14/06/2021 09:32

Bài 23 : Những tình huống tâm lý cá biệt nơi đoàn sinh

Những tình huống tâm lý cá biệt nơi đoàn sinh

 

Đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể được hiểu là gồm những trẻ từ 6 đến 17 tuổi. Đây là thời gian các em phát triển nhanh và mạnh nhất trong đời người: cả về tâm lý lẫn thể lý. Những xáo trộn về tâm lý có ảnh hưởng đến và bộc lộ qua các hiện tượng thể lý; ngược lại, những thay đổi trong sự phát triển thể lý có tác động đến tâm lý của trẻ em.
Do đó không thể luôn luôn khẳng định cái này là nguyên nhân của cái kia.

Sự phát triển của trẻ về tâm lý và thể lý nói chung là có quy luật, nhưng con người lại là một mầu nhiệm nên không thể có 2 người giống hệt nhau dù là anh chị em sinh đôi, hơn nữa trong những trường hợp cụ thể và cá biệt, do ảnh hưởng môi trường sống, môi trường giáo dục và yếu tố di truyền, mỗi sự kiện tâm lý được thể hiện cách khác nhau nơi mỗi em. Muốn đọc được điều gì đang diễn ra “trong lòng” của từng em ngang qua các biểu hiện bên ngoài nhằm đưa ra biện pháp giáo dục thích đáng quả không dễ.

I.- TÌM HIỂU ĐỐI TƯỢNG:

Tâm lý là trạng thái của tâm hồn, là những sự kiện vô chất thể, không thể định hình hay định vị được, nhưng nó lại là nguyên nhân thúc đẩy thái độ và hành vi bên ngoài của chủ thể. Nói cách khác, thái độ và hành vi bên ngoài là thông điệp của sự kiện tâm lý bên trong.

Tìm hiểu đối tượng là yêu cầu đầu tiên trong việc giải quyết tình huống tâm lý cho đối tượng đó. Giải quyết tình huống tâm lý cho đoàn sinh là giải quyết vấn đề của từng em có những biểu hiện đặc biệt, nghĩa là xảy ra không tương tự như đa số những em khác cùng độ tuổi.

Giải quyết tình huống tâm lý nơi đoàn sinh cũng có nghĩa là giúp lập lại sự quân bình tâm lý nơi các em, để các em có được những thái độ và hành vi quân bình, giúp các em trưởng thành cả về tâm lý lẫn thể lý; giúp các em hội nhập cộng đồng cách vui vẻ và góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh.

Tìm hiểu đối tượng gồm có:

1. Nhận diện biểu hiện tâm lý của đối tượng:

Là quan sát bên ngoài, để thông qua thái độ và hành vi của đối tượng có thể “đặt tên” cho tình huống đang xẩy ra nơi họ. Thí dụ: nhút nhát, phá đám, chống đối….

2. Tìm hiểu xuất xứ, môi trường, hoàn cảnh sống thực tế và giáo dục của đối tượng:

Để hiểu tâm lý mỗi em, trưởng cần biết em thuộc thành phần gia đình thế nào: lao động, công chức, đại gia, trí thức, bất hảo…; Gia đình em là dân định cư lâu năm hay là nhập cư; Em sống trong chế độ tam đại đồng đường hay trong tiểu gia đình; Tình trạng hôn nhân của cha mẹ; Bầu khí gia đình của em ra sao; Cha mẹ em thuộc tầng lớp nào; Em còn đủ cha mẹ hay đã mất; Em sống với cha mẹ hay với ông bà, cô dì chú bác; con nuôi, con ghẻ, con nhận; Em sống trong cộng đồng khu xóm thế nào? Em còn đi học hay đã nghỉ học, lý do?

Tất cả những thông tin trên sẽ giúp nhà giáo dục tìm hiểu nguyên nhân của những biểu hiện tâm lý nơi các em.

II.- TÌM NGUYÊN NHÂN CỦA BIỂU HIỆN TÂM LÝ

      và GIẢI PHÁP.

Phương pháp và chương trình giáo dục thiếu nhi của Phong trào TNTT dựa trên đặc tính tâm lý của từng lứa tuổi. Nhưng trong số đoàn sinh của TNTT vẫn có những em thuộc dạng cá biệt, nghĩa là những biểu hiện tâm lý nơi những em đó không giống như hầu hết những em bình thường khác. Sau đây là một vài tình huống cá biệt với những nguyên nhân và giải pháp được kể ra như sự gợi ý cho nhiều trường hợp mà trong quá trình hoạt động trong đoàn, các trưởng có thể gặp ở các lứa tuổi:

A.- TUỔI ẤU: (6-9 tuổi):

Những tình huống tâm lý cá biệt thường xẩy ra với các em ở tuổi Au:

1. Hiếu động, mất khả năng tập trung.

* Hiện tượng: Khả năng tập trung là yếu tố cần thiết để học tập và thăng tiến. Thông thường các em ở tuổi này có khả năng tập trung, nhưng không tập trung được lâu là chuyện bình thường (không quá 30 phút). Nhưng có một vài em không thể tập trung được trong thời gian tối thiểu, và hầu như  cọ cựa suốt giờ học, chia trí trong giờ kinh, lễ.

