14/06/2021 09:29

Giới thiệu ngôi Thánh Đường nhà thờ chính tòa mới.

I - TỔNG QUAN

Tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 6.201,6 m2, Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình được thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại, mang nhiều ý nghĩa rong Thánh Kinh, đồng thời sử dụng nhũng kiểu dáng, đường nét đang được sử thịnh hành của dân địa phương.

Ngôi thánh đường được thiết kế hai tầng, có tổng chiều dài là 81 mét, rộng 24,5 mét, chỗ rộng nhất 34,2 mét, trong đó có 18 mét lòng sử dụng và hai hiên rộng 3,25 mét chạy dài, diện tích mặt bằng nhà thờ là 2.260 m2. Tầng trên của nhà thờ được dùng để cử hành Thánh Lễ và các nghi thức phụng vụ.
Ngôi thánh đường khoác trên mình chiếc áo màu kem sáng, thiên về màu phù sa, gợi nhắc một miền quê lúa đã một thời đi vào lịch sử. Nằm ở lưu vực của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý, quê hương Thái Bình đã được bồi đắp và nuôi sống bởi lớp phù sa màu mỡ, giúp cho Thái Bình một thời là vựa lúa của cả miền Bắc Việt. Chính mảnh đất đầy tiềm năng ấy đã tạo ra những con người Thái Bình hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó trong đời thường nhưng can trường trong những thử thách đức tin.

II – KHUÔN VIÊN
Thánh đường nhà thờ Chính Tòa mới được xây dựng trên nền đất và hướng trục tâm của ngôi nhà thờ trước. Tuy nhiên, nó đã được dịch chuyển lên phía đầu nhà thờ khoảng 35 mét, để tạo một khoảng không gian rộng lớn phía cuối nhà thờ trở thành quảng trường trong những dịp lễ đại triều.
Về tổng thể, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, không gian kiến trúc thiên về thiên nhiên đã được đưa vào nhiều hơn. Đặt chân tới khuôn viên nhà thờ, người ta như bước vào một thế giới hoàn toàn khác lạ. Bởi nơi đây, họ đã tìm lại được sự bình yên, và những phút thanh tịnh hiếm hoi sau những ngày làm việc vất vả.
Đây thực sự là không gian lý tưởng giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc với Thiên Chúa và tìm lại chính mình. Chúng ta sẽ khó có thể gặp được Thiên Chúa trong những ồn ào, náo nhiệt nhưng; chúng ta sẽ gặp được Ngài trong thinh lặng và trong thâm sâu tâm hồn của mỗi người.

1 - CỔNG CHÍNH
Trên hai trụ cổng chính của ngôi Thánh đường mới có bức tượng hai Thiên Thần đang thổi loa. Cũng giống như tượng các thánh Tông Đồ, hai bức tượng này được tạc theo mô-típ những bức tượng thời Phục Hưng. Bên ngoài được phủ một lớp nhũ đồng sáng, càng làm cho hai bức tượng thêm phần uy nghiêm.
Thiên Sứ, còn gọi là Thiên Thần, là những thụ tạo vô hình, được Thiên Chúatạo dựng. Bổn phận của các ngài là đêm ngày phụng sự Thiên Chúa và phục vụ chương trình của Ngài dành cho con người. Cả Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước đều nói đến các Thiên Thần. Các ngài luôn xuất hiện trong dáng vẻ uy nghi cao cả như được diễn tả trong sách Khải Huyền: “Đoạn, tôi thấy một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao bọc lấy. Trên đầu Người có mống, mặt Người giống như mặt trời và chân như trụ lửa.”(Kh 10,1)
Sự có mặt của các ngài luôn với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, mang đến cho con người những thông điệp từ trời cao. “Thiên sứ trả lời rằng: Ta là Gabriel, đứng trước mặt Thiên Chúa; Ngài đã sai ta đến truyền cho ngươi và báo tin mừng này.” (Lc 1.19)
Hai bức tượng Thiên Thần cầm loa gợi lại hình ảnh các Thiên Thần trong Khải Huyền của Gioan: “Rồi tôi thấy bảy Thiên Thần đứng chầu trước nhan Thiên Chúa; các vị ấy lãnh nhận bảy chiếc kèn” (Kh 8,2).
Tiếng kèn của các thiên sứ như nhắc nhở chúng ta hãy ý thức thân phận của chính mình, phải biết sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn để đón chờ ngày Chúa Kitô quang lâm. Ngày ấy, Đức Kitô sẽ từ trời ngự xuống giữa mây trời và các Thiên Thần của Ngài để xét xử muôn dân tộc. Nhưng tiếng kèn cũng là lời mời gọi chúng ta hãy vui mừng và tin tưởng vào tình yêu và lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa. Vì trong ngày Đức Kitô trở lại, Ngài sẽ đón chúng ta về cùng Chúa Cha: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Ngài sẽ sai các Thiên Sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13, 26-27).

