14/06/2021 09:32

Bài 25: Lãnh đạo

Lãnh đạo

 

Bất cứ đoàn thể hay tổ chức nào, dù lớn, dù nhỏ đều có người đứng đầu. Người đứng đầu là người khởi xướng mọi công việc; đưa ra những quyết định hướng dẫn các hoạt động; giúp mọi người chấp nhận mục tiêu chung và dẫn dắt họ đạt tới mục tiêu đó. Đó là vai trò lãnh đạo.

Gia đình, đoàn thể, quân đội, quốc gia mạnh hay yếu, đi đúng hướng, đạt được mục đích  hay không đều do người lãnh đạo. Người xưa nói: “Chỉ có tướng dở, chứ không có quân dở”. Ý nói rằng quân giỏi hay dở là do vị tướng, do người lãnh đạo. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, người ta nói: doanh nghiệp ăn nên làm ra vì có giám đốc giỏi; quốc gia hùng mạnh vì có vị lãnh đạo giỏi; gia đình nề nếp, phát đạt vì có người chủ gia đình giỏi; giáo xứ sinh động, sốt sắng vì có cha xứ giỏi và đạo đức. Cũng có thể nói một đoàn TNTT mạnh vì có cha tuyên úy, có đoàn trưởng giỏi và đạo đức. Vậy vai trò của người lãnh đạo có tầm quan trọng quyết định.

Lịch sử ngày mai sẽ ghi công hay kết tội người lãnh đạo tuỳ vào công việc họ làm cho đoàn thể, quốc gia ngày hôm nay. Kinh nghiệm đông-tây, kim-cổ cho thấy nhiều bài học quý giá cho những ai đang và sẽ là nhà lãnh đạo.

Đối tượng của nhà lãnh đạo là con người và công việc. Nhà lãnh đạo biết sử dụng, điều động, phối hợp tài sức của mọi người để dẫn dắt công việc nhằm đạt được mục đích là ích lợi chung. Muốn thành công, nhà lãnh đạo phải tôn trọng con người, nói tắt là dùng đúng người vào đúng việc; Muốn dùng người tốt phải biết sắp xếp và tổ chức công việc. Sau đây là một số kinh nghiệm của những người đi trước:

I.- BẢN THÂN NGƯỜI LÃNH ĐẠO:

Người lãnh đạo quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của đoàn thể. Vì vậy người lãnh đạo cũng bị đòi hỏi nhiều. Người lãnh đạo phải:

1. Sống có mục đích: là xác định được điểm đến cuối cùng của mình, cam kết, quyết tâm đạt cho được mục đích đó bằng cả đời sống của mình. Mục đích của nhà lãnh đạo quốc gia là cơm no áo ấm, được tự do, hạnh phúc cho dân. Người dân thấp cổ bé họng, nhưng rất tinh tường: nhìn vào việc làm của nhà lãnh đạo, họ biết ông đang làm gì, nhắm mục đích gì, vì ai, họ mới ủng hộ và tin theo. Mục đích của người gia trưởng là xây dựng hạnh phúc cho gia đình, gầy dựng tương lai cho con cái. Mục đích của Huynh trưởng TNTT là sống, học hỏi và rèn luyện bản thân để trở thành người Kitô hữu hoàn hảo, và hướng dẫn thiếu nhi của mình đạt được mục đích đó.

Không có điểm đến, Người lãnh đạo sẽ không đi tới đâu và cũng không thể hướng dẫn người khác. Không ai theo một người mà chính người ấy không biết mình đi đâu. Abraham và gia đình ông đã ra đi vì Thiên Chúa mời gọi và hứa là điểm tựa cho ông và con cháu. Chúa Giêsu, nhà lãnh đạo lý tưởng vô tiền khoáng hậu, đã vạch đường và chỉ điểm đến cho nhân loại là về với Chúa Cha và thông chia hạnh phúc đời đời của Ngài.