* Nguyên nhân và giải pháp:

- Thể lý phát triển mạnh, nên có nhu cầu vận động luôn luôn, đến nỗi không phân biệt được giờ học là giờ cần tập trung. Cần có giờ sinh hoạt vận động để tiêu thụ năng lượng thể lý.

Cần có các hoạt động chuyển hoá trong giờ học bằng cách không kéo dài một chủ đề quá lâu.

Tạo bầu khí học tập sinh động bằng cách tạo cơ hội cho các em phát biểu, diễn cảnh nhập vai.

Tránh ép các em chấp nhận cách thụ động, nhưng giúp các em chọn kết luận đúng.

- Bài giảng quá khô khan; phương pháp giảng dạy buồn tẻ; giờ kinh lễ quá dài. Giáo viên hay nhà giáo dục cần xem lại phương pháp giảng dạy của mình: phải giải quyết “tình huống tâm lý nhà giáo dục” trước đã. Cần tạo sự hấp dẫn thay cho các biện pháp kỷ luật, vì càng cột chặt, càng cựa quậy, thảnh thơi nó sẽ ngồi yên!

- Khung cảnh không thuận tiện: Phòng học gần đường, xe qua lại ồn ào; Các phòng học không đủ cách âm, gây nhiễu lẫn nhau; Lớp học quá đông, chỗ ngồi không thoải mái làm cho tình trạng mất tập trung thêm trầm trọng. Thí dụ: 3 lớp cùng lúc học giáo lý trong nhà thờ. Tình trạng này đối với những em bình thường cũng còn gặp khó khăn, huống chi những em “có vấn đề” thiếu tập trung! Phải dành ưu tiên cho các em thiếu nhi thôi. Cần có phong học giáo lý yên tĩnh, thuân lợi cho việc học và dạy giáo lý, cũng như bầu khí cầu nguyện, vì khung cảnh thuận tiện mới tạo được bầu khí giáo dục, có bầu khí thuận tiện mới nảy sinh hứng thú học tập, khả năng tiếp thu và tâm tình cầu nguyện.

- Không có thói quen tập trung từ trong gia đình: Phụ huynh không dành cho các em thời giờ và góc học tập nhất định. Học và làm việc đúng nơi, đúng chỗ là cách rèn luyện khả năng tập trung. Phụ huynh cần tạo điều kiện cho các em học và làm việc đúng nơi, đúng lúc, tập  thói quen và rèn luyện khả năng tập trung cho các em.

- Hoàn cảnh gia đình không ổn cách nào đó: Cha mẹ bất hoà, xa cách;  gia đình gặp biến cố khó khăn làm cho các em “suy tư” sớm và mất khả năng tập trung. Phải tạo cho các em cuộc sống gia đình êm ấm, an toàn, để em không phải “suy tư” vô ích, ảnh hưởng đến khả năng tập trung của em.

2. Thụ động, nhút nhát:

·   Hiện tượng: Chấp hành không thắc mắc, không dám hỏi mặc dù chưa hiểu, không biết, không dám phát biểu ý kiến riêng; Hay xấu hổ; Đi đứng, nói năng không dứt khoát; Gặp chuyên bất thường hay bối rối, lo sợ đến “mắc tiểu”.

·   Nguyên nhân và giải pháp:

-   Trong quá khứ đã có lần nào em bị bạn bè, thầy cô, nhất là thầy cô, chế diễu khi em trả lời sai hoặc làm sai việc gì đó, khiến em mang mặc cảm tự ti, không còn tin ở khả năng của mình, không dám phát biểu ý kiến hoặc tự mình làm việc.

Đối với những em lâm vào tình trạng này, nhà giáo dục cần tạo ra cơ hội giúp em tái lập sự tự tin bằng cách giao việc, khuyến khích và gián tiếp giúp em thành công; hỏi những câu chắc chắn em trả lời được; Động viên và trấn an mỗi khi em trả lời sai hoặc gặp thất bại; Không quên tuyên dương mỗi khi em làm tốt; Tạo cơ hội cho em giao tiếp nhiều hơn để giúp em khẳng định mình.

- Cha mẹ hay nạt nộ, gia đình chăm sóc, bao bọc em không đúng cách đến độ “bao cấp’ quá đáng: mọi chuyện đều do cha mẹ quyết định và làm cho. Mỗi ý muốn và việc làm của em đều bị cha mẹ cho là sai và cuối cùng cha mẹ làm thay cho con cái, khiến em không có thói quen suy nghĩ và làm việc độc lập. Cần góp ý với phụ huynh về một giải pháp động viên, giúp các em suy nghĩ và quyết định độc lập ngay trong gia đình.