2 - LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LAVANG
Nổi bật trong toàn bộ khuôn viên của ngôi thánh đường Nhà thờ Chính tòa Thái Bình là linh đài Đức Mẹ Lavang. Thoạt nhìn, du khách có thể hơi ngỡ ngàng về toàn cảnh linh đài Mẹ, bởi có một nét gì đó quen quen… Điều đó cũng dễ hiểu, vì Linh đài Mẹ Lavang Thái Bình được mô phỏng theo linh đài thật ở thánh địa Lavang – thuộc địa hạt huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam. Để xây dựng linh đài này, các nghệ nhân đã phải nhiều lần đến Lavang, để đo đạc, chụp hình, cũng như sống trong tâm tình của người con cái Mẹ.
Trở về nguồn gốc của tên gọi “Lavang” cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Có tài liệu cho rằng: Ngày xưa, dưới thời vua Tây Sơn Quang Toản có chính sách chống đạo Kitô giáo, cho nên nhiều người theo Công giáo ở vùng Quảng Trị để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn đã chạy lên vùng đất này. Do đây là vùng đất đồi núi cho nên để gọi nhau được họ phải "la" lớn mà "la" lớn thì "vang". Cái tên La Vang ra đời.
Một cách giải thích khác là khi những người theo đạo Công giáo chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là “lá vằng” – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết "lá vằng" không dấu thành La Vang.
Về sự tích Đức Mẹ Lavang, người ta kể rằng: Dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang - nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ. Các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ tỏ vẻ nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái lá chung quanh đó, đem nấu nước uống, sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn. Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện.[1]
Qua dòng thời gian, với những biến cố thăng trầm của lịch sử, cả giáo phận cũng như từng mỗi người tín hữu Thái Bình đã nhận được biết bao ơn lành của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ. Cũng như cha ông xưa, hôm nay, những người con Thái Bình cũng muốn bày tỏ lòng sùng kính và mến yêu Mẹ, bằng việc xây dựng linh đài Mẹ Lavang ngay trên chính mảnh đất Thái Bình. Linh đài Mẹ Lavang Thái Bình vừa được Đức Cha F.X Nguyễn Văn Sang, Giám mục giáo phận, long trọng cắt băng khánh thành vào đúng ngày lễ Đức Maria linh hồn và xác lên trời (15/8/2007). Để bày tỏ lòng quý yêu Mẹ Lavang, ngài đã cho đề bài thơ dâng kính Mẹ được trang trọng khắc trên một phiến đá đặt dưới chân linh đài Mẹ. Bài thơ viết:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Maria đứng một mình vẫn xinh
Maria Đức Mẹ Đồng Trinh
Hiện ra để cứu chúng sinh thương tình
Giờ đây Mẹ lại hiện hình
Dủ thương tín hữu Thái Bình chúng con,
Giờ đây con Mẹ, Mẹ con
Sớm chiều mưa nắng sắt son một niềm.
Giờ đây tín hữu Chúa chiên
Chung lời khấn nguyện Mẹ hiền Lavang
Giờ đây ơn phúc chứa chan
Như sông, như suối tràn lan mọi người.

