14/06/2021 09:29

Chỉ Nam Giáo phận Thái Bình(Danh sách nhân sự Giáo Phận 2010) Tiếp theo

Chương hai ĐỜI SỐNG LINH MỤC

 

1.             Linh đạo linh mục giáo phận
                Bản chất
Nguồn gốc và khuôn mẫu của linh mục là Đức Kitô, vì thế con đường thiêng liêng của linh mục chính là hiệp nhất và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô về mọi phương diện : nghèo khó, khiêm nhường, khổ hạnh, khiết tịnh, phục vụ, bác ái...
Linh mục Giáo phận thể hiện linh đạo của mình: khi sống tác vụ tông đồ trong Đức ái Mục vụ; khi cùng với các linh mục khác tạo nên một linh mục đoàn hiệp thông với Đức Giám mục Giáo phận như Đấng kế vị các Tông Đồ; khi cùng nhau phục vụ Hội Thánh trong Giáo phận mà mình đã ở đó, đã nhập tịch hoặc nhập vụ; và khi luôn sẵn sàng phục vụ Hội Thánh toàn cầu.7
                Nhân đức đặc hữu
Nhân đức đặc hữu của vị mục tử tốt lành chính là Đức Ái Mục Vụ được thể hiện qua : lòng nhiệt thành làm việc tông đồ; nếp sống vâng phục, khiết tịnh và thanh bần; thái độ khiêm hạ, lòng tín trung vác thập giá noi gương Đức Kitô.8
                Lòng nhiệt thành tông đồ
Lòng nhiệt thành tông đồ được biểu lộ qua cung cách phục vụ tận tuỵ, qua thái độ mau mắn đón nhận và chu toàn mọi trách nhiệm mục vụ, qua khả năng chịu đựng nhọc nhằn và qua tư thế sẵn sàng lo cho công cuộc truyền giáo.9
                Đức vâng phục
Đức vâng phục có một giá trị quan trọng trong đời sống linh mục, vì nhờ đó linh mục thực thi thánh ý Chúa biểu lộ nơi các Bề trên hợp pháp của mình. Khi vâng phục, linh mục thể hiện rõ nét tính hiệp thông trong phẩm trật, cộng tác trong đối thoại chân thành mà vẫn tôn trọng quyền bính.
Linh mục thể hiện đức vâng phục khi : trung thành với giáo huấn của Hội Thánh; tuân thủ Giáo luật và những quy định liên quan đến đời sống và chức vụ linh mục; sẵn lòng vâng lời Đức Giám Mục, nhất là trong các chương trình mục vụ của Giáo phận và trong việc chuyển đổi nhiệm sở và nhiệm vụ.10
                Đức Khiết Tịnh
Hội Thánh Công giáo luôn coi sự độc thân khiết tịnh là một ân huệ cần được kính cẩn đón nhận, giữ gìn và phát huy. Sống khiết tịnh trong quy chế độc thân của Hội Thánh, chính là tận hiến với một con tim không chia sẻ, trọn vẹn dành cho Nước Trời. Đó là dấu chỉ của một Đức ái cao cả, là lời chứng cho giá trị cao quý của sự tự do nội tâm muốn dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa và cho mọi người.
Để bảo toàn đức khiết tịnh, linh mục sẽ luôn thành thật với Chúa và với chính mình để can đảm nhìn nhận những giới hạn và yếu đuối, chú tâm đào luyện sự trưởng thành về tình cảm, không coi nhẹ những khổ chế cần thiết, thận trọng, khôn ngoan trong giao tiếp, tránh những cớ vấp phạm cho giáo dân, luôn khiêm tốn cầu nguỵên, sống theo gương Đức Kitô, Đức Mẹ và các Thánh.11
                Đức Thanh Bần
Đã chọn Chúa làm gia nghiệp, sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, linh mục muốn nên giống Đức Kitô trong sự tự do thanh thoát đối với vật chất và sự giàu sang đời này. Tinh thần nghèo khó của linh mục được biểu lộ qua thái độ :
- Không quá bận tâm về của cải, giàu sang;
- Không kinh doanh dưới bất cứ hình thức nào;
- Không vay công mượn nợ khi không có phép Đức Giám Mục;
- Xử dụng đúng đắn và chừng mực các phương tiện vật chất, cách riêng trong việc giúp đỡ thân nhân;
- Giản dị trong các tiện nghi cho cuộc sống;
- Biết dành phần giúp đỡ cho công cuộc bác ái;
- Tôn trọng và gần gũi mọi người, không phân biệt giầu nghèo.12 
                Đức Khiêm Hạ
Noi gương Đức Kitô, Đấng tự hạ thẳm sâu, linh mục muốn sống hiền lành khiêm nhường và âm thầm phục vụ. Đức khiêm hạ sẽ giúp linh mục nhận rõ con người mình trước Thiên Chúa và trước người khác trong mọi lãnh vực : nhân đức, tư cách, kiến thức, khả năng, cả những yếu đuối và sai lỗi.
