Vì sao lấp lánh
Sử liệu về thánh Giuse Túc có sự khác biệt nhau khá xa về số tuổi tác của ngài khi bị bắt và tử đạo. Một số sử liệu ghi rằng : Khi bị bắt và tử đạo, cậu Giuse Túc chỉ mới chín tuổi. Sử liệu khác lại cho là 19 tuổi hoặc 21 tuổi. Tuy nhiên khi xem xét kỹ các chi tiết về bắt bớ, tù đáy và xử án thánh nhân, chúng tôi nghĩ rằng dù dã man, các quan cũng không thể xử quá tàn bạo như thế với một cậu bé chỉ mới chín tuổi đầu. Việc tra tấn hành hạ của các quan phải dành cho một thanh niên đã khôn lớn, hơn là cho một em nhỏ còn thơ dại.
Vâng, giữa tuổi thanh niên, tuổi của những ước mơ và hy vọng, tuổi của hăng say và nhiệt thành, tuổi mà sự chăm sóc và dưỡng dục đòi hỏi biết bao công phu đang chín dần, để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Với cái tuổi thanh xuân đáng quý ấy, Giuse Túc đã chiếu sáng như một vì sao.
Giuse Túc sinh năm 1843 tại họ đạo Hoàng Xá, xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng). Cha là Giuse Cẩn và mẹ là bà Trí. Trong cái nôi của gia đình nông dân đạo đức ấy, cậu Giuse Túc đã sinh ra và lớn lên với cuộc sống cần cù, hiền hòa như hầu hết mọi thanh niên Việt Nam ngày ngày miệt mài với nương ruộng. Nhưng thân phụ cậu không muốn cậu tiếp tục với công việc ruộng nương này, đã khuyến khích và lo liệu cho cậu theo nghiệp khoa cử. Cậu Túc vâng lời thân phụ chăm chỉ học chữ Nôm.
Những cuộc bách hại đạo của vua Tự Đức dai dẳng ngày càng khốc liệt hơn. Vì với chiếu chỉ Phân sáp ngày 05.08.1861, thì không một người nào, không một căn nhà nào của người công Giáo được bình yên. Biết bao người dân hiền hòa vô tội bị đạo đày, bị tàn sát và bị ghép cho những tội trạng mà họ không bao giờ nghĩ đến.
Gian truân thử đức
Anh Giuse Túc bị bắt vào đầu năm 1862 khi đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp : tuổi 19. Anh bị tạm giam ít ngày ở huyện rồi bị giải về tỉnh. Sau đó, anh bị biệt giám 4 tháng tại Đông Khê, phủ Khoái Châu. Ban ngày phải mang gông nặng, ban đêm chân bị cùm xích. Dù vậy anh Túc vẫn trung kiên với đức tin chân chính. Nhiều bạn bè cùng bị giam với anh như Phêrô Kiên (18 tuổi), Phêrô Ngân (15 tuổi), Phêrô Lương (20 tuổi) cũng được kể vào số tôi tớ Chúa đang được chuẩn bị suy tôn Chân Phước. Các anh thường gặp nhau đọc kinh chung và an ủi khích lệ nhau can đảm đến cùng( 2).
Một số thân hữu lo lót quân lính để tạo cơ hội cho anh chốn khỏi ngục, nhưng anh nói : "Tôi sẽ không trốn bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn sẽ làm khổ người khác. Chúa muốn thế nào, tôi xin nhận như thế".
Khi một bạn tù tỏ vẻ lo âu không biết khi bị xử, người nhà có được tin để lãnh xác hay không anh Túc bình thản bày tỏ tâm trạng của mình : "Tôi an tâm, không lo lắng gì cả. Nếu Thiên Chúa cho tôi đổ máu vì đạo, tôi tin chắc sẽ được về trời. Còn thân xác này chôn được thì chôn, bằng không chôn được thì thôi.
Theo lá thư đề ngày 02.08.1862, cha Estévez Nam cho chúng ta biết tình hình ở tỉnh Hưng Yên: "… Trong tỉnh Hưng Yên, các quan còn giữ tợn hơn. Cuối tháng 5 rất nhiều giáo hữu bị dẫn lên tỉnh. Ngày 01.06, các quan giết 100 người, hôm sau giết 600, ngày mùng 3 giết nhiều hơn nữa. Các làng ngoại giáo được lệnh giết hết các tù nhân có đạo, và họ đã triệt để thi hành, nên tôi không biết được con số phải chết trong ký này…" (3).
Cuối tháng 5 năm đó, anh túc bị giải về Hưng Yên. Sau những lời dụ dỗ, dọa nạt và tra khảo nhiều lần không làm nay chuyển được lòng tin sắt đá của anh, các quan nhất trí kết án trảm quyết anh.