III – KIẾN TRÚC NHÀ THỜ
Xét về tổng thể, ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa mang đậm nét kiến trúc Việt. Bởi đối với một đất nước mà đại bộ phận dân chúng sống bằng nghề nông nghiệp như nước ta thì việc xây nhà không chỉ làm nơi để ở, để sinh hoạt, mà còn là nơi vững chắc để đối phó với những khắc nghiệt của thiên nhiên như: nóng lạnh, nắng mưa, gió bão – một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ có một cuộc sống định cư ổn định. Có an cư thì mới lạc nghiệp. Để ứng phó với môi trường tự nhiên, tiêu chuẩn của ngôi nhà Việt Nam về mặt cấu trúc là nhà caocửa rộng. Kiến trúc Việt thường là kiến trúc “MỞ” để tạo không gian thoáng mát, giao hòa với tự nhiên; khác với kiến trúc phương Tây “ĐÓNG” (nhà nhỏ, trần thấp, tường dày, cửa ít) để giữ hơi ấm.
Cái “cao” của ngôi nhà Việt gồm hai yêu cầu: Sàn/ nền so với mặt đất và mái cao so với sàn/ nền. Nhà sàn đáp ứng nhu cầu “cao” thứ nhất (sàn nền cao so với mặt đất) và có tác dụng ứng phó với lụt lội, ẩm ướt, côn trùng… Nhà Việt Nam nay phần nhiều đã chuyển sang dạng nhà đất, nhưng nhà đất lý tưởng vẫn phải có nền cao; nhiều nơi hay ngập lụt, nền nhà cứ phải nâng cao dần. Còn yêu cầu “cao” thứ hai – mái cao so với sàn/ nền – là nhằm tạo ra một khoảng không gian rộng, thoáng mát để ứng phó với nắng nóng. Mái cao còn tạo ra một độ dốc lớn để ứng phó với lượng mưa nhiều, khiến cho nước thoát nhanh, tránh dột, tránh làm hỏng mái. Nhà cao nhưng cửa không cao mà phải rộng. Cửa không cao để tránh nắng chiếu xiên và tránh nước mưa hắt vào nhà. Còn phải làm cửa rộng để đón gió mát và tránh nắng nóng, đồng thời cũng để tránh gió độc, gió mạnh.[1]
Để đảm bảo yếu tố nhà cao cửa rộng, phù hợp với môi trường và khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc Việt Nam (nóng ẩm, mưa nhiều), nhà thờ Chính Tòa được thiết kế hai tầng, có hành lang rộng và mái hiên xung quanh. Ngày mưa gió, vẫn có thể tổ chức những cuộc rước kiệu, cung nghinh Thánh Thể xung quanh nhà thờ mà không lo thời tiết đổi thay thất thường.