2. Có khả năng quản lý: Nói đến quản lý là nói đến tương quan giữa người lãnh đạo, các cộng sự viên và khách hàng. Muốn các cộng sự viên tích cực chia sẻ và cộng tác, người lãnh đạo phải cho mọi người hiểu họ có phần trách nhiệm cũng như được chia phần trong kết quả của công việc. Muốn vậy, người lãnh đạo phải đào tạo, hướng dẫn mọi người học hỏi cách làm việc, không quên khích lệ họ trong khi làm việc và chia sẻ thành công với họ. “Thày không gọi các con là đầy tớ, nhưng là bạn hữu, vì đầy tớ không biết việc chủ làm” (Ga 15,15). Chúa Giêsu muốn chúng ta cộng tác và tiếp nối công việc của Ngài. Dù ở chức vụ nào, Huynh trưởng TNTT không làm việc một mình, nhưng luôn có các trưởng khác cộng tác. Hãy biết chia sẻ công việc cho anh chị em theo khả năng và điều kiện của họ. Hãy nói cho họ hiểu thành công của đoàn là kết quả nỗ lực của tất cả chúng ta.

3. Có lòng can đảm:  Can đảm không phải là không biết sợ, nhưng can đảm là khi quyết định làm việc gì thì cố gắng chu toàn. Đoàn quân sẽ hăng hái chiến đấu khi thấy tướng của họ can đảm. Trong đám trẻ chơi với nhau, đứa nào tỏ ra can đảm, nó sẽ được những đứa khác đi theo và tôn làm “đại ca”… tí hon.

Can đảm không phải chỉ biểu lộ bằng hành động cụ thể, nhưng còn được diễn đạt qua tinh thần và những xác tín của mình. Người can đảm không chán nản trước hoàn cảnh khó khăn, không thoả hiệp với sự xấu vì bị áp lực; Bênh vực lẽ phải dù bị thiệt thòi hay đe doạ (Các con hãy mạnh dạn rao giảng…đứng sợ những kẻ có thể giết được thân xác mà không giết được linh hồn Mt 10,28).

Huynh trưởng TNTT, đối diện với không ít khó khăn, vẫn cố gắng khắc phục và đi tới, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi để hướng dẫn thiếu nhi đến với Chúa.

4. Công bằng: Công bằng là trả lại cho người ta những gì thuộc về họ; công bằng là sự phán xét theo lẽ phải không phân biệt kẻ thân người không thân; công bằng là sự phân chia quyền lợi đúng như mỗi người được quyền hưởng; là thưởng phạt đúng như việc đã làm.

Người có đức tính công bằng được mọi người tín nhiệm, hay được mời làm trọng tài phân xử trong các tranh chấp. Bất công là nguyên nhân của mọi cuộc nổi loạn.

Thiếu nhi rất hay “kiện cáo”. Tuy là chuyện trẻ con nhưng nếu huynh trưởng không xử sự tới nơi sẽ gây cho các em tâm trạng thất vọng về người anh, người chị của nó, sẽ không còn tín nhiệm anh chị nữa. Nhà lãnh đạo công bằng sẽ có được những cộng sự viên trung thành.

5. Yêu thương: Lãnh đạo là phục vụ. Chỉ có lòng yêu thương mới dẫn đến sự phục vụ chân chính. Luật lệ, biện pháp quản lý của nhà lãnh đạo phải phát xuất từ tình yêu, vì lợi ích của cộng đoàn. Luật vàng của nhà lãnh đạo Giêsu “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).

Thiên Chúa yêu thương ban lề luật cho dân, luật được đặt ra vì lợi ích của cộng đoàn, nhưng áp dụng luật cách cứng ngắc, không nhắm lợi ích của cộng đoàn, lạm dụng luật, luật sẽ trở thành gông cùm của nhà cai trị dành cho dân chúng. Có gông cùm thì ắt có “bẻ khoá”, có loạn lạc. Trưởng TNTT nên biết: trẻ em ngây thơ nhưng rất tính ý, qua hành động trách phạt của trưởng, chúng sẽ nhận ra bạn phạt vì thương hay vì ghét để biết ơn hoặc oán hận và xa lánh. Khi bị trẻ xa lánh, bạn không thể dạy các em được nữa. Khi cộng sự viên xa lánh, bạn sẽ bị cô lập và thất bại trong công việc.

6. Trung thực: Chúa dạy: “Chớ trộm cướp, chớ làm chứng gian, chớ muốn vợ chồng người khác, chớ ước ao lấy của người khác”. Người trung thực được mọi người tín nhiệm, đi theo. Trung thực thể hiện bằng việc làm chứ không bằng lời nói. Trung thực từ trong lòng, lòng không trung thực, khó có hành động ngay thẳng “Mc 7, 21-23). Như lửa thử vàng, quyền lợi, nghịch cảnh, cám dỗ thử đức tín trung. Người trung thực sẽ có được những cộng sự viên trung thực.