3. Nói dối:

* Hiện tượng: Người ta thường nói “đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, ý nói trẻ em thật thà. Nhưng có những em ở vào trường hợp đặc biệt là hay nói dối. Trẻ nói dối có hai trường hợp:

* Nguyên nhân và giải pháp:

- Nói dối cố ý: Người lớn đã xử lý quá đáng mỗi khi em làm sai, nên khi lỡ sai phạm, sợ bị phạt, nên tìm cách nói dối bằng cách tạo  ra một nguyên nhân khác dẫn em đến hành động, hoặc đổ thừa cho người khác. Có em còn có thể dựng cả một câu chuyện có tình tiết hẳn hoi để “chạy tội”. Khi cần thuyết phục cha mẹ, thầy cô chấp nhận lời xin của em về việc làm nào đó, hoặc để “làm chứng gian” cho bạn bè, em đã “sáng tác” lý do.

Đối với những em trong tình huống này, nhà giáo dục phải quan sát, cân nhắc mỗi khi trách phạt em, sao cho chính xác và với lòng khoan dung. Tìm cơ hội khi em nói dối, vạch cho em thấy là em đã nói dối, nhưng xử sự với lòng khoan dung, và khuyên em không nên nói dối vì nói dối là không tốt, với mục đích giúp em sửa sai chứ không phải bắt em chịu hình phạt tương xứng.

- Nói dối không cố ý: Một loại nói dối “dễ thương” do tính khoác lác, thích phóng đại, tô mầu những chuyện mà em biết, em đã thổi phồng sự kiện theo ý nghĩ của em mà không nhắm mục đích rõ ràng nào, mặc dù không được “logic” lắm.

Nên khéo léo đặt những câu hỏi đưa em vào “chỗ bí”, nhưng không chế diễu, em sẽ nhận ra chính em đang “nổ”, và sẽ bỏ dần “chất nổ” trong người.

B.- TUỔI THIẾU (10–12 tuổi):

Trong ba lứa tuổi đoàn sinh, tuổi Thiếu là lứa tuổi “dễ dạy” nhất, an toàn về tâm lý nhất. Vì thế giáo viên thường chọn dạy các lớp độ tuổi này; các trưởng và giáo lý viên cũng thích chọn ngành Thiếu để tránh “tai nạn nghề nghiệp”, nhưng không phải không có vấn đề! Những vấn đề tâm lý có thể xẩy ra với độ tuổi này gồm:

1. Bướng bỉnh, quậy phá:

· Hiện tượng: Không thực hiện, hoặc chống lại hoặc làm ngược lại những lời dạy, ý kiến hoặc lời khuyên của người trên,

· Nguyên nhân và giải pháp:

- Sự hưng phấn của hệ thần kinh kích thích thái độ và hành động. Không thể ngăn chặn sự phát triển tự nhiên này, nhưng có thể lợi dụng chính sự hưng phấn tự nhiên, hướng em vào những hoạt động hữu ích bằng trò chơi và việc làm. Ap lực và hình phạt nhằm uốn các em theo ý người lớn là vô hiệu, và chỉ làm cho tình trạng bướng bỉnh thêm nặng nề.

- Ở độ tuổi này khuynh hướng “độc lập” bắt đầu phát triển, nhưng được biểu lộ cách vụng về. Người lớn không hiểu hoặc không thông cảm và gọi biểu hiện này là “bướng”.

Đơn giản là khuynh hướng độc lập khiến em không muốn đi lễ chung với mẹ nữa, muốn tự chọn bữa ăn sáng hơn là theo công thức của mẹ; muốn chơi với nhau một trò chơi không như anh chị trưởng muốn…. Hãy theo dõi sự phát triển tâm lý và thể lý của em, tôn trọng quy luật phát triển bằng cách giúp các em chọn lựa cách học tập và làm việc; giao cho các em việc gì các em có thể làm và giúp các em đạt kết quả.

- Bướng bỉnh là phản ứng tự nhiên đòi “thoát ly” khỏi gia đình mà cha mẹ độc đoán, khắt khe hoặc gia đình không đem lại cho em niềm vui, chỗ dựa và sự tín nhiệm. Đây cũng là phản ứng đối với thày cô tỏ ra không hiểu em trong cách đối xử. Trưởng hãy làm việc với phụ huynh để gia đình là tổ ấm cho em; Phụ huynh, thày cô hãy biết con em, học sinh của mình không còn hoàn toàn lệ thuộc mình như mấy năm trước đây nữa. Kể cả khi sửa phạt, hãy đối xử với các em bằng tình thương, sự thông cảm và tôn trọng sáng kiến của các em.

2. Phá đám:

· Hiện tượng: Xen vào cuộc chơi của nhóm khác, phá bầu khí đang có của chúng; Gài bẫy cho bạn vi phạm kỷ luật để bị phạt và coi đó như sự “chiến thắng” vì cả thầy cô lẫn bạn bị hắn “lừa”.

· Nguyên nhân và giải pháp:

- Hành động phá đám tự nó không phải là sai lỗi nghiêm trọng vì không phải để hại bạn, chỉ để thoả mãn tính hiếu thắng, nhưng có thể dẫn đến hậu quả tai hại là có thể bị đám bạn phản ứng và gây đánh nhau.

Trưởng hãy ôn tồn “vạch trần âm mưu” của em, cho biết em không thể qua mặt thầy cô, phụ huynh và huynh trưởng được, cho em thấy hậu quả có thể xẩy ra như thế nào, đồng thời khuyên em không nên “dại dột” như vậy.

