GIÁO XỨ CỔ VIỆT
Năm đón nhận Tin Mừng: Khoảng năm 1648
Năm thành lập Giáo họ Lao Đồng : 1679
Năm thành lập Giáo xứ : 1793
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 18/5/2015
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi - Fatima (13/10)
Số giáo dân : 1.157 (Toàn xứ), 265 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Cổ Việt, thôn Việt Cường, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
I - VỊ TRÍ
Giáo xứ Cổ Việt cách Tòa Giám mục khoảng 7 km về hướng Nam; phía Nam cách bến đò Sa Cao - sông Hồng; phía Đông giáp xứ Thân Thượng; phía Tây giáp xứ Bồng Tiên và Hoàng Xá.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Năm Mậu Tý (1648), đời vua Lê Chân Tông, 6 cụ họ Nguyễn người làng Bông Cời, Hưng Yên đến lập ấp ở làng Lao Đồng.
Năm 1679, các thừa sai Đaminh đã đến đây rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo họ Lao Đồng, thuộc xứ Bùi Chu.
Năm 1793, Đức cha Phê (Felician Alonso), Giám mục Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài, ban Sắc nâng giáo họ Lao Đồng thành Giáo xứ Cổ Việt, nhận Đức Mẹ Truyền Tin làm bổn mạng. Tuy nhiên, nhà chung đặt tại Giáo họ Hội Khê.
Năm 1874, Đức cha Khang (Barnabé Garcia Cézon) cắt bốn họ của xứ Kẻ Diền sáp nhập vào xứ Cổ Việt. Từ đó, nhà chung được chuyển về xứ Cổ Việt và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.
Năm 1891, cha xứ Phêrô Kiên cùng Giáo xứ xây nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói. Năm 1944, ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Cha Gioan Baotixita Phạm Hưng Thi tiến hành khởi công xây dựng ngôi thánh đường và được hoàn tất vào năm 1954.
Biến cố di cư 1954 đã khiến Cổ Việt trở nên tiêu điều. Cha xứ và phần lớn bà con giáo dân đã di cư vào Nam và lập một xứ mới - Giáo xứ Tân Việt (Sài Gòn) ngày nay. Sau hơn 50 năm không có cha sở, năm 2005, Cổ Việt vui mừng đón cha Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan về đồng hành cùng Giáo xứ. Trong thời gian này, các lớp giáo lý được khôi phục lại, các hoạt động đoàn hội được đẩy mạnh.
Đầu năm 2015, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy cùng Giáo xứ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ quy mô đồ sộ và nguy nga. Ước mong trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành Đền thánh kính Đức Mẹ Fatima.
Các chứng nhân tử đạo: Thời nhà Nguyễn, tại Lao Đồng có một trại giam các Kitô hữu và là pháp trường xử nhiều vị tử đạo (cách nhà thờ hiện tại khoảng 200m về hướng Tây). Khu đó bây giờ có tên là Gồ Quàn. Giáo xứ có bốn Hiền Phúc là: Phêrô Thuận (số 275) và Phêrô Nga (số 276); Phêrô Thăng (số 278); Giuse Mới (số 1108).
Ơn gọi trong Giáo xứ: 01 nữ tu.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha Đaminh Tuý (1793); cha Khoa; cha Mậu; cha Mẫn; cha Khiêm; cha Khoan; cha Cảnh; cha Duyệt; cha Hương; cha Luật; cha Thạch; cha Nghiêm; cha Độ; cha Kiên; cha Oánh; cha Duyệt; cha Hoàng; cha Nhã; cha Lý; cha Nghi; cha Phúc; cha Đốc; cha Thùy; cha Thức; cha Diễn; cha Học; cha Kính; cha Nhuận; cha Phêrô Nhượng; cha Đaminh Minh; cha Thiện; cha Vinc. Thiệp; cha Giêrônimô Hiến; cha Đaminh Thức; cha Thận; cha Cẩm; cha Gioan Baotixita Phạm Hưng Thi; cha Đaminh Vũ Đức Triêm; cha Đaminh Trần Châu Quí; cha Giuse Vũ Văn Vân (1966-1969); cha Gioan Baotixita Trần Trọng Uyên (1969-1973); cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Châu (1973-1992); cha Phêrô Chanel Nguyễn Kiêm Toàn (1992); cha Đaminh Phạm Quang Trung (1994-1995); cha Giuse Mai Trần Huynh (1993-1994; 2000- 2004); cha Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan (2005-2012); cha Gioan B. Phạm Văn Khơi SDB (2012-2013) và hiện nay là cha Augustinô Nguyễn Quang Huy.