Huynh trưởng TNTT phải trung thực với trách nhiệm, các cộng sự viên và thiếu nhi sẽ đáp lại bằng sự cộng tác và vâng lời. Huynh trưởng dạy các em sự trung thực bằng chính đời sống của mình.

7. Quảng đại: Người lãnh đạo quảng đại mở rộng tấm lòng để cho đi. Đem tài năng, sức lực, của cải, thời giờ cống hiến cho công ích và vì tình yêu tha nhân. Quảng đại đón nhận người khác, sửa chữa, tha thứ khuyết điểm và sự xúc phạm của họ với mình.(Mt 18, 21-22). Ai cũng có khuyết điểm, cộng sự viên của bạn cũng vậy, hãy tập hợp những ưu điểm của nhau để làm việc, và giúp nhau sửa chữa, loại bỏ khuyết điểm. Không căn cứ khuyết điểm quá khứ để đánh giá hiện tại.

8. Khiên tốn: là ý thức và đánh giá trung thực về bản thân. Người khiêm tốn không buồn, ghen khi thấy người khác hơn mình; nhưng trân trọng và sẵn sàng học tập; Vui mừng nhưng không vênh vang khi thành công, hay được khen tặng, cũng không bực bội bất mãn khi thất bại, nhưng ý thức rằng mình chỉ là “đầy tớ vô dụng, làm những việc phải làm” (Lc 17,10). Không lấy cớ khiêm tốn để từ chối công việc mà mình có thể làm cho công cuộc chung, chờ mọi người phải năn nỉ;

Trân trọng, đón nhận và tuyên dương tài năng cũng như thành công của cộng sự viên. Không đòi hỏi người khác phải đạt được những tiêu chuẩn mà chính mình chưa đạt tới. Đừng lấy mình làm mẫu bắt người khác phải giống mình. Sẵn sàng phục vụ không đòi đền đáp. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường”.

9. Tự tin:  Tin chính mình trước đã. Không tin mình, làm sao đủ sức thuyết phục người khác tin mình. Tin mục đích mình nhắm tới; con đường mình đang đi; phương pháp đang áp dụng là đúng, là khả thi, như thế mới có  khả năng thực hiện công việc mình đã suy nghĩ và chọn lựa. Tự tin giúp ta bình tĩnh, lanh lợi trong công việc. Lòng tự tin có sức thuyết phục người khác hăng hái làm việc. Nhưng tự tin khác với kiêu căng, mù quáng: chỉ tự tin sau khi đã phân tích công việc, lượng giá bản thân.

10. Cương quyết: là không hay thay đổi ý định cũng như phương sách khi không có lý do chính đáng. Không dễ để cho người khác hoặc nghịch cảnh làm cho chùn bước. Sau khi đã bàn bạc, cân nhắc, kết luận thì không thoái lui, đầu hàng khi gặp khó khăn trở ngại, nhưng tìm giải pháp để vượt qua.

Cương quyết không có nghĩa là cố chấp, độc đoán; người quả quyết biết lắng nghe, quan sát để hiệu đính công việc khi cần. Sau khi đã bàn bạc, cân nhắc, kết luận, người cương quyết không chùn bước khi gặp khó khăn trở ngại. Họ là chỗ dựa vững chắc cho các cộng sự và các em yên tâm làm việc.

11. Giao tiếp tốt: Giao tiếp thể hiện mối tương quan giữa người với người. Càng gần gũi và thường xuyên tiếp xúc, nhất là giữa người lãnh đạo với các cộng sự viên, càng làm hiểu nhau và cộng tác tốt hon. Điều kiện để cuộc giao tế thực hiện tốt là hai bên cùng mở lòng, trong đó người lãnh đạo phải đi bước trước, biết chân thành lắng nghe, đọc được ý tưởng của cộng sự viên, và có khả năng thuyết phục.

Đừng quên cám ơn và ghi nhận những đóng góp tích cực của họ. Cộng sự viên sẽ hăng hái làm việc vì đươc lắng nghe. Cuộc tiếp xúc lần sau được vui vẻ đón nhận là dấu chỉ cuộc giao tiếp lần trước đã thành công. Giao tiếp có thể diễn ra bất cứ ở đâu, bất cứ lức nào. Giao tiếp bằng chân tình chứ không chỉ bằng tài hùng biện.

