05/12/2024 18:38

Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục

Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục

Ngày 6 tháng 12
THÁNH NICÔLA GIÁM MỤC THÀNH MYRA

I. THÁNH NICÔLA LÀ AI?

Thánh Saint Nicôla là một tu sĩ đạo Thiên Chúa. Ngài sống vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên tại thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thánh Nicôla sinh ra trong một gia đình giàu có và sùng đạo Thiên Chúa. Cha mẹ của ông đã dạy ngài về lòng mến Chúa, sự quảng đại, bác ái… Chẳng may, cha mẹ của ngài bị chết vì bệnh dịch trong lúc ngài còn nhỏ. Theo lời dạy của Chúa Giê-su, Nicola đã dùng số tiền cha mẹ để lại giúp đỡ người nghèo và bệnh tật.

Ngoài ra, vì là một người sùng đạo nên Thánh Nicôla đã hiến thân phục vụ Giáo hội. Ông nhanh chóng được yêu mến vì lòng hảo tâm và được bầu làm Giám mục khi còn rất trẻ.

Suốt cuộc đời của mình, thánh Nicola đã cứu chữa nhiều người nghèo bệnh tật. Đặc biệt, mỗi dịp Giáng sinh, ông dành nhiều món quà, đồ ăn, đồ chơi… cho các trẻ em.

Dưới sự cai trị của hoàng đế Diocletianô, những người theo đạo Thiên Chúa người bị bắt bớ và đối xử tàn nhẫn. Thánh Nicôla cũng bị bắt, bị tra tấn và bỏ tù. Một thời gian sau, hoàng đế Constantinô lên ngôi. Ông cho khôi phục đạo Thiên Chúa và tha bổng tất cả những người từng bị bắt. Lúc ấy, thánh Nicôla được ra tù và trở lại làm giám mục.

Một số nguồn tin cho rằng thánh thánh Nicôla mất vào ngày 6 tháng 12 năm 343 tại Myra. Thi thể Ngài được chôn trong nhà thờ. Ngày mất của Ngài đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm quan trọng trong đạo Thiên Chúa.

II. BÀI HỌC:

Bài học thánh Nicôla để lại cho mọi người chúng ta là bài học về sống cuộc sống đạo đức thánh thiện và tràn đầy lòng yêu thương.

Từ ngày nhận lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa, đức giám mục Nicôla đã sống một cuộc sống khắc khổ hơn nữa. Mỗi ngày Ngài chỉ ăn một bữa và kiêng thịt hoàn toàn, bữa nào Ngài cũng chăm chú nghe đọc một vài trang sách Kinh Thánh rồi mới dùng bữa. Ban đêm Ngài thức rất khuya để cầu nguyện, sau đó ngả lưng trên một mảnh gỗ cứng nháp. Ngài dậy rất sớm và đánh thức các thầy trợ sĩ để hát thánh vịnh chúc tụng Chúa. Khi mặt trời mọc thì ngài đến nhà thờ dâng lễ, quãng thời gian còn lại Ngài dành để lo việc điều khiển địa phận và phục vụ giáo dân .

Ngài sống rất nghèo khó, nhưng lại đặc biệt lại để tâm săn sóc những người cùng cực khó nghèo. Người ta lại kể rằng: dụng cụ Ngài dùng đều là đồ đi mượn, bởi vì có gì quý báu Ngài đều bán đi để giúp người nghèo. Ngài tìm mọi cách giúp họ, Nhiều người xúc động trước lòng nhân lành, và tình yêu vô cùng của Chúa mà ăn năn trở lại cùng Người.

Vì công nghiệp đầy tràn của Ngài, Chúa đã cho Ngài làm nhiều phép lạ để cứu giúp những người hoạn nạn.

Có lần Ly-xia mất mùa, dân chúng đói khổ, lòng thương xót đã khiến giám mục Nicôla lo tìm mọi phương thế cứu trợ nạn đói. Ngày kia nghe tin có một đoàn tàu chở đầy thóc gạo từ Alexandria đang đi qua cửa biển gần đấy, Ngài vội vã đến xin mỗi tàu nhường cho dân thành Ly-xia 100 tạ gạo và bảo đảm với họ rằng: Thiên Chúa sẽ bù cho chỗ hụt đấy và khi về tới nhà mỗi tàu sẽ đầy lại như cũ. Gương mặt thánh thiện và lời nói đầy mãnh lực của Ngài đã làm cho họ phải mến phục và bằng lòng nhường cho số gạo Ngài xin. Khi về tới nhà họ đem cân lại thì quả nhiên số gạo của mỗi tàu vẫn y nguyên như cũ không hao hụt chút nào.