Các giáo họ trực thuộc: Hội Khê, Tân Bình, Kính Danh, Săng Ty và Bộ La.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Cổ Việt là một giáo xứ kỳ cựu nên mọi tổ chức và sinh hoạt được duy trì đều đặn. Các hội đoàn tích cực cộng tác với cha xứ xây dựng và củng cố Giáo xứ, trợ giúp đắc lực trong việc đào sâu Đức tin và dấn thân truyền giáo qua các hoạt động bác ái xã hội. Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, hội Têrêsa, ban Kèn, ban Trống... hăng say phục vụ làm cho các sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
Đặc biệt, từ khi dòng Mến Thánh Giá Tân Việt trở lại phục vụ tại nhà Tổ (8/2009), quý dì đã đồng hành cùng giáo xứ trong việc khám chữa bệnh, dạy học, dạy hát, dạy giáo lý... làm cho các sinh hoạt trong Giáo xứ lại càng thêm khởi sắc.
GIÁO HỌ KÍNH DANH
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1881
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2006
Bổn mạng : Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)
Số giáo dân : 420
Địa chỉ : Nhà thờ Kính Danh, xóm 6 Tây,
xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km hướng Tây.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Giữa thế kỷ XIX, mảnh đất Kính Danh được đón nhận ánh sáng Đức tin.
Năm 1881, Giáo họ được thành lập, nhận Thánh Danh Chúa Giêsu làm bổn mạng. Nhà thờ đầu tiên của Giáo họ làm bằng tranh tre, vách nứa trát bùn rơm, mái tranh.
Năm 1901, số giáo dân tăng lên khoảng 100 nhân danh, Giáo họ dời nhà thờ đến khu đất hiện nay và dựng bằng gỗ lim với 4 hàng cột, dài 18m, rộng 8m.
Năm 2000, Giáo họ nhận lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng mới.
Năm 2006, Giáo họ xây nhà thờ mới với chiều dài 35m, rộng 12m, cao 13m, tháp chuông cao 27m.
Các chứng nhân tử đạo
Năm 2006, khi đào móng làm nhà thờ, Giáo họ tìm thấy 07 hài cốt các chứng nhân tử đạo, các vị đều có thẻ bài: Đaminh Trình, Đaminh Chế, Phêrô Thảng, Đaminh Vượng, Đaminh Trị, Đaminh Sương và Đaminh Nghiêm. Hài cốt các ngài hiện được an táng tại chân đài Đức Mẹ.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ có những người con hiến thân theo Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân: cha Đaminh Ngô Văn Quỳnh (Hoa Kỳ) và nhiều nam nữ tu sĩ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Trong hành trình tiến vào Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận, Kính Danh không ngừng thăng tiến về Đức tin, Đức cậy và Đức mến để danh Chúa được tỏa sáng. Hiện nay, Giáo họ có các đoàn hội: Huynh Đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ, Ca đoàn, ban Kèn nam, ban Kèn nữ, Thiếu Nhi Thánh Thể. Tất cả các thành viên trong các hội đoàn đều nhiệt tình tham gia các phong trào chung của Giáo họ với ước mong làm cho Giáo họ ngày một phát triển.
GIÁO HỌ HỘI KHÊ (CỌI)
Năm đón nhận Tin Mừng: Khoảng năm 1648
Năm thành lập Giáo họ : 1793
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1938
Bổn mạng : Đức Mẹ Truyền Tin (25/3)
Số giáo dân : 190
Địa chỉ: Nhà thờ Hội Khê, thôn Việt Cường, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Giáo họ Hội Khê nằm ngay bên nhà xứ, cách một con đường về hướng Tây.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng năm 1648, người làng Cọi được các cha thừa sai dòng Đaminh đến rao giảng Tin Mừng. Lúc đầu, có khoảng 150 người đón nhận Đức tin và lập thành xóm đạo, thuộc xứ Bùi Chu. Các tín hữu dựng ngôi nhà nguyện 5 gian, lợp bổi, tường đất, qui tụ mọi người đọc kinh sớm tối.
Năm 1652, Hội Khê nhận Đức Mẹ Truyền Tin làm lễ bổn mạng.