17. Chăm sóc từng người: “Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta (Ga 10,14). Các cộng sự viên là một tập thể, nhưng người lãnh đạo không quan tâm đến họ như một tập thể, mà phải quan tâm đến từng người, để hỗ trợ, chăm sóc. Phải biết từng người về khả năng, tính tình, hoàn cảnh sống để chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ và phân chia công tác đúng người đúng việc, nhất là để hiểu lý do và thông cảm với những khiếm khuyết nơi họ.

18. Đào tạo kế thừa. Người lãnh đạo khôn ngoan biết quan tâm đào tạo, nâng cao đạo đức và khả năng của cộng sự viên. Tìm cơ hội phát triển tài năng và tiềm năng trong hàng ngũ cộng sự viên. Tổ chức bồi dưỡng, tạo điều kiện tập sự để làm nhân tố kế thừa.

19. Vâng phục: “Anh em muốn ai làm điều gì cho mình, hãy làm điều đó cho người khácnhư vậy”(Lc 6, 31). Người lãnh đạo ý thức mình còn phải vâng phục Người lãnh đạo cao hơn, Do đó, muốn người dưới thi hành lệnh của mình, nghe theo mình, theo nề nếp phong trào thì chính mình phải có tinh thần vâng phục. Có vậy mới hiểu được tâm trạng của người vâng phục mình, để có thái độ và hành động thích đáng đối với cộng sự viên. Đồng thời làm gương cho cộng sự viên.

20. Phục vụ: Theo gương Chúa Giêsu: “Thầy đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ”(Mt 20,28). Người lãnh đạo chân chính là người phục vụ cộng đồng, nhắm hạnh phúc của cộng đồng, chứ không coi cộng đồng là công cụ thực hiện ý đồ, là bậc thang cho mình kiếm tìm địa vị. Huynh trưởng phục vụ thiếu nhi vô vị lợi. Một chút vinh quang nếu có, hãy để nó đến tự nhiên chứ đừng tìm kiếm.

II.- BIẾT NGƯỜI VÀ DÙNG NGƯỜI:

Trong đoàn thể, hoạt động là thành quả của chung, Người lãnh đạo không phải là tất cả, nhưng có sự đóng góp của nhiều người khác, mà thiếu họ sẽ không có đoàn thể, và cũng chẳng có thành quả nào đạt được. Nhưng để có những cộng sự viên tốt, hữu ích, người lãnh đạo phải biết chọn người phù hợp và giao việc hợp với đạo đức, khả năng, tính khí từng người, gọi tắt là biết dùng người.

Cộng sự viên là những bạn đồng hành, chia sẻ công việc và trách nhiệm với người lãnh đạo; là thành phần không thể thiếu trong tổ chức và là yếu tố quyết định trong mọi thành công cũng như thất bại của tổ chức.

* Người cộng sự từ đâu mà đến: Cộng sự viên thường thuộc hai thành phần xuất xứ:

     - Cộng sự viên do người lãnh đạo đào tạo theo thời gian ngay trong đoàn thể. Đối với những cộng sự viên này, người lãnh đạo có nhiều thời gian để nhận xét về tính tình, khả năng, khuynh hướng. Đồng thời họ cũng biết rõ về người lãnh đạo, nên có những thuận lợi và khó khăn nhất định:

     . Thuận lợi: Biết rõ nhau, nên dễ phân chia công tác đúng khả năng và dễ trong việc thi hành nhiệm vụ.

     . Khó khăn: Vì được đào tạo từ tay người lãnh đạo, nên khả năng của họ bị hạn chế trong phạm vi khả năng của người lãnh đạo, có thể rơi vào tình trạng sùng bái thần tượng, không dám suy nghĩ độc lập, thiếu sáng kiến.

     - Cộng sự viên được tuyển chọn hoặc mời từ bên ngoài, người lãnh đạo chỉ hiểu về họ thông qua các thông tin từ người giới thiệu, hồ sơ lý lịch hoặc qua phỏng vấn, nên hai bên chưa hiểu nhau nhiều, cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định:

     . Thuân lợi: Họ được đào tạo, có kiến thức và kinh nghiệm từ một hoặc nhiều nguồn khác, sẽ đem lại cho tổ chức sáng kiến mới và kinh nghiệm phong phú hơn.