Không phải chỉ giới hạn trong địa phận của Ngài, trái lại lòng bác ái ấy còn phổ quát và bao gồm hết mọi người, bất kỳ ai lâm hoạn nạn kêu cầu đến Ngài đều được Chúa thương giúp vì lời Ngài cầu khẩn. Thế nên, khi còn sống nhiều người đã coi Ngài như một vị thánh bảo trợ, đặc biệt là những người làm nghề hàng hải. Lần kia một số các thủy thủ đang lênh đênh trên một chiếc tàu giữa biển khơi bỗng một cơn giông nổi lên, chiếc tàu lảo đảo sắp chìm. Các thủy thủ sợ hãi, nhưng may thay trong cơn túng cực họ đã nhớ đến đức giám mục Nicôla và cùng nhau quỳ xuống sốt sắng xin Chúa vì công nghiệp đức giám mục Nicôla cứu họ thoát khỏi cơn nguy hiểm. Lập tức Ngài xuất hiện trên tàu và nói với họ: “Ta đây, ta là đầy tớ Chúa sai đến để cứu các con, hãy trông cậy vào Chúa”.

Ngài đến sau tàu cầm lái và con tàu lại bắt đầu tiến bước vững chãi. Vài phút sau biển cũng phẳng lặng.

Không những là đấng phù trợ các người vượt biển, thánh Nicôla còn là đấng quan thầy của các vị thẩm phán, luật sư và của cả những kẻ bị cáo gian. Sách “Niên lịch tử đạo Rôma” đã kể lại một phép lạ Ngài cứu ba người vô tội sắp phải tử hình dưới đời hoàng đế Constantinô. Câu chuyện đó như sau: Đêm cuối cùng trước khi đem đi xử cả ba buồn sầu vì sắp phải đón nhận một cái chết oan uổng. Trong lúc tuyệt vọng không còn trông cậy gì ở phương thế trần gian, cả ba lặng lẽ quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa là Chúa của đức giám mục thánh thiện Nicôla, xưa Chúa đã cứu ba trẻ nhỏ Do thái khỏi chết oan trong lò lửa, Chúa thấu biết chúng con đây cũng hoàn toàn vô tội như ba trẻ xưa giờ đây chúng con không còn biết trông cậy vào ai ngoài Chúa. Vậy xin Chúa hãy bênh đỡ chúng con.

Trong khi đó hoàng đế Constantino đang ngủ say. Bỗng một ông già dáng điệu oai phong hiện ra với vua trong giấc mộng và nói:

- Hãy dậy và lập tức ra lệnh tha bổng ngay cho ba người Ngài vừa kết án và sắp bị đem đi xử tử cách bất công.

- Ngài là ai mà lại nói những lời lẽ ấy ?

- Ta là Nicôla giám mục thành My-ra.

Constantino liền gọi viên quan tòa Abiavios. Trong khi tên hầu cận còn đang đi đến với Abiavios thì chính ông này cũng thấy ông già ấy hiện ra truyền lệnh như vậy.

Constantino cho gọi ba người tù lên:

- Các người đang phù phép gì làm mất cả giấc ngủ của ta ? Nghe nói, cả ba cùng bỡ ngỡ không hiểu gì hết, nhưng khi vừa tả lại giấc mộng thì Nepotien một trong ba người quỳ sụp xướng dâng lời tạ ơn Chúa với giọng run run cảm động:

“Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã đoái thương nghe tiếng chúng con cầu khẩn, sai đức giám mục Nicôla đến làm chứng cho sự oan uổng của chúng con”- Và Nêpôxianô tả lại cho vua nghe cảnh ba người vừa thiết tha cầu nguyện trong gian nhà tù. Hoàng đế Constantinô cảm động và cho phép ba người tù trình bày nỗi oan uổng. Cử chỉ và lời nói chân thành của cả ba khiến nhà vua xúc động, đồng thời nhận rõ được sự thật về họ: cả ba đều được nhà vua tha bổng.

2. Vì đã sống trọn vẹn lý tưởng yêu thương nên thánh Nicôla đã được mọi người yêu mến.

Các giáo hữu xưa có lòng sùng kính ông thánh Nicôla cách lạ lùng: ở Roma có tới 85 thánh đường, nguyện đường, dòng tu, bệnh viện mang tên Ngài. Ở Đan mạch hơn 100 nơi thánh dâng kính Ngài. Đặc biệt hơn cả là miền Hy lạp, tính tới năm 1910 có tất cả 359 thánh đường đặt dưới quyền bảo trợ của thánh nhân.

Tuy nhiên lòng tôn kính đó ở mỗi nước mỗi khác và đượm những sắc thái riêng của dân tộc: ở Hy lạp và ở Đức, Ngài là bổn mạng của các nhà hàng hải, những người đi biển thường cầu chúc nhau “xin thánh Nicolao chèo lái, đưa các bạn tới bến yên hàn”. Ở Pháp đời các vua dòng Capetiens, Ngài là quan thầy vua, cùng các vị thẩm phán. Các nghị viện trước mỗi khóa họp đầu niên đều tới dự thánh lễ cử hành tại bàn thờ dâng kính thánh nhân. Ở Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ... Ngài được coi là đấng bảo trợ cho khách du lịch và cho các em.

Những cách sùng kính đượm dân tộc tính ấy dựa vào biến cố đã xảy ra thực, hay những câu chuyện thêu dệt chung quanh cuộc đời thánh nhân, tất cả kết lại thành một trang tiểu sử đầy màu sắc đẹp đẽ.