của Chúa Giêsu trở thành thế giới quan của chúng ta, tóm lại, làm cho tầm nhìn của Ngài trở thành tầm nhìn của chúng ta.

Tiêu chuẩn thành công của ơn gọi không tùy thuộc vào điều chúng ta đã đạt được, đã hoàn tất hay đã xây dựng trong thế giới này, nhưng tùy thuộc vào cách thế chúng ta đã đáp trả lời mời gọi của Chúa, “Hãy theo Thầy”.

Chúa không hỏi chúng ta đã thành công thế nào trong đời ta nhưng hỏi chúng ta đã trung tín thế nào trong việc bước theo Ngài. Bước theo Chúa có nghĩa là làm cho tầm nhìn của Ngài trở thành tầm nhìn của chúng ta và để tầm nhìn của Ngài định hướng cho cuộc đời chúng ta. Nhưng sự nghiệp, quan tâm, thế giới quan, tầm nhìn của Chúa mà chúng ta phải làm cho chúng biến thành của chúng ta chính xác là gì? Chúa Giêsu đã so sánh chúng với lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). (Lửa: mô tả sứ mạng của Chúa Giêsu: thanh luyện và ban Thánh thần. Chúa Giêsu đến trần gian này với mục đích là thanh luyện thế gian và Ngài ước mong công việc thanh luyện này chóng hoàn thành để Thánh Thần đến. Như thế, Chúa Giêsu đến thanh luyện trần gian để trần gian tràn ngập tình yêu thương của Thiên Chúa). Ngài đã sống, đã lao động, đã chịu đau khổ và đã chết cho điều đó.

Vì thế, trở về là bước theo tầm nhìn của Đức Kitô. Tầm nhìn đầu tiên mà chúng ta cần “bước theo”, cần điều chỉnh là tầm nhìn của Đức Giêsu về Chúa Cha, Cha của Ngài và cũng là Cha của chúng ta.

1. HÌNH ẢNH ĐÍCH THẬT CỦA THIÊN CHÚA

Tầm nhìn của Chúa Giêsu về Chúa Cha hệ tại ở điều gì? Đó chính là hình ảnh chính xác về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến để soi sáng cho chúng ta biết hình ảnh đích thật của Thiên Chúa. Ngài đến để chỉnh sửa quan niệm sai lạc của chúng ta về Thiên Chúa qua việc chỉ cho chúng ta một cách thế mới để suy nghĩ về Thiên Chúa. Bản thân của Ngài, cuộc sống của Ngài là cách thế duy nhất để nghĩ về Thiên Chúa một cách chính xác nhất: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,19).

Sự hiểu biết về Thiên Chúa mà người ta thường có là gì? Một cách chung, chúng ta có thể nói như sau: những hình ảnh sai lầm, ngây thơ mà nhiều người có về Thiên Chúa làm chúng ta cảm thấy buồn và giật mình. Với họ, Thiên Chúa là một ai đó hay cáu giận. Ngài là một Thiên Chúa làm cho người ta cảm thấy họ là kẻ tội lỗi và vô giá trị. Những hình ảnh này là ma quỷ mà Chúa Giêsu luôn trục xuất. Chúng ta có thể có một hình ảnh đẹp về Thiên Chúa trên lý thuyết, nhưng vấn đề là hình ảnh Thiên Chúa nào định hướng cho cách sống của chúng ta? Có lần cha K.Rahner đã nói: “Cách thế chúng ta nhận biết, yêu mến, quý trọng những điều được gửi tới chúng ta là cách thế chúng ta nhận biết và yêu mến Chúa”.Và ngược lại, những hiểu biết hiện tại và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về “Thiên Chúa là ai đối với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày” xác định việc ta thấy, ta yêu và ta quý trọng những điều được gửi tới chúng ta. Nói cách khác, người ta có thể nói: hãy nói cho tôi biết bạn kinh nghiệm về Thiên Chúa thế nào và Ngài là ai đối với bạn,thì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn liên hệ và lượng giá thế nào về hoàn cảnh sống của bạn: cuộc sống, bạn bè và gia đình, các định chế và xã hội, thiên nhiên và khí hậu.

 Chúng ta đánh giá những chi tiết về hoàn cảnh, môi trường này như thế nào? Điều này hoàn toàn tùy thuộc về hình ảnh của chúng ta có về Thiên Chúa. Nhưng hình ảnh đúng nhất phải là hình ảnh của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là hình ảnh nào? Ngài là ai?

2. HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA DO CHÍNH CHÚA GIÊSU MẶC KHẢI

 Chúa Giêsu mặc khải hình ảnh của Thiên Chúa không phải bằng những từ ngữ trừu tượng và những định nghĩa thần học, nhưng bằng những dụ ngôn và những hành động mang tính biểu tượng. Các dụ ngôn sống động nhất là ba dụ ngôn: Đứa con hoang đàng, Con chiên lạc và Đồng bạc bị mất (x. Lc 15). Ngoài ra, còn một số dụ ngôn khác không kém phần sinh động như: “Thợ làm vườn nho” (x. Mt 20, 1-16); ”Tên mắc nợ không biết thương xót hay Ông chủ tốt lành” (x.Mt 18,21-35). Sứ điệp nổi bật của các dụ ngôn này là gì?

Chúng mặc khải hình ảnh đích thật của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã thông truyền cho chúng ta: một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, một Thiên Chúa vượt quá sự hợp lý mà con người vẫn hiểu. Đây là quan điểm mà Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ trong các dụ ngôn này: Thiên Chúa là Đấng chỉ quan tâm tới tình yêu và không theo lý trí hay cảm thức chung. Giống như bất cứ người đang yêu nào, Ngài có những cư xử có vẻ điên khùng vì động lực chính chỉ là tình yêu. Đây là Tin Mừng của Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu muốn chúng ta quay về, muốn chúng ta tin.

Sứ điệp thần học của các dụ ngôn này thì giống nhau. Chúng cho thấy sự tốt lành và yêu thương không hiểu nổi của Thiên Chúa dành cho nhân loại khi Nước Thiên Chúa đến trong vinh quang. Một trật tự mới đang bắt đầu không phải chỉ đặt trên công lý nhưng còn trên sự tốt lành và yêu thương của Thiên Chúa. Công lý trở nên phụ thuộc đối với tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những người thợ làm vườn nho, Chúa Giêsu cho thấy loài người luôn cần tới sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa, những điều này sẽ được ban cho mỗi người vào ngày thế mạt khi Nước Thiên Chúa đến cách trọn vẹn. Đó là cái nhìn của Chúa Giêsu đã được xác định trong cả cuộc đời của Người. Với cái nhìn này, Người đã sống, đã chịu đau khổ và đã chết.

Nội dung đích thật của sứ điệp về Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu, hệ tại ở hình ảnh về Thiên Chúa của Ngài. Thiên Chúa yêu mọi người với một tình yêu vô điều kiện. Trở về với sứ điệp Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu có nghĩa là trở về với hình ảnh Thiên Chúa của Chúa Giêsu mà Ngài đã mạc khải cho chúng ta. Bản tính đích thật của Thiên Chúa là gì? Thư Thánh Gioan trả lời như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9)

Chúa muốn dạy chúng ta bài học gì qua các dụ ngôn này?

Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta ba bài học quan trọng:

- Bài học 1: Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta

- Bài học 2: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta

- Bài học 3: Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta.

Tóm lại, trở về có nghĩa là quay đầu về hình ảnh Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã loan báo, không phải là một quan điểm, một ý tưởng nhưng là cái nhìn của Ngài về Thực Tại, điều Ngài đã sống cho, làm việc cho, đau khổ cho và chết cho.

3. HÌNH ẢNH CỦA TÔI VỀ THIÊN CHÚA LÀ HÌNH ẢNH NÀO?

Tôi liên hệ với Thiên Chúa thế nào? Tôi có tin rằng ba dụ ngôn của Thánh Luca: Người con hoang đàng, Con chiên lạc và Đồng tiền bị mất - trong đó, Thánh Luca diễn tả mối tương quan của Thiên Chúa với chúng ta trong Đức Kitô - chuyển tải bản chất đích thật của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta không? Tôi có thực sự tin điều đó không? Tôi có tin rằng Thiên Chúa luôn tìm kiếm mọi người bằng cùng một cách thế như người mục tử đối với con chiên đi lạc không? Tôi có tin rằng Thiên Chúa giống như một người cha thấy đứa con hoang đàng từ đàng xa, đã vội vã chạy đến gặp con và tin rằng chỉ có cách thế đó đã ban cho người con sức mạnh đi tới gặp cha mình không?