     . Khó khăn: Vì mới biết nhau, người lãnh đạo chỉ có thể phân công tác theo khả năng ghi trên lý lịch hoặc qua phỏng vấn, do đó khó chính xác. Cộng sự viên chưa hiểu ý, khó có thể thực hiện đúng ý người lãnh đạo, có thể dẫn đến hiểu lầm và mâu thuẫn.

Dù cộng sự viên đến từ nguồn nào, người lãnh đạo cũng cần nắm một số nguyên tắc về việc chọn và sử dụng cộng sự viên:

- Biết người. Trong lãnh đạo biết người là việc quan trọng nhất. Biết người để biết dùng ai và không dùng ai; dùng vào việc gì và không dùng vào việc gì. Biết người tài đức mà không dùng thì cũng có hại như dùng người không có tài đức. Biết người tài đức mà không dùng, họ sẽ bất mãn, gây rối hoặc ra đi; Biết người vô tài bất đức mà vẫn dùng là mang hoạ.

- Tôn trọng cộng sự viên: Cộng sự viên không phải là người để sai bảo. Họ là bạn đồng hành, góp phần vào sự thành bại của tổ chức. Phải dùng cộng sự viên đúng khả năng và đặt họ vào địa vị tương xứng với khả năng, và phải đối xử bình đẳng với họ.

- Chọn ưu tiên: Tài là cần thiết, mà đức quan trọng hơn. Có tài mà thiếu đức chỉ có thể làm loạn hoặc trộm cắp. Khi chọn cộng sự viên, ưu tiên là đạo đức, sau mới xét đến tài. Ngoại hình là yếu tố cần, nhưng bản chất quan trọng hơn. Xét người nên xem bản chất, dùng người nên căn cứ vào đức độ của họ.

- Kiểm tra, nhận xét người: Kinh nghiệm ngàn đời đã để lại như sau:

     . Cho đi công tác xa để biết lòng trung.

     . Cho gần với người trên để biết lòng cung kính.

     . Giao việc khó để biết tài năng.

     . Yêu cầu trả lời nhanh để biết trí tuệ,

     . Giao việc gấp để biết chữ tín.

     . Giao tiền để biết tính thanh liêm.

     . Quan sát người gặp nguy khốn để biết ý chí.

     . Cho uống rượu biết tính tình.

     . Nhìn bạn hữu để biết người.

     . Xem cách đối xử với kẻ dưới, người nghèo để biết lòng nhân

     . Xem cách đối xử với người trên, người quyền thế, người giầu để biết tính cách.

     . Qua xét xử biết tính công bằng

     . Thái độ trước sự việc biểu hiện lương tâm

     . Quan sát người đang giầu thành nghèo biết được khí tiết. Đang nghèo thành giầu biết được lòng nhân.

     . Giao quyền vào tay kẻ dốt biến nó thành độc tài.

     . Giao việc nhỏ cho người lớn làm họ nhụt chí.

     . Giáo dục gia đình là nền tảng nhân cách.

     . Kẻ tiểu nhân coi mình làm khuôn mẫu

     . Nói xấu người khác là kẻ giả dối.

     . Kiểm tra thường xuyên để giữ được phẩm chất

     . Sai lầm, thiếu sót là hiện tượng, có thể sửa chữa. Xảo trá, dã tâm thuộc bản chất, không thể dùng.

     . Huấn luyện thường xuyên để nâng cao tài đức.

* Chúa Giêsu chọn và dùng cộng sự viên thế nào

Khởi đầu, Thiên Chúa đã chọn Abraham, giao cho ông nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo một dân tộc lớn. Từ Abraham đến các tổ phụ sau này, con cháu ông như Mose, Đavid… trong lịch sử dân Israel, Thiên Chúa không hề mở trường hay dạy khoá học về lãnh đạo, nhưng Chúa đã dẫn dắt họ qua công việc, qua từng sự kiện, biến họ thành những nhà lãnh đạo lưu danh muôn thuở “Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho các con, để theo gương Thầy các con hãy rửa chân cho nhau”

Chúa Giêsu, nhà lãnh đạo vĩ đại vô tiền khoáng hậu, không để lại cuốn sách nào dạy lãnh đạo, Ngài đã huấn luyện các cộng sự viên mọi nơi mọi lúc: trên đường đi, trên cánh đồng, trong tiệc cưới, những cơ hội tranh luận với người biệt phái, khi chữa lành bệnh tật, khi tha tội. Ngài đã để lại một đội ngũ lãnh đạo kế thừa vĩ đại, đầu tiên gồm 12 người làm thay đổi vận mạng nhân loại.

Huynh trưởng TNTT hôm nay, bằng kiến thức và kinh nghiệm sống, đặt nền móng trên gương mẫu và Lời dạy của Chúa Giêsu, vị Huynh Trưởng Tối Cao, không ngừng tự rèn luyện và đào tạo các cộng sự viên bằng mọi cách, trong công việc, ở mọi nơi để thực thi sứ mạng đem các em đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.

III.- TỔ CHỨC CÔNG VIỆC

     Người lãnh đạo, cộng sự viên và cộng đồng, mỗi người tuỳ theo chức vụ và khả năng chịu trách nhiệm một phần việc khác nhau và có liên đới mật thiết với nhau như các bộ phận trong một thân thể duy nhất, như  Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân nói: “Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tuỳ theo công dụng khả năng, từng phần tử khiến thân thể được tiến triển. Hơn nữa các chi thể trong thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau, đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình”.

Đoàn chỉ có thể tiến, công việc của đoàn chỉ có thể thực hiện hoàn hảo khi mọi thành viên đều tích cực làm việc. Để mọi người đều “hoan hỉ” làm việc, người lãnh đạo cần có chút “nghệ thuật” trong việc phân công và điều hành công việc:

- Làm cho mọi người ý thức rằng công việc của đoàn là nhiệm vụ chung của mọi thành viên. Họ có phần trong sự thành công của đoàn thể.

- Có chương trình tổng thể, rồi phân chia từng phần cho các thành viên. Phân chia công tác mạch lạc sao cho thành viên nắm rõ phần vụ và giới hạn của mình.

- Động viên khen thưởng ngay khi công tác đang tiến hành. Tìm cách trợ giúp những thành viên gặp khó khăn, điều chỉnh những sai sót khi họ thi hành nhiệm vụ.

- Trong tổng kết, đề cao thành tích những thành viên thực hiện công tác tốt; Nêu ra những thiếu sót cần sửa chữa để lần sau làm tốt hơn, không khiển trách cộng sự viên trước tập thể, khi cần, gặp gỡ góp ý riêng.

- Người lãnh đạo chỉ điều hành tổng quát, không nên nhận công tác chuyên môn nào. Nhưng phải biết tất cả và có thể thay thế một vị trí trong trường hợp cần thiết.

- Thông qua việc làm, khám phá “nhân tài” để đề bạt hoặc tiến cử.

- Trong tranh chấp nội bộ, Người lãnh đạo luôn ở vị trí trọng tài hoà giải, nhưng khi cần vì lợi ích chung, không được nhượng bộ, phải chọn lựa để có thái độ dứt khoát và quyết định cứng rắn.

- Kiên nhẫn trước thái độ chống đối và bất hợp tác của một vài cộng sự viên. Cư xử với họ bằng thái độ “chiêu hồi” chứ không đối kháng.

- Đối với thành viên tỏ ra “ngoan cố” sau nhiều lần thuyết phục, nên bàn với cấp trên và hội đồng lãnh đạo để có thái độ dứt khoát nhằm mục đích tránh gương xấu. Không loại trừ biện pháp khai trừ, nhưng đó là biện pháp cuối cùng và bất đắc dĩ.

Phương pháp lãnh đạo đã khó, tuy có thể học rất bài bản, nghệ thuật lãnh đạo càng khó hơn vì cần phải học bằng trải nghiệm và cần có tấm lòng (vì con người luôn là huyền nhiệm). Kết hợp học với hành chính là kết hợp phương pháp với nghệ thuật. Ap dụng phương pháp lãnh đạo cách thích hợp với từng người, từng công việc, từng hoàn cảnh là nghệ thuật lãnh đạo vậy.

CÂU HỎI XÂY DỰNG BÀI

1. Bạn hiểu thế nào về vai trò và nhiệm vụ của người lãnh đạo trong một tổ chức giáo dục như đoàn TNTT?

2. Xin chia sẻ những thành công, thất bại, vui, buồn trong thời gian làm huynh trưởng hoặc phụ trách một lớp giáo lý của bạn, tình huống nào khiến bạn không thể quên. Bạn rút ra được bài học nào về lãnh đạo?