Các trường hợp cần khiêm tốn nhất : khi sa ngã, lỗi lầm; khi bị thoá mạ, vu khống, chỉ trích; khi thành công hay khi thất bại; khi thấy người khác vượt trội hơn mình.
Trung tín vác Thập Giá
Trên bước đường phục vụ, linh mục sẽ gặp biết bao khó nhọc về tinh thần cũng như thể lý, nhưng Đức Kitô vẫn luôn mời gọi linh mục trung tín vác thập giá bước theo Người. Sự tín trung này là một nhân đức anh hùng giúp linh mục muốn sống tâm tình của Thánh Phaolô : “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).13
                Phương thế sống
                Cầu Nguyện
Noi gương Đức Kitô, linh mục muốn liên lỉ tiếp xúc với Thiên Chúa. linh mục sẽ cầu nguỵên với Hội Thánh, cầu cho những nhu cầu của Hội Thánh và thế giới, cho các thành phần Dân Chúa, cho công cuộc truyền giáo và Phúc Âm hoá thế giới.
Linh mục hãy trung thành giữ các Giờ Kinh Phụng Vụ, cố gắng theo đúng các Giờ, không dễ dãi tự cho phép thay thế bằng các việc đạo đức khác.
Việc nguyện ngắm hằng ngày sẽ làm cho đời sống nội tâm thêm phong phú, giúp linh mục gắn bó mật thiết với Chúa, thấm nhuần những tâm tình đạo đức và có được quyết tâm tốt đẹp cho cuộc sống mỗi ngày.
Hằng ngày đọc và suy niệm Lời Chúa sẽ giúp linh mục sống theo thánh ý Chúa, ngày càng hiểu biết Đức Kitô hơn, để thấy rõ con đường nên thánh, đồng thời giúp gia tăng chất liệu cho các suy tư và những bài diễn giảng trong tác vụ ngôn sứ của linh mục.14
                Bí tích Thánh Thể
Thánh Thể là cội nguồn và là chóp đỉnh của đời sống và tác vụ linh mục, vì thế linh mục phải luôn liên kết chặt chẽ với Thánh Thể để thống nhất đời sống và nuôi dưỡng đức ái mục vụ.
Nên một với Thầy Chí Thánh, linh mục cũng sẽ trở thành tấm bánh bẻ ra cho mọi người, chấp nhận chết để người khác được sống, như dấu chỉ của tình yêu vô biên, không điều kiện và đầy ân cần của Thiên Chúa đối với con người.
Hãy sống Thánh Lễ mình dâng và hãy dâng chính mình làm lễ vật trên bàn thờ hy tế.
Linh mục được mời gọi để sống thân tình với Đức Kitô, nên ngoài việc sốt sắng dâng lễ mỗi ngày, thì việc siêng năng viếng Thánh Thể và làm các việc đạo đức trước Thánh Thể, không những thể hiện và gia tăng lòng mến Chúa nơi bản thân linh mục, mà còn trở thành gương sáng cho giáo dân.15
                Bí tích Hoà Giải
Là người ban Bí tích Hoà Giải, linh mục cũng là người cần đến ơn tha thứ cho bản thân yếu đuối, nên phải lưu tâm lãnh nhận bí tích này, để củng cố đức tin và gia tăng lòng mến Chúa yêu người.
Nhờ xưng tội thường xuyên và đều đặn, linh mục tránh được nguy cơ trì trệ trong đời sống thiêng liêng, trở nên khiêm tốn và dễ thông cảm hơn với những yếu đuối lỗi lầm của người khác.16
                Việc Linh Hướng
Hướng dẫn người khác nên thánh, linh mục cũng vẫn cần được giúp đỡ trong cuộc hành trình thiêng liêng của chính mình. Khi đặt sự tín nhiệm của mình nơi một vị linh hướng và đón nhận những chỉ dẫn của ngài, linh mục sẽ nhận ra ý Chúa rõ hơn và có những quyết định chín chắn hơn.17
                Các việc đạo đức khác
Linh mục siêng năng đọc sách thiêng liêng để hiểu biết thêm về đường tu đức; xét mình hằng ngày để sửa chữa những thiếu sót và phát huy những điểm tích cực; sốt sắng tĩnh tâm hàng tháng và hàng năm để thăng tiến cuộc sống thiêng liêng. Linh mục hãy tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngắm đàng Thánh Giá, đặc biệt mừng kính lễ Thánh Tâm là ngày thánh hoá các linh mục, để nhờ đó luôn sống trong tình yêu Chúa và chuyển thông tình yêu ấy cho mọi người.
