14/06/2021 09:39

Caritas Thái Bình với Chương trình “Tiếng nói người trong cuộc”

Người ta nói rằng mỗi người chỉ có một lần sinh ra trong đời và đời người cũng chỉ có một lần để sống. Câu nói này thật sâu lắng và đáng để chúng ta quan tâm. Đặc biệt, với những ai đã và đang tham gia các hoạt động xã hội hoặc tham gia các phong trào thăng tiến con người thì câu nói trên thực sự lay động họ. Mỗi người chỉ sinh ra có một lần nhưng mỗi người lại có một lối đi riêng. Lối đi này có thể do chính họ chọn lựa nhưng đôi khi không như thế. Điều này muốn nói lên rằng có những người dù không muốn nhưng lối đi của họ lại cứ rẽ qua một bên một cách khiên cưỡng, đôi khi ép buộc, hoặc nghiệt ngã hơn bị đẩy vào “con đường cùng”.

Cùng song hành, cùng lắng nghe và cùng cảm nhận những nỗi đau thể xác và tinh thần của những anh chị em có H, ban HIV thuộc Caritas Giáo phận đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Tiếng nói người trong cuộc” cho những anh chị em đang mắc căn bệnh thế kỷ.

Mục đích của buổi tọa đàm không gì khác hơn là tạo ra một không gian và thời gian rất “riêng” mà “chung” cho những anh chị em này không phân biệt lương giáo. Một không gian chung cho những anh chị em, để qua đây, họ được gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, họ được nói lên những tiếng nói của con tim, họ được chia sẻ, được đồng cảm từ những người có trách nhiệm, từ những tình nguyện viên, từ những y bác sỹ tận tâm dấn thân vào công việc.

Buổi tọa đàm “Tiếng nói người trong cuộc” đã được khai mạc vào lúc 8:00, ngày 20 tháng 6 năm 2020, tại Giáo họ Bổng Điền, xứ Nghĩa Chính, Giáo phận Thái Bình.

Tham dự buổi tọa đàm có quý cha trong Ban giám đốc Caritas Giáo phận, cha Savio Lại Văn Sử linh hướng ban HIV, quý cha của một số giáo xứ liên quan, bác sĩ Phạm Thanh Quang trưởng ban phòng chống HIV Thái Bình, quý sơ văn phòng, quý sơ đại diện cho Ban khuyết tật cũng như một số cộng tác viên đại diện cho các Ban khác của Caritas.

Nét đặc biệt của chương trình “Tiếng nói người trong cuộc” là chính các anh chị em đang mắc căn bệnh thế kỷ. Về dự chương trình, có 30 anh chị em đến từ những câu lạc bộ, từ những gia đình với các độ tuổi khác nhau trong địa bàn tỉnh Thái Bình.

Buổi tọa đàm được bắt đầu với bài phát biểu của cha Giám đốc Caritas Giáo phận. Trong phần khai mạc, cha chào đón tất cả các tham dự viên, các tình nguyện viên, các y bác sỹ. Với cương vị là người đứng đầu Ban Caritas, cha nói lên những thao thức, băn khoăn trăn trở của mọi người trong xã hội. Cách đặc biệt, cha bày tỏ sự trân trọng và sẵn sàng lắng nghe nỗi niềm của những anh chị em mắc căn bệnh thế kỷ. Cha cũng mời gọi mọi người hãy mở lòng đón nhận và trân trọng những anh chị em. Cha cũng mời gọi hết những ai có khả năng hãy chung tay, tiếp sức bằng những việc làm cụ thể để giúp đỡ những anh chị em này và cả gia đình họ nữa có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt khổ hơn. Ngoài ra, cha cũng nhắc lại ý nghĩa của cụm từ caritas của Kitô giáo để mọi người hiểu là làm việc bác ái theo lời dạy của Chúa Giêsu và xin Chúa chúc lành cho hết mọi người.

Phần tiếp theo của “forum” là tiếng nói của người trong cuộc. Bước sang phần này, mọi người như lắng đọng hơn, sâu hơn bởi những lời chia sẻ của các anh chị em đang mắc bệnh. Những lời chia sẻ như muốn nói, như muốn van xin mọi người đừng xa lánh họ, hãy thông cảm, hãy giúp đỡ họ, giúp đỡ các con của họ, gia đình họ và cả tương lai của họ. Hầu hết những lời chia sẻ mang tính tự sự từ tận đáy lòng. Người trong cuộc lên tiếng. Người ngoài cuộc lắng nghe. Cả hai như hòa quyện vào cùng một dòng suy tư, một dòng chảy cảm thương. Thật cảm động và trân trọng những mảnh đời đau khổ, bị hắt hủi, bị xa lánh, bị kỳ thị, bị bỏ rơi nhưng vượt trên tất cả, những anh chị em này vẫn cố gắng để sống, vẫn cố gắng để vươn lên. 