1 - THÁP CHUÔNG
Dù không nổi bật giữa những tòanhà cao tầng đang ngày một nhiều trong lòng thành phố Thái Bình, nhưng đứng trên cầu Thái Bình hoặc trên hai bờ tả ngạn của dòng Trà Lý, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hai ngọn tháp của ngôi thánh đường nhà thờ Chính Tòa mới đang hiên ngang vươn lên trời xanh.
Với chiều cao 46 mét, tháp chuông được thiết kế theo lối Gothique nhưng đã được cách điệu cho đơn giản, phù hợp với xu hướng hiện đại. Điều đó đã tạo cho hai cây tháp một dáng dấp độc đáo, không giống với bất cứ ngọn tháp nào của các ngôi nhà thờ trong giáo phận. Nếu nhìn từ xa, hai ngọn tháp như hai ngọn nến cháy sáng, được nâng niu bởi đôi bàn tay vững chãi đang hướng thẳng lên trời cao.
Theo truyền thống từ ngàn xưa của Giáo Hội, tiếng chuông chính là tiếng Chúa mời gọi các tín hữu đến Nhà Thờ cầu nguyện và tham dự các nghi thức cử hành Phụng vụ. Tiếng chuông còn loan báo tin vui buồn cho cộng đoàn. Tiếng chuông được ví như tiếng Chúa nhắc nhở mọi người tín hữu chúng ta tìm về cõi Thiêng Liêng. Như lời Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, tiếng chuông ngân vang, thấm vào hồn, dạy con hãy lắng nghe tiếng Chúa, là Đấng sâu thẳm hơn cả sự sâu thẳm của tâm hồn con”.
Là người tín hữu, chúng ta sẽ cảm thấy được yên ủi biết bao khi tới một nơi hoàn toàn xa lạ, ta gặp được một tháp chuông nhà thờ. Vì chúng ta biết rằng, ở nơi đó, có Chúa đang hiện diện, nơi đó, ta sẽ gặp được những người đồng đạo, những người chung một niềm tin. Những lúc như thế, hẳn chúng ta sẽ cảm thấy lòng như ấm lại, và được tiếp thêm một sức mạnh mới trên hành trình đức tin của mình.
Từ bao đời nay, tháp chuông nhà thờ, ngoài việc diễn tả niềm tin tôn giáo, còn luôn là đề tài bất tận cho các văn nghệ sỹ… Cùng nhớ lại một lần đi kinh lý và làm lễ khánh thành tháp chuông của một giáo xứ trong giáo phận, trong bài giảng của mình, Đức Cha Phanxicô Xaviê, vị chủ chăn của giáo phận đã từng ví tháp chuông nhà thờ như ngón tay chỉ đường về trời. Còn nhạc sĩ Văn Cao, trong ca khúc “Làng tôi” đã từng miêu tả tiếng chuông nhà thờ thật ý nghĩa. Ông viết: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ ngân…”. Qua cảm nhận rất riêng của một nhạc sỹ, dù không cùng niềm tin tôn giáo, chúng ta vẫn có thể hình dung được tiếng chuông nhà thờ gần gũi và dường như đã đi vào nhịp thở của ông cũng như những con người ở miền quê ấy. Như vậy, tiếng chuông không chỉ là lời mời gọi của Thiên Chúa, lời giục giã của Giáo hội, nhắc nhở những người con cái của mình đến nhà thờ để dâng thánh lễ, để chung lời tạ ơn Thiên Chúa qua những câu kinh, điệu hát; mà tiếng chuông còn là lời loan báo bình an. Bởi cũng như lời của nhạc sỹ Văn Cao: “Làng tôi khi quân Pháp sang, tiếng chuông không còn ngân”. Vâng, tiếng chuông còn ngân sao được khi đất nước đang chìm trong khói lửa, đồng bào đang quằn quại trong thương đau, gia đình phải chia lìa, li tán… Tiếng chuông nhà thờ vang lên khi một sinh linh mới chào đời, được đưa đến nhà thờ để lãnh bí tích Rửa tội, và cũng ngậm ngùi từng tiếng khi báo tin một người trong giáo xứ đã ra đi. Phải chăng vì thế mà, tiếng chuông nhà thờ, không biết tự lúc nào đã ăn sâu vào tâm khảm của những con người ở mọi miền quê đất Việt, mặc dù không phải tất cả đều có chung một niềm tin vào Đạo Chúa. Nên dù có đi đâu, làm gì, hình ảnh ngôi thánh đường, tháp chuông, và tiếng chuông luôn nhắc nhớ về những kỷ niệm đẹp.
Nhà thờ cũ trước đây đã có 2 quả chuông nhỏ. Nhân dịp xây dựng ngôi thánh đường mới, Đức Cha giáo phận đã cho đúc thêm một quả chuông lớn với trọng lượng 1,8 tấn, cung mi giáng (MI­­­­b) với thánh hiệu là Phanxicô Xaviê. Trên thành quả chuông có khắc trổ những hàng sau đây:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”
Không trung loan báo việc tay Người làm”
(Tv 19,15)
Quả chuông này được chế tác từ đôi tay của các nghệ nhân xuất thân từ quê hương giáo phận mẹ Bùi Chu. Tiếng chuông ấy đã trang trọng gióng lên những tiếng đầu tiên để chung với niềm vui của cả giáo phận, khi ngày đó, ngày 04/8/2007, giáo phận Thái Bình vui mừng đón nhận chín tân linh mục và sáu họ giáo được nâng lên hàng giáo xứ.
Thật là : Bảy (mươi) lăm ông lão sinh con,
Chín chàng mục tử “mẹ tròn con vuông”
Chín mươi giáo xứ Chúa thương
Là phúc thứ chín con đường Chúa ban.[1]
2 - MÁI CONG
Khác với những tòa nhà to lớn được lợp bằng mái ngói với màu đỏ tươi gợi nhắc một sự cổ kính, ngôi nhà thờ được lợp bằng tôn màu xanh nước biển, thể hiện một dáng vóc trẻ trung và mới mẻ nhưng cũng mang đậm tính cách Á Đông. Khi ngắm nhìn đường nét vút cong của mái nhà thờ, người ta dễ liên tưởng tới mái của những ngôi đình, ngôi chùa mà đâu đó, người ta vẫn trông thấy ở những miền quê.
Nhiều người quen nghĩ rằng đặc điểm mái cong này là sự vay mượn của kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Nhà sàn Việt Nam từ thời Đông Sơn (chưa hề giao lưu với Trung Hoa) đã có mái cong rồi. Nhà rông, nhà mồ Tây Nguyên đến giờ vẫn làm mái cong, tuy rằng cũng không hề có giao lưu với Trung Hoa. Tháp Chàm cũng có loại mái cong, trong khi đó, nhà Trung Hoa thời Hán mái vẫn thẳng; đến cuối đời Đường, lối làm nhà mái cong mới thâm nhập dần từ Nam lên Bắc. [1]
Theo tác giả của cuốn sách “Nhà thờ Đức Mẹ Việt Nam: Lối kiến trúc và ý nghĩa theo Văn hóa Việt” cho rằng: mái cong là đường nét kiến trúc kết hợp hài hòa giữa vuông và tròn. Trong thấy mái cong là thấy ngay đường nét uốn lượn, uyển chuyển, sinh động, vươn lên, chảy dài như sóng nước thủy triều, như vũ điệu… cũng theo tác giả của cuốn sách này, mái cong còn là biểu tượng hai cánh phượng hoàng đang giang rộng bay lên. Phượng là loài chim lạ và quý hiếm. Đông phương coi là Linh Điểu, một trong tứ linh: Long – Ly - Quy – Phượng. Phượng Hoàng là vua các loài chim, có sức mạnh và khả năng bay cao, đường bay huyền ảo, không một loài chim nào có thể theo kịp.

