14/06/2021 09:32

Bài 14: Tổng quát về tâm lý Thiếu Nhi

Tổng quát về tâm lý Thiếu Nhi

 

Tìm hiểu sự phát triển tâm lý và phân tích đặc tính tâm lý trong từng giai đoạn phát triển của thiếu  nhi là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và khó khăn; đưa ra những phương cách giáo dục thích ứng với đặc tính của từng thời kỳ phát triển tâm lý thiếu nhi đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, nhưng lại là yếu tố then chốt của vấn đề giáo dục thiếu nhi. Đây là trách nhiệm của nhiều giới: Phụ huynh, nhà giáo, nhà xã hội học, linh mục, tu sĩ, Giáo Lý Viên và Huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể.

A.- TỪ 7 ĐẾN 10 TUỔI:

1. Đặc tính tâm lý:

- Có thể tiếp nhận và hiểu các khái niệm trừu tượng như số đếm, các phép tính, phân biệt giá trị của  những con số: Tuổi đi học

- Bắt đầu ra khỏi nhà để đi học, ít là mỗi ngày nửa buổi: Xáo trộn về sinh hoạt thường ngày

- Biết và thích chơi theo nhóm, tương quan bạn bè mỗi ngày thêm gắn bó: Quan hệ ruột thịt dần dần chuyển sang tương quan xã hội

- Trong lớp có thầy cô; trong nhóm chơi có “thủ lãnh”, Thần tượng cha mẹ nay đã dần dần không còn là độc tôn nữa mà được thay thế bằng thầy cô, huynh trưởng, Giáo Lý Viên

2. Giải pháp cho lứa tuổi này:

- Thích hợp cho việc dạy Giáo Lý bằng chữ, sách

- Nên đưa các em vào tổ chức. Quan sát và tìm “thủ lãnh” (đội trưởng) ngay trong nhóm các em.

- Giúp các em tự quản nhóm. Chuẩn bị cho Hàng Đội Tự Trị sau này. Huynh trưởng, Giáo Lý Viên phải là mẫu mực cho các em.

B.- TỪ 11 ĐẾN 13 TUỔI

 1. Đặc Tính Tâm Lý

- Có thắc mắc về sự kiện xẩy ra về bài học ở trường hay ở đoàn, lớp Giáo lý: đang hình thành cái tôi.      

- Đi học, đi lễ một mình. không bám áo mẹ như mấy năm trước nữa; thích có tiền riêng, chỗ học riêng, xe đạp riêng: khuynh hướng độc lập, tư hữu

- Hay thắc mắc về việc làm của người lớn có liên quan tới em: Óc lý luận tư duy bắt đầu phát triển.

- Kết thân với bạn bè chặt chẽ, lâu bền: Tính xã hội phát triển mạnh

2. Giải Pháp Cho Lứa Tuổi Này.

- Thuận tiện để tổ chức Hàng Đội Tự Trị

- Tạo điều kiện và hướng dẫn các em kết giao, sinh hoạt nhóm lành mạnh.

- Các bài dạy nên có ít câu hỏi suy luận đón trước thắc mắc của các em. Tạo điều kiện cho các em thắc mắc, đồng thời phải trả lời thỏa đáng, nhưng đơn giản.

- Trong sinh hoạt, nên giao cho các em (cá nhân hoặc đội) đảm trách một số việc vừa sức, giúp các em tập hội nhập cộng đồng sau này

C.- TỪ 14 ĐẾN 16 TUỔI

1. Đặc tính Tâm Lý.

- Đi nhiều hơn ở nhà. Không muốn lệ thuộc cha mẹ và bị kiểm soát như trước đây: Khuynh hướng tự lập phát triển mạnh

- Sức sống thể lý dồi dào, chân tay thừa thãi, cử chỉ vụng về. Tính dục phát triển mạnh. Ý tứ đối với bạn “phe kia”: Thể lý “qua mặt” tâm lý, thời kỳ “quá độ” trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

- Phản kháng những việc không vừa lòng: Óc suy luận, phán đoán phát triển, mặc dù chưa chín chắn

- Sẵn sàng can thiệp những chuyện bất bình: Tinh thần nghĩa hiệp, vô vị lợi

2. Giải Pháp Cho Lứa Tuổi Này.

- Phát huy tối đa Hàng Đội Tự Trị

- Trong sinh hoạt, cần có những hoạt động mạnh

- Thông cảm với các lời nói, thái độ, hành động cộc cằn, thậm chí bị cho là vô lễ của các em.

