Cô Karin Oberg, giám đốc nghiên cứu của Đại học Harvard khẳng định có sự tương hợp giữa đức tin và lý trí: có sự hài hòa giữa kiến thức về Thiên Chúa và kiến thức khoa học. Theo cô, đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, không cản trở khoa học; trái lại, chính đức tin tạo điều kiện cho những khám phá khoa học.
Trong hai ngày, 13 và 14/01/2023, tại hội nghị về khoa học và đức tin tại Grapevine, Texas, trước sự hiện diện của hơn một ngàn người, cô Karin Oberg, một giáo sư trẻ sinh năm 1982, và là giám đốc nghiên cứu của Đại học Harvard đã lên phát biểu. Cô đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về sự tương hợp giữa đức tin và lý trí: có sự hài hòa giữa kiến thức về Thiên Chúa và kiến thức khoa học. Theo cô, đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, không cản trở khoa học; trái lại, chính đức tin tạo điều kiện cho những khám phá khoa học.
Với chuyên ngành hoá học thiên văn, Oberg nghiên cứu các quá trình hoá học ảnh hưởng đến sự hình thành các hành tinh, đặc biệt về các điều kiện sự sống của các hành tinh mới từ quan điểm hoá học. Nhà khoa học gốc Thụy Điển giải thích trong cuộc gặp gỡ rằng, chính sự tiếp xúc của cô với những bí ẩn của vũ trụ đã đưa cô đến một chân trời rộng lớn hơn chính mình. Cô nói, những điều kỳ diệu của vũ trụ phải thu hút chúng ta ra khỏi chính mình và hướng cái nhìn của chúng ta không chỉ về phía những điều kỳ diệu và sự thật mà chúng tiết lộ, nhưng còn về nguồn gốc của mọi sự thật và Đấng Tạo Hóa của vạn vật.
Do đó, cho rằng đức tin là trở ngại cho nghiên cứu khoa học là sai. Hoàn toàn ngược lại, đức tin, không những không là trở ngại cho nghiên cứu khoa học, mà còn có thể rất hữu ích cho các nhà khoa học. Bởi vì đức tin vào một Thiên Chúa Tạo Hóa cung cấp một nền tảng chắc chắn. Chính Oberg đã chuyển từ chủ nghĩa vô thần đến niềm tin vào Thiên Chúa nhờ làm việc trong lĩnh vực khoa học. Những nghiên cứu đã giúp cô đánh giá cao sự thật rằng tất cả chúng ta đều sống trong một vũ trụ có trật tự.
Nhà khoa học người Thuỵ Điển khẳng định: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải tin tưởng vào thực tế rằng có một triết lý và một tôn giáo thực sự giúp khám phá khoa học một cách dễ dàng hơn, chứ không phải ngược lại”. Cô xác tín rằng trong mọi lĩnh vực, đức tin không cản trở nghiên cứu khoa học, như đã được các chuyên gia chứng minh. Cụ thể, linh mục Georges Lemaitre, người Bỉ, người đầu tiên đề xuất lý thuyết vũ trụ được gọi là Big Bang. Điều này giúp phổ biến ý tưởng về một vũ trụ có một sự khởi đầu.
Cô nói: “Tôi không thể không tự hỏi tại sao cha Georges Lemaitre nghĩ ra ý tưởng này, thay vì một số nhà khoa học lỗi lạc khác xung quanh cha. Điều này có nghĩa là có một sự liên quan đến đức tin Công giáo của vị linh mục. Ý tôi muốn nói là cha đã biết với đức tin, vũ trụ có một khởi đầu trong thời gian. Tham chiếu về sáng tạo trong Kinh Thánh được thuật lại trong sách Sáng Thế là rõ ràng. Trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng đánh giá thấp điều mà Claude Tresmontant đã định nghĩa là ‘cuộc cách mạng siêu hình’ của thần học Kinh Thánh. Theo đó, trước khi làm một vật gì, người ta phải có vật liệu trước, như trường hợp người thợ rèn chế tạo một cái búa, trước đó ông phải có thanh sắt. Nhưng theo Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo dựng thế giới không sử dụng chất liệu có sẵn, không bắt đầu từ sự hỗn loạn, từ một vật chất có sẵn. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa khác với thế giới, Thiên Chúa không phải là thế giới và thế giới không phải là Thiên Chúa. Do đó, thế giới không phải là một điều gì đó tuyệt đối không thể đo lường được. Điều ngược lại mới đúng: Đấng Tuyệt Đối là Đấng Sáng Tạo thế giới. Đây là chìa khóa cho tất cả thần học và siêu hình học Kinh Thánh, và do đó, cũng là chìa khóa cho thần học và siêu hình học Kitô giáo”.
Như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhắc lại trong diễn văn tuyệt vời tại Collège des Bernardins ở Paris, năm 2008, thế giới Hy Lạp-La Mã không biết đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, theo cái nhìn của họ, có thể nói đó là đấng không thể nhúng tay vào việc tạo ra vật chất. “Việc xây dựng” thế giới được dành riêng cho á thần, một vị thần cấp dưới. Thiên Chúa của Kitô giáo thì hoàn toàn khác: Thiên Chúa Độc nhất, Thiên Chúa chân thật và duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa.
Quay trở lại với cha Lemaître, cô Oberg cũng thú nhận rằng cô không thể không tự hỏi liệu việc tin vào công trình sáng tạo trong Kinh Thánh của cô có làm cho cô dễ dàng chấp nhận ý tưởng này về Big Bang hơn hay không. Cô nói thêm: “Tôi nghĩ là có lý do khi nhiều người vô thần lại rất quan tâm đến thuyết Big Bang khi thuyết này được trình bày”.
Cô Oberg cho rằng cách tốt nhất để tôn trọng khoa học là không biến khoa học thành một tôn giáo, một thần tượng không thể sai lầm. Khoa học cũng có những giới hạn. Tương tự như vậy với việc cho rằng người ta chỉ có thể biết điều đó có đúng hay không nếu có thể chứng minh bằng khoa học. Thực tế, có nhiều cách để đi đến sự thật của sự vật, khoa học là một trong số đó. Nhưng quan trọng là khoa học không phải là phương pháp duy nhất.
Ngọc Yến - Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi