14/06/2021 09:29

Giới thiệu ngôi Thánh Đường nhà thờ chính tòa mới (Tiếp)

7 - GIẾNG RỬA TỘI Qua bậc tam cấp, ta như rũ bỏ được những lắng lo, những vấn vương của cuộc sống thường nhật để bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt – thế giới tâm linh – nơi đó, con người có thể an tâm mà sốt sắng cử hành Thánh lễ, an tâm chia sẻ những vui buồn và thanh thản dâng những lời nguyện cầu lên Thiên Chúa.

Nhưng để vào thánh điện nhà Chúa với một tâm hồn hoàn toàn trong trắng, cần phải hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em qua giếng nước rửa tội. Đối với người Công Giáo, giếng nước rửa tội nhắc nhớ chúng ta ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta thề sẽ từ bỏ sa-tan, từ bỏ những quyến rũ của nó. Và cũng trong ngày ấy, chúng ta đoan hứa tin vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần… Vậy hôm nay đây, lời đoan hứa đó liệu có còn hay đã lãng quên?! Tấm áo trắng chúng ta nhận ngày chịu phép rửa tội, nay có còn trinh nguyên hay đã bị hoen ố theo dòng thời gian?
Giếng rửa tội là nơi tái sinh người tín hữu. Việc lãnh bí tích Rửa tội không phải là một thủ tục nhưng là một điều kiện tất yếu để được vào Nước Trời. Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã quả quyết: “Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Khi lãnh Bí Tích Rửa tội, chúng ta được dìm, được hội nhập vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô và được hưởng hồng ân cứu độ. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở cái chết đau khổ và nhục nhã, mà Ngài đã Phục Sinh vinh hiển. Tử Nạn và Phục Sinh là một tiến trình duy nhất, một mầu nhiệm Vượt Qua của Con Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Chúa Giêsu chỉ chết và sống lại một lần, người tín hữu cũng chỉ lãnh nhận một lần trong đời.
Giếng rửa tội của nhà thờ chính tòa được thiết kế hết sức độc đáo. Lòng giếng được thiết kế hình một chiếc lá sen; chung quanh có một bông hoa sen trắng và một đài sen vàng. Hình ảnh lá sen xanh, bông sen trắng và có nhị vàng rất đỗi quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta:
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Mừng Em rửa tội làm con Chúa Trời
Làm con Thiên Chúa Ba Ngôi
Làm con Hội Thánh đời đời vinh quang.
Hình ảnh bông hoa sen trắng giữa bùn lầy đã phản ánh phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Trải qua biết bao nhiễu nhương trong cuộc đời, phải sống giữa một xã hội có nhiều những cám dỗ về mọi mặt dễ làm cho con người trở nên ô uế, nhưng con người Việt Nam vẫn vượt lên trên mọi hoàn cảnh khó khăn, và quan trọng hơn, họ đã vượt lên chính mình để chiến đấu và chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận.
Phía trước chiếc lá sen xanh có bức tượng Đức Giêsu đang đứng giang tay và một dòng nước chảy ra từ chính đôi bàn tay của Ngài. Ngắm nhìn hình ảnh đó, ta như cảm thấy, không phải linh mục, nhưng là chính Chúa Giêsu đang làm phép rửa cho các thụ nhân. Hình ảnh dòng nước tuôn trào gợi lại hình ảnh thị kiến: Tôi đã thấy dòng nước từ cửa Đông đền thờ tuôn ra. Và nước ấy chảy đến người nào thì tất cả đều được cứu độ và hát lên rằng: Allêluia! Allêluia! (x.Kh 22) Đức Giêsu chính là mạch nước hằng sống đó. Từ nơi Ngài phát xuất dòng nước trong lành, có sức tẩy rửa và cứu độ toàn thể nhân loại.