3 - CÁC BỨC TƯỢNG THÁNH
Khi nhắc đến Thái Bình, người ta thường nhắc tới một giáo phận có lòng sùng kính, mến yêu Đức Maria và các thánh cách đặc biệt. Chính vì thế mà chung quanh mái của ngôi nhà thờ mới được trang trí bằng những pho tượng Thánh Thiên Thần, các Thánh nam nữ và đặc biệt là các vị thánh Tử Đạo Việt Nam.
Nói đến các vị thánh Tử Đạo Việt Nam, là những thế hệ cháu con, người giáo dân Thái Bình hôm nay có quyền tự hào về truyền thống hào hùng và tinh thần giữ đạo bất khuất của các thế hệ cha ông trong giai đoạn đức tin bị thử thách cam go nhất. Trong hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin, Giáo phận Thái Bình đã hân hoan dâng lên Thiên Chúa 19 vị Tử Đạo trong 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài thực sự là những hoa quả đầu mùa, là hạt giống để sinh ra những tín hữu Thái Bình hôm nay.
Khi nhìn ngắm những pho tượng Thánh với dáng vẻ sống động, chúng ta mới hiểu được rằng, nghệ nhân đã gửi gắm nơi mỗi tác phẩm của mình không chỉ là kinh nghiệm, là trình độ điêu khắc, nhưng còn là cả tâm hồn và niềm tin tôn giáo nữa.