Khi lập án phong thánh cho anh Giuse Túc, một số giáo dân hiên diện trong cuộc tử đạo đã làm chứng, trong đó, ông Đaminh Hưng kể lại rằng : "Tôi đi theo cậu Túc ra tới pháp trường. cậu sốt sắng cầu nguyện và luôn kêu tên cực thánh Chúa Giêsu. Sau khi cậu bị xử chém đầu, tôi đã mai táng thi thể cậu rất tử tế".
Bà Maria Linh kể lại bà đã nhìn thấy đầu của vị tôi tớ Chúa bị quân lính tung lên cao cho quan thấy, để minh chứng với quan là họ đã triệt để thi hành mệnh lệnh. Hôm đó là ngày 01.06.1862. Thi hài anh Giuse Túc, người chiến sĩ đức tin được chôn tại chỗ, sau được cải táng và đem về nhà thờ xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng yên.
Ngày 29.04.1951, Đức Piô XII suy tôn anh Giuse Túc lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
(Nguồn từ thư viện Đa Minh)
Trường thi tử Đạo
Trong hàng ngũ các Thánh Tử Ðạo
Có những gương mạnh bạo thanh xuân
Mười lăm, hai mươi tuổi trần
Như bông hoa nở, toàn phần tươi xinh
Tin vào Chúa hy sinh cao cả
Chết hào hùng nên đã tuyên xưng
Sẵn sàng loan báo Tin mừng
Giuse tên Túc, tưng bừng Hưng Yên
Năm Quý Mão (1843) sinh trên Hoàng Xá
Xứ Ngọc Ðồng, người đã hy sinh
Nông dân đạo đức nhiệt tình
Mẹ cha lại muốn, con mình thành danh
Vâng lời thân phụ, anh chăm chỉ
Học Hán văn hoan hỷ siêng chăm
Bút nghiên mới được mấy năm
Vua ban chiếu chỉ, truy tầm giáo dân
Cuộc bách hại toàn phần lớn nhỏ
Giuse Túc, hồi đó thanh niên
Lính vây đã bắt anh liền
Giải giao về tỉnh, quan truyền tống giam
Ngày gông nặng đêm mang xiềng xích
Sống biệt giam chật ních Ðông Khê
Nơi đây bốn tháng não nề
Rồi sau mới được đưa về nhốt chung
Kiên, Lương, Ngân, thường cùng an ủi
Ðộng viên nhau, lần chuỗi nguyện chung
Ðức tin vững mạnh tới cùng
Một số thân hữu, trong vùng giúp anh
Muốn lo lót lính canh để trốn
Anh cản ngăn, tiền tốn phiền hà
Sợ người liên lụy vì ta
Vâng theo ý Chúa, mới là hồng ân
Còn thân xác giản đơn càng tốt
Chôn thì chôn hay đốt tùy nghi
Mọi người chớ có ngại gì
Linh hồn tin chắc sẽ đi về Trời
Sau lại giải về nơi thị trấn
Tại Hưng Yên tra tấn dụ khuyên
Lòng anh sắt đá trung kiên
Thanh niên dũng cảm, bạo quyền chịu thua
Quan nhất trí cho đưa trảm quyết
Tại pháp trường tha thiết kêu tên
Giêsu lớn tiếng vang lên
Bà Linh nhìn thấy đứng bên pháp trường
(Bà Maria Linh kể lại đã nhìn thấy đầu người tôi tớ Chúa tung lên cao cho quan thấy)
Ðầu tung lên, phô trương quan án
Ðể trình tâu, chứng giám tuân hành
Mộ chôn tại chổ xử anh
Sau được cải táng lưu danh Ngọc Ðồng
Phúc tử đạo tươi hồng Nhâm Tuất (1862)
Tuổi thanh xuân đẹp nhất tên anh
Ðức Giáo Hoàng (Piô XII) tôn thánh danh
Vào năm Tân Mão (1951) sử xanh lưu truyền
Lời bất hủ
Khi thân nhân lo lót cho quân lính để có cơ hội trốn khỏi ngục, anh nói: "Tôi sẽ không trốn bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn sẽ làm khổ người khác. Chúa muốn thế nào tôi xin nhận như thế". Giuse Túc lại nói với những bạn tù như sau: "Tôi an tâm, không lo lắng gì cả, nếu Thiên Chúa cho tôi đổ máu vì đạo, tôi tin chắc sẽ được về trời. Còn thân xác này chôn được thì chôn, bằng không chôn được thì thôi".