14/06/2021 09:29

Các chức vụ

TỔNG ĐẠI DIỆN Tổng đại diện là đấng bản quyền thay mặt Giám Mục đứng đầu việc hành pháp và giúp Giám Mục trong việc cai quản giáo phận.

1.1.    Việc bổ nhiệm
Trong mỗi giáo phận, Giám Mục giáo phận phải đặt một Tổng Đại Diện với quyền hành thông thường, để giúp ngài trong việc lãnh đạo toàn Giáo phận.  
Tổng đại diện do Giám Mục chỉ định hoặc linh mục đoàn bầu.
1.2.    Điều kiện của ứng viên
Phải là tư tế không dưới ba mươi tuổi, có bằng tiến sĩ hoặc cử nhân Giáo Luật hay Thần Học, hoặc ít là phải thực sự thành thạo các môn đó, trổi vượt về học thuyết lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và kinh nghiệm trong việc điều khiển công việc.  
Có uy tín trước linh mục đoàn.
1.3.    Quyền hành và nhiệm vụ
“Tổng Đại Diện, chiếu theo chức vụ, trong toàn giáo phận có quyền hành pháp mà theo giáo luật thuộc về Giám Mục Giáo phận, tức là quyền thực hiện tất cả mọi công việc hành chính, trừ những công việc mà Giám Mục đã dành riêng cho mình hoặc những công việc mà luật đòi phải có sự uỷ nhiệm đặc biệt của Giám Mục” .
1.4.    Nhiệm kỳ và mãn nhiệm
Nhiệm kỳ 5 năm
Mãn nhiệm : Quyền hành của Tổng Đại Diện chấm dứt khi sự ủy nhiệm mãn hạn, khi từ nhiệm, khi sự giải nhiệm được Giám Mục Giáo phận thông báo và khi toà giám mục khuyết vị, khi nhiệm vụ của Giám Mục Giáo phận bị đình chỉ, trừ khi các ngài có chức Giám Mục.

2.    ĐẠI DIỆN GIÁM MỤC

Đại diện Giám Mục là Đấng Bản Quyền được Giám Mục chỉ định để giúp ngài trong một phạm vi cụ thể.
1.1.    Việc bổ nhiệm
Khi nào thấy cần cho việc quản trị chính đáng của giáo phận, Giám Mục cũng có thể đặt một hoặc nhiều Đại diện Giám Mục cho mỗi khu vực nhất định của Giáo phận.  
Đại Diện Giám Mục do Giám Mục Giáo phận chỉ định hoặc linh mục đoàn bầu.
1.2.    Điều kiện của ứng viên
Đại diện Giám Mục phải là những tư tế không dưới ba mươi tuổi, có bằng tiến sĩ hoặc cử nhân Giáo luật hay thần học hoặc ít là thực sự thành thạo các môn đó, trổi vượt vì đạo lý lành mạnh, đức độ, khôn ngoan và từng trải khi xử sự công việc.
1.3.    Quyền hành và nhiệm vụ
Các Đại diện Giám Mục được quyền hành thông thường mà luật phổ quát dành cho Tổng Đại Diện, theo các qui tắc đã được ấn định.  Nhưng chỉ trong lãnh vực giới hạn lãnh thổ hoặc số loại công việc hoặc đoàn nhóm nhất định mà Đại diện Giám Mục đã được đặt lên, trừ những việc gì Giám Mục đã dành riêng cho ngài hoặc cho Tổng Đại diện, hoặc những gì mà luật đòi cần phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám Mục .
“Đại Diện Giám Mục phải tường trình cho Giám Mục giáo phận biết những công việc quan trọng phải làm cũng như đã làm, và không bao giờ được hành động trái với ý muốn và ý hướng của Giám Mục giáo phận”
Như thế đại diện Giám Mục có nhiệm vụ giúp Giám Mục những công việc cụ thể mà Giám Mục chỉ định.
1.4.    Nhiệm kỳ và mãn nhiệm
Nhiệm kỳ 5 năm
Mãn nhiệm : quyền hành của Đại diện Giám Mục chấm dứt khi sự ủy nhiệm đã mãn hạn, hoặc khi giải nhiệm được Giám Mục thông báo hay khi Tòa Giám Mục khuyết vị.