4 - BỨC CUỐI
Xung quanh hai bệ tháp là tượng mười hai Thánh Tông đồ đang đứng hiên ngang như một minh chứng cho sự trường tồn của niềm tin Tông truyền trên mảnh đất Thái Bình. Mỗi bức tượng Thánh Tông đồ cao 2,2 mét, được tạc phỏng theo phong cách những pho tượng thời Trung cổ nhưng cũng có những nét rất riêng. Song điều đặc biệt là, những bức tượng đó lại được tạc nên bởi những đôi bàn tay khéo léo của chính những nghệ nhân là con dân đất mẹ Thái Bình. Dáng vẻ uy nghi của mười hai pho tượng các Thánh Tông đồ nơi bức tường cuối nhà thờ Chính tòa như một nhắc nhớ về hình ảnh được ghi trong sách Khải Huyền của thánh tông đồ Gio-an khi trong thị kiến: “Thành Thánh của Thiên Chúa là Giêrusalem từ trời mà xuống… tường thành xây trên mười hai nên móng, trên đó có tên mười hai tông đồ của Con Chiên” (Kh 21,14). Các Tông đồ chính là nền móng để dựng xây ngôi nhà Thiên Chúa; trên đó, Thiên Chúa xây dựng Hội Thánh của Ngài, như lời Chúa phán cùng Simon Phêrô rằng: “Phêrô, con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được” ( Mt 16,18).

5 - MÁI VÒM CUỐI NHÀ THỜ
Mái vòm của ngôi nhà thờ mới được tạo nên bởi những đường cong lớn nối liền hai chân của tháp chuông. Nhìn từ ngoài, mái vòm trông như cánh hoa đang hé nở theo hướng đi lên; giao điểm của hai đường cong gặp nhau tại tâm của cây Thập giá. Hình ảnh ấy như lời mời gọi mọi người hãy hướng tâm hồn lên tới Chúa là Đấng nhân hậu và giàu lòng xót thương, mà trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người tín hữu Chúa, những người đang trong cuộc lữ hành trần thế luôn biết nhìn lên cây Thập giá, là con đường dẫn đưa chúng ta về trời, bởi vì: Qua Thập Giá - tới vinh quang.
Với tính năng của một mái che, mái vòm nhà thờ như đôi bàn tay, giúp che nắng, che mưa cho cộng đoàn lúc trước và sau khi diễn ra Thánh lễ. Đứng dưới mái vòm, người ta có thể an tâm để hàn huyên tâm sự, chia sẻ cho nhau những vui buồn sau một tuần làm việc vất vả. Trong những dịp lễ lớn, mái vòm trở thành một sân khấu lớn để tổ chức giao lưu văn nghệ ngoài trời. Nếu tổ chức biểu diễn ở đây, không chỉ cộng đoàn tập trung ở sân cuối nhà thờ mà cả những ai đứng ở con đường phía trước mặt cũng có thể dễ dàng tham dự.

6 - BẬC TAM CẤP
Để lên được nơi cử hành Thánh lễ của nhà thờ Chính Tòa, chúng ta phải đi qua bậc tam cấp. Đây cũng là một đặc điểm kiến trúc của ngôi nhà Việt. Truyền thống văn hóa nông nghiệp của người Việt vốn coi trọng số lẻ (vì lẻ là số dương = động = dành cho người sống). Thế nên, bước vào sân thì phải qua cổng tam quan; lên nhà thì phải qua bậc tam cấp; nhà dân thường có ba gian hoặc năm gian; các kiến trúc lớn thường dựng theo lối tam tòa. (Cổng Ngọ Môn – Huế; nhà thờ đá – Phát Diệm…); các tòa thành (như Cổ Loa, Huế) đều có kiến trúc ba vòng…
Để lên đến nhà thờ, ngoài bậc tam cấp, công trình cũng được thiết kế thêm hai đường dốc thoai thoải, kèm theo tay vịn hai bên để tạo điều kiện cho những người cao tuổi có thể lên xuống dễ dàng.

(Còn tiếp)