Nghe được tiếng nói của người trong cuộc, mọi người tham dự cảm thấy xót xa cho thân phận của họ. Mong sao xã hội quan tâm đến họ. Mọi người hãy thôi nhìn họ bằng cặp mắt khinh bỉ. Trái lại, hãy nhìn họ bằng con mắt cảm thương. Hãy mở cho họ và con cái họ một lối đi, một tương lai để sống. 

Bằng chứng cụ thể của một người bệnh tham dự “forum” lần này. Trường hợp của chị T. Chị T là một phụ nữ rất hoạt bát nhanh nhẹn. Giờ đây, chị thu mình lại, sợ hãi trước ánh mắt của mọi người. Chị kể rằng ban đầu chị đi làm công ty, khi chưa ai biết chị bị bệnh thì mọi việc diễn ra khá suôn sẻ nhưng đến khi mọi người biết chị bị bệnh thì hầu hết mọi người đều tỏ ra sợ hãi, xa lánh chị, thậm chí trong bữa cơm cũng không ai muốn ngồi cùng bàn với chị. Sau cùng, do không vượt qua được những lời ra tiếng vào chị đành phải bỏ việc. Cuộc sống của chị vốn cơ cực nay lại trở nên cơ cực hơn.

Câu chuyện buồn của anh S đến từ huyện Kiến Xương. Ban đầu anh là một chàng thanh niên rất hiền lành, chăm chỉ làm việc nhưng anh bị bạn bè xấu cám dỗ và kết cuộc anh đã sa ngã và bị bệnh. Khi biết mình mắc bệnh, anh đã hối hận và quyết tâm thay đổi cuộc đời. Anh đã đi học cắt tóc. Anh chia sẻ rằng ban đầu tiệm cắt tóc của anh khá đông khách nhưng khi biết anh đang mang nơi mình căn bệnh HIV tiệm cắt tóc của anh cứ thưa khách dần và cuối cùng không còn khách và anh phải đóng cửa. Cuộc sống cơ cực nhưng anh rất tin Chúa. Anh tin Chúa vẫn yêu thương anh. Anh ví mình như người con hoang đàng ở trong Tin mừng Luca. Dù người con có tội lỗi đến đâu nhưng nếu biết hối hận và trở về thì Chúa vẫn tha thứ và vẫn yêu thương. Chính vì thế, anh sống rất lạc quan và thông cảm cho những người nghĩ không tốt về mình.

Trường hợp của một bạn đến từ CLB Hy Vọng. Với bạn này thì ít ai nghĩ bạn đang mang căn bệnh thế kỷ này. Bởi dáng người rất khỏe mạnh, hay nói hay cười, nhưng khi nghe bạn tâm sự mọi người mới thấy bạn là một hoàn cảnh đáng thương. Bạn cho biết bạn là người sống rất tự tin và lạc quan. Bạn có thể vượt qua được những ánh mắt coi thường mình nhưng bản thân là một người mẹ, bạn không thể chịu được khi nhìn thấy đứa con nhỏ của mình bị bạn bè xa lánh, không ai chơi. Mỗi khi đi đón con ở trường mẫu giáo, bạn đều thấy con của mình ngồi co ro ở dưới cùng của lớp học. Lòng bạn quặn đau nhưng bản thân lại không biết phải làm thế nào. Bạn đến đây với một mong muốn duy nhất là mong Caritas Giáo phận quan tâm đến những đứa trẻ không may mắn này và tạo điều kiện cho các em có dịp vui chơi bổ ích.

Buổi tọa đàm vẫn còn những chia sẻ khác và nói chung mọi người trong số họ đều sống trong đau khổ, cảm thấy mình bị hắt hủi xa lánh. Họ mong sao xã hội nhìn họ với cặp mắt thông cảm. Họ mong được sống một cuộc sống như những người bình thường khác.

Tiếp theo phần chia sẻ của các bệnh nhân là lời giải đáp thắc mắc của bác sĩ Phạm Thanh Quang, trưởng ban phòng chống HIV Tỉnh Thái Bình. Những câu hỏi rất thực tế của các tham dự viên được đặt ra cho bác sỹ và về phần mình, bác sỹ đã giải đáp rất nhanh gọn, sát với câu hỏi và qua những câu giải đáp cùng những kiến thức chuyên môn, bác sỹ đã giúp cho mọi người hiểu ra nhiều điều và cảm thấy vui hơn, tự tin hơn để sống.

Sau cùng, để kết thúc buổi “forum”, cha Giám đốc cám ơn tất cả những tấm lòng quảng đại đã giúp đỡ chương trình. Cha cũng cám ơn mọi tham dự viên tham dự cách chủ động, tích cực, và cách đặc biệt Cha cũng cám ơn sơ đặc trách ban HIV đã vất vả cộng tác tổ chức buổi toạ đàm đầy ý nghĩa này. Cha hứa sẽ cố gắng đáp ứng những thao thức và mong muốn của những anh chị em mắc bệnh và chúc các anh chị em luôn mang nơi mình một nghị lực sống và mang theo một hy vọng để can đảm bước tới tương lai.

Vp. Caritas Thái Bình

 

Album hình ảnh