17/09/2021 08:19

Gia đình với sự phát triển xã hội

Gia đình là xã hội thu nhỏ và là Giáo Hội tại gia. Điều này trước hết chỉ ra rằng gia đình, Giáo Hội và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu coi xã hội là cơ thể sống thì mỗi gia đình là tế bào làm nên cơ thể xã hội. Xã hội (cơ thể) lành mạnh tạo điều kiện và hỗ trợ cho các gia đình (tế bào) hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Giáo Hội và xã hội. Riêng đối với người Kitô hữu, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội còn sâu sắc hơn, bởi vì tính cách trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của ơn gọi Kitô hữu giáo dân. “Người giáo dân sống giữa trần gian, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là nơi Thiên Chúa mời gọi họ. Nhờ sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình”. Do đó, Tân Phúc Âm hóa gia đình là nhiệm vụ quan trọng và nền tảng của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

GIA ĐÌNH VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Lm. Vincentê Nguyễn Bản Mạnh

1. GIA ĐÌNH LÀ TẾ BÀO ĐẦU TIÊN VÀ SỐNG ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI

Gia đình là cộng đoàn đầu tiên phù hợp với sứ mệnh Phúc Âm hóa, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Gia đình Nguyên tổ đã được chính Thiên Chúa kết hợp, ban cho những đặc ân trong vườn Địa đàng và kèm theo sứ mệnh cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, được gìn giữ bằng những giới răn của Ngài (Cf. St 1, 26-30). Sứ mệnh ấy là làm sáng tỏ vinh quang của Thiên Chúa qua hình ảnh của Ngài, đã được tạo dựng nơi con người. Tiếp tục công trình sáng tạo ấy qua chính cộng đoàn là gia đình của họ để làm chủ cá biển chim trời và muôn vật trên mặt đất. Gia đình đầu tiên ấy đã trở thành nền tảng và là chủ của mọi quyền bính và sinh hoạt trong đời sống xã hội.Gia đình trở thành nơi thi hành lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Lệnh truyền và chức năng này đáp ứng nhu cầu tình cảm của giới tính và rất tự nhiên của con người là sứ mệnh làm cha mẹ để yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái. Việc sinh con diễn ra ở từng gia đình nhưng lại quyết định đến yếu tố cấu thành nên sự tồn tại, liên quan chặt chẽ đến sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế, sứ mệnh sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ là những trách nhiệm không thể tách rời nhau trong gia đình. Cha mẹ có trách nhiệm thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm lo việc học tập và phát triển lành mạnh cho con cái cả về thể chất lẫn tinh thần với “mọi giá trị chính yếu của đời người”[3]. Nội dung giáo dục gia đình phải bao gồm cả sự sống đời đời: đức tin tôn giáo, văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng... nhằm tạo lập và phát triển nhân cách của con người. Giáo dục gia đình được thực hiện ở mọi giai đoạn của cuộc sống, từ chuẩn bị trước khi được thụ thai, khi được cưu mang trong lòng mẹ, giai đoạn tuổi thơ, khi trưởng thành, lúc già cả... ở từng chu trình ấy có những nội dung giáo dục cho phù hợp, qua lời ru của cha mẹ, gương mẫu của người thân...[4] Giáo dục gia đình là một nền tảng cho giáo dục của xã hội, sự kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục (gia đình - Giáo Hội - nhà trường - xã hội) để tiến tới mục tiêu Phúc Âm hóa từ gia đình đến xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Giáo Hội và xã hội là một nhu cầu quan trọng. Như thế, cha mẹ phải là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được của con cái[5].

“Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội”[6]. Thực vậy, gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên. Gia đình là nhân tố cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, là đơn vị nhỏ nhất để tạo nên xã hội[7]. Gia đình như một tế bào tự nhiên, để sinh ra con người mới cho xã hội tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng nền tảng gia đình tốt.

Gia đình cũng chính là cộng đoàn cầu nguyện đầu tiên, đem lại nguồn sinh lực và ân sủng cho đời sống xã hội. Giây phút cầu nguyện trong gia đình chính là giây phút bình yên, khi ấy con người đối thoại với nhau và đối thoại với Thiên Chúa. Có những gia đình, trước và sau giờ Kinh tối, vợ chồng họ làm dấu thánh giá cho nhau và cho cả em bé đang còn trong bụng mẹ[8].

Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, mỗi cá nhân được sinh ra từ gia đình, trưởng thành trong xã hội và trở về với gia đình[9]. Đó là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội[10]. Gia đình chính là trường học của lòng khoan dung và dạy chúng ta cách sống với những người khác. Gia đình là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc và sự hài hòa trong đời sống mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình mới thể hiện được mối quan hệ tình cảm thiêng liêng dựa trên tình cảm giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Trong gia đình, mỗi cá nhân được nuôi dưỡng về vật chất và được nuôi dưỡng về tâm hồn. Trẻ thơ có điều kiện được an toàn và khôn lớn; người lao động được phục hồi sức khỏe và bồi dưỡng tinh thần; người cao tuổi có nơi nương tựa... Ở gia đình, hàng ngày diễn ra các mối quan hệ thiêng liêng sâu đậm giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh - em, những người đồng tâm, đồng cảm nâng đỡ đùm bọc nhau suốt đời. Chỉ khi nào được yên ấm trong gia đình và hữu ái trong xã hội, mỗi nhân vị mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc. Một trong những bất hạnh lớn nhất của con người là lâm vào cảnh “vô gia cư”, gia đình lục đục tan nát vì rượu chè, cờ bạc, bói toán...

Gia đình là nơi nuôi dưỡng (các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện được mối quan hệ trên), chăm sóc những công dân tốt cho xã hội. Sự hạnh phúc của gia đình là tiền đề hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội. Vì vậy, muốn xây dựng xã hội thì phải chú trọng xây dựng gia đình.

Gia đình có sứ mệnh thỏa mãn nhu cầu tâm - sinh lý cho các thành viên. Nhiều vấn đề tâm - sinh lý thuộc về giới tính, thế hệ, trình độ học vấn... cần được cảm thông và giải quyết trong phạm vi gia đình giữa những người thân. Sự hình thành và hiểu biết tâm - sinh lý của từng cá nhân, quan tâm đến những nhu cầu và sở thích của nhau để ứng xử phù hợp, chân thành và tế nhị, tạo nên bầu không khí tinh thần ổn định trong gia đình, làm cho các thành viên sống tinh thần lạc quan, hy sinh và suy nghĩ tích cực[11]. Mọi thành viên đều có trách nhiệm vun đắp cho tổ ấm của gia đình, đều phải tham gia và thực hiện các chức năng của gia đình với mức độ khác nhau, tùy theo cương vị và khả năng cụ thể. Trong đó phải kể đến vai trò rất lớn của bậc làm cha mẹ, đặc biệt là của người phụ nữ trong gia đình.

Phụ nữ, trước hết là người vợ, người mẹ, là trung tâm tình cảm của gia đình, là sợi dây hàn gắn những rạn nứt và mâu thuẫn giữa các thành viên. Ở người phụ nữ, hội tụ những đức tính: hiền lành, dịu dàng, giàu tình yêu và lòng bao dung, lòng vị tha và hơn hết là ý thức được sự hạnh phúc của gia đình[12]. Những gánh nặng gia đình và công việc xã hội cùng với những thiên kiến lạc hậu và sự đối xử không bình đẳng, trọng nam khinh nữ... đã làm cho người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình và xã hội. Do đó, sự nhận ra và tôn trọng nhân phẩm là hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi con người cũng là một trong những yếu tố của việc loan báo Tin Mừng[13], nhìn nhận và đối xử với nhau như Lời Chúa dạy[14], lấy Tin Mừng để thâm nhập, gìn giữ và làm phong phú xã hội[15]. Đó chính là ý nghĩa của sứ mệnh Tân Phúc Âm hóa gia đình.

Người nam là chồng và là cha của gia đình. Ông cũng phải nhìn ra sứ mệnh của mình là trụ cột và gương mẫu của gia đình. Nhìn nhận ra giá trị và tình yêu của người vợ và với con cái là “khẳng định sự hiểu biết và thể hiện việc làm cha của mình”[16].

Mặc dù gia đình và xã hội có mối quan hệ hỗ tương và phụ thuộc với nhau, nhưng gia đình vẫn có tính độc lập tương đối và có những quyền riêng. Vì gia đình và quan hệ gia đình còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như tôn giáo, truyền thống, pháp luật... Vì vậy, mặc dù xã hội có những thay đổi nhưng gia đình vẫn lưu gia truyền thống của mình, đòi hỏi xã hội phải nhìn nhận và bổ túc cho các gia đinh.

2. GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI PHỤC VỤ CÁC GIA ĐÌNH

Lịch sử đã chỉ ra rằng, gia đình là những hình thức phản ánh sự phát triển của xã hội. Trong tiến trình lịch sử nhân loại, các phong cách xã hội lần lượt thay thế nhau, dẫn đến sự biến đổi về hình thức tổ chức, quy mô và kết cấu gia đình. Từ gia đình tập thể (ngũ đại đồng đường) đến gia đình hạt nhân (chỉ có cha mẹ và con cái), gia đình cặp đôi (hôn nhân đối ngẫu, hôn nhân không con cái) ... Tất cả các bước tiến trong gia đình đang phụ thuộc vào những bước tiến và quan niệm trong xã hội, trong trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của mỗi thời đại lịch sử.