8 - CỬA CHÍNH (CỬA ĐẠI HỘI)
Cửa chính của nhà thờ chính tòa có hình vuông, ở giữa hai cánh cửa chính là một hình tròn – một sự thể hiện rõ nét triết lý âm dương. Có vuông có tròn, tức là có âm có dương; vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), tròn tượng trưng cho trời (thuộc dương). Theo quan niệm về âm dương thì: trong âm có dương và trong dương có âm. Nói vuông tròn là nói đến sự hoàn thiện. Thành ngữ có câu: Mẹ tròn con vuông, Ba vuông bảy tròn… Ca dao thì có: Ba vuông sánh với bảy tròn. Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu… hay: Lạy trời cho đặng vuông tròn. Trăm năm cho trọn lòng son với chàng!
Hai cánh cửa được làm bằng một loại gỗ quý, bên cạnh có hai bức phù điêu bằng đồng đắp nổi. Chung quanh cửa có những đường gân khác nhau dẫn đến cây thánh giá ở chính giữa hai cửa.
Hình ảnh cây thánh giá hiện diện ở cửa chính của ngôi thánh đường vẫn luôn là biểu tượng của Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh. Thánh giá là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và mỗi người. Chúa Giêsu mang lấy các tật nguyền và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. (Ga 1,29). Thánh giá là màu nhiệm của sự đau khổ và sự chết, đồng thời cũng là biểu tượng của vinh quang. Làm thế nào có thể nói đến Phục Sinh mà không nói đến cái chết? Phúc Âm theo Thánh Luca đã hai lần khẳng định: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26;46). “Khi các ông treo Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”; “Phần tôi, khi được treo lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 8,27; 12,32)
Thánh giá còn là biểu tượng của sự hòa giải, liên kết, quy tụ muôn người, nói lên chiều kích trọn vẹn của con người. Chiều cao liên kết con người với Thiên Chúa. Chiều ngang liên kết mọi người với nhau. Như lời thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Eâphêxô: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Ở bốn đầu của cây thập giá có tạc hình của bốn vị Thánh sử (Mátthêu, Maccô, Luca và Gioan). Sự hiện diện của các ngài như một sự nhắc nhớ về sự hiện diện và tầm quan trọng của Lời Chúa. Chính Đức Giêsu đã từng phán: Người ta không chỉ sống nguyên bởi cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Lời ấy là Tin Mừng mà chúng ta đang đón nhận. Chúng ta chỉ có một Tin Mừng duy nhất là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng ấy là tin mừng cứu độ. Như vậy, Thánh giá không chỉ là niềm hy vọng, mà còn là tin mừng cho nhân loại. “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Vậy chúng ta có thể hãnh diện như Thánh tông đồ Phaolô mà nói lên rằng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đứu Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).
Nổi bật trên đầu của cây thập giá là hình ảnh một bông lúa chín vàng. Phía bên trên có một bức phù điêu hình Thiên Chúa Cha đang một tay nâng trái đất và một tay giơ ra để chở che nhân loại. Những đường gân được điểm xuyến bằng những mũ đinh nổi, thường thấy ở cánh cửa chính của những ngôi thánh đường lớn ở châu Aâu. Hình ảnh đó gợi nhắc đến cuộc sống lữ hành trần thế của người tín hữu hôm nay; có nhiều con đường dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Tất cả đều là những con đường hẹp, nhiều hiểm nguy và lắm chông gai. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, trên hành trình đó, chúng ta không đi một mình, mà có Chúa cùng đồng hành. Và kết quả là, qua con đường của thập giá, chúng ta sẽ thu lượm được thành quả mỹ mãn là bông lúa chín vàng.



IV – NỘI THẤT
1 - CUNG THÁNH
Bước vào nhà thờ, chúng ta có cảm một cảm giác linh thiêng và huyền nhiệm. Nội thất của ngôi thánh đường được sơn một gam màu trầm. Nổi bật lên giữa gam màu trầm lắng đó là sự rực sáng lung linh của bàn tòa chính mới được thiếp vàng. Sự kết hợp hài hòa giữa gam màu trầm của nội thất nhà thờ và màu sáng của gian cung thánh giúp cộng đoàn không bị xao nhãng, nhưng dễ dàng tập trung vào việc tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ nơi đây.
Bàn tòa của nhà thờ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, không mất đi dù một chi tiết nhỏ. Quan sát những đường nét hoa văn được chạm trổ một cách tinh vi, chúng ta càng cảm phục đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân thế hệ trước. Gian cung thánh của ngôi nhà thờ mới được thiết kế rộng … Nền của cung thánh được lát bằng đá garanit màu đỏ, nếu nhìn từ trên cao, như một tấm thảm đỏ khổng lồ. Mới thoáng nhìn, người xem có thể nhận thấy sự trang trọng, uy nghi của gian cung thánh - xứng đáng là nơi diễn ra các cử hành Thánh Thể. Nhưng quan sát kỹ, chúng ta lại có một cảm giác thật gần gũi giữa cộng đoàn và bàn tiệc Thánh Thể.
Nhiều người có cảm giác, gian cung thánh như một chiếc trống đồng lớn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi chân của cung thánh được trang trí bằng bức phù điều lớn mang các họa tiết vẫn được trạm khắc trên các trống đồng: những cánh chim Lạc Việt, những cảnh sinh hoạt thường ngày như săn bắn, hái lượm… những hình ảnh tuy đơn sơ nhưng lại được diễn tả một cách sống động dưới bàn tay tài tình của những nghệ nhân.
Các thế hệ con Lạc cháu Rồng qua bao đời nay vẫn từng tự hào về những chiếc trống đồng. Bởi nó chính là hiện vật tiêu biểu của các nền văn hoáphát triển từ thời đại đồng thau sang thời đại đồ sắt ở một số nước thuộc vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chúng ta.