Phúc Âm theo Thánh Luca đoạn 15 đặt ra cho chúng ta một quyết định. Chúng ta có thực sự tin rằng Thiên Chúa, ngày qua ngày, đang trên đường đến gặp tôi không, trong khi đối với nhiều người, Thiên Chúa chỉ là chiếc dù cho người phi công: một cái gì đó phải có và hy vọng rằng sẽ không bao giờ phải dùng đến.

Tội lớn nhất chống lại tình yêu không thể hiểu nổi này của Thiên Chúa là sự thờ ơ của chúng ta. Có thể chúng ta nhìn nhận tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhưng điều quan trọng là sự nhìn nhận này phải được thể hiện ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chính cách chúng ta liên hệ với chính mình, với người khác và với thế giới, mà chúng ta biểu lộ loại Thiên Chúa nào chúng ta đã chấp nhận cho mình, cũng như Thiên Chúa nào chúng ta tôn thờ thực sự. Điều này mang chúng ta trở về với câu hỏi mà Chúa Giêsu thường hỏi bất cứ ai bước theo Người: Trái tim con ở đâu? Ai hoặc cái gì điều khiển cuộc sống của con? “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Mt 6,21; Lc 12,34).

4. CÁCH SỐNG NHÌN NHẬN TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA THIÊN CHÚA: THỜ LẠY

Thờ lạy là hành vi đáp trả tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Lễ Hiển Linh 2020 đã nói: Các đạo sĩ đã lên đường và đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,1-12) và ngài áp dụng vào đời sống tín hữu: “Nếu chúng ta đánh mất ý nghĩa của việc thờ lạy, thì chúng ta đánh mất ý nghĩa hành trình của đời sống Kitô hữu, là một con đường tiến về Chúa, chứ không phải hướng về chúng ta”. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha đã phân tích thái độ của những nhân vật trái ngược với các Đạo Sĩ.

  • Thái độ của Hêrôđê:

Đứng đầu là vua Hêrôđê: ông yêu cầu các Đạo Sĩ thông báo cho ông nơi họ sẽ gặp Chúa Hài Đồng để ông cũng đến thờ lạy Ngài (c.8). “Trong thực tế, Hêrôđê chỉ thờ lạy bản thân, và vì thế ông muốn thanh toán Chúa Hài Đồng bằng lời gian dối… Điều này có nghĩa là khi con người không thờ lạy Thiên Chúa, thì họ sẽ đi đến chỗ thờ lạy cái tôi của mình… Cũng vậy trong đời sống Kitô hữu, nếu không thờ lạy Chúa, thì cuộc sống ấy có thể trở thành một cách thức tinh khéo để ca ngợi bản thân với các thành tích của mình. Đó là một nguy cơ trầm trọng: sử dụng Thiên Chúa thay vì phụng sự Chúa”.

  • Thái độ của các tư tế và luật sĩ

Lớp người thứ hai bị Đức Thánh Cha tố giác là các tư tế và luật sĩ trong dân. Họ biết chính xác nơi Đấng Thiên Sai sinh ra, nhưng không đến thờ lạy Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Trong đời sống Kitô hữu, biết mà thôi thì không đủ: nếu không ra khỏi chính mình, không gặp gỡ và thờ lạy, thì ta không biết Thiên Chúa. Thần học và hiệu năng mục vụ chỉ có ích lợi ít ỏi hoặc vô ích nếu không quỳ gối thờ lạy, nếu ta không thờ lạy như các Đạo Sĩ. Khi thờ lạy, ta ý thức rằng đức tin không bị thu hẹp vào một mớ các đạo lý đẹp đẽ, nhưng là tương quan với một Đấng phải yêu mến...”.

 - Ý nghĩa của việc “Thờ Lạy”:

Thái độ “Thờ Lạy” Chúa giải thoát ta khỏi nô lệ. Đức Thánh Cha cũng giải thích thêm rằng: “Thờ lạy là thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi nạn nô lệ lớn nhất, đó là nô lệ bản thân. Thờ lạy là đặt Chúa ở trọng tâm, để không qui trọng tâm vào bản thân mình...Khi thờ lạy, chúng ta để Chúa có cơ hội biến đổi chúng ta bằng tình thương của Ngài, soi sáng những tăm tối của chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh trong yếu đuối và sức mạnh trong những thử thách. Thờ lạy là đi tới điều thiết yếu: đó là con đường giải độc khỏi bao nhiều điều vô ích, khỏi những lệ thuộc làm con tim không còn nhạy cảm, khiến tâm trí ta bị u mê. Thực vậy, khi thờ lạy, chúng ta học cách phủ nhận những thứ không nên thờ lạy chúng: thần tiền bạc, thần tiêu thụ, thần khoái lạc, thần thành công, cái tôi của ta được biến thành thần minh...”.

