03/10/2024 20:12

ĐTC Phanxicô chủ tế Thánh lễ khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục

Sáng thứ Tư ngày 2/10/2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh lễ khai mạc Phần hai của Thượng Hội đồng Giám mục với sự tham dự của 464 tham dự viên và hàng chục ngàn tín hữu. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu dẹp bỏ sự ngạo mạn để có thể lắng nghe tiếng Chúa, trở nên vòng tay ôm chào đón người khác và trở nên bé nhỏ, đón tiếp nhau với sự khiêm tốn.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hôm nay chúng ta cử hành phụng vụ kính nhớ các Thiên thần bản mệnh, khi chúng ta mở lại Phiên họp toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục. Sau khi lắng nghe những gì Lời Chúa gợi ý cho chúng ta, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ ba hình ảnh để suy ngẫm: tiếng nói, nơi ẩn náu và đứa trẻ.

 

Tiếng nói

Đức Thánh Cha nói: Thứ nhất là tiếng nói. Trên hành trình tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa khuyên dân chúng hãy lắng nghe “tiếng thiên thần” mà Người đã sai đến (x. Xh 23,20-22). Đó là một hình ảnh thích hợp với chúng ta, bởi vì Thượng Hội Đồng cũng là một cuộc hành trình, trong đó Chúa đặt vào tay chúng ta lịch sử, ước mơ và hy vọng của một Dân tộc vĩ đại: của những anh chị em rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, được cảm hứng bởi đức tin của chúng ta, được thúc đẩy bởi cùng một ước muốn nên thánh, để cùng với họ và vì họ, chúng ta cố gắng hiểu được con đường nào phải đi để đến được nơi Chúa muốn đưa chúng ta đến. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể lắng nghe “tiếng nói của thiên thần”?

Lắng nghe trong sự hiệp thông

Một cách thế chắc chắn là đón nhận với sự tôn trọng và chú ý, trong cầu nguyện và dưới ánh sáng của Lời Chúa, tất cả những đóng góp thu được trong ba năm làm việc, chia sẻ, thảo luận và nỗ lực kiên nhẫn để thanh lọc trí óc và tâm hồn. Nghĩa là, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chúng ta lắng nghe và hiểu những tiếng nói, nghĩa là những ý tưởng, những mong đợi, những đề nghị, để cùng nhau phân định tiếng Chúa nói với Giáo hội (xem RENATO CORTI, Loại linh mục nào? Những nội dung chưa được xuất bản). Như chúng ta đã nhiều lần nhắc lại, hội nghị của chúng ta không phải là một cuộc họp quốc hội, nhưng là một nơi lắng nghe trong sự hiệp thông, trong đó, như Thánh Grêgôriô Cả nói, những gì mà một người có nơi họ một phần thì lại được sở hữu cách trọn vẹn nơi người khác và mặc dù một số người có những năng khiếu đặc biệt, tất cả mọi thứ thuộc về anh em trong “đức ái của Chúa Thánh Thần” (xem Bài giảng về Tin Mừng, XXXIV).

Sự hài hòa trong đa dạng

Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần có một điều kiện: chúng ta phải giải thoát mình khỏi những gì có thể ngăn cản “đức ái của Chúa Thánh Thần” tạo ra sự hài hòa trong sự đa dạng trong chúng ta và giữa chúng ta. Những ai ngạo mạn cho rằng mình có độc quyền thì không thể nghe được tiếng Chúa (xem Mc 9,38-39). Mọi lời phải được đón nhận với lòng biết ơn và sự đơn sơ, để làm vang vọng những gì Thiên Chúa đã ban vì lợi ích của anh chị em chúng ta (xem Mt 10,7-8). Nói một cách cụ thể, chúng ta hãy chú ý đừng biến những đóng góp của mình thành những điểm để bảo vệ hoặc những chương trình nghị sự để áp đặt, nhưng hãy coi chúng như những món quà để chia sẻ, thậm chí sẵn sàng hy sinh những gì đặc biệt, nếu điều này có thể giúp cùng nhau tạo ra một điều gì đó mới mẻ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ tự khép kín trong những cuộc đối thoại giữa những người điếc, nơi những người tham gia tìm cách thúc đẩy mục đích hoặc chương trình nghị sự của riêng họ mà không lắng nghe người khác và trên hết là không lắng nghe tiếng nói của Chúa.

