14/06/2021 09:39

Đề tài tĩnh tâm năm 2020: (1) MỤC ĐÍCH CỦA TĨNH TÂM

Chiều thứ Hai ngày 16/11/2020, Trong kỳ tĩnh tâm thường niên, Linh mục đoàn Giáo phận Thái Bình đã được lắng nghe Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường chia sẻ đề tài số 1: MỤC ĐÍCH CỦA TĨNH TÂM

Đề tài 1

MỤC ĐÍCH CỦA TĨNH TÂM

1. LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA NÓI

Tĩnh tâm là thời gian cầu nguyện, suy gẫm và nhìn lại mình, nhưng trên hết là thời gian lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Vậy, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta có muốn biết điều nào trong đời sống của mình cần phải được thay đổi và phạm vi nào cần được chữa lành không? Và nếu chúng ta khám phá ra những phạm vi này, chúng ta có thực sự muốn chúng được thay đổi và được chữa lành không? Nếu xưa kia, Đức Giêsu đã hỏi người bị bại liệt: “Anh có muốn được chữa lành không?” (Ga 5,6) thì nay, trong tuần tĩnh tâm này, Chúa Giêsu cũng sẽ hỏi chúng ta như thế. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tự hỏi mình: Tôi có thực sự muốn Chúa chữa lành cho tôi khi biết những mảng tối nào đang có trong cuộc sống, trong cách tôi sống và hành động của tôi không? Tôi có thực sự muốn được thay đổi và sống một cuộc sống khác với cuộc sống mà tôi đã sống cho tới lúc này không?

Trong tuần tĩnh tâm, chúng ta sẽ phải vật lộn với Thiên Chúa như ông Giacob xưa và sau đó, ông Giacob phải đi khập khiễng để như một nhắc nhớ thường xuyên rằng: Thiên Chúa là Đấng mạnh hơn. Trong sách Sáng Thế 32,23-32, ông Giacob đã nhận một tên mới là Israel, tên gọi này có nghĩa là: Thiên Chúa sẽ chiến thắng. Thiên Chúa là Đấng đã chiến thắng mọi cố gắng lẩn tránh Ngài của Giacob. Ngài đã là Đấng mạnh hơn. Vì thế, chúng ta tự hỏi xem: Thiên Chúa có là Đấng trổi vượt trên đời tôi không và ở mức độ nào? Hay, tôi phải nghiêm túc nhìn kỹ hơn vào cuộc đời tôi như đoạn sách Khải Huyền sau đây: “Đây là lời của Đấng có bảy Thần Khí và bảy ngôi sao: Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thật ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta. Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào, hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi” (Kh 3,1-3).

2. ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÓ MỘT TUẦN TĨNH TÂM SỐT SẮNG

Để có một cuộc tĩnh tâm sốt sắng, chúng ta cần phải có một ít điều kiện sau đây:

  1. Phải là người đói khát Thiên Chúa

Chúa Giêsu đã nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35). Hay “Linh hồn con khát khao Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan?” (Tv 42,3). Không là người đói khát như thế, thì rất khó mà nghe tiếng Chúa nói được, khó mà đụng chạm tới Ngài được hay khó mà an tâm về sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình được. Ước gì sự đói khát Thiên Chúa này chiếm trọn tâm hồn chúng ta lúc này và trong suốt tuần tĩnh tâm.

Một bạn trẻ đã đến gặp một vị tu sĩ và xin vị này một điều: “Xin ngài hãy cho tôi biết có cách nào để có thể nhìn thấy Thiên Chúa”. Vị tu sĩ hỏi lại: “Ước muốn này có là ước muốn nhất của con không?”. Bạn trẻ thưa: “Thưa Thầy, hơn mọi sự khác trong thế giới”. Vị tu sĩ đã dẫn bạn trẻ này xuống hồ nước, đưa anh ra chỗ nước sâu tới cổ, dìm anh này xuống nước. Bạn trẻ này giẫy giụa dưới nước, nhưng vị tu sĩ không cho anh ngóc đầu lên cho tới khi có vẻ bạn trẻ này đã uống no nước. Khi đã lên bờ, vị tu sĩ hỏi: “Hỡi con, khi con bị dìm dưới nước, điều gì con muốn hơn mọi sự khác trên trần gian? Bạn trẻ thưa cách không do dự: “Không khí”. Vị tu sĩ nói: “Cũng vậy, khi nào con muốn thấy Thiên Chúa như con đã muốn không khí lúc con bị dìm xuống nước, mắt con sẽ mở ra trước các kỳ công của Thiên Chúa (P.J. Wharton, Stories and parables).

  1. Cần tới sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần

Không có Chúa Thánh Thần chúng ta không thể làm được gì. Chúng ta hãy liên lỉ xin Ngài soi sáng, ban sức mạnh và hướng dẫn chúng ta trong suốt tuần tĩnh tâm này. Kinh Thánh nói với chúng ta như sau:

- Và Giavê nói, “Ta sắp nói với ngươi đây. Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng vững, tôi đã nghe tiếng người nói với tôi… Tôi đã sấp mặt xuống đất và tôi nghe có tiếng đang nói “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây. Trong khi Thiên Chúa đang nói với tôi thì Thánh Khí của Thiên Chúa nhập vào tôi, làm cho chân tôi đứng vững và tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi. Tôi nhìn và kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuốn sách rồi mở ra trước mặt tôi… Đức Chúa phán, “Hỡi con người, hãy ăn cuộn sách này, rồi đi nói với nhà Israel”. Tôi mở miệng ra và Người đã cho tôi ăn cuốn sách ấy. Người nói, “Hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuốn sách Ta đã ban cho ngươi đây”. Tôi đã ăn cuộn sách và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ez 2,1-2.9;3,3).

- “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu nguyện thay cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”  (Rm 8,26).

Có những điều chúng ta không biết như chúng ta không biết cách làm thế nào để có một tuần tĩnh tâm thành công; cũng như vị giảng tĩnh tâm không biết phải làm gì, nói gì để tuần tĩnh tâm đạt được kết quả tốt nhất, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đụng chạm tới trái tim của người tham dự tĩnh tâm. Người giảng tĩnh tâm có thể mang Lời Chúa đến tai người nghe, nhưng chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể đem Lời Chúa từ tai đến trái tim người nghe. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho Lời Chúa trở nên hiệu quả trong đời sống của người tham dự. Chỉ khi Chúa Thánh Thần nói trong chúng ta và hiện diện trong chúng ta thì chúng ta mới thực sự có một tuần tĩnh tâm tốt. Vì:

+ Không có Chúa Thánh Thần: Thiên Chúa không có mặt, Chúa Kitô thuộc về quá khứ - Phúc Âm là những chữ chết - Hội Thánh chỉ là một tổ chức - uy quyền chỉ là vấn đề thống trị - sứ vụ truyền giáo chỉ là một vấn đề tuyên truyền, quảng cáo - phụng vụ chỉ là một việc triệu tập - và đời sống của các Kitô hữu chỉ là một đời sống luân lý nô lệ.

+ Với Chúa Thánh Thần: vũ trụ được phục sinh và những tiếng rên siết, quằn quại như sắp sinh nở báo hiệu sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa - Chúa Phục Sinh hiện diện ở đó - Phúc Âm là sức mạnh của sự sống - Hội Thánh tỏ lộ sự sống của Ba Ngôi - uy quyền là sự phục vụ giải thoát - truyền giáo là Ngày Lễ Ngũ Tuần - phụng vụ vừa là tưởng niệm vừa là tham dự (x. Bài giảng Lễ Ngũ Tuần của Đức Thượng Phụ Athenagoras).

2.3. Cầu nguyện

Trong tuần tĩnh tâm, việc quan trọng nhất để có một tuần tĩnh tâm sốt sắng, đạt được kết quả tốt là dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện. Để có thể cầu nguyện và giúp anh em mình dễ cầu nguyện, chúng ta cần giữ thinh lặng bên ngoài cũng như bên trong tâm hồn.

 Và trong tuần tĩnh tâm này, chúng ta nên cầu nguyện cho ai?

  • Cho mình: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con” (Thánh Augustinô)
  • Cho cộng đoàn mình được giao phó: Trong các thư gửi cho các giáo đoàn hay các môn đệ của mình, Thánh Phaolô thường cầu nguyện cho các cộng sự và các giáo đoàn của mình luôn vững tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất. Ví dụ: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” ( Ep 3,17-19). “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2,7).

Có lẽ khi anh em linh mục chúng ta cầu nguyện nhiều cho các cộng sự viên và cộng đoàn được Chúa và Hội Thánh trao phó trong những ngày tĩnh tâm này, Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta yêu thương họ hơn, có những sáng kiến mục vụ tốt hơn và, nhất là, có được quyết tâm thay đổi đời sống của mình là sẽ làm tất cả những gì có thể, ngay cả hy sinh bản thân cho hạnh phúc của họ.

3. CHỦ ĐỀ TUẦN TĨNH TÂM: BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU

Chúng ta cần đề ra một chủ đề cho tuần tĩnh tâm để chỉ ra lộ trình chúng ta sẽ đi. Con chọn chủ đề “Bước theo Chúa Giêsu”. Chỉ có một ơn gọi dành cho các Kitô hữu, đó là căn tính của mọi Kitô hữu, dù chúng ta là giáo dân, tu sĩ, linh mục, giám mục, giáo hoàng, đó là Ơn gọi bước theo Chúa Giêsu. Nhưng ơn gọi duy nhất này lại có nhiều cách thể hiện khác nhau, những cách sống khác nhau. Có cách thế bước theo Chúa dành cho người có gia đình, dành cho tu sĩ, cho linh mục. Công đồng Vatican II mô tả cách sống theo Chúa của linh muc và tu sĩ là “theo Chúa cách tự do hơn và bắt chước Ngài cách xít sao hơn” (Đức Ái hoàn hảo 1).

Cách thế bước theo Chúa Giêsu của linh mục được Thánh Phaolô mô tả như sau: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” ( Pl 3, 8-9).

 Từ cái nhìn này, tĩnh tâm là thời gian kiểm điểm chính mình dưới ánh sáng của lời giảng dạy trên của Thánh Phaolô. Thực sự Chúa Giêsu Kitô có ý nghĩa gì đối với tôi? Ngài có phải là ưu tiên số một của tôi không? Tôi có để cho Ngài hướng dẫn cuộc sống của tôi không?

 Nhiều người, kể cả các thần học gia, các tác giả của các sách thiêng liêng, quan tâm tới ý nghĩa tròn đầy và tới đức tin của người Kitô hữu, đã đặt câu hỏi:

- Chúng ta sẽ giới thiệu sứ điệp Kitô giáo thế nào cho những người đang sống trong môi trường chính trị, xã hội, văn hóa khác với thời của Chúa Giêsu?

- Ở các nước phát triển, người ta phải đối mặt với các thách thức của khuynh hướng trần tục hóa. Ở Châu Mỹ La tinh và Phi châu, người ta bị áp bức, bóc lột, nhìn vào đức tin truyền thống của họ và tự hỏi: Đức tin nói gì về hiện trạng của chúng tôi và giúp chúng tôi làm gì để khắc phục nó? Ở Á Châu, các truyền thống tôn giáo lớn có trước Kitô giáo quan sát chúng ta và tự hỏi: đức tin của các bạn có thể cho chúng tôi điều gì mà chúng tôi chưa có?

Có lẽ hiện nay, chúng ta chưa có câu trả lời đầy đủ cho các câu hỏi này nhưng chúng ta thấy đây đó đã có một vài gợi ý quý giá. Chẳng hạn, Hội Đồng Giám Mục Đức đã đưa ra giải pháp sau: “Lối ra cho các khủng hoảng mà chúng ta gặp hôm nay là đi vào lối bước của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là bước theo Ngài”. Những từ quan trọng là: Bước ra chỉ có thể là bước vào theo Chúa Giêsu Kitô. Nếu những lúc trong trong đời sống đức tin của chúng ta, khi thấy mình hoàn toàn cô độc, lẻ loi thì hãy khiêm tốn trở lại với Chúa, rồi bắt đầu bước đi đằng sau Ngài như các môn đệ đầu tiên đã làm và cố gắng đặt chân của chúng ta vào những dấu chân của Ngài. Giống như thánh Phêrô, chúng ta được Chúa đòi hỏi bước đi đàng sau Ngài và không đòi hỏi Ngài phải cho biết con đường nào mà Ngài muốn chúng ta đi: “…Satan, lui lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mc 8,29-33). Và có thể con đường đó dẫn đến nơi chúng ta không mong muốn như lời Chúa nói với thánh Phêrô: “…và dẫn đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18).

 Có hai câu hỏi nền tảng mà chúng ta phải tự trả lời trong tuần tĩnh tâm này:

  • Việc bước theo Chúa Giêsu là ưu tiên trong đời sống của tôi, hiện nay đã tiến triển thế nào?
  • Tôi ước muốn điều gì khi bước theo Chúa Giêsu trong đời sống hiện nay của tôi?

Tôi có ao ước bước đi đàng sau Chúa và để Ngài xác định lối đi không? Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, người môn đệ, hiểu theo nghĩa đen, có nghĩa là: đi đàng sau Thầy mình và để Thầy dẫn đường. Điều đó có nghĩa là đặt bàn chân của mình vào đúng dấu chân của Thầy mình đi trước mình để lại. Chúng ta có thể diễn giảng đoạn Phúc Âm theo Thánh Marcô 8,33 như sau: Phêrô, lui lại đằng sau Thầy và đặt bàn chân của con vào dấu chân của Thầy và đừng hỏi Thầy con đường nào để đi, nếu con muốn làm môn đệ của Thầy.

4. ƠN GỌI CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT TƯƠNG QUAN CÁ NHÂN

Ơn gọi Kitô hữu của chúng ta không phải là một nghề nghiệp mà chúng ta phải hoàn thành hay một công việc chúng ta phải làm tám tiếng một ngày, sau đó chúng ta trở về nhà nghỉ ngơi. Không, ơn gọi của chúng ta là một cách sống, một tương quan cá nhân với một ai đó. Vì thế, chúng ta phải dành thời giờ ở với người đó. Chúng ta sẽ mất nhiều thời giờ với người đó nếu chúng ta thực sự muốn tương quan của chúng ta vững bền và sâu đậm. Tình bạn thì giống như một lối đi. Nếu lối đi không có ai đi lại thường xuyên thì cỏ dại và gai góc sẽ mọc lên. Một tương quan cá nhân với ai đó đòi hỏi thời gian và nhiều thời gian. Nó đòi hỏi ta phải hiện diện với người đó. Chỉ có sự hiện diện này mới là một khung cảnh để tình bạn, sự thân tình và tình yêu đích thật nảy nở. Thời giờ chúng ta dành cho một ai đó sẽ giúp chúng ta thấy rằng người đó đáng quý dường nào. Vì thế, thời giờ chúng ta dành cho việc cầu nguyện với Chúa trong tuần tĩnh tâm này thì cần thiết và quý báu dường bao. Cầu nguyện, theo Thánh Têrêsa Avila, là: “Ở với Chúa, Đấng chúng ta biết Ngài luôn yêu thương chúng ta”.

Bởi vậy, chúng ta cần phải nhận thấy thời gian của tuần tĩnh tâm là một món quà đặc biệt Chúa ban, một cơ hội quý báu Ngài trao cho chúng ta, một lời mời gọi để ta lớn lên và trải nghiệm tình bạn của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta có thể phung phí cơ hội này, nhưng hãy nhớ rằng Chúa luôn mở cửa và đón chào chúng ta:

 - “Ngay bây giờ, Thiên Chúa sẵn sàng đón chào anh em. Ngày hôm nay, Ngài sẵn sàng cứu độ anh em” (2Cr 6,2).

 - “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, các người đừng cứng lòng” (Tv 95).

 - “Thiên Chúa luôn mỉm cười với chúng ta. Ngài luôn luôn nhìn chúng ta với tình yêu. Sự chiêm niệm Kitô giáo cho phép chúng ta thừa nhận rằng Chúa Giêsu đang nhìn ngắm mình mọi nơi, mọi lúc. Điều đó cho thấy Ngài biết ta và yêu ta” (E.Farrel, Free to be Nothing).

 5. CHÚA TÌM CHÚNG TA, CHỨ KHÔNG PHẢI CHÚNG TA TÌM CHÚA

Trong tuần tĩnh tâm, điều quan trọng là luôn nghĩ rằng không phải chúng ta là người đi tìm Chúa. Trái lại, chính Chúa là người đi tìm chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại câu truyện rất đẹp (x.Hosê 2,1-16) nói về Thiên Chúa và chúng ta qua hình ảnh của một người vợ bất trung và người chồng rất yêu bà, dù bà sống bất trung. Tình yêu của Thiên Chúa không để chúng ta ra đi. Trái tim của Ngài tương tư chúng ta. Vì thế, Thiên Chúa suốt ngày chạy theo chúng ta. Ngài cất tiếng hỏi: “Adam, ngươi ở đâu?”. Thiên Chúa muốn nói chuyện với chúng ta suốt những ngày này. Hãy “ở nhà” và tìm kiếm Ngài trong trái tim của chúng ta.

Tuy nhiên, sự thật là nếu chúng ta đi vào chiều sâu của tâm hồn mình và đến một nơi nào đó gần trung tâm của tâm hồn, chúng ta sẽ được đối diện với một thực thể không thể trốn chạy, ngay tại gốc rễ của sự hiện hữu, đó là Thiên Chúa và chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài ngay lập tức và không thể trốn thoát sức mạnh vô cùng của Ngài (x. T. Merton, The Contemplative Life). Phương thế để đi vào chiều sâu tâm hồn rất đơn giản, gồm hai việc sau đây:

- Xem xét, cân nhắc: Hết sức chăm chú vào một điều gì đó, mở lòng mình ra trong thinh lặng với một mầu nhiệm ẩn dấu, trải nghiệm về sự hiện diện của mầu nhiệm ẩn dấu ấy trong ta ngay giây phút này. Mầu nhiệm ẩn dấu này là gì? Thánh Phaolô trả lời: “Mầu nhiệm ấy chính là Chúa Kitô ở trong anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang”  (Cl 1,27).

Như thế, suy niệm và cầu nguyện có nghĩa đơn giản là “đặt mình trước sự hiện diện của Đức Kitô ở trong chúng ta” hay “tìm kiếm mầu nhiệm ẩn dấu ở trong ta và làm cho nó triển nở cách mạnh mẽ”.

- Kiên trì thực hành: trở đi trở lại với điều gì đó bằng tình yêu và làm cho nó phát triển. Chỉ có cách đó, chúng ta mới nhận ra sự hiện diện của Chúa ở trong ta và bắt đầu sống mầu nhiệm này trong mọi tương quan của ta với người khác và những điều khác. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy tự xét xem mình còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm. Anh em chẳng nhận thấy là có Đức Kitô Giêsu ở trong anh em sao?”  (2Cr 13.5).

6. CHÚNG TA CÓ THỂ TRÔNG ĐỢI GÌ TỪ TUẦN TĨNH TÂM NÀY?

Sau rất nhiều lần tĩnh tâm, chúng ta có thể bị cám dỗ hỏi tiên tri Êdêkien như Chúa đã hỏi ông: “Con người hỡi, liệu những bộ xương khô này có hồi sinh được không?”( Ed 37,1-14). Hay với ông Nicôđêmô, chúng ta có thể hỏi Chúa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?”. Chúa Giêsu trả lời ông như sau: “Gió (Chúa Thánh Thần) muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,2-12).

Một câu truyện đẹp khác trong Kinh Thánh về điều này là cuộc đối thoại của Elia với Thiên Chúa. Elia vào một hang động để trốn những kẻ lùng bắt ông. Giavê đã đến và hỏi ông: “Elia, ngươi làm gì ở đây?”. Ông trả lời: “Họ đang lùng bắt để lấy mạng con”. Đức Chúa nói: “Hãy ra khỏi hang và đứng ngay ở lối vào chờ Đức Chúa. Rồi Đức Chúa đi qua. Nhưng Ngài không ở trong cơn gió bão, Ngài cũng không ở trong trận động đất, cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Elia lấy áo choàng che mặt rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Elia, ngươi làm gì ở đây?” (x.1V19,9-15).

