14/06/2021 09:34

Các Luận Chứng về Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa

Nhiều người, cả người tín hữu lẫn người vô tín, nghi ngờ về việc sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được chứng minh hoặc ngay cả bàn luận đến. Nhưng không ai có thể nghi ngờ một cách hữu lý việc lưu tâm đến các luận chứng này có một vị trí nhất định trong bất kỳ cuốn sách về hộ giáo nào. Đó là bởi rất nhiều người tin rằng những luận chứng như thế là điều có thể, và một số trong các luận chứng đó thực sự hữu hiệu.

Họ cũng tin rằng một luận chứng hợp lý và hiệu quả về sự hiện hữu của Thiên Chúa là bước quan trọng đầu tiên trong việc mở ra cho tâm trí khả thể đi đến niềm tin.

Bạn có thể không cảm thấy rằng các luận chứng này có giá trị thực sự đối với bạn. Bạn có thể may mắn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa – bạn phải biết ơn sâu xa về điều này. Nhưng đó không có nghĩa là bạn không có nghĩa vụ phải suy nghĩ về những luận chứng. Vì nhiều người không được may mắn như thế. Những luận chứng này được dành cho họ – hay ít nhất một số người trong nhóm họ – để họ có được một loại trợ giúp mà họ thực sự cần đến. Thậm chí bạn cũng có thể được yêu cầu cung cấp cho họ trợ giúp đó.

Luận chứng về Nguyên nhân tác thành

Chúng ta nhận thấy rằng một số sự vật làm cho những sự vật khác hiện hữu (bắt đầu hiện hữu, tiếp tục hiện hữu, hoặc cả hai). Ví dụ, một người chơi đàn piano là nguyên nhân gây ra âm thanh mà chúng ta nghe thấy. Nếu anh ta dừng lại, thì âm thanh cũng dừng.

Bây giờ câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng mọi vật hiện hữu hiện tại là do tác động của những sự vật khác? Giả sử điều này đúng, nghĩa là, giả sử rằng không có Hữu thể không có nguyên nhân, tức là không có Thiên Chúa thì không có gì tồn tại cả. Theo thuyết không có Thiên Chúa, tất cả mọi sự vật cần phải có một nguyên nhân hiện tại nằm bên ngoài bản thân chúng để tồn tại. Vì thế, ngay lúc này đây, tất cả mọi sự vật, bao gồm tất cả những sự vật mà chúng làm cho những sự vật khác hiện hữu, cần phải có một nguyên nhân. Chúng chỉ có thể cho sự hiện hữu bao lâu chúng nhận sự hiện hữu. Do đó, dựa trên giả thuyết này, mọi sự vật hiện hữu cần được làm cho hiện hữu.

Nhưng điều gì là nguyên nhân cho mọi sự vật hiện hữu? Vượt khỏi mọi sự vật hiện hữu thì chỉ có thể là hư không. Nhưng điều đó là vô lý: vì tất cả mọi thực tại là phụ thuộc – nhưng lại không phụ thuộc vào cái gì sao? Như thế, giả thuyết mọi hữu thể đều có nguyên nhân, rằng không có Hữu thể Không có nguyên nhân, là vô lý. Vì vậy, phải có một cái gì đó không có nguyên nhân, một cái gì đó mà tất cả mọi sự vật cần có một nguyên nhân tác thành hiện hữu tùy thuộc vào nó.

Sự hiện hữu giống như một món quà được trao ban từ nguyên nhân đến kết quả. Nếu không ai có quà tặng thì món quà không thể truyền đến một chuỗi những người nhận, dù chuỗi đó dài hay ngắn. Nếu mọi người phải mượn một cuốn sách nào đó, nhưng không ai thực sự nó, thì không ai sẽ nhận được nó bao giờ cả. Nếu không có Thiên Chúa, Đấng có sự hiện hữu bởi tự bản chất đời đời riêng của Ngài, món quà hiện hữu không thể được truyền xuống chuỗi các thụ tạo và chúng ta không bao giờ có thể nhận được nó. Nhưng chúng ta lại nhận được nó; chúng ta hiện hữu. Như vậy phải có một Thiên Chúa: một Hữu thể Không nguyên nhân, Đấng không phải nhận sự hiện hữu như chúng ta – và như mọi mắc xích khác trong chuỗi những người nhận.