2 - BÀN THỜ
Nổi bật giữa gian cung thánh là bàn thờ được làm từ đá cảm thạch. Trông xa, bàn thờ như một tấm bánh trắng lớn, được nâng lên bởi những đôi bàn tay xinh xắn của hai thiên thần bé nhỏ.
Mặt bàn thờ hình tròn (tượng trưng cho trời) được đặt trên một trụ có chân hình bát giác – biểu tượng rõ nét triết lý âm dương. Hình bát giác biểu tượng của Bát quái. Theo Kinh Dịch, trình bày nguyên lý hình thành vũ trụ dưới dạng: Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quát. Cũng theo Kinh Dịch, Bát quái có 8 quẻ (Càn, Đoài, Li, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn); mỗi quẻ biểu thị bằng 3 vạch liền (= lẻ, dương) và/ hoặc đứt (= chẵn, âm). Bát quái Tiên thiên (có trước), biểu tượng cho 8 hiện tượng tự nhiên. Trời – Đầm – Lửa – Sấm – Gió – Nước – Núi – Đất. Bát quái Hậu thiên (có sau), biểu tượng cho cha mẹ và 6 con trong gia đình. Để trừ tà ma, trong khi dân gian phương Nam sử dụng Ngũ hành (bùa ngũ sắc, tranh Ngũ hổ), thì người phương Bắc dùng bát quái làm bùa. Đối với người Công giáo, hình bát giác thể hiện Bát phúc (8 mối phúc); đây là 8 phương thế và cũng là 8 con đường dẫn đưa chúng ta về quê trời.
Xung quanh bàn thờ được trạm trổ hình những chùm nho và lúa miến. Đó cũng là những tinh hoa của ruộng vườn, tượng trưng cho lao công vất vả của con người và ân huệ của Thiên Chúa, làm thành tấm bánh tiến dâng lên Thiên Chúa tình yêu.
Tấm bánh ấy cũng chính là Đức Kitô. Vì trong hy lễ Thánh Thể, chính Đức Kitô vừa là người dâng, vừa là của lễ dâng lên Chúa Cha (PV 7). Tấm bánh Giêsu hôm nay vẫn không ngừng được bẻ ra cho thế giới: “Các con hãy cầm lấy mà ăn. Vì này là mình Thầy”. (Kinh Nguyện Thánh Thể)
Bàn tròn còn thể hiện một sự bình đẳng. Mọi người tham dự bàn tiệc này đều có phẩm giá như nhau, không phân biệt lớn - nhỏ, sang - hèn…, vì thế, cộng đoàn sẽ có một cảm giác gần gũi khi đi tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Nếu xét về ý nghĩa, bàn thờ là nơi trên đó cử hành hy lễ Thánh Thể, là trung tâm của tất cả cử hành thánh lễ (GL 1235; RM 296). Nơi hy lễ này, Chúa Kitô mời gọi chúng ta đến lãnh nhận Mình và Máu Người như lương thực thần linh. Vì thế, bàn thờ thực sự là bàn tiệc thần linh, nơi đó, mọi người tín hữu được mời gọi tham dự vào bữa ăn của Chúa.
Dưới chân bàn thờ được trang trí bằng một tấm thảm lớn, trên đó được điểm xuyến bằng hình những mặt trống đồng. Giữa mặt trống là hình ngôi sao 12 cánh, xen giữa các cánh sao là họa tiết lông công và những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau.


