14/06/2021 09:32

Bài 5: Những đức tính cần thiết của người Huynh Trưởng TNTT

Những đức tính cần thiết của người Huynh Trưởng TNTT

 

Một cộng đồng dù lớn hay nhỏ muốn tồn tại, nhất định phải có người dẫn đầu. Người đó có thể được chỉ định, hoặc do các thành viên chọn lựa, bầu lên theo quy ước hay luật lệ nào đó. Phải nhận rằng, dù được bầu hay được mặc nhiên công nhận, người đầu nhóm phải có những yếu tố khiến người trên tín nhiệm, đồng sự yêu mến, cấp dưới tuân phục và trao “số phận” cả nhóm cho. Anh chị là người có Tài năng và có đức tính. Tài năng và đức tính này không chỉ do trời phú ban mà phải học và phải tập. Trong bài này, chúng ta sẽ bàn về những đức tính cần thiết của người huynh trưởng.

1. Quảng Đại: Người làm lớn phải có quả tim lớn, có tấm lòng bao dung:

- Quảng đại để dễ chấp nhận tha nhân (Các em, các  trưởng bạn .v.v…)

- Quảng đại để đón nhận những khác biệt nơi anh chị em. Không chỉ nhằm được việc nhưng còn nối được nhiều bàn tay cộng tác trong công việc chung.

- Quảng đại để biết tha thứ: Không coi những khuyết điểm quan trọng hơn những nỗ lực và thiện chí của anh chị em.

- Quảng đại để sẵn sàng hy sinh. Cho đi thời giờ, sức lực, tài năng và cả tiền của trong việc phục vụ, mà không tính toán. Chỉ mong lợi ích cho các thiếu nhi.

Lòng quảng đại có sức thuyết phục và cảm hoá hơn quyền lực.

2.           Tự Tin. Lãnh đạo là người đứng cao hơn, có cái nhìn bao quát hơn, nơi họ tỏa ra sức mạnh làm yên tâm những người cộng tác

- Trưởng không tin nơi  mình, sẽ không đủ sức thuyết phục các em. Tự tin phải có cơ sở khách quan: lượng giá đúng về mình, về người và về công việc.

- Tin vào mục đích tốt mình đang nhắm tới; con đường mình đang đi; phương pháp đang áp dụng. “Trẻ em không thích những người chỉ huy hèn yếu” (cha Lacordaire). Tin rằng mình có khả năng thực hiện công việc đã suy nghĩ  và chọn lựa. Người tự tin luôn lạc quan, vui vẻ, khiêm tốn.

- Tự tin giúp người trưởng bình tĩnh, quyết đoán, sáng suốt trong công việc. Do đó dẫn đến hiệu quả cao. Người tự tín thường quả quyết, không dễ để cho người khác hoặc nghịch cảnh thay đổi ý định của mình. (Quả quyết không phải là cố chấp, độc đoán; nhưng biết lắng nghe, quan sát để chỉnh sửa công việc khi cần. Sau khi đã bàn bạc, cân nhắc thì không chùn bước)

- Lòng tự tin của trưởng thể hiện qua cách hướng dẫn, nó động viên những người đồng sự để họ nhiệt tâm và hăng hái làm việc.

3.           Kỷ Luật. Người lãnh đạo không có kỷ luật bản thân, không tôn trọng kỷ luật chung thì không thể điều khiển người khác.

- Kỷ luật là đòi hỏi của bất cứ tổ chức nào. Kỷ luật là sức mạnh. Đoàn thể nào thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ tan rã.

- Tinh thần kỷ luật là ý thức, chấp nhận và tuân thủ các quy ước một cách tự nguyện.

- Huynh Trưởng là người đầu tiên có bổn phận duy trì kỷ cương phép tắc trong đoàn. Do đó phải xây dựng ý thức và chấp hành kỷ luật trước khi yêu cầu các em (soạn bài, đúng giờ, đồng phục, không nói chuyện trong trong nhà thờ, giờ học, v.v…)

- Kỷ luật phải nghiêm minh. Nghiêm mà không minh là độc tài. Trong cộng đồng, ý thức tuân thủ kỷ luật là tự trọng và tôn trọng người khác.

4.           Trách Nhiệm. Người lãnh đạo không thể sống tắc trách.

- Trách nhiệm là sự gánh chịu hậu quả của lời nói hoặc việc làm của mình

- Ý thức trách nhiệm sẽ giúp Huynh trưởng giữ gìn cẩn trọng lời nói, thái độ, hành động để không ảnh hưởng xấu, làm hại, hoặc xúc phạm người khác.