- Nên hiểu các em bằng cái nhìn tâm lý; đối xử bằng hành vi giáo dục hơn là căn cứ vào hiện tương bên ngoài để “xử lý” các em.

- Nhìn nhận, khám phá mặt tích cực nơi các em bằng cách trao việc, trao trách nhiệm cho các em

- Giúp các em sáng kiến hoạt động từ thiện, bác ái, công tác công cộng, giúp các em tập phán đoán và nhậy bén trước các vấn đề lương tâm. Đồng thời phát huy tinh thần nghĩa hiệp.

Các giai đoạn của tuổi tâm lý không có ranh giới rõ ràng như ranh giới vật chất. Các biến chuyển tâm lý tuy được xếp theo lứa tuổi, nhưng chỉ là chung chung và tương đối. Biến chuyển tâm lý nơi mỗi em khác nhau còn tùy thuộc vào:

. Nền tảng giáo dục gia đình từ lúc sinh ra đến 6 tuổi

. Môi trường xã hội các em đã và đang sống (khu lao động khác với làng đại học; thành phố khác với vùng sâu, vùng xa …)

Những giải pháp giáo dục không phải là giải pháp đồng loạt, không phải là đũa thần giải quyết được mọi tình huống tâm lý. Nhưng căn cứ vào nguyên tắc chung kết hợp với quan sát, theo dõi biến chuyển tâm lý của từng em để có kết luận. Trong giải pháp ứng xử cho cả tập thể, phải có giải pháp cho từng em. Nhất là những em cá biệt. Giáo dục không thuần túy là việc của khối óc nhưng còn của con tim. Hiệu quả của các biện pháp giáo dục tâm lý còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Khả năng, trường phái tâm lý của nhà giáo dục, môi trường sống của các em được giáo dục, tương quan với nhà GD

· Kiến thức + kinh nghiệm + quan sát thực tế = giải pháp.

D.- TỪ 17 ĐẾN 18 TUỔI

1. Đặc tính Tâm Lý.

+ Tư tưởng có tính chủ quan: Một chân lý chỉ được đón nhận nếu thấy nó có liên quan đến mình, đáp ứng lo âu hay ước vọng của mình. Điều mình ước mơ thì quan trọng hơn thực tế. Sự thật không phải là cái đã xảy ra nhưng là cái lý tưởng đòi hỏi. Dễ cảm phục, say mê những gì cao đẹp. Tuổi này cần được khuyến khích.

+ Thích lý sự và tranh luận, hay thắc mắc đặt lại vấn đề: Điều này chứng tỏ các em thành thực nhưng âu lo và hay thay đổi. Lời phê phán của các em luôn bị tình cảm chi phối.

+ Bắt đầu khám phá những giá trị tạo nên đời sống con người và tạo nên văn hóa (Nghệ thuật, luân lý, tôn giáo,..) và cũng dần dần thấy rõ khả năng trí tuệ con người có thể chi phối được mọi sự, vạn vật, ...

2. Giải Pháp Cho Lứa Tuổi Này.

+ Thiếu niên quảng đại và say mê lý tưởng, thường hành động mà không nghĩ xa, không cân nhắc hậu quả có thể xảy đến, chúng dễ mắc khuyết điểm là quá tự tin, cần biết khiêm tốn cậy trông vào Chúa.

+ Trẻ bước vào giai đoạn vui thích hoạt động, say mê lý tưởng, dấn thân cụ thể cùng với một nhóm, theo sát một lãnh tụ, nên trao cho các em những trách nhiệm cụ thể, giúp các em vượt trên những quảng đại tự nhiên để hoạt động theo tinh thần tông đồ. Chính hoạt động giúp trẻ hiểu cụ thể hơn về chính mình và về tinh thần tông đồ.

+ Các nhóm nhỏ rất hữu ích: cho các em một nơi nương tựa bình an và có tình người. Nhóm nhỏ giúp các em sống kỷ luật, mực thước, hòa mình và biết cộng tác làm việc chung.