3 - NHÀ TẠM
Trên cung thánh có hai nhà tạm đều được làm bằng đá cẩm thạch: một để Mình Thánh Chúa và một để Lời Chúa.
Nơi Nhà Tạm để Mình Thánh Chúa có khắc hai câu thơ được trích trong bài thơ “Chiếc đèn chầu” của nhà thơ Bạch Lạp (bút danh của Đức Cha Phanxicô Xaviê, giám mục giáo phận Thái Bình) như sau:
“Linh hồn con như chiếc đèn chầu
Âm thầm tỏa sáng trong đêm thâu”.
Xét về nguồn gốc, “nhà tạm” theo cách hiểu của chúng ta hiện nay chỉ có từ thế kỷ XVI, đặc biệt khi Giáo Hội phải đương đầu với những người chống đối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Quả thật, trong những thế kỷ đầu, với những người chống đối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, nhà tạm được hiểu là nơi cất giữ Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người vắng mặt; nơi cất giữ này chưa chiếm vị trí trung tâm của cung thánh như hiện nay. Thế rồi, từ việc cất giữ Mình Thánh cho bệnh nhân, người ta ngày càng khám phá ra ý nghĩa sâu xa sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Từ đó, lòng tôn thờ Chúa phát triển mạnh mẽ qua việc chầu Thánh Thể.
Qua dòng thời gian, Giáo Hội thấy cần phải cổ võ cho con cái mình về lòng yêu mến và thực hành Lời Chúa, nên đã cho phép làm thêm một nơi trang trọng trên cung thánh, ngang hàng với nơi đặt Mình Thánh Chúa, để làm nơi suy tôn Lời Chúa. Vì vậy, đối diện với Nhà Tạm Mình Thánh Chúa trong Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình, có thêm một Nhà Tạm tương tự để đặt Sách Thánh. Trên ngôi nhà tạm này cũng có khắc hai câu thơ của nhà thơ Bạch Lạp:
“Lấy Kinh Thánh rọi soi lối bước
Đem Tin Mừng chiếu sáng đường đi”
Khi cho phép điêu khắc ngôi nhà tạm để Sách Thánh giống như nhà tạm để Mình Thánh Chúa, Đức Cha giáo phận muốn nhắc nhở giáo dân hãy ý thức tôn kính Lời Chúa như tôn kính Mình Thánh Chúa, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống đức tin theo tinh thần của Công Đồng Vatican II.

4 – HAI CÂY BẠCH LẠP
Hai cột trụ dưới bàn tòa chính được thiết kế trở thành hai cây bạch lạp với ngọn lửa hồng rực sáng. Ngắm nhìn hai cây nến cháy sáng rực, người tín hữu ngay lập tức liên tưởng đến cột mây và cột lửa ngày đêm dẫn đường cho dân Ít-ra-en đi trong hành trình sa mạc suốt bốn mươi năm sau khi họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa về Đất Hứa là đất Ca-na-an.
Ngọn lửa cháy bừng bừng của đôi bạch lạp cũng giúp chúng ta gợi nhớ về biến cố khai sinh Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời, đó là vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do thái, khi các Tông Đồ đang cầu nguyện trong ngôi nhà cửa đóng kín vì sợ người Do Thái, thì Thánh Thần Chúa lấy hình lưỡi lửa bay đến đậu trên từng người và tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Có sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã không còn sợ hãi và đóng kín nữa, nhưng đã mạnh dạn ra đi công bố Tin Mừng cho khắp muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem và cho đến tận cùng trái đất.

5 - GIẢNG ĐÀI
Vì phẩm giá Lời Chúa phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ để Lời Chúa được loan báo, và giáo dân tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ Lời Chúa. Do đó, giảng đài là nơi xứng hợp cho việc cử hành này.
Chính nơi đây, hằng ngày, các tín hữu sẽ được nuôi dưỡng bằng bữa tiệc Lời Chúa. Những thực hành sống đạo, những răn dạy của Giáo Hội được truyền đạt qua lời của các vị mục tử…
Giảng đài của nhà thờ Chính Tòa mới được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối. Ơû phía trước có trạm trổ bức phù điêu hình cây thập giá và con cá – thể hiện cho Đức Kitô.