Chúng ta không có giải pháp cho những vấn đề chúng ta gặp phải, nhưng Thiên Chúa thì có (xem Ga 14,6), và chúng ta hãy nhớ rằng trong sa mạc chúng ta không thể mất tập trung chú ý: nếu bạn không chú ý đến người hướng dẫn, nếu bạn nghĩ tự mình là đủ, bạn có thể chết vì đói khát và kéo theo những người khác. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và thiên thần của Người, nếu chúng ta thực sự muốn tiến bước an toàn trên cuộc hành trình vượt qua những giới hạn và khó khăn (xem Tv 23,4).

Nơi ẩn náu

Và điều này đưa chúng ta đến hình ảnh thứ hai: nơi ẩn náu. Biểu tượng của điều này là đôi cánh bảo vệ: “dưới cánh Người bạn sẽ tìm được chỗ ẩn thân” (Tv 91,4). Đôi cánh là công cụ mạnh mẽ, có khả năng nâng cơ thể lên khỏi mặt đất bằng những chuyển động mạnh mẽ của chúng. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ như vậy nhưng chúng cũng có thể hạ xuống và khép lại với nhau, trở thành lá chắn và tổ ấm chào đón những con chim nhỏ cần hơi ấm và sự che chở.

Trái tim rộng mở

Đây là một biểu tượng về những điều Thiên Chúa làm cho chúng ta, nhưng cũng là mẫu mực để chúng ta noi theo, đặc biệt trong thời điểm chúng ta quy tụ này. Anh chị em thân mến, giữa chúng ta có nhiều người mạnh mẽ, được chuẩn bị, có khả năng vươn lên cao nhờ những chuyển động mạnh mẽ của suy tư và trực giác xuất sắc. Tất cả những điều này là một sự phong phú, kích thích chúng ta, thúc đẩy chúng ta, đôi khi buộc chúng ta phải suy nghĩ cởi mở hơn và kiên quyết tiến về phía trước, cũng như giúp chúng ta giữ vững đức tin ngay cả khi đối mặt với những thách thức và khó khăn. Trái tim rộng mở, trái tim đối thoại. Nhưng một trái tim khép kín trong xác tín của chính mình thì không thuộc về Thần khí của Chúa, điều này không thuộc về Chúa. Đó là một món quà mở rộng lòng mình, một món quà được kết hợp, vào đúng thời điểm, với khả năng thư giãn các cơ và cúi xuống, để trao tặng cho nhau như một vòng tay ôm chào đón và một nơi trú ẩn: như Thánh Phaolô VI đã nói: “một ngôi nhà […] của anh em, một xưởng làm việc chăm chỉ, một phòng tiệc thiêng liêng ấm cúng” (Bài phát biểu trước Hội đồng Chủ tịch của C.E.I., ngày 9 tháng 5 năm 1974).

Ở đây, mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân một cách tự nhiên và tự do hơn khi càng cảm nhận được sự hiện diện của những người bạn xung quanh yêu thương và tôn trọng, trân trọng và muốn lắng nghe những gì mình nói.

Bởi ơn gọi, Giáo hội là một nơi tụ họp đón tiếp

Và đối với chúng ta, đây không chỉ là một kỹ thuật để “tạo điều kiện thuận lợi” - đúng là trong Thượng Hội đồng có những “người hỗ trợ”, nhưng điều này nhằm giúp chúng ta tiến bước -, điều tôi nói không phải là kỹ thuật hỗ trợ cho cuộc đối thoại hay một động lực giao tiếp nhóm, nhưng là vòng tay ôm, bảo vệ và chăm sóc thực sự là một phần bản chất của Giáo hội. Bởi ơn gọi, Giáo hội là một nơi tụ họp đón tiếp, nơi mà “đức ái tập thể đòi hỏi sự hòa hợp hoàn hảo, từ đó phát sinh sức mạnh đạo đức, vẻ đẹp tinh thần và bản chất mẫu mực của nó” (ibid.). Chữ “hòa hợp” rất quan trọng. Không có đa số, thiểu số. Đây có thể là bước đầu tiên để tiến xa hơn: điều quan trọng, điều cơ bản là sự hòa hợp, sự hòa hợp mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tạo ra, Người là bậc thầy của sự hòa hợp, Đấng với nhiều khác biệt có thể tạo ra một tiếng nói duy nhất, nhưng với nhiều giọng nói khác nhau. Chúng ta hãy nghĩ về buổi sáng Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã tạo nên sự hòa hợp trong những khác biệt như thế nào. Giáo hội cần “những nơi bình yên và cởi mở” được tạo dựng trước hết trong tâm hồn chúng ta, nơi mọi người cảm thấy được chào đón, như một đứa trẻ trong vòng tay người mẹ (xem Is 49,15; 66,13) và như một đứa trẻ được cha nâng lên áp vào má. (xem Hs 11,4; Ps 103.13).

