27/10/2024 19:26

BA NHÀ BÁC HỌC SAY MÊ TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI

1. Louis Pasteur

Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:

- Thưa ông, ông còn vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?

Cụ già thản nhiên trả lời:

- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Người thanh niên xấc xược trả lời :

- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:

- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?

Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời :                                                 

- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.

Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: "Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris".

* Louis Pasteur (27 tháng 12 năm 1822 – 28 tháng 9 năm 1895) là nhà sinh học, vi sinh học, hóa học người Pháp lừng danh vì những phát hiện về nguyên lý vắc-xin, lên men, và diệt khuẩn Pasteur. Các phát hiện của ông đã tạo nên bước đột phát trong việc tìm hiểu căn nguyên và ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời cứu sống rất nhiều sinh mạng. Ông làm giảm tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản, tạo ra vắc-xin phòng dại và than đầu tiên. Thuyết mầm bệnh và những ứng dụng của nó trong y học lâm sàng nhận được sự ủng hộ cũng nhờ những khám phá của ông. Pasteur nổi tiếng nhất vì đã phát minh ra kỹ thuật xử lý sữa và rượu vang để ngăn nhiễm khuẩn mà nay gọi là diệt khuẩn Pasteur. Cùng với Ferdinand Cohn và Robert Koch, Pasteur được xem là một trong những nhà sáng lập của vi trùng học và "cha đẻ của vi sinh vật học". Khi Ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu ông đi qua, từng đám người quì xuống chan hoà nước mắt. Trong lịch sử, ít có nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như thế.

2. Blaise Pascal

Người ta kể rằng trên một chuyến tàu lửa từ Paris về Lộ Đức, một sinh viên hỏi cụ già ngồi bên cạnh đang lần hạt rằng :                                                                        

- Thưa cụ, chắc cụ biết ông Pascal chứ?                           

- Có, ông này thì tôi biết, biết rõ là đàng khác.

- Đã đến thời duy lý của Pascal rồi mà cụ còn lần hạt nữa sao ?

- Thế cậu đã gặp Pascal lần nào chưa ?                           

- Dạ, thưa cụ chưa ạ.                                                      

- Thế thì tôi là Pascal, người đang nói chuyện với cậu đây.

Blaise Pascal (19 tháng 6 năm 1623 – 19 tháng 8 năm 1662) là một nhà khoa học người Pháp, ông đã giúp đặt nền móng cho lý thuyết xác suất hiện đại, phát minh ra một trong những hình thức sớm nhất của máy tính, và định nghĩa một nguyên lý thủy lực mà sau này được biết đến trong vật lý học với tên gọi “Định luật Pascal”. Trong những năm cuối đời, nhà toán học, vật lý học và triết gia Công giáo đã cống hiến hết mình bênh vực Kitô giáo.

Trong Tông thư “Sublimitas et miseria hominis-Sự vĩ đại và khốn cùng của con người” công bố ngày 19/6/2023, nhân kỷ niệm 400 ngày sinh Blaise Pascal, nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến tài năng khoa học xuất chúng, mối quan tâm dành cho người nghèo và là một người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi của nhà bác học.

3. André-Marie Ampère

André-Marie Ampère (20 tháng 1 năm 1775 – 10 tháng 6 năm 1836) là nhà vật lý học người Pháp và là một trong những nhà phát minh ra điện từ trường và phát biểu thành định luật mang tên ông (định luật Ampere). Đơn vị đo cường độ dòng điện được mang tên ông là ampere và ampere kế. Nước Pháp xem ông như là một nhà bác học bách khoa, còn thế giới ghi nhận ông như một nhà khoa học lớn, có tầm cỡ của nhân loại. Tên của ông đã được dùng để đặt cho đơn vị cường độ dòng điện.

Không đến trường như những đứa trẻ khác, Ampère học những bài học đầu tiên với chính cha đẻ của mình. Với trí nhớ siêu đẳng, chỉ trong thời gian ngắn, Ampère đã học xong tiếng Latinh và cũng nhanh chóng nắm vững những kiến thức cơ bản trong 28 tập của Bách khoa toàn thư. Tất cả những sách vở về triết học, văn học và toán học, Ampère đều đọc một cách say sưa. Đó chính là nền tảng vững chắc để ông tiếp tục sự nghiệp học tập và nghiên cứu về sau này.

Bác học André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp thế kỷ 18-19, người đã sáng lập ra môn điện từ học, ngồi trong nhà thờ, miệng lâm râm lần hạt trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người. Ông là người đã phát minh ra cách tính cường độ của dòng điện gọi là ampère. Chính nhà văn Ozanam, người đã thấy Ampère lần hạt và ông ngượng nghịu quỳ xuống bắt chước, sau này đã thường nói với mọi người: "Tràng hạt của ông Ampère đã ảnh hưởng mạnh vào đời tôi hơn tất cả những cuốn sách đạo và bài giảng."

 

Ba nhà khoa học đã trở nên vĩ đại khi các ngài biết chìm đắm trong cầu nguyện, tin tưởng, tín thác và hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa qua Mẹ Maria và say mê lần hạt Mân Côi mọi ngày và mỗi ngày. Các ngài đã đọc, suy niệm Kinh Mân Môi ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Các nhà bác học xưa nhìn thấy vũ trụ tràn đầy thần linh, để con người thời nay nối bước, dõi theo khoa học, đi tới việc thờ phượng một Thiên Chúa là Vua vũ trụ và muôn loài. Tôn giáo không phản khoa học, ngược lại, tôn giáo dẫn con người đến với khoa học và sự hiểu biết.

Mở đầu Thông Điệp Fides Et Ratio (Đức Tin Và Lý Trí) ban hành ngày 14.09.1998 Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, ngõ hầu khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình (xc. Xh 33,18; Tv 27,8-9; 63,2-3; Ga 14,8; 1Ga 3,2).

 

Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR