14/06/2021 09:32

Bài 13: Tâm lý Ngành Thiếu

Tâm lý Ngành Thiếu

 

1./ Tâm lý là gì?

2./ Những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tâm lý.

3./ Những diễn biến tâm lý ngành Thiếu.

4./ Một số sinh hoạt giáo lý phù hợp với lứa tuổi.

Là Huynh trưởng-Giáo lý viên, đang phụ trách 1 lớp học gồm những em thiếu nhi khoảng độ tuổi 10-13. Bạn muốn truyền đạt cho các em về Chúa Giêsu, về anh cả GIÊSU gương mẫu, thánh thiện…Bạn tha thiết muốn các em tiếp nhận những lời bạn cắt nghĩa và đem ra thực hành trong đời sống của các em. Phải làm cách nào để những gì bạn truyền đạt được các em vui vẻ tiếp nhận, hiểu và đem ra thực hành nhằm thăng tiến cuộc sống đó.

Để các em hiểu được những gì bạn nói, bạn cần hiểu các em trước đã: hiểu tình cảm, suy nghĩ, phản ứng, hành động, cách ứng xử, đam mê, óc tưởng tượng…của các em thế nào, đó là tâm lý. Bạn cần nắm bắt chính xác tâm lý của các em để có thể vận dụng mà hướng dẫn và dạy đỗ các em cách hiệu quả nhất. Phải có mồi đúng và ngon mới câu được loại cá mà mình muốn.

I. TÂM LÝ LÀ GÌ? 

Là những sự kiện vô chất thể nơi con người: buồn, vui, giận, ghét... Ta không thể nhìn thấy hay mô tả các sự kiện tâm lý như mô tả một sự vật cụ thể, không thể định hình hay định vị. Nhưng phải nhìn nhận rằng tâm lý là sự kiện có thật được nhận thấy qua thái độ, ngôn ngữ, phản ứng, và hành vi (nhìn nét mặt một em thiếu nhi cười rạng rỡ bên nhóm bạn, ta biết là em đang rất vui. Có hẳn 1 chuyên ngành để nghiên cứu về vấn đề này gọi là ngành tâm lý. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, không đi sâu vào nghiên cứu nhưng chỉ vận dụng những kết quả của môn tâm lý này để áp dụng vào việc dẫn dắt các em thiếu nhi được trao cho chúng ta.

II. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG,

       ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM LÝ:

Biến chuyển tâm lý của mỗi em mỗi khác, và ở vào mỗi thời kỳ cũng có nhiều thay đổi khác nhau. Tuổi tâm lý không có 1 ranh giới rõ ràng để xác định như ranh giới vật chất. Các biến chuyển tâm lý tuy được nghiên cứu, phân tích theo từng lứa tuổi nhưng cũng chỉ là chung chung, tương đối. Tâm lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau:

- Do thể lý di truyền: từ khi sinh ra.

- Do khả năng trí tuệ và sự học hỏi: khả năng tiếp thu và những kiến thức được cung cấp trong nền giáo dục tại trường, tại gia đình cũng như do nỗ lực nghiên cứu. 

- Hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, giáo dục.

- Sự cố gắng, quyết tâm của bản thân.

III. NHỮNG DIỄN BIẾN TÂM LÝ NGÀNH THIẾU

A. Phát triển thân xác:

Thân xác của trẻ khoảng độ 10-13 tuổi phát triển khá mạnh, xương mau to, cứng hơn và khỏe hơn. Tay chân như dư thừa, quờ quạng. Một số em dậy thì sớm, bể tiếng, mặt sùi lên... Óc não phát triển nên bắt đầu biết nhận xét, lý sự về mọi điều xung quanh. Nhu cầu về ăn, uống, ngủ nghỉ rất cao.

B. Phát triển về tâm lý:

1. Thích hoạt động và hướng ngoại:

Trẻ dễ bị thế giới bên ngoài lôi cuốn và dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi thế giới ấy. Những gì nghe, sờ thấy được … có sức lôi cuốn mãnh liệt, tạo sự thích thú với trẻ mà không sao kiềm lại được. Khi tò mò muốn biết thì trẻ tìm mọi cách để tiếp cận, xem nó là gì …. Vì thế đây còn gọi là tuổi thực nghiệm.