- Người có tinh thần trách nhiệm để hết tâm lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần trách nhiệm là biểu hiệu con người có giáo dục, văn minh.

5.           Công Bằng. Công bằng là trả lại cho người ta điều gì thuộc về họ. Người lãnh đạo phải có công tâm

- Khi khen thưởng, Trưởng không chỉ căn cứ vào thành tích đơn thuần, mà còn phải tìm hiểu nguyên nhân, động lực, hoàn cảnh để ấn định mức khen thưởng. Khen quá mức, người được khen coi thường; Khen không tới mức, người được khen phân bì, bất mãn…

- Khi phê bình hoặc kỷ luật, Trưởng cần cân nhắc lời phê bình hoặc chọn hình thức kỷ luật. Mục đích phê bình không để hạ nhục, làm mất thể diện nhưng tôn trọng, nhằm giúp ai đó cải thiện, tiến bộ, chứ không nói cho bõ ghét, thỏa mãn tự ái. Người được phê bình đúng sẽ cám ơn ta và cố gắng sửa chữa. Ngược lại người bị kỷ luật oan sẽ bất phục, bất mãn, tiêu cực, chống đối…

- Phân chia công tác, không phân biệt kẻ thân, người không thân. Nhưng căn cứ vào tính chất công việc và khả năng người được giao công việc, nhằm đúng người, đúng việc. Huynh trưởng thiếu công bằng là nguyên nhân của sự chia rẽ, nổi loạn

6. Vâng Phục. Chúa Giêsu làm gương cho ta: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”

 - Vâng phục không phải là “vâng lời tối mặt” nhưng là thái độ mau mắn hành động theo ý bề trên một cách ý thức và tự do.

- Ý hướng cứu độ và Mục đích Phong trào cũng được coi như những cấp trên mà Huynh trưởng có bổn phận phải vâng phục tuyệt đối, đừng chiều theo thị hiếu, vui lòng cá nhân mà bỏ qua lẽ sống của Phong trào.

- Huynh trưởng vâng phục trong tinh thần đối thoại là gương mẫu cho các em vâng phục mình

- Huynh trưởng vui vẻ thi hành nhiệm vụ đã được trao phó. Nếu thắc mắc thì yêu cầu giải thích hoặc đối thoại với cấp trên cách tích cực và khiêm tốn. Khi cần thiết cứ thi hành trước khiếu nại sau.

7. Khiêm tốn: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng”

- Huynh trưởng khiêm tốn ý thức và có thái độ đúng mức trong việc đánh giá. Không quá đề cao, cũng không hạ thấp bản thân

- Người khiêm tốn không vênh vang khi thành công, hay được khen tặng; cũng không buồn, ghen khi thấy người khác hơn mình; nhưng trân trọng và sẵn sàng học tập

- Huynh trưởng không kể công lao nhưng vui khi được đóng góp điều gì đó cho việc chung

- Huynh trưởng không lấy lý do khiêm tốn để từ chối đảm trách công việc mà mình có thể làm cho công cuộc chung. Lòng khiêm tốn có sức thuyết phục và lôi cuốn.

8. Yêu trẻ: “Tình yêu có sức hoán cải hơn lòng nhiệt thành và tài hùng biện” (P. Faber)

- Lạnh nhạt, trẻ xa tránh, khinh dể trẻ đóng chặt cửa lòng, độc ác trẻ nổi loạn. Muốn thành công trong giáo dục hãy yêu trẻ thành thật và vô vị lợi, hiểu nhu cầu, sở thích của trẻ để đáp ứng, người Huynh trưởng phải có tâm hồn trẻ, yêu trẻ để có những phương pháp, tạo bầu khí vui tươi, sinh động, hấp dẫn trẻ đây là chìa khóa của thành công trong việc giáo dục

- Quan tâm đến đời sống tình cảm, vật chất, sức khỏe của trẻ. Chính tình yêu tạo sự tín nhiệm, yêu mến và sự kính trọng của trẻ. Tình yêu giúp ta hy sinh, dấn thân phục vụ, đón nhận những thiếu sót của trẻ với lòng bao dung, bình tĩnh và có những săn sóc phù hợp.

Yêu cầu về các đức tính cần thiết nơi người Huynh Trưởng như trên đây chỉ là những nét rất cơ bản, tối thiểu. Rèn luyện đức tính là nỗ lực của cả đời người. Phục vụ thiếu nhi hôm nay, vừa giúp ích cho thiếu nhi vừa là cơ hội để rèn luyện Huynh trưởng như lời Chúa Giêsu: “Vì chúng, Con xin thánh hiến chính mình Con”.