- Hành động phá đám có thể có nguyên nhân từ lòng ghen ghét vì bị các bạn tẩy chay không cho tham gia, nên “không ăn được thì đạp đổ” cho bõ ghét. Đây là hành vi xấu vì nuôi lòng hờn ghen, hãy giải thích cho em tại sao các bạn chơi mà không rủ em, em hãy xét lại mình để có thể hội nhập với các bạn.

-   Phá đám cũng có nguyên nhân là tính thích gây gỗ, đàn áp để chứng tỏ sức mạnh hoặc nhu cầu muốn làm thủ lãnh.

Khuynh hướng này có nguyên nhân sâu xa, thường xảy ra nơi các em có tâm lý phát triển chậm hơn thể lý, không thể “biến đổi’, nhưng có thể chuyển hoá, hướng thiện và hướng thượng bằng cách giao cho em nhiệm vụ nào đó có tính chỉ huy để các em xử dụng khuynh hướng “anh chị” vào việc thi hành nhiệm vụ, với điều kiện trưởng phải giám sát và hướng dẫn, thường xuyên làm việc “trao đổi” với em về công việc em đang đảm trách.

C.-TUỔI NGHĨA (Từ 13-15 tuổi).

Nghĩa sĩ là tuổi sắp giã từ con người trẻ em, nhưng cũng chưa bước vào tuổi người lớn. Ở tuổi giao thời này, em đã chán cái thời thơ ấu, nhưng còn quá xa lạ với thời trưởng thành. Mọi chuyện đối em không còn gì là ổn định, chưa có gì là chắc chắn. Thầy cô, huynh trưởng đều ngán cái tuổi bản lề này. Kinh nghiệm học đường cho thấy, ở tuổi này, các em bỏ học nhiều nhất. Tại các giáo xứ, ngành nghĩa sĩ và lớp Giáo lý bao đồng thường “vắng khách”. Một số em tuổi này bị rơi vào những cực đoan của đặc tính tâm lý chung của lứa tuổi. Đó là:

1. Kết băng nhóm:

* Hiện tượng: Đối với tuổi này, sự lệ thuộc vào gia đình gần như không còn nữa, có chăng lệ thuộc về kinh tế. Những mối quan hệ ngoài gia đình của các em trở nên phong phú, đa dạng và phức tạp. Nhóm của các em có thể là nhóm bạn cùng lớp, nhóm bạn trong xóm, trong lớp giáo lý, có thể là nhóm trốn học, trộm cắp, đua xe…

* Nguyên nhân và giải pháp: Khuynh hướng xã hội phát triển mạnh nơi các em, các em muốn tìm bạn và kết bạn. Sức sống nơi các em ở tuổi này rất dồi dào, có nhu cầu bộc phát, có cơ hội là bộc phát, không cần biết có đúng hướng hay không, nhưng thường bị cơ cấu, kỷ luật của gia đình, trường học, đoàn thể khống chế. Do đó các em nhất định bung ra đi tìm một “cộng đoàn” khác để tiêu thụ năng lực dồi dào của mình.

Sự kết bạn và bộc phát năng lực, nếu may mắn thì gặp bạn tốt, làm việc tốt. Ngược lại, không may cho một số em kết bạn với những người xấu, trở thành băng đảng. Dĩ nhiên làm việc xấu, nguy hại cho bản thân và là thảm hoạ cho cộng đồng.

Đối với những em đã rơi vào tình trạng này, trưởng cần khai thác khuynh hướng kết bạn và nhu cầu tiêu thụ năng lượng nơi các em bằng cách áp dụng triệt để phương pháp hàng đội, và hướng dẫn các em làm việc tốt thay vì để các em tự tìm và tự phát.

Phụ huynh cần biết bạn bè của con em mình thuộc thành phần nào, con cái nhà ai, ở đâu. Đồng thời không nên cấm các em giao du với bạn, nhưng nên hướng dẫn các em chọn bạn. Tích cực hơn, nếu có cơ hội, nên cho các em đưa bạn về nhà vui chơi trong những dịp lễ, tết, Noel, ... để kiểm soát và nói lên sự chấp nhận mối quan hệ bạn bè này.

2. Lời nói cộc cằn, cử chỉ lỗ mãng, thái độ hỗn xược: Người lớn thường phiền lòng, than trách và lên án những thái độ này nơi các em vì thực sự họ không hiểu vì đâu có hiện tượng này, mặc dù họ đã hết lòng dạy dỗ, bao bọc.

* Hiện tượng: Tuổi này các em đang chuẩn bị trở thành người lớn, nhưng lại chưa là người lớn với những thuộc tính của người lớn như, lễ phép, tế nhị, lịch sự trong lời nói và hành vi, nên bị coi là lỗ mãng, hỗn láo…

- Đang khi các em chưa đủ thời gian cần thiết để chuẩn bị hành trang thành người lớn, lại bị người lớn tỏ ra không thông cảm và kết án. Mối bức xúc khiến các em bị dồn nén, đi đến thái độ cãi trả và chống đối.