Việt Nam ta có truyền thống từ xa xưa là tình tương thân, tương ái, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Có những trang sử, những câu truyện được lưu truyền để cho hậu thế lấy đó làm thước đo, bài học về giá trị yêu thương của người dân Việt. Đẹp là vậy, nhưng giờ đây, do nền kinh tế thị trường và sự toàn cầu hóa, chúng ta phải thành thật mà nhìn nhận về một thế hệ, một thời cuộc, một xã hội đang dần mất đi những vẻ đẹp truyền thống[17]. Thay vào đó là sự lấn chiếm dần dần của bạo lực, của dối trá, của tiền bạc, những đam mê và phi luân thường đạo lý từ trong gia đình đến học đường và xã hội.

Con người luôn được coi như là trung tâm của vũ trụ, vì ngay từ khi mới sinh ra, đã bắt đầu được hưởng thụ những gì mà thế giới ban tặng. Theo dòng lịch sử, những thế hệ đi sau luôn được đầy đủ hơn thế hệ đi trước bởi có sự kế thừa và phát triển. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu vật chất của mỗi người ngày một tăng. Để đạt được sự thỏa mãn, mỗi người sẽ có những cách hành động khác nhau. Có những người cố gắng và ý thức được rằng hạnh phúc mình tạo dựng cho mình sẽ không chiếm đoạt và gây bất hạnh cho ai. Nhưng cũng có những người sẽ bất chấp tất cả để đạt được điều mình muốn. Vì thế mà bên cạnh mặt tích cực của xã hội là hàng loạt các vấn đề nan giải đang được đạt ra.

Trong gia đình, dường như các mối quan hệ luân thường đạo lý đang bị đảo lộn. Vợ chồng coi nhau như phương tiện hàng hóa vật chất hay như chủ và đầy tớ, thỏa mãn thì sống với nhau, bằng không thì ly dị[18], theo kiểu hôn nhân chớp nhoáng[19]. Con cái tôn trọng ông bà cha mẹ dựa theo những của hồi môn để lại. Học sinh có quá nhiều môn học ở trường, học sao cho có bằng cấp, thành tài, để có địa vị xã hội mà quên đi bổn phận nên người và nên thánh (Cf. Lv 20, 26; Mt 5, 48). Bên cạnh đó, bị cuốn hút theo vô vàn những thú vui trần thế như trò chơi điện tử, tivi, phim ảnh, internet...

Ngoài xã hội, quyền và địa vị phân hóa theo thu nhập, đánh giá và tôn trọng nhau dựa trên chức vụ, hình thức bề ngoài và những tài sản sở hữu. Lo xây dựng cơ sở vật chất quá nhiều mà quên đi việc ổn định và xây dựng tinh thần. Lợi dụng uy quyền, thủ tục hành chính, ngay cả việc từ thiện bác ái, nhận nhiều ân nhân kết nghĩa... để kiếm tiền làm giàu cho cá nhân mình một cách vô lương tâm... Luân lý trở nên suy đồi, giả dối, sống hưởng thụ, nghiện hút, bài bạc, ngoại tình, ly dị, kiện tụng... Từ đó, những người chính ra phải trở nên gương sáng thì nay lại trở thành gương mù.

Chính vì thế, mọi người hữu trách và những người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ, củng cố và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Đặc biệt, cần tôn trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho các gia đình có được các quyền sau đây[20]:

- Quyền tự do lựa chọn bậc sống, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình.

- Quyền bảo toàn dây liên kết vững bền của hôn nhân và đặc tính của gia đình.

- Quyền tự do tuyên xưng đức tin và thông truyền đức tin, quyền giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và nội dung cần thiết.

- Quyền tư hữu, tự do làm việc, có việc làm, có nhà ở, tự do di cư.

- Quyền được tôn trọng nhân phẩm không phân biệt giàu nghèo, địa vị trong Giáo Hội và xã hội...

- Quyền được chăm sóc y tế trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, tùy theo điều kiện của các quốc gia.

- Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, tránh các nguy cơ như: tham nhũng, hối lộ, xì ke ma túy, dâm ô đồi trụy, nghiện hút...

- Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập hội đoàn và như thế, được đại diện bên cạnh công quyền [...]