Luận chứng về Sự thay đổi

Thế giới vật chất mà chúng ta biết là một thế giới của sự thay đổi. Cô gái trẻ này cao 1m59, nhưng cô ta không luôn luôn ở chiều cao đó. Cây sồi cổ thụ trước mắt chúng ta lớn lên từ một hạt rất nhỏ. Khi sự vật hiện hữu trong một tình trạng nào đó, ví dụ xét về mặt kích cỡ trưởng thành, thì tình trạng đó không tự nó làm cho nó hiện hữu. Cho đến khi nó đi vào hiện hữu thì nó không hiện hữu, và nếu nó chưa hiện hữu, nó không thể gây nên bất cứ điều gì.

Còn về sự vật mà nó thay đổi, mặc dầu nó có thể là cái nó sẽ là, thì nó chưa là cái nó sẽ là. Ngay bây giờ nó thực sự hiện hữu trong tình trạng này (một hạt); nó sẽ thực sự hiện hữu trong tình trạng kia (một cây sồi to lớn). Nhưng nó chưa thực sự trong tình trạng đó bây giờ. Nó chỉ có tiềm năng đi đến tình trạng đó.

Một câu hỏi được nêu lên: Để giải thích sự thay đổi, chúng ta có thể xem xét sự vật đang thay đổi hay phải xem xét cả những vật khác mà cũng liên quan đến nó? Rõ ràng, những sự vật khác phải được gộp vào. Không gì có thể tự nó cho cái nó không có, và sự vật đang thay đổi không thể có ngay bây giờ cái nó rồi sẽ có. Kết quả của sự thay đổi không có thể hiện hữu thực sự trước sự thay đổi. Sự vật đang thay đổi bắt đầu với chỉ tiềm năng để thay đổi, nhưng nó cần được hiện thể hóa bởi những sự vật khác bên ngoài nếu tiềm năng đó được làm thành hiện thực. Ngược lại nó không thể thay đổi.

Không gì tự nó thay đổi. Xét mặt bên ngoài, những sự vật tự chuyển động, như cơ thể động vật, được chuyển động bởi ước muốn hay ý chí – các sự vật không gì hơn chỉ là các phân tử. Và khi động vật hay con người chết, các phân tử vẫn còn, nhưng cơ thể không còn chuyển động bởi vì ước muốn hay ý chí không còn có để điều khiển nó.

Giờ đây một câu hỏi khác xa hơn: phải chăng những sự vật khác bên ngoài sự vật đang thay đổi cũng thay đổi? Phải chăng tác nhân làm chuyển đông cũng chuyển động? Nếu thế, ngay bây giờ tất cả chúng chắc chắn cần được tác động bởi những sự vật khác, hoặc nếu không chúng không thể thay đổi. Bất chấp có bao nhiêu sự vật trong một chuỗi các sự vật đi chăng nữa thì mỗi sự vật cần những sự vật khác bên ngoài chính nó để hiện thể hóa tiềm năng của nó dẫn đến sự thay đổi.

Vũ trụ là tổng thể của tất cả những sự vật di chuyển này, dù là rất nhiều. Toàn bộ vũ trụ là trong quá trình thay đổi. Nhưng chúng ta đã thấy rằng sự thay đổi trong bất kỳ hiện thể nào đòi hỏi một lực bên ngoài để hiện thể hóa nó. Vì vậy, có một lực ngoài (bên trên) vũ trụ, một hữu thể thực siêu việt trên vũ trụ. Hữu thể này được hiểu là “Thiên Chúa.”

Tóm lại, nếu không có gì bên ngoài vũ trụ vật chất, thì không có gì có thể làm cho vũ trụ thay đổi. Nhưng nó thay đổi. Do đó phải có một cái gì đó ngoài vũ trụ vật chất. Nhưng vũ trụ là tổng thể của tất cả vật chất, không gian và thời gian. Ba phạm trù này phụ thuộc vào nhau. Vì thế hữu thể bên ngoài vũ trụ này thì ở ngoài vật chất, không gian và thời gian. Nó không là một sự vật đang thay đổi, nó là Nguồn không thay đổi của sự thay đổi.