Năm 1793, Giáo họ Hội Khê được thành lập. Năm 1800, Giáo họ xây dựng nhà thờ bằng gỗ. Năm 1938, cha Hội (cha quí hương) để lại nhà thờ gỗ cho xứ Đại Đê, Giáo phận Bùi Chu. Sau đó, cha xứ và Giáo họ dựng nhà thờ 8 gian bằng gỗ lim, lợp ngói nam, dài 40m, rộng 10m, cao 8m, tháp chuông cao 18m.
Các chứng nhân tử đạo
Vào thời các vua triều Nguyễn cấm đạo, Hội Khê có nhiều người con trung kiên anh dũng, dám hy sinh mạng sống giữ vững đức tin: Hiền phúc Linh mục Tôma An (số 15); Đaminh Sơn (số 272); Đaminh Sản (số 273). Tại đài Đức Mẹ, Giáo họ cũng an táng 3 chứng nhân tử đạo có thẻ kẽm: Đaminh Tình, Đaminh Huệ, Đaminh Chuyên
Ơn gọi trong Giáo họ
Hội Khê có những người con dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội: Cha Tôma Đoàn Tất An (Tử đạo), cha Đaminh Đoàn Tất Cẩn (+); cha Vinhsơn Đỗ Văn Hội (+); cha Matthêu Dương Quốc Tuấn CMC (Sài gòn); cha Barnaba Dương Hùng Kiệt, CMC (Sài gòn); cha Vinhsơn Vũ Thế Dũng (Long Xuyên) và một nữ tu Mến Thánh Giá (+).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo họ Hội Khê tự hào là vùng đất được đón nhận Tin Mừng từ rất sớm và bà con giáo dân nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống tốt đẹp trong việc tổ chức các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, hội Têrêsa, ban Trống.
Lòng quảng đại của người giáo dân Hội Khê luôn được thể hiện cách rõ nét qua việc trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, neo đơn. Vững bước trên hành trình cùng với Giáo phận tiến vào kỷ nguyên mới của Đức tin, Hội Khê luôn ý thức vai trò và bổn phận của mình trong việc xây dựng, phát triển và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cha ông, đồng thời đem Chúa đến với những anh chị em xung quanh bằng chính đời sống của mình.
GIÁO HỌ BỘ LA
Năm đón nhận Tin Mừng : (không rõ)
Năm thành lập Giáo họ : 1933
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1998
Bổn mạng : Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu (01/10)
Giáo dân : 56
Địa chỉ : Nhà thờ Bộ La, thôn Bình Chánh, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Cách nhà xứ khoảng 1km về hướng Đông Nam.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Bộ La là một giáo điểm truyền giáo, đón nhận Tin Mừng thời kỳ nào không ai còn rõ.
Năm 1933, Giáo họ Bộ La thành lập, thuộc xứ Cổ Việt, nhận thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm bổn mạng.
Ban đầu, Giáo họ dựng một nhà thờ nhỏ 5 gian, lợp rạ, có tháp chuông, quả chuông tây nặng 210kg, (quả chuông này đã để lại cho họ Đức Long, xứ Bồng Tiên).
Năm 1954, nhà thờ bị bom tàn phá, cha xứ Đaminh Vũ Đức Triêm đưa một số lớn giáo dân di cư vào Nam. Lòng người trở nên hoang mang, giáo dân không có ai chăm sóc nên bỏ đạo rất đông chỉ còn lại 4 gia đình. (Ngày nay, khi Giáo họ tổ chức rước kiệu, nhiều người lương dân nơi đây xin tham gia rất đông, đọc thông thuộc những kinh xưa kia nhưng vẫn chưa quay về).
Sau năm 1954, cha chính Đaminh Đinh Đức Trụ giúp đỡ bốn gia đình gầy dựng Giáo họ, làm nhà thờ 7 gian bằng gỗ chắp vá cùng 3 gian nhà phòng bằng tre.
Năm 1998, cha xứ Giuse Mai Trần Huynh cùng Giáo họ xây nhà thờ mới dài 25m, rộng 7m, cao 10m, tháp chuông 25m cùng nhà phòng dài 14m, rộng 4m, hiên 2m.