Trẻ em

Và đây là hình ảnh thứ ba: đứa trẻ. Trong Tin Mừng, Chính Chúa Giêsu “đặt em vào giữa”, chỉ cho các môn đệ thấy, mời gọi họ hoán cải và trở nên nhỏ bé như em. Họ đã hỏi Chúa ai là người lớn nhất trong Nước Trời: Người đáp lại bằng cách khuyến khích họ hãy trở nên nhỏ bé như một đứa trẻ. Nhưng không chỉ vậy: Người còn nói thêm rằng khi chào đón một đứa trẻ nhân danh Người là tiếp đón Người (xem Mt 18,1-5).

Hạ mình, trở nên nhỏ bé và đón tiếp nhau với lòng khiêm tốn

Và đối với chúng ta, nghịch lý này là điều cơ bản. Thượng Hội đồng, do tầm quan trọng của nó, theo một nghĩa nào đó yêu cầu chúng ta phải là những người “lớn” - trong trí óc, trong tâm hồn, trong quan điểm - bởi vì các vấn đề cần giải quyết thì “to lớn” và tế nhị, và các hoàn cảnh của các vấn đề rất rộng và phổ quát. Nhưng chính vì lý do này mà chúng ta không thể rời mắt khỏi đứa trẻ mà Chúa Giêsu tiếp tục đặt ở trung tâm các cuộc gặp gỡ và bàn làm việc của chúng ta, để nhắc nhở chúng ta rằng cách duy nhất để “xứng đáng” với nhiệm vụ được ủy thác cho chúng ta là hạ mình, trở nên nhỏ bé và đón tiếp nhau với lòng khiêm tốn. Người cao trọng nhất trong Giáo hội là người tự hạ nhất.

Chúng ta hãy nhớ rằng chính bằng việc làm cho mình trở nên nhỏ bé mà Thiên Chúa “chỉ cho chúng ta thấy sự cao cả thực sự là gì, đúng hơn, trở thành Thiên Chúa có nghĩa là gì” (BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, ngày 11 tháng 1 năm 2009). Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu nói rằng các thiên thần của các em “luôn chiêm ngắm dung nhan Chúa Cha […] Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10): nghĩa là các em giống như một “kính viễn vọng” về tình yêu của Chúa Cha.

Ngày 7/10: ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giớ

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình này của Giáo hội với ánh nhìn hướng về thế giới, bởi vì cộng đồng Kitô hữu luôn là để phục vụ nhân loại, để loan báo niềm vui Tin Mừng cho mọi người. Cần có một nhu cầu, đặc biệt là trong thời điểm bi thảm này của lịch sử chúng ta, trong khi những cơn gió chiến tranh và ngọn lửa bạo lực tiếp tục làm đảo lộn toàn thể các dân tộc và các quốc gia.

Và Đức Thánh Cha thông báo: Để cầu xin hồng ân hòa bình nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, Chúa Nhật tới tôi sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi tôi sẽ đọc Kinh Mân Côi và dâng lời cầu nguyện chân thành lên Đức Trinh Nữ; nếu có thể, tôi cũng xin anh chị em, những thành viên của Thượng Hội đồng, hãy tham gia cùng tôi trong dịp đó.

Và ngày hôm sau, ngày 7/10, tôi xin mọi người hãy sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giới.

Chúng ta hãy bước đi cùng nhau. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa. Và chúng ta hãy để làn gió Thánh Thần dẫn dắt chúng ta.

 

Nguồn: vaticannews.va