Ngoài ra, tôn kính Đức Mẹ bằng việc lần hạt mân côi, tôn kính Thánh Giuse và các Thánh vẫn là những phương thế hữu ích để làm tăng trưởng đời sống nội tâm.18 
2.             Sống hiệp thông
Linh mục là người hiệp thông với Hội Thánh : “sentire cum Ecclesia”. Sự hiệp thông ấy mang tính phổ quát và cụ thể với các thành phần dân Chúa cũng như với mọi đường lối, ưu tư, hoạt động và biến cố trong Hội Thánh.
                Với Đức Giáo Hoàng
Linh mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là Đại Diện Chúa Kitô và là người đứng đầu, là Mục tử của Hội Thánh toàn cầu. Tình hiệp thông này được biểu lộ qua việc tôn kính và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, đồng thời đón nhận, thực thi và phổ biến những giáo huấn của Người.
                Với Đức Giám Mục Giáo Phận
Được tham dự vào chức tư tế sung mãn của Đức Giám Mục, linh mục luôn sống hiệp thông với Đức Giám Mục giáo phận. Với lời đã hứa trong ngày chịu chức là tôn kính và vâng phục Đức Giám Mục, linh mục sẽ cầu nguyện, tín nhiệm, chân thành cộng tác, sẵn sàng góp ý xây dựng nhưng vẫn luôn tuân phục những chỉ thị và quyết định của Người.19
                Với linh mục đoàn
Mỗi linh mục hiệp thông với các linh mục khác bằng những liên hệ đặc biệt của thừa tác vụ duy nhất, của đức ái tông đồ và của tình huynh đệ. Tình hiệp thông đó trở thành mối dây nối kết linh mục với mọi thành viên của linh mục đoàn, triều cũng như dòng, chánh xứ hay phó xứ, đang phục vụ hay đã nghỉ hưu. Linh mục đoàn hợp thành một gia đình chung quanh Đức Giám Mục, trong đó tình anh em linh mục được thể hiện qua việc cầu nguyện cho nhau, nâng đỡ, cộng tác với nhau trong công tác mục vụ, thăm viếng, an ủi, khích lệ, trao đổi kinh nghiệm, nhắc bảo cũng như sẵn sàng nghe lời nhắc bảo nhau.
Nếu điều kiện cho phép, việc anh em linh mục sống chung thành nhóm, chắc chắn sẽ đem lại những kết quả phong phú cho đời sống và tác vụ linh mục. Điều có thể làm được là cần có những người bạn linh mục chân thành để dễ dàng thông cảm, chia sẻ, nâng đỡ và nhắc bảo nhau hơn.20
Linh mục giáo phận đối với nhau như anh em một nhà, cần duy trì sự hợp nhất huynh đệ.
Tuyệt đối giữ kín, không cho người ngoài biết những mối bất hoà giữa anh em linh mục với nhau và với Bề Trên. Đặc biệt đừng bao giờ nghe người khác nói xấu về anh em linh mục mà gây ra hiểu lầm nhau.
Anh em linh mục nên gặp gỡ nhau thường xuyên, vừa để thăm hỏi nhau vừa để trao đổi kinh nghiệm mục vụ, nhất là trong dịp lễ bổn mạng.
Khi một linh mục giáo phận gặp bước khó khăn, các anh em linh mục khác cần quan tâm giúp đỡ về tinh thần và vật chất.
Linh mục Giáo phận phải có tờ di chúc. Nếu không có di chúc thì sau khi chết tài sản sẽ thuộc về Toà Giám Mục.
Linh mục xứ phải hiện diện thường xuyên tại nhà xứ để giáo dân dễ dàng gặp khi cần. Trường hợp đi xa và lâu ngày ngoài giáo phận, nếu vắng 3 ngày thì báo Cha quản hạt, còn nếu vắng trên 3 ngày phải báo Đức Giám Mục.
Các linh mục Giáo phận có bổn phận phải tham dự các cuộc tĩnh tâm tháng và tĩnh tâm năm. Trường hợp bị ngăn trở nặng phải vắng mặt thì sau đó phải tĩnh tâm riêng và báo lại cho Đức Giám Mục.
                Với các Tu Sĩ
“Linh mục phải lưu tâm đặc biệt đến mối tương quan với các anh chị em dấn thân sống đời tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, dù họ thuộc về hình thức nào, bằng cách bày tỏ một sự quý mến chân thành và một tinh thần cộng tác tông đồ đích thực trong sự tôn trọng và thăng tiến những đặc sủng riêng tư của họ. Ngài cũng cộng tác làm cho đời sống tận hiến ngày càng sán lạn hơn, vì thiện ích của toàn Giáo Hội, và càng trở nên thuyết phục và hấp dẫn hơn với các thế hệ mới.
Trong tinh thần quý chuộng đời sống tận hiến, linh mục sẽ chăn dắt đặc biệt các cộng đoàn, vì nhiều lý do, đáng cần hơn nền giáo lý lành mạnh sự giúp đỡ và khích lệ sống trung thành”.21
Đối với các tu sĩ thuộc các hội dòng, linh mục luôn dành cho họ sự quý mến và lòngï tôn trọng chân thành. Có thể giúp họ thăng tiến những đặc sủng của từng hội dòng, bền đỗ và tiến đức trong đời tận hiến.
Đón nhận sự đóng góp của các tu sĩ trong công tác mục vụ của giáo xứ, linh mục cũng đừng quên giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, kể cả trợ cấp tương xứng cho họ.22
Các linh mục quản xứ phải lưu tâm giúp đỡ các tu sĩ nam nữ, nhất là các tu sĩ phục vụ trong giáo xứ của mình, bền đỗ trong ơn gọi riêng và tiến đức theo tinh thần của Dòng. Các linh mục quản xứ nên đối xử nhân từ theo tinh thần phụ tử, đồng thời trợ cấp theo lẽ công bằng đối với các tu sĩ phục vụ giáo xứ. Ngoài ra phải làm hợp đồng bằng giấy tờ theo Giáo luật.23
                Với các Chủng Sinh
“Linh mục cần lưu tâm cách riêng đến mục vụ ơn gọi, không quên khuyến khích cầu nguyện theo ý chỉ đó, bỏ công sức ra cho giáo lý ơn gọi, lo huấn luyện các em giúp bàn thờ, cổ võ những sáng kiến thích hợp bằng tiếp xúc cá nhân, nhằm phát hiện những tài năng và biết nhận ra thánh ý Chúa để giúp can đảm lựa chọn theo Đức Kitô.
Chắc chắn, sự ý thức rõ ràng về căn tính của mình, sự mạch lạc trong đời sống, niềm vui trong sáng và lòng nhiệt thành thừa sai tạo nên những nguyên tố cần thiết cho mục vụ ơn gọi. Mục vụ này phải được sáp nhập vào trong mục vụ chung thông thường. Với chủng viện, cái nôi ơn gọi của mình và môi trường thử nghiệm sống chung đầu tiên, linh mục cần luôn duy trì những quan hệ hợp tác chân tình và yêu thương chân thành.
Đó là một “đòi hỏi không thể lẩn tránh của đức ái mục vụ” là mỗi linh mục tiếp tay với ơn Chúa Thánh Thần, quan tâm khơi dậy ít nhất một ơn gọi linh mục để có thể tiếp nối thừa tác vụ của mình”.24
Những công việc cụ thể : các cha quản xứ phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ, để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn các thanh thiếu niên đến chức linh mục. Các cha quản xứ cần cộng tác tích cực với các vị đặc trách ơn gọi của giáo phận để góp phần nuôi dưỡng và làm phát sinh ơn gọi linh mục. Tìm và giúp kinh phí đào tạo cho những em có triển vọng tới chức linh mục, bắt đầu từ lúc các em học ở bậc phổ thông cơ sở.
Với các chủng sinh trong giáo xứ, đặc biệt các chủng sinh đang giúp xứ hoặc đang phụ trách giáo họ biệt lập, linh mục hãy tỏ ra là một người cha, một người thầy và một người bạn để hướng dẫn, giúp họ thực tập làm tông đồ, khích lệ về tinh thần cũng như giúp đỡ về vật chất.
                Với Giáo Dân
Trên căn bản của sứ vụ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, linh mục vẫn được coi như người cha thiêng liêng của các tín hữu. Mối thâm tình sâu sắc này là cơ sở cho những yêu thương gắn bó, những hy sinh tận tuỵ, những ưu tư trăn trở của linh mục vì cộng đoàn. Tất cả chỉ vì một tình yêu cao cả đến độ dám hiến mạng cho những người mình yêu thương, và chỉ vì một lòng nhiệt thành muốn đem lại điều tốt cho mọi người.25
Những công việc cụ thể :
Các linh mục phải khôn ngoan trong việc giao tế, đừng để người ngoài hiểu lầm linh mục trọng giàu khinh nghèo, hoặc có thái độ trưởng giả quan liêu. Các linh mục trong giáo phận không được kinh doanh làm ăn kinh tế, cho vay mượn. Nếu vì đức ái đòi buộc, các linh mục nếu có khả năng nên giúp cho giáo dân trong hoàn cảnh họ gặp khó khăn (nghĩa là cho không). Khi tiếp xúc với giáo dân, nhất là nữ giới, linh mục không được có thái độ quá thân mật hay quá lạnh nhạt. Khi có những mối bất hoà giữa giáo dân với nhau, linh mục cố gắng thu xếp hoà giải trong công bình, bác ái và công lý, không thiên vị một ai, không bênh vực một phe nhóm nào. Linh mục xứ nên thăm viếng giáo dân, đặc biệt những người đau yếu và những người cần được nâng đỡ tinh thần.26
                Với Xã hội
Trong các vấn đề xã hội, linh mục luôn là người công dân tốt, sẵn sàng góp phần xây dựng quê hương theo tinh thần Phúc Âm và phù hợp với học thuyết xã hội của Hội Thánh. Cần tránh những hoạt động hay những phương thế hoạt động có thể phương hại đến uy tín của Hội Thánh.
Những hoạt động hoàn toàn có tính cách trần thế là lãnh vực chuyên trách của giáo dân. Vì thế, linh mục cần huấn luyện lương tâm giáo dân để họ hành động theo luân lý Kitô giáo.27
                Với các Tôn Giáo Bạn và Lương Dân
Linh mục luôn tôn trọng tự do lương tâm của mọi người, tế nhị trong giao tiếp đối với các tôn giáo bạn và anh em lương dân. Hãy dành thời giờ tìm hiểu các tôn giáo để có thể đối thoại và thích nghi phương pháp truyền giáo.
Đối với mọi người, linh mục thể hiện đức bác ái đại đồng của Phúc Âm, luôn tiếp xúc thân tình, cởi mở trong tình anh em, làm những gì có thể được để góp phần thăng tiến cuộc sống chung.28
3.             Việc thường huấn
                Sự cần thiết của việc thường huấn
Việc thường huấn là điều tối quan trọng để củng cố sự trung thành đối với tác vụ và thực hiện tiến trình hoán cải liên tục trong đời sống linh mục, cũng như đem lại những khởi sắc cho các hoạt động tông đồ. Việc thường huấn này phải được thực hiện suốt đời linh mục và liên quan đến mọi chiều kích của đời linh mục : nhân bản, siêu nhiên, tri thức, giáo thuyết và mục vụ.
                Luôn đào luyện các đức tính nhân bản
Các đức tính nhân bản rất cần thiết để xây dựng con người linh mục, vì thế cần được ý thức và phát huy để linh mục dễ dàng hoà nhập với xã hội, tạo những tương quan tích cực hơn với mọi người.
                Luôn bồi dưỡng về mặt thiêng liêng
Linh mục cần được bồi dưỡng về mặt thiêng liêng để luôn tái xác nhận lời đáp trả của mình đối với Chúa và Hội Thánh, đổi mới tâm hồn, thăng tiến các nhân đức, sửa đổi các sai phạm, tăng cường sức mạnh tinh thần sau những năm tháng hoạt động...
                Thường huấn về mặt tri thức
Việc thường huấn về tri thức, giáo thuyết và mục vụ sẽ giúp linh mục theo kịp và thích ứng với những tiến bộ và nhu cầu của con người thời đại. Vì thế, cần tham gia những lớp nghiên cứu, học hỏi các tài liệu mới, những buổi trao đổi kinh nghiệm mục vụ, đặc biệt khi vừa chịu chức hay khi lãnh nhận một nhiệm vụ mới.
                Việc đào tạo trường kỳ là một bổn phận
                Đối với các linh mục trẻ, việc đào tạo là để biết cách sử dụng những khả năng và hoà nhập với môi trường mục vụ.
                Với các linh mục trung niên, việc đào tạo giúp ngăn ngừa nguy cơ hoạt động thái quá đưa đến tự mãn hoặc ù lì thụ động gây ra chán chường, đồng thời giúp nhạy bén nhận ra và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu mục vụ.
                Với các linh mục cao niên, việc đào tạo không chỉ để học hỏi nhưng để củng cố và truyền thông kinh nghiệm.
                Với các linh mục đau yếu, suy nhược thể lý và tinh thần, việc đào tạo để xác tín rằng mình luôn là thành phần tích cực trong việc xây dựng Hội Thánh, đặc biệt nhờ vào sức mạnh do việc kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ.29