Người lớn cần hiểu thái độ cộc cằn thô lỗ không phải bản chất, mà chỉ là hiện tượng của sự thiếu kinh nghiệm. Nên tỏ ra thông cảm, bao dung và tạo cơ hội cho các em từng bước tiến đến sự phát triển hoàn chỉnh. Hãy nhìn các em bằng con mắt tích cực vì đằng sau hiện tượng ngỗ nghịch kia còn cả một tâm hồn đầy thiện chí chưa được nhìn nhận.

- Cũng vì thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu hết những hạn chế của con người, các em không bằng lòng với tổ chức, cơ cấu của người lớn đang chi phối các em. Các em không muốn bị gò bó trong khuôn mẫu, kỷ luật mà các em cho là vô lý. Các em đòi hỏi sự hoàn thiện, và hoàn thiện theo cách nghĩ, cách nhìn của mình mà không được, nên các em bất mãn, đòi đạp đổ và thay đổi, nhưng không được, các em chống đối.

Để sự chống đối trở thành mãn tính là thất bại cho việc giáo dục. Phụ huynh, nhà giáo dục cần nhìn hậu cảnh ý nghĩa của lời nói, thái độ và hành vi của các em, cho dù đang làm phiền lòng chúng ta. Những biện pháp đưa ra không nhằm đối phó các em, nhưng là giáo dục các em. Thay vì khống chế, hãy hỏi các em: nếu phá bỏ việc này, theo em nên thay thế bằng cái gì; Em không thích làm việc này, vậy em thích làm việc gì, có ích gì cho em… nhằm mục đích giúp các em suy tư thực tế và lôi kéo các em về với tinh thần trách nhiệm.

Giải toả sự bế tắc trong việc phát huy năng khiếu và tiêu thụ năng lượng vào các việc phù hợp khả năng và ý thức của các em là biện pháp tối ưu chuyển hoá hành vi phá phách, chống đối nơi các em thành suy nghĩ và hành động tích cực.

D.- TUỔI HIỆP SĨ. (Từ 16-17 tuổi)

Ngoài mục đích giáo dục đoàn sinh ở độ tuổi Au (6-9 tuổi), Thiếu (10-12 tuổi) và Nghĩa (13-15 tuổi), Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam đang mở rộng lãnh vực hoạt động của mình đến lứa tuổi cao hơn, gọi là ngành Hiệp Sĩ (16-17 tuổi và lớn hơn)

Tuổi Hiệp sĩ vẫn còn nằm trong lứa tuổi vị thành niên theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới năm 1998 (WHO). Tuổi này đã thực sự rời khỏi thế giới ấu thơ và chân ướt chân ráo bước vào thế giới người lớn, vào thập niên thứ hai của cuộc đời, đụng chạm và đối mặt với những thực tế của thế giới người lớn, đa số còn trong tuổi đi học, với nhiều ước mơ, nhưng cũng gặp nhiều sự cố. Đặc tính chung của tuổi này được gọi là tuổi khủng hoảng và được nhìn dưới hai khía cạnh và hai cách đánh giá trái ngược, lạc quan và bi quan, về lứa tuổi này.

Cuộc điều tra về thanh thiếu niên lần đầu tiên, được tổ chức tại Việt Nam năm 2003 do sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê Việt Nam với Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) bằng cách tiến hành một thống kê rất “bài bản” cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thử thách nhằm thích ứng với môi trường kinh tế, xã hội đang biến đổi nhanh chóng trong thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, như việc học hành và công ăn việc làm, để tồn tại, thăng tiến và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Tuy nhiên cũng cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam đã nhận được từ phía gia đình, cộng đồng và bạn bè những trợ giúp để họ tự bảo vệ và vượt qua thử thách. Điều này cho phép một cái nhìn lạc quan về thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay: thành trì bảo vệ của họ, là gia đình và cộng đồng, vẫn còn tồn tại vững chắc.

Trong thực tế, khi nhìn vào sinh hoạt xã hội, những hiện tượng nổi cộm diễn ra trước mắt hàng ngày, hoặc biết được qua thông tin của các loại phương tiện truyền thông: tình trạng nghiện ngập, sa đoạ, đua xe, trộm cướp mà đa số phạm nhân là thanh thiếu niên, khiến không ít nhà giáo dục, xã hội, đạo đức trăn trở, lo âu cho thanh thiếu niên, cho cộng đồng xã hội hôm nay và tương lai.

Thanh thiếu niên Công giáo, tuổi Hiệp sĩ, cũng không là ngoại lệ đối với hai thái cực trên đây. Mọi người sẽ lạc quan khi nhìn vào Đại hội giới trẻ, Đại hội Huynh trưởng-Giáo lý viên, các khoá đào tạo Huynh trưởng-Giáo lý viên hàng năm của Giáo phận Sài Gòn và các Giáo phận cũng như hoạt động của các đoàn thể Công giáo tiến hành như Giới trẻ Thánh Mẫu, Hướng đạo, các Ca đoàn… Nhưng cũng không thể không bi quan khi thấy các bạn thanh thiếu niên Công giáo cũng có mặt không ít trong các nhóm ăn chơi, đua xe, trộm cắp, phá phách, đi hoang…

Trong khuôn khổ bài này, với mục đích tìm hiểu và giải quyết những tình huống tâm lý cá biệt nơi đoàn sinh tuổi Hiệp sĩ, chúng ta không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề, nhưng chỉ nêu ra vài tình huống nổi bật, tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết, giúp các em vượt qua thử thánh của lứa tuổi, gợi ý cho các trưởng sẽ gặp trong quá trình đồng hành và hướng dẫn các em.