Chúng ta tự hỏi: Chúng ta trông đợi gì từ tuần tĩnh tâm này? Tới đây chúng ta có thể có câu trả lời: Nghe tiếng Chúa nói trong cơn gió hiu hiu. Elia đã gặp Chúa trong bóng tối và trong thinh lặng. Ông đã nghe tiếng của Chúa nói: “Elia, ngươi làm gì ở đây?”. Ông Elia đã ra khỏi bóng tối của cái hang và đứng ngay ở cửa hang. Và rồi, cuối cùng, ông đã sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa. Chúa đã gọi ông một lần nữa để giúp ông mở rộng tâm hồn và thấy sự cần thiết phải hoán cải.

Cha John Fuellenbach, dòng Ngôi Lời, kể lại rằng sau một cuộc tĩnh tâm, ngài đã hỏi một chủng sinh: Thầy đã đạt được gì sau khi đã tham dự tuần tĩnh tâm?”. Thầy trả lời: “Con đạt được hai điều này: điều thứ nhất là con có thể cầu nguyện hai hay ba giờ mỗi ngày; điều thứ hai là con thấy mỗi trang Kinh Thánh đều có điều nói riêng với con. Kinh Thánh quả thật là Lời Chúa nói với con”(x. Proclaiming his Kingdom, tr.16). Theo Thư Do Thái, Lời Chúa là cái gì đó sống động và có thể đụng chạm tới trái tim con người (x.4,12).

Tuy nhiên, tất cả những gì ta nói ở trên không có nghĩa là chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề sau tuần tĩnh tâm này. Quả thật, không ai trong chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề của mình trực tiếp cũng như gián tiếp. Đúng hơn, Thiên Chúa khiến ta hướng tới một lối đi đúng. Ngài tuôn đổ ánh sáng trên các vấn đề của chúng ta và trong mọi cảnh huống của ơn gọi. Nhiệm vụ của chúng ta là rộng mở tâm hồn ra với Ngài trong cầu nguyện để biết rõ chúng ta là ai, ao ước đối diện với sự thật về mình và chấp nhận những gì cần phải thay đổi. Tóm lại, chúng ta đang được mời gọi để Thiên Chúa làm cho chúng ta những gì Ngài muốn làm.

CÂU CHUYỆN ĐỂ SUY NGHĨ

Ở một làng quê Nước Nga vào thế kỷ vừa qua, những người giầu có đã bảo vệ tài sản của mình bằng cách thuê người canh gác ngày đêm. Một buổi tối kia, Rabbi Naftalis đang đi bộ dọc theo một tòa nhà của một người giầu có và đi tới gặp người canh giữ tòa nhà này cũng đang đi quanh tòa nhà. Rabbi Naftalis hỏi người canh gác: Này bạn trẻ, bạn đang làm việc cho ai? Sau khi nói tên ông chủ của mình, bạn trẻ này hỏi lại Rabbi: “Còn Thầy, Thầy làm việc cho ai?”. Sau một lúc thinh lặng, Rabbi trả lời: “ Hiện giờ tôi không làm việc cho ai cả”. Sau đó Thầy hỏi bạn trẻ: “ Bạn có muốn làm việc cho tôi không?”. Bạn trẻ trả lời: “Rất muốn! Vậy tôi sẽ làm gì? Rabbi Naftalis trả lời: “ Anh phải luôn nhắc tôi là tôi làm việc cho ai”.

 Là linh mục, chúng ta hãy luôn tự hỏi mình: “Tôi đang làm việc cho ai? Tôi đang phục vụ ai?”

CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ

  1. Hiện giờ, tôi có thực sự khao khát Chúa không?
  2. Tôi có muốn Chúa chữa lành tôi khỏi “mù lòa, tàn tật và bại liệt” không?
  3. Việc bước theo Chúa của tôi là ưu tiên của cuộc sống đã tiến triển bao xa rồi?
  4. Tôi có muốn bước vào nơi bóng tối và thinh lặng bên trong tâm hồn - và rồi - bước ra và đứng ở lối ra vào để nghe tiếng Chúa không?