5. MỘT HÌNH ẢNH MỚI

Để hướng tới cách sống trao ban như Thiên Chúa, chúng ta cần đặt ra một số câu hỏi cho chính mình: Tôi có hình dung cho mình một tương lai mới với những khả năng mới và tiềm lực mới không? Tôi có hình dung cho mình một sứ vụ cao cả hơn không? Tôi có thể hòa giải với quá khứ của tôi và tôi sẽ không ở lại đó trong quãng đời còn lại của tôi? Tôi có thể nghĩ rằng tôi, tương quan của tôi với những người khác, với thế giới chung quanh tôi và với Thiên Chúa, sẽ khác hơn là từ trước đến nay không? Tôi có thể vượt qua cuộc sống hiện tại của tôi, hậu quả của quá khứ và cho nó một hướng sống mới không?

 Tất cả điều đó tùy thuộc vào việc hoặc là tôi có thể thiết lập một hình ảnh mới hoặc là tôi có thể nghĩ tưởng những khả năng mới cho tương lai của mình. Điều đó nằm ở cốt lõi hay bản chất của mọi cuộc trở về là thu gom quá khứ vào trong hiện tại và khai mở chính mình cho một tương lai mới, một tương lai khác với quá khứ. Một người không có một thị kiến hay một tầm nhìn nào, người đó không thể mơ về một tương lai khác biệt với quá khứ và hiện tại, sẽ không bao giờ biết trở về là gì.

 Những thị kiến mới, tầm nhìn mới đến từ đâu? Ai có thể khơi lên trí tưởng tượng của tôi? Ai có thể cho tôi một hình ảnh mới một cách chính xác nhất? Kinh Thánh nói với chúng ta rằng chính Chúa Thánh Thần, Đấng ban thị kiến trên mọi người “thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng” (Cv 2,17). Vì thế, trở về không phải là cái gì đó do tôi thực hiện, nhưng là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Do đó, điều chúng ta cần làm là cầu xin Chúa ban cho mình một thị kiến, một tầm nhìn. Thiên Chúa có thể ban cho ta nếu ta để cho Ngài làm điều đó.

6. SÁCH TIN MỪNG THU NHỎ

Nếu toàn bộ Kinh Thánh bị thiêu hủy chỉ còn lại một câu duy nhất trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, thì bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vẫn sẽ được cứu độ nhờ niềm tin vào câu Tin Mừng đó.

Và câu Tin Mừng này là câu diễn tả tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa cách rõ nhất. Ông Luther gọi câu Ga 3,16 này là “trái tim của sách Tin Mừng – SáchTin Mừng thu nhỏ”. Câu Tin Mừng này tuy rất đơn giản đến nỗi một em nhỏ cũng có thể hiểu được nhưng lại cô đọng chiều sâu và những chân lý tuyệt vời của ơn cứu độ vào ít từ ngữ sắc bén:

 THIÊN CHÚA … Người yêu vĩ đại nhất

 YÊU … … mức độ cao nhất

 THẾ GIAN …….con số lớn nhất

 ĐẾN NỖI ĐÃ BAN …. Hành động cao cả nhất

CON MỘT …. Món quà tuyệt hảo nhất

 ĐỂ AI TIN …. Đơn giản nhất

 VÀO CON CỦA NGƯỜI ….Ngôi vị lớn nhất

 THÌ KHỎI PHẢI CHẾT … Sự giải thoát lớn nhất

 NHƯNG …. Sự khác biệt nhất

 ĐƯỢC ….Sự chắc chắn nhất

SỐNG MUÔN ĐỜI … Sự sở hữu lớn nhất.

 (Paul Lee Tan, Encyclopedia of 7700 illustrations)

 

CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ

1. Hình ảnh Thiên Chúa nào hướng dẫn cuộc sống của tôi và gợi hứng cho hành động của tôi? Vì “thị kiến hay tầm nhìn xác định hành động” nên tôi phải trả lời câu hỏi sau đây: Tôi đang bước theo tầm nhìn của ai? Của Chúa Giêsu? Của tôi? Của xã hội?

2. Tôi nhìn tôi, bạn bè tôi, người thân của tôi, các định chế, thiên nhiên và khí hậu thế nào, nó có xuất phát từ cái nhìn của một người biết rằng Thiên Chúa yêu mình cách vô điều kiện không?