1. “Vô kỷ luật”: Gia đình, học đường và bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng đòi hỏi các thành viên tuân theo những quy tắc, luật lệ của đoàn thể mình. Khi có ai đó, con cái, học sinh hoặc đoàn sinh không tuân theo và thực hiện những quy tắc đó, thường bị gán cho là “vô kỷ luật”.

· Hiện tượng: Con cái không giữ phép tắc, quy định của gia đình; đi ra ngoài nhiều hơn ở nhà; cãi lại, chống đối cha me; gây hấn với anh chị em. Học sinh đến lớp trễ, làm ồn, trốn học, lập băng nhóm, chống lại thầy cô… những hiện tượng tương tự như thế cũng xẩy ra trong đoàn hoặc lớp Giáo lý.

· Nguyên nhân và giải pháp.

- Những quy tắc luật lệ mà trước đây các em tuân thủ cách dễ dàng thì nay không còn phù hợp với các em nữa. Phần vì cha mẹ quá lo lắng cho con cái trước những cám dỗ và đe doạ của môi trường xung quanh, nên gia tăng sự kiểm soát và khắt khe. Phần vì thầy cô muốn các bạn tuân kỷ luật để các vị dễ dàng thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thậm chí đạt thành tích thi đua! Các bạn cảm thấy tất cả là vô lý và dường như những luật lệ ấy không phải vì lợi ích của mình mà vì người lớn, nên phản ứng tự nhiên của các bạn là muốn bung ra khỏi những áp lực ấy. Đoàn TNTT hay lớp giáo lý cũng không ngoại lệ.

- Gia đình, học đường dường như quên rằng thanh thiếu niên không còn là lứa tuổi dễ chấp nhận mọi điều người trên nói như trước đây nữa. Muốn các em tự nguyện chấp hành hãy đưa ra những yêu cầu hợp lý, đồng thời giải thích rõ ràng để các em tâm phục khẩu phục.

Thanh thiếu niên muốn cha mẹ hay nhà giáo dục, nói chung, ra lệnh bằng sự bàn bạc, thuyết phục trước khi cùng nhau “hạ quyết tâm” thay vì áp đặt. Nên nhớ thanh thiếu niên khi đã vừa lòng hợp ý, có thể “nhảy vào lửa” nếu cần, nhưng khi không vừa ý, thì cũng “bất cần”. Nhà giáo dục không nên tự ái cho như thế là lép vế: “mình đẻ ra nó”, “mình là thầy nó” mà chịu thua nó sao! Giáo dục vì ích lợi của đối tượng giáo dục chứ không phải vì quyền lợi của nhà giáo dục.

Đoàn hoặc lớp giáo lý đừng chỉ săm săm áp dụng hình thức kỷ luật nào để ép các em đi học hoặc đi sinh hoạt cũng như tuân theo những yêu cầu của đoàn. Chỉ một “chiêu” duy nhất có thể kết quả là hấp dẫn các em bằng cách đưa ra những yêu cầu nhẹ nhàng, hợp lý để rồi cùng các em thực thi những yêu cầu đó trong tinh thần hợp tác thân thiện. Trưởng không những tỏ ra mà còn phải thực sự thông cảm để bù đắp những bức xúc của các bạn từ những môi trường khác: phải lắng nghe các em “tâm sự” để biết các em đang nghĩ gì, uất ức điều gì nhằm trao đổi, giúp các bạn tự giải toả tâm lý. Có thể chấp nhận cho hai lỗ tai của trưởng trở thành “sọt rác” để các bạn trút hết vào đó nỗi u uất của mình.

2. Sụp đổ thần tượng và bất mãn.

· Hiện tượng: Khi còn bé, cha mẹ là thần tượng, đến tuổi đi học, thầy cô là thần tượng. Nhưng ở tuổi thanh thiếu niên, các thần tượng ấy đã được thay thế hay ít ra không còn vị trí độc tôn như xưa. Các em đòi hỏi người lớn phải là những khuôn mẫu lý tưởng do các em hình dung ra, mà thường là không thể có. Do đó các em không còn vâng phục các “đấng” như xưa, vì vậy các em bị liệt vào loại hư hỏng. Hôm nay thần tượng của các em được thay thế bằng bạn bè, ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh, cầu thủ nổi tiếng …

· Nguyên nhân và giải pháp:

Thanh thiếu niên, đã có quá trình khá dài tiếp xúc với môi trường xã hội, có nhiều thời gian và cơ hội để quan sát, nhận định, đối chiếu việc làm và lời nói của nhà giáo dục, trong đó có cha mẹ, thầy cô, huynh trưởng, đồng thời nhận ra lời các vị ấy nói xem ra không còn đúng tuyệt đối nữa; Những việc làm của các vị xem ra không còn là mẫu mực đáng bắt chước. Các em thất vọng về cha mẹ, thầy cô, mất đi sự vâng lời và noi gương.