Phim ảnh, sách báo, truyện , diễn viên điện ảnh, ca sĩ… dễ trở thành thần tượng. Trẻ có thể nói liên miên, say xưa và khá chi tiết về những cuốn phim, câu chuyện hay tiểu sử của một ca sĩ, thần tượng mà mình yêu thích. Trẻ có thể dồn hết thời giờ, tiền bạc để có thể thỏa mãn những gì em thích như: dành thời gian cho việc chơi game, xem phim, đọc truyện, tìm hiểu hay sưu tầm hình ảnh  hoặc bất kỳ những gì có in hình ảnh của thần tượng mình yêu thích, dán đầy phòng hay góc học tập, bắt chước những sở thích, thói quen của thần tượng thực hiện một cách thích thú...

- Ở lứa tuổi này nên sử dụng phương pháp dạy mới lạ, phong phú, bài học phải hấp dẫn, cách trình bày phải lôi cuốn để thu hút các em, đồng thời đừng áp dụng mãi 1 phương pháp mà cần thay đổi để các em không cảm thấy nhàm chán: sử dụng nhiều hình ảnh minh hoạ, dùng 1 trò chơi hay bài hát để bắt đầu bài học, thay đổi chỗ học như cho các em học ngoài trời…

- Cố lắng nghe các em nói, dù có thể những điều ấy không có ý nghĩa, vớ vẩn, không quan trọng… qua đó có thể gợi mở cho các em 1 cách tự nhận xét, đánh giá về sự kiện, nhân vật, hành động đúng hay sai, đẹp hay xấu, nên làm hay không; khuyến khích các em hãy bắt chước những điều tốt và loại bỏ những điều xấu.

 2. Trẻ rất hiếu động, thích làm hơn suy nghĩ:

Trẻ ưa quan sát người khác làm việc, thích khám phá để sử dụng, chế tạo máy móc, đồ vật. Thích các hoạt động thi đua và luôn cố gắng giành phần thắng. Thích trò chơi vận động hơn là ngồi yên 1 chỗ, do sự phát triển mạnh về thể chất sức sống tràn đầy.

Kiến thức và kinh nghiệm của các em không phải do sự suy tư hay do nhồi nhét lý thuyết nhưng được các em tích lũy thông qua hành động. Chơi hăng và làm việc cũng hăng.

Hiểu được tâm lý này của trẻ ta nên tổ chức thường xuyên các cuộc thi đua, trò chơi sôi nổi, rộn ràng. Tập cho các em làm những công việc phục vụ như: chuẩn bị nơi họp, dọn dẹp vệ sinh

3. Khuynh hướng độc lập, tư hữu phát triển :mạnh

Ở tuổi này, mặc dù tự bản thân chưa thể quyết định việc gì nhưng vẫn muốn được tự lập như người lớn: muốn tự mình đi học, đi lễ, thích được vui chơi ở bên ngoài hơn là ở nhà với bố mẹ… không còn muốn bám áo mẹ như trước đây. Muốn có tiền riêng, chỗ học riêng, xe đạp riêng mặc dù có thể chưa có. Cái gì thuộc của mình thì không muốn cho ai đụng vào. Luôn muốn chứng tỏ rằng mình đã lớn và có quyền tự do. Điều này có thể dẫn tới sự chống đối nơi trẻ nhỏ, khi thấy điều gì đó không được thực hiện theo ý muốn hoặc để tự bảo vệ, bào chữa cho hành động chống đối của mình. Một mặt muốn sống tự do nhưng mặt khác thấy mình yếu đuối, bất lực, không thể làm được gì nên trẻ hay gây chuyện. Có khi chống đối có hệ thống.

- Người giáo dục phải tỏ ra hiểu biết, đừng tìm cách bẻ gẫy những chống đối nhưng hướng sức mạnh của trẻ vào những mục tiêu tốt.

- Hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho khuynh hướng này phát triển đúng hướng, nhằm giúp các em biết suy nghĩ, tự đưa ra ý kiến giải quyết những vấn đề bản thân. Tuy nhiên cần luôn bên cạnh quan sát trẻ và can thiệp đúng lúc để tránh việc các em quá tự do, không theo 1 khuôn khổ nhất định, muốn làm gì thì làm, bất chấp hậu quả… trong khi đó vẫn khuyến khích tinh thần cộng đồng nơi các em.

- Đây cũng là giai đoạn thuận tiện để giới thiệu cho các em phương pháp hàng đội tự trị. Giao nhiệm vụ cho các em để các em cảm thấy đây là công việc của mình và mình phải thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trẻ sẽ biết tôn trọng những tài sản riêng của bản thân và của người khác, biết gìn giữ tài sản của chi đoàn, gia đình. Đây cũng là 1 phương thức chuẩn bị cho các em hội nhập vào cuộc sống cộng đồng sau này.

4. Khuynh hướng xã hội phát triển:

Có nhu cầu tự nhiên: muốn được kết bạn, lập nhóm, trẻ thích hoạt động theo đội nhóm. Trẻ coi trọng ý kiến, quan điểm của bạn bè cùng trang lứa hơn là của cha mẹ, thầy cô. Trẻ bắt đầu xem nhẹ những lời khuyên, dạy bảo của người lớn, nghe lời bạn bè nhiều hơn. Vẫn cần sự quan tâm yêu thương của người lớn nhưng lại không muốn biểu lộ ra.

Trong phong trào, phương pháp hàng đội là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu xã hội này. Hoạt động cộng đồng, sinh hoạt theo đội sẽ giúp các em tự khẳng định, từng bước điều chỉnh bản thân, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng.

- Cha mẹ, anh chị cần theo dõi khuyến khích, hướng dẫn các em để kịp thời tránh việc các em bị dụ dỗ,  sa vào những hoạt động xã hội không lành mạnh. Cần tìm hiểu xem con em mình chơi với ai, thuộc thành phần nào, đồng thời phải biết hoạt động của nhóm bạn mà con em mình tham gia.

a. Trẻ biết thắc mắc

Trí óc trẻ phát triển mạnh, trẻ biết suy luận đơn giản và trẻ biết thắc mắc. Nhưng thắc mắc của trẻ thường là thắc mắc tại sao khi các em:

* Nhận thấy có sự khác biệt giữa những gì các em đã được dạy bảo trước đây với những gì đang học, hoặc với những gì đang nghe thấy, nhìn thấy. Ví dụ: Cha mẹ và các anh chị HT, GLV nói Chúa ở trên trời  nhưng các nhà khoa học du hành trên ấy nói là không có Chúa.

* Nhận thấy những sự việc diễn ra thực tế không giống như những gì mà từ trước đến giờ em vẫn nghĩ. Ví dụ: bố mẹ và thầy cô đều dạy nói dối là điều xấu, không được nói dối nhưng khi trẻ thấy bố, mẹ nói dối, do vô tình hay cố ý, trẻ sẽ hỏi tại sao như vậy.

- Muốn các em chấp nhận, điều ấy phải có tính hợp lý, và phải tiên liệu được những thắc mắc của trẻ để chuẩn bị câu trả lời. Câu trả lời cần: đơn giản để các em dễ hiểu, lấy ví dụ gần gũi để các em dễ hình dung.

- Đôi khi chúng ta nghĩ rằng các em không có thắc mắc gì sau bài học là các em đã hiểu bài hết, song không hẳn như vậy. Có thể các em chưa có đủ ngôn từ cần thiết để diễn đạt ý muốn nói, hoặc các em e thẹn, không dám hỏi, hoặc có thể các em chưa hiểu nên không biết hỏi gì? Nhìn vào ánh mắt, vẻ mặt, cử chỉ lúng túng hay ngồi im lặng 1 chỗ của các em  mới có thể biết các em có hiểu và chấp nhận điều ta truyền dạy hay không, để rồi khéo léo đặt câu hỏi giúp các em giải đáp thắc mắc.

b. Nam nữ không thích chơi chung vói nhau:

Do có sự thay đổi nhanh về thể chất dẫn tới tâm lý đa cảm, các em bắt đầu biết e lệ với nhau, không còn tự nhiên như tuổi ấu. Nam nữ có sự phân biệt rõ rệt: ngại khi ngồi gần nhau, ngại không chịu nắm tay nhau … Nam chỉ chơi những trò chơi mang tính chất mạnh mẽ: rượt bắt, kéo co, bắn bi, đua xe… và không chịu chơi chung với nữ. Nữ thì thích những trò chơi nhẹ nhàng, khéo léo: nhảy dây, chơi banh đũa...

Do có sự phân biệt như vậy nên dễ dẫn đến việc các em bất đồng ý kiến, sinh sự cãi nhau.

Dùng những trò chơi tập thể cho cả nam và nữ cùng tham gia thi đua. Từ từ khích lệ, xoá đi sự phân biệt giữa các em, phải là cầu nối giản hoà và tạo điều kiện cho các em nam nữ giao tiếp, để hiểu nhau . Vì tự trọng và ganh đua chúng sẽ cố gắng không còn phân biệt nữa.

c. Hành động theo qui luật:

Vì thích hoạt động nên chú trọng đến qui luật hành động. Khi chơi thì bắt người khác phải giữ đúng qui luật. Sự quan tâm đến các qui luật dẫn tới chỗ hành động theo tập quán, nên ưa thích những gì đều đặn, làm cùng 1 cách, 1 kiểu. Thích những công việc có sẵn, cố định.

Lợi dụng khuynh hướng này để giới thiệu với chúng về luật Thiên Chúa, luật Phong trào. Tuy nhiên, cần cho chúng  thấy luật Thiên Chúa là luật tình yêu. Giữ luật hình thức không ích gì. Giữ luật là minh chứng lòng mến đối với Thiên Chúa. Luật Phong trào giúp các em sống tốt hơn, trưởng thành hơn và có thể giúp  ích cho mọi người xung quanh tốt hơn.

IV. Một số sinh hoạt giáo lý phù hợp với tuổi Thiếu,  giúp LÀM sinh động buổi họp,  thu hút các em:

* Hát: chọn những bài hùng mạnh, phấn khởi có tính cộng đồng làm những bài hát chung với nhau.

* Sinh hoạt tập thể: nhóm làm tập hình, ghép hình.

* Sưu tầm, tra cứu 1 đề tài (câu chuyện về tình yêu thương của Thiên Chúa, những việc Chúa làm cho dân Israel khi dân bị lưu đày tại Ai Cập…): dùng Kinh thánh hay sách đạo đức để sưu tầm.

* Ghi chép lại những câu kinh thánh, những điều hay vào 1 cuốn sổ nhỏ.

*Khuyến khích, tạo điều kiện cho các em tham dự các buổi phụng vụ (lồng ghép thêm những cử chỉ)

Tóm lại, những diễn biến tâm lý của thiếu nhi nêu trên được tiến hành, phân tích trên phương diện rộng, không tập trung, chủ đích vào 1 cá nhân hay 1 nhóm tập thể nhất định nào, nên không thể đồng loạt áp dụng cho mọi tình huống. Nhưng cần dựa vào những nguyên tắc chung ấy, kết hợp quan sát, theo dõi biến chuyển tâm lý của từng em để đưa ra giải pháp phù hợp, nhất là đối với Thiếu nhi. Khi chọn giải pháp ứng xử cho cả tập thể phải có giải pháp cho từng em, nhất là những em cá biệt.

Các em trong độ tuổi 10-13 nói riêng hay các em thiếu nhi nói chung là những mầm non tương lai của Giáo Hội. Những mầm non này hiện chưa có đủ kinh nghiệm lại không đủ khả năng để tự định hướng cho sự phát triển của bản thân, rất cần sự hướng dẫn chia sẻ, hiểu và giúp đỡ của các bậc bề trên và của các anh chị.