Tháng 5/2000, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục Giáo phận, chủ sự lễ khánh thành nhà thờ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo họ nhỏ bé nhưng các hoạt động của Bộ La diễn ra đều đặn và sôi nổi với sự tham gia nhiệt tình của tất cả các thành phần trong Giáo họ. Hiện nay, Bộ La luôn khao khát tìm mọi cách thể để những anh chị em đã lạc xa được trở về với Chúa và Giáo Hội. Chính vì điều đó, mỗi người dân nơi đây luôn hết mình sống đời nhân chứng Đức tin, nêu gương sáng cho mọi người xung quanh.
GIÁO HỌ TÂN BÌNH
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1811
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1901
Bổn mạng : Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)
Giáo dân : 25
Địa chỉ : Nhà thờ Tân Bình, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 1km về hướng Nam.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Cuối thế kỷ XVIII, Tin Mừng đã đến với mảnh đất Tân Bình và được người dân nơi đây mau mắn đón nhận.
Năm 1811, Giáo họ Tân Bình được thành lập, nhận Thánh Danh Đức Mẹ làm bổn mạng. Ban đầu, Giáo họ dựng một nhà nguyện nhỏ bằng bổi để bà con sớm tối cầu nguyện.
Năm 1895, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ xoan.
Năm 1901, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ lim 6 gian, vách gỗ dài 24m, rộng 8m.
Năm 2007, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang chấp thuận cho tu hội Thừa Sai Thánh Mẫu đến sinh hoạt tại Giáo phận và trao Giáo họ Tân Bình, xứ Cổ Việt cho Tu Hội coi sóc. Tại đây, các thầy đã xây nhà phòng dài 21m, rộng 6m, mái lợp ngói mũi.
Hiện nay, Giáo họ nhận lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng thay cho lễ Thánh Danh Đức Maria.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ có những người con hiến dâng mình theo Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân: cha Giuse Trần Đình Long (Sài Gòn) và cha Đông, SDB (Đà Lạt).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tân Bình, một mảnh đất bình dị nơi làng quê Việt Nam, đã trải qua biết bao thăng trầm trong đời sống Đức tin, nhưng đời sống đạo của tín hữu nơi đây luôn được ướp nồng trong hồng ân Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Với lòng tin và lòng mến sắt son, Giáo họ Tân Bình đang thay đổi từng ngày, củng cố niềm tin và hy vọng vươn tới tương lai tươi sáng trong ngàn năm thứ ba.
GIÁO HỌ SĂNG TY
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1895
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1991
Bổn mạng : Mình Máu Thánh Chúa
Giáo dân : 196
Địa chỉ : Nhà thờ Săng Ty, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng giữa thế kỷ XIX, người dân làng Việt Hùng được nghe biết và đón nhận Tin Mừng.
Năm 1895, Giáo họ Săng Ty được thành lập, nhận lễ Mình Máu Thánh Chúa làm bổn mạng với khoảng 30 nhân danh.
Năm 1896, Giáo họ dựng ngôi nhà nguyện nhỏ bằng bổi làm nơi đọc kinh cầu nguyện.
Năm 1933, Giáo họ xây nhà thờ dài 32m, rộng 11m nhưng bị chiến tranh tàn phá năm 1953.
Biến cố năm 1954, nhiều người bỏ quê hương di cư vào Nam, Giáo họ còn rất ít người ở lại. Thời thế rất khó khăn, xã hội chỉ gọi nhà thờ Giáo họ là nhà phòng.
Năm 1994, cha Giuse Mai Trần Huynh cùng Giáo họ xây dựng nhà thờ ngay trên nền móng nhà thờ cũ với chiều dài 32m, rộng 11m.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo họ có những người con dám hy sinh mạng sống, giữ vững Đức tin vào Đức Kitô: Đaminh Bùi Văn Úy; Antôn Lê Văn Pháp và Phêrô Đoàn Văn Nga.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ có một nữ tu dâng mình theo Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Dưới sự hướng dẫn của cha xứ, Giáo họ Săng Ty đang ngày một thăng tiến về các mặt trong đời sống kinh tế cũng như đời sống Đức tin. Các hội đoàn hoạt động tích cực và hiệu quả trong các sinh hoạt của Giáo họ. Nhờ các hoạt động sổi nổi, lòng đạo của tín hữu nơi đây ngày càng được nâng cao, ý thức trách nhiệm và sứ vụ tông đồ được chú trọng. Giáo họ Săng Ty với một lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa đang hòa mình cùng dòng chảy của các xứ, họ mừng kỷ niệm Năm Thánh 80 năm thành lập Giáo phận Thái Bình.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)