6 - ĐÀNG THÁNH GIÁ
Khác hẳn với những thánh đường khác, mười bốn đàng thánh giá của nhà thờ Chính tòa Thái Bình được liên kết bởi những bức phù điêu chạy dài, dọc hai bên nhà thờ tạo thành một tổng thể liên hoàn. Những chặng đàng thánh giá được phủ một màu đồng với những hình khối uốn lượn, tạo nên một quang cảnh thật sống động. Dù chưa một lần hành hương Thánh địa, chúng ta cũng có thể hình dung ra được hình ảnh Palestin, quê hương Chúa, và phần nào cảm nghiệm được con đường khổ nạn mà Chúa Kitô đã đi qua khi chiêm ngắm những bức phù điêu đàng Thánh Giá trong Nhà Thờ Chính Tòa. Quả thật, để làm được những tác phẩm điêu khắc này, nghệ nhân đã phải trải qua biết bao tìm tòi, trăn trở, khám phá, để cuối cùng có được những tác phẩm nghệ thuật mang hồn sống mà ai ai cũng đều cảm nhận được sự độc đáo của nó. Dáng vẻ hung dữ của những tên lính, nét mặt đầy căm phẫn của những người biệt phái và luật sĩ; và đối nghịch lại, là vẻ dịu hiền, nhân từ và nhẫn nại của Đức Giêsu, được diễn tả một cách thật sinh động. Và để tô điểm cho những cảnh khác nhau trên quãng đường khổ giá, nghệ nhân đã đưa vào những quang cảnh thiên nhiên: xa xa, thấp thoáng những ngôi nhà ẩn hiện dưới những hàng cây cọ dừa – một loại cây đặc trưng của đất nước Palestin; những ngọn đồi trọc không một bóng cây, trơ trụi toàn những đá, đang ngất ngưởng như những chiếc đầu trọc, càng làm cho cảnh vật thêm hoang vu, cô quạnh.
Chiêm ngắm chặng đàng thánh giá, chúng ta có thể nhận ra chính những cảnh huống khác nhau của cuộc sống hôm nay; và qua đó, chúng ta có thể nhận ra gương mặt của chính mình. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy gương mặt con người hoàn hảo nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng chẳng hề biết tội là gì, nhưng Ngài đã tự nguyện trở nên như một tội nhân để gánh lấy muôn vàn tội lỗi cho loài người chúng ta. Ngài đã chấp nhận con đường khổ giá, chịu người ta hành hạ, sỉ vả, vu khống; bị bạn bè, môn đệ bỏ rơi trong những lúc hiểm nguy nhất của cuộc đời. Và cuối cùng Ngài đã tự nguyện giơ hai tay cho người ta đóng đinh vào thập giá. Có đau khổ nào của chúng ta mà Đức Kitô không phải gánh chịu. Hiểu được như vậy, mỗi khi suy niệm về đàng thánh giá Chúa, chúng ta được yên ủi biết bao.

7 - TẦNG HẦM
Kiến trúc của ngôi nhà Việt cũng phản ánh rõ nét triết lý âm dương; có phần nổi và có phần chìm. Phần nổi là “động”, phần chìm là “tĩnh”. Kiến trúc theo lối nhà sàn (có tầng hầm) cũng không ngoài ước muốn hướng tới một cuộc sống hài hòa. Người Việt vẫn quan niệm: Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần. Do đó, việc ngôi nhà có sàn cao, ngoài nhiệm vụ để ứng phó với môi trường, khí hậu nhiệt đới, có độ ẩm cao thì tầng hầm còn thể hiện phần lắng sâu tâm hồn.
Tầng hầm của nhà thờ Chính Tòa là nơi hàng năm, cử hành Thánh lễ trọng thể để cầu nguyện cho các linh hồn, và xin ơn tha thứ cho những người đã ra đi trước chúng ta, đặc biệt là những người con Thái Bình. Ngoài ra, tầng hầm còn được sử dụng vào việc tổ chức các sinh hoạt của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Chính Tòa, như sinh hoạt giáo lý và hội họp của các đoàn thể Công giáo trong giáo phận.
Ở chính giữa của tầng hầm, có đặt bức tượng Mẹ Sầu Bi được tạc một cách hết sức tinh xảo. Nhìn ngắm tượng Mẹ Maria đang ôm xác Đức Giêsu - con của Mẹ – chúng ta được yên ủi rất nhiều. Bởi vì trong nỗi đau khổ tột cùng của kiếp nhân sinh là cái chết, chúng ta đã có Mẹ Maria đồng cảm. Hơn ai hết, Mẹ là người thấu hiểu nỗi đau của người mẹ mất con, nỗi xót xa của những gia đình, họ hàng, bè bạn… khi mất đi người thân yêu của mình.
Dưới chân tượng Mẹ Sầu Bi là phần mộ của hai Đức Cố Giám Mục Đaminh Đinh Đức Trụ và Giuse Maria Đinh Bỉnh. Cả hai ngôi mộ đều được ốp bằng đá sà cừ, trên đó đặt một bảng đồng chạm trổ các hoa văn theo lối cổ điển, đề tên và ngày qua đời của các ngài.
Trong niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, với tâm tình của người con thảo, chúng ta hãy cùng gửi gắm hai Đức Cố Giám Mục, các linh mục và tất cả những ai đã an nghỉ… cho lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa và bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria Sầu Bi.

CHƯƠNG IV
THAY LỜI KẾT
“Bấy giờ tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mời, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” (Kh 21, 1-2)
Những thị kiến mà Gioan đã trình bầy trong sách Khải Huyền, có lẽ cũng là tâm tình của giáo phận Thái Bình hôm nay. Trong niềm hân hoan mừng ngôi thánh đường nhà thờ Chính tòa mới được khánh thành, những người tín hữu Thái Bình còn biết nói gì hơn lời cảm tạ Thiên Chúa.
Có thể nói, ngôi nhà thờ mới chính là hoa quả đầu mùa, là kết tinh của bao công khó của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận. Nhưng công lao đầu tiên và trên hết, phải kể đến Đức Cha Phanxicô Xaviê – vị cha chung của giáo phận.
Kể sao cho hết những ưu tư lo lắng của vị mục tử giáo phận khi đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Ngài đã trăn trở, lo toan, từng ngày từng giờ để săn sóc, cho công trình nhà thờ Chính Tòa được thành toàn. Có thể ví những lo lắng của ngài đối với ngôi nhà thờ Chính Tòa như người mẹ hiền lo cho đứa con mình đang cưu mang trong dạ.
Kể sao hết những khi trái gió trở trời, đứa con khó ở, quẫy đạp, người mẹ hiền lại quằn người đau đớn; kể sao hết những tháng ngày người mẹ ấy tần tảo sớm hôm, biết bao những giọt mồ hôi và cả những nước mắt… tất cả không ngoài mục đích lo chuẩn bị để đón chở ngày đứa bé chào đời.
Kể từ khi có kế hoạch xây lại ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa, Đức Cha đã phải nhiều lần lặn lội sang tận trời Tây để lo tài chính cho công trình; không phải lần nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Những lần như thế không tránh khỏi những hiểu nhầm, nghi ngại…
Để có được ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy như ngày hôm nay, giáo phận Thái Bình không thể quên được công lao của các đấng bậc trong giáo phận; các kỹ sư thiết kế, các tổ thợ thi công… và cũng không thể không nhắc đến những tấm lòng hảo tâm, đã hy sinh công của, chung sức với giáo phận để xây lên ngôi đền thánh này. Có những người được giáo phận biết đến để ghi ơn; nhưng cũng không thiếu những người chỉ âm thầm chắt chiu từng đồng xu nhỏ của mình nhưng là cả số tài sản lớn, như đồng tiền của bà góa xưa được Tin Mừng nhắc tới. Có những người âm thầm hiến tặng những ngày công, hay những cụ già chỉ đóng góp bằng những lời cầu nguyện…
Mỗi thành phần dân Chúa, trong và ngoài giáo phận bằng sự đóng góp của mình đã như là những viên gạch để xây lên ngôi nhà thờ Chính Tòa Thái Bình hôm nay. Không ai khác, ngoài một mình Thiên Chúa có thể chứng giám và trả công cho các đấng bậc và quý vị.
Việc ngôi nhà thờ Chính tòa mới được khánh thành, lại một lần nữa, khẳng định sức sống và niềm tin của giáo phận Thái Bình. Trong ánh nắng ban mai huy hoàng, ngôi nhà thờ đang và sẽ mãi vươn cao như thách thức với thời gian, như một sự tái khẳng định với con người, với cuộc đời rằng: cho dù đất trời có đổi thay, nhưng lòng những người con dân Thái Bình vẫn luôn son sắt thủy chung.
Giáo phận Thái Bình bước sang một trang sử mới. Kể từ nay, chúng ta có thể nói như sách Khải Huyền rằng: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 3-4).
Cũng trong viễn cảnh của sách Khải Huyền, người tín hữu Thái Bình có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp đang đón chờ chúng ta ở phía trước. Cùng với ngôi thánh điện mới, chúng ta cũng hãy đổi mới con người, đổi mới ngôi nhà thờ tâm hồn, để xứng đáng trở nên ngôi đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đổi mới cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.