Luận chứng về Thiết Kế

Các luận chứng về Thiết Kế có sức lôi cuốn lớn lao và lâu dài. Hầu hết mọi người thừa nhận rằng việc suy tư phản tỉnh về trật tự và vẻ đẹp của thiên nhiên đụng chạm đến phần rất sâu thẳm bên trong chúng ta. Nhưng liệu rằng trật tự và vẻ đẹp đó có là sản phẩm của một thiết kế thông minh và có chủ đích? Đối với những người theo thuyết hữu thần thì câu trả lời là đúng như thế. Các luận chứng cho sự thiết kế là những nỗ lực biện hộ cho câu trả lời này; cho thấy tại sao nó là câu trả lời hợp lý nhất được đưa ra. Các lập luận này được xây dựng trong những cách thức cũng đa dạng phong phú như kinh nghiệm mà ở đó chúng được bắt rễ. Điều sau đây cho thấy điểm cốt lõi hay cái nhìn trọng tâm.

1. Vũ trụ này tỏ lộ một lượng tính khả tri và khôn ngoan lớn lao đến kinh ngạc, cả bên trong những sự vật chúng ta quan sát và trong cách thức những sự vật này liên quan đến những sự vật khác ngoài chúng. Nghĩa là: cách mà chúng hiện hữu hay đồng hiện hữu cho thấy một trật tự phức tạp đẹp đẽ và đều đặn ngay cả những người quan sát tầm thường nhất cũng phải ngất ngây. Chính quy luật trong tự nhiên đối với nhiều hữu thể khác nhau làm việc cùng nhau đưa đến cùng một mục đích có giá trị – ví dụ – các cơ quan trong cơ thể làm việc cho sự sống và sức khỏe của chúng ta.

2. Hoặc trật tự khả tri này là sản phẩm của sự ngẫu nhiên hoặc là của một thiết kế thông minh.

3. Không phải ngẫu nhiên. Vì cái kém hơn (không trật tự) không thể làm nên cái tốt hơn(trật tự)

4. Do đó vũ trụ là sản phẩm của một thiết kế thông minh.

5. Thiết kế này chỉ đến từ một thượng trí, một nhà thiết kế.

6. Do đó vũ trụ là sản phẩm của một Nhà thiết kế thông minh.

Câu hỏi: Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cái trật tự chúng ta kinh nghiệm được chỉ là một sản phẩm của trí óc chúng ta? Cho dù chúng ta không thể nghĩ được, hay nhìn được trong tâm trí mình tình trạng hỗn mang và mất trật tự cao độ nơi thực tại, thì thực tại vẫn có thể là rất hỗn mang và mất trật tự thì sao?

Trả lời: Trí óc của chúng ta là phương tiện duy nhất ngang qua nó chúng ta có thể hiểu biết về thực tại. Chúng ta không có cách nào khác. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng có những cái không thể tồn tại trong tư tưởng chúng ta, thì không thể đi tiếp và nói rằng nó có thể tồn tại trong thực tế. Khi đó chúng ta sẽ nghĩ về điều mà chúng ta khăng khăng là không thể được nghĩ đến.

Luận chứng Kalam

Từ Kalam trong tiếng Ả Rập nghĩa đen là “diễn thuyết,” nhưng nó biểu thị một loại thần học thuộc lãnh vực triết học nào đó – chứa đựng những chứng minh cho rằng thế giới này không thể có từ muôn thuở, vì thế nó phải được Thiên Chúa tạo nên. Kiểu chứng minh này có sức lôi cuốn lớn lao và lâu đời cho người Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Hình thức của nó thì đơn giản và dễ hiểu.

1. Bất cứ cái gì bắt đầu tồn tại đều có một nguyên nhân để nó đi vào hiện hữu.

2. Vũ trụ đã bắt đầu tồn tại.

3. Vì vậy, vũ trụ có một nguyên nhân để nó đi vào hiện hữu.

Chúng ta thừa nhận tiền đề đầu tiên. (Hầu hết mọi người (ngoại trừ những người trong nhà thương điên), thậm chí cả người vô học, xem nó không chỉ đúng nhưng chắc chắn và hiển nhiên đúng.)

Tiền đề thứ hai có đúng không? Phải chăng vũ trụ – tập hợp mọi sự vật bị giới hạn bởi không gian và thời gian – đã bắt đầu tồn tại? Tiền đề này gần đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khoa học tự nhiên – từ cái gọi là vũ trụ luận Big Bang. Nhưng cũng có những tranh luận triết học ngay trong chính sự ủng hộ đó. Liệu rằng một nhiệm vụ vô hạn có bao giờ có thể được thực hiện hoặc hoàn tất hay không? Để đạt được một mục đích nhất định, nếu có nhiều vô cùng những bước phải đứng trước đó, thì có thể đến bao giờ mới đạt được mục đích? Tất nhiên câu trả lời là không, không ngay cả với một thời gian vô hạn. Vì một thời gian vô hạn sẽ không có kết thúc, tương tự như các bước. Nói cách khác, không bao giờ đạt được mục đích. Nhiệm vụ sẽ không bao giờ hoặc có thể bao giờ được hoàn tất.