Với Năm Phúc Âm hóa gia đình, Giáo Hội xác tín và coi rằng phục vụ gia đình là một trong những công việc chính của mình. Theo chiều hướng này, xã hội và gia đình đều lập nên “Con đường của Giáo Hội”[21]. Trên bình diện giáo phận cũng như giáo xứ, trong thư mục vụ năm 2002 số 7, Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị:[22]

- Các giáo phận nên có Văn phòng Mục vụ về Hôn nhân và Gia đình.

- Các giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình. Để các lớp học ấy có được kết quả tốt đẹp, cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của các giáo dân có khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa, truyền thông...

- Ban Mục vụ Giáo xứ có một bộ phận chuyên trách về gia đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình trong khu xóm, đặc biệt các gia đình nghèo khổ, bất thuận và các gia đình di dân, để kịp thời giúp đỡ.

- Những ngày lễ gia đình (28 tháng 6), ngày của mẹ (Chúa nhật thứ 2 của tháng 5), ngày của cha (Chúa nhật thứ 3 của tháng 6), ngày kỷ niệm thành hôn, ngày giỗ... những buổi giao lưu giữa các gia đình sẽ rất ích lợi nếu được chuẩn bị chu đáo với tinh thần cầu nguyện và học hỏi.

3. LỜI KẾT

Vị trí và giá trị của gia đình được đánh giá một cách khách quan và nền tảng, vì mỗi cá nhân được sinh ra, dưỡng dục và giáo dục trong gia đình, là nền tảng của đời sống xã hội. Mỗi cá nhân không chỉ sống trong quan hệ và thành viên của gia đình mà còn có những quan hệ và là thành viên của xã hội. Không thể có con người bên ngoài xã hội. Gia đình đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu và chuẩn bị cho quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Do đó, bất cứ xã hội nào cũng cần nhìn nhận giá trị, bổ túc, bảo vệ và thông qua gia đình để tác động đến mỗi cá nhân. Đặc biệt là sứ mệnh Phúc Âm hóa đang được khởi sự từ các gia đình, làm nền tảng cho việc Phúc Âm hóa xã hội và Giáo Hội.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 83 (Tháng 7 & 8 năm 2014)

 

 


[1] Cf. Gioan Phaolô II, FC số 42; Vatican II, Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11.

[2] Idem, Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 31.

[3] Gioan Phaolô II, FC số 37.

[4] Cf. Idem, Thư gửi các trẻ em (1994); FC số 30; Phaolô VI, Thông điệp sự sống con người số 25.

[5] Cf. Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo số 3.

[6] GLHTCG số 2207.

[7] Cf. Hiệp thông, Bản tin của HĐGM VN số 61, tr. 130-131.

[8] Chứng nhân gia đình sống đạo của tổng giáo phận Sài gòn, ngày họp hội nghị thường niên UB MVHNGĐ toàn quốc, tháng 9 năm 2013 tại Lavang; cf. FC số 59.

[9] “Người ta có trăm nẻo đường ra đi nhưng chỉ có một lối trở về, đó là Gia đình”; “Dù ta có đi đến bất cứ nơi đâu thì gia đình vẫn là nơi chờ ta quay về” (Danh ngôn).

[10] Cf. Nguyễn Thái Hợp, “Con người, một hữu thể xã hội”, trong Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo, NXB Phương Đông, Tp. HCM 2010, tr. 117-121.

[11] Cf. Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay số 52.

[12] Cf. Gioan Phaolô II, Thư gửi những chị em phụ nữ (1995) số 2-3; FC số 22-24.

[13] Cf. Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về... sđd., tr. 130-139.

[14] Cf. Hiệp Thông, Bản tin... sđd., số 63, tr. 104-105.

[15] Cf. Tòa Thánh Vatican, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo (2004) số 62-65.

[16] Gioan Phaolô II, FC số 25.

[17] Cf. Nguyễn Thái Hợp, “Toàn cầu hóa”, trong Một cái nhìn... sđd., tr. 387-410.

[18] Bênêđictô XVI, Bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về tân Phúc Âm hóa để truyền đạt đức tin Kitô giáo, ngày 7/10/2012, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma: “có một sự tương ứng rõ ràng giữa khủng hoảng đức tin và khủng hoảng hôn nhân”.

[19] Sáng thì yêu, chiều thì cưới, tối thì cãi nhau, hôm sau thì ly dị.

[20] Cf. Tòa Thánh Vatican, Hiến chương về quyền lợi các gia đình (22-10-1983) khoản 1-12; Gioan Phaolô II, FC số 46.

[21] Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình (1994) số 2.

[22] Cf. Idem, FC số 73-76.