Đối lại, cha mẹ thầy cô cũng khó chịu không ít với thái độ của các em, và biện pháp của các đấng là dùng quyền lực. Hố ngăn cách, mâu thuẫn và tránh mặt bắt đầu từ đây. Thái độ và hành động bất mãn cũng theo các em đến với đoàn và lớp giáo lý, các trưởng cũng phải chịu đựng như cha mẹ ở nhà và thầy cô ở trường học.

Người lớn nên thông cảm và tôn trọng cách nhìn mới của con em, và nên coi đó là dấu hiệu trưởng thành, nhưng còn vụng về. Đối với tuổi này, biện pháp cứng rắn chỉ dẫn đến đổ vỡ. Đừng nổi giận, nhưng hãy bình tĩnh đón nhận thực tế (dù không đón nhận, nó vẫn xẩy đến) và tìm cách giúp đỡ con em hình thành cách nhìn đúng về chính mình, và đón nhận những giới hạn của người lớn đồng thời giải thích cho các em thông cảm được những giới hạn đó.

Tin tưởng con em, dành thời giờ nói chuyện, trao đổi với các em, hướng dẫn từng bước để chúng nhận ra sự “quá lố” của mình, và rồi giúp các em tự hoàn chỉnh kiến thức và nhân cách bằng chính lộ trình chúng đang trải nghiệm. Thanh thiếu niên sẽ tâm phục và làm theo lời của người hiểu và tôn trọng chúng.

Giải quyết tình huống này không thể bằng giải pháp cấp thời, mà phải chuẩn bị xa, nghĩa là giáo dục thanh thiếu niên hôm nay phải bắt đầu từ lúc chúng còn là thiếu nhi bằng tình thương, chân tình, cởi mở, thẳng thắn. Đừng để nước đến chân mới nhảy, điều gì người lớn giấu giếm, giả hình hôm nay, năm, mười năm sau sẽ bị thanh thiếu niên “bật mí” và khó có thuốc chữa.

3. Tinh thần hiệp sĩ thiếu hướng dẫn: Thanh thiếu niên dễ bị kích động bởi những sự kiện bất công, dẫn đến hành động trả đũa hung bạo. Nhưng các bạn cũng dễ mủi lòng trước những chuyện thương tâm, chính nghĩa.

· Hiện tượng: Thanh thiếu niên tụ họp thành nhóm, kéo nhau đi đánh lộn. Trong ngành Hiệp sĩ hoặc lớp giáo lý Vào đời cũng có những em có tiền sử băng nhóm hoặc đang trong băng nhóm đó.

· Nguyên nhân và giải pháp: 

Sức sống dồi dào tiềm tàng trong tuổi mới lớn luôn có khuynh hướng đòi được thể hiện: Nghe tin hay chứng kiến bạn bè bị hiếp đáp, các bạn có thể nhanh chóng tụ họp đi tìm đối thủ để “đòi lại sự công bằng” mà không biết, hay không cần biết bạn đó đúng hay sai hay hành động như thế là phạm pháp, miễn là thoả mãn khuynh hướng “hiệp sĩ” của mình. Băng đảng, thói quen bạo lực được hình thành từ đây.

Chủ trương “đòi sự công bằng” là đúng, nhưng cách hành động lại sai. Nhà giáo dục cần đáp ứng nhu cầu “hành hiệp” của thanh thiếu niên bằng cách giáo dục lòng trắc ẩn, ý thức “cứu khốn phò nguy” và tinh thần yêu mến sự công bằng với việc làm đúng và cụ thể, nhằm chuyển hoá “bản năng hiệp sĩ” thành “ý thức hiệp sĩ”. Thí dụ cho xem phim hoặc nghe kể một câu chuyện thương tâm, yêu cầu và hướng dẫn các em phê phán, tỏ thái độ và bàn kế hoạch hành động; Đưa ra một công tác nhà thờ chẳng hạn, yêu cầu và hướng dẫn các em bàn cách thực hiện; Tổ chức công tác từ thiện, mời các em tham gia. Sau khi kết thúc, hãy cho các em phát biểu cảm tưởng và góp ý cho công tác sau, các em thấy hứng thú hơn hành hiệp kiểu dao búa. Phương pháp hàng đội, hay làm việc theo nhóm vẫn là cách hiệu quả để đưa các em về với tinh thần hiệp sĩ đúng nghĩa.

4. Trầm cảm: Trầm cảm là chứng bệnh khá phổ biến, có nguyên nhân vừa thể lý vừa tâm lý.

· Hiện tượng: Thanh thiếu niên bị trầm cảm thường bạc nhược, ù lì, thờ ơ, lãnh đạm đối với gia đình, bạn bè, công việc, và đặc biệt sẽ trở nên vô cảm.