Nếu vũ trụ luôn luôn đã là như thế, thì nó có từ muôn thuở. Nếu nó có từ muôn thuở, thì một lượng vô hạn về thời gian sẽ phải đã trôi qua trước ngày hôm nay. Và vì vậy một lượng vô hạn ngày đã phải được hoàn tất – ngày này tiếp nối ngày kia, một chút thời gian được thêm vào những gì đã đi trước, để cho ngày hiện tại đến. Nhưng điều này hoàn toàn tương ứng với vấn đề nhiệm vụ vô hạn.

Luận chứng bản thể học

Luận chứng bản thể học được đưa ra bởi thánh Anselmô thành Canterbury (1033-1109). Hầu hết những người đầu tiên nghe đến nó thì bị cám dỗ bỏ ngay lập tức như là một điều khó hiểu thú vị, nhưng các nhà tư tưởng nổi tiếng của mọi thời đại, trong đó có chúng tôi, đứng lên bảo vệ nó. Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất thuộc lãnh vực triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa; vị trí danh giá của nó không phải là ở lòng mộ đạo bình dân nhưng đúng hơn là ở sách giáo khoa và tạp chí chuyên nghiệp. Chúng tôi gồm tóm nó với sự thảo luận tối thiểu, không phải vì chúng tôi nghĩ nó đáng thuyết phục hay không thể bác bỏ được nhưng vì muốn cho đầy đủ.

1. Một sự vật hiện hữu cả trong tâm trí và thực tế thì lớn hơn khi nó chỉ ở trong tâm trí.

2. Thiên Chúa là “một hữu thể mà người ta không thể nghĩ được có một cái gì lớn hơn.”

3. Giả sử rằng Thiên Chúa hiện hữu trong tâm trí nhưng không có trong thực tế.

4. Lúc đó, một cái lớn hơn Thiên Chúa có thể được nghĩ đến (cụ thể là, một hữu thể có tất cả những phẩm chất mà tư tưởng về Thiên Chúa của chúng ta thêm vào sự hiện hữu thực sự).

5. Nhưng điều này là không thể, vì Thiên Chúa là “một hữu thể mà người ta không thể nghĩ được có một cái gì lớn hơn.”

6. Do đó Thiên Chúa hiện hữu trong tâm trí và trong thực tế.

Luận chứng về luân lý

1. Tuân theo tiếng nói lương tâm đích thực là một thực tế. Chúng ta bị bó buộc thực sự, đích thực và khách quan phải làm điều tốt và tránh điều ác.

2. Hoặc là quan điểm vô thần về thực tại là đúng, hoặc là quan điểm “tôn giáo” là đúng.

3. Nhưng người vô thần không tương hợp với việc tuân theo tiếng nói lương tâm.

4. Do đó quan điểm “tôn giáo” về thực tại là đúng đắn.

Chúng ta cần làm rõ tiền đề đầu tiên. Tiền đề này không có nghĩa rằng chỉ đơn thuần là chúng ta có thể thấy những người xung quanh có những trách nhiệm nhất định. Cũng không có nghĩa rằng có nhiều người đã nghĩ là họ đã bị bó buộc phải làm những điều nhất định (như mặc áo người ở trần) và họ phải tránh làm những điều khác (như phạm tội ngoại tình). Tiền đề đầu tiên khẳng định một điều gì đó hơn nữa: cụ thể là, chúng ta thực sự bị ràng buộc và trách nhiệm của chúng ta phát sinh từ cách mà những sự vật thực sự là, mà không chỉ đơn giản là từ những khát vọng hoặc những sắp đặt chủ quan của chúng ta. Nói cách khác, các giá trị đạo đức hay các bổn phận – không đơn thuần là niềm tin vào các giá trị đạo đức – là những hiện thực khách quan.

Ngay bây giờ, khi bàn đến hiện thực về việc tuân phục theo lương tâm, thì một vấn đề tự nhiên nảy sinh. Liệu hình ảnh về thế giới được trình bày bởi người vô thần có phù hợp với hiện thực này hay không? Câu trả lời là không. Người vô thần không bao giờ mệt để nói cho chúng ta biết rằng chúng