· Nguyên nhân và giải pháp:

Do chịu sức ép về tinh thần từ bên ngoài như học tập quá độ, lo lắng cho hiện tại và tương lai mà không có biện pháp giải toả hoặc không có lời giải đáp thích đáng. Đối với thanh thiếu niên trầm cảm còn là hậu quả của sự bối rối do sự thay đổi về tính dục và hậu quả của tật thủ dâm, do thiếu giáo dục về giới tính dẫn đến hậu quả là bạc nhược, ù lì, thờ ơ lãnh đạm đối với gia đình, bạn bè, công việc, và đặc biệt là vô cảm.

Ngoài các liệu pháp y học, nhà giáo dục có thể giúp các em giảm nhẹ ảnh hưởng của tình huống nguy hại này bằng cách tạo cơ hội cho em làm việc; tạo vơ hội thư giãn để thoát khỏi những lo lắng đang chất chứa trong đầu; đưa em vào những hoạt động mạnh hoặc tập thể dục; tránh gây cho em tức giận; tâm sự để chia sẻ nhằm làm nhẹ bớt những điều em chưa hề tỏ lộ với ai nhằm đưa em về với trạng thái tâm lý bình thường.

Biện pháp này cũng có tác dụng đối với hiện tượng thờ ơ, lãnh đạm với tôn giáo, các giá trị thánh thiêng, vì không thể nhét bất cứ điều gì vào đầu người thơ ơ, lãnh đạm được.

III.- KẾT LUẬN.

Đối tượng của khoa học tự nhiên là vật chất, có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay. Đặc tính của những định luật khoa học tự nhiên là chính xác và nhất quán. Các phản ứng khoa học tự nhiên có thể lặp đi lặp lại nhiều lần vẫn trong những điều kiện như nhau sẽ cho ra kết quả giống nhau. Còn tâm lý, đối tượng của khoa học nhân văn, nghĩa là thuộc về con người. Những hiện tượng tâm lý không thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, nhưng chỉ có thể “chẩn đoán” được nhờ những biểu hiện khả giác của nó qua thái độ và hành vi của con người. Do đó không thể có những giải pháp tâm lý chính xác và nhất quán.

Trong giáo dục, ứng dụng tâm lý học và các định luật tâm lý như phương tiện cần thiết để truyền đạt kiến thức và giáo dục con người bình thường cách hữu hiệu đã là việc khó, để giải quyết những nố cá biệt lại càng khó hơn. Huynh trưởng, giáo lý viên không phải là chuyên gia tâm lý, không đủ cơ sở và khả năng để nghiên cứu tâm lý cách bác học và có hệ thống, nhưng trong sứ mạng giáo dục của mình, chúng ta đón nhận những thành quả nghiên cứu tâm lý của các chuyên gia, cộng với tấm lòng yêu trẻ, nhằm giải quyết những tình huống tâm lý cá biệt nơi các thiếu nhi mà chúng ta đang hướng dẫn.

Trong bất cứ trường hợp nào, đối với những em bình thường hay cá biệt, huynh trưởng cũng cần có những khả năng sau đây:

- Hiểu biết sâu rộng về vấn đề, nắm được ý chính, biết cách trình bày bài học phù hợp với trình độ hiểu biết của các em: để chỉ cung cấp những điều cần cho các em, chứ không bắt các em lãnh tất cả những gì mình có.

- Vốn liếng ngôn ngữ của các em còn nghèo nàn. Trưởng phải vận dụng khả năng ngôn ngữ của mình để giản lược nội dung, dùng ngôn ngữ của các em để nói với các em. Nói cách đơn sơ, rõ ràng, và dễ hiểu.

- Khả năng tổ chức đoàn, đội tốt, giáo dục mới hiệu quả. Tạo được nơi các em niềm tin vào mình, những điều mình nói mới lọt tai và ghi vào lòng các em.

- Khả năng giao tế: có thể nói chuyện với các em, và làm cho các em sẵn sàng “tâm sự” với mình, mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em mà đáp ứng.

- Đạo đức: Lòng đạo đức của trưởng là cách giáo dục không dùng lời mà hiệu quả hơn lời nói.

Kiến thức tâm lý và những khả năng cá nhân của huynh trưởng là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ, mà còn cần đến yếu tố nữa: Lòng đạo và Tình thương. Từ đó, chúng ta có thể làm tất cả cho các em.

Về phần thiếu nhi, các em rất nhạy bén và dễ dàng nhận ra chúng đang được thương mến. Các em sẽ chỉ yêu mến và đến với những ai yêu mến chúng. Được trẻ yêu mến và đến gần, chúng ta sẽ có cơ hội thành công trong việc giáo dục.

 

CÂU HỎI XÂY DỰNG BÀI

1. Bạn đã gặp tình huống đặc biệt nào nơi đoàn sinh, và đã giải quyết như thế nào? Thành công hay thất bại?

2. Theo bạn, vai trò giáo dục gia đình ảnh hưởng như thế nào đến những hiện tượng tâm lý cá biệt nơi thiếu nhi? Thí dụ cụ thể? Giải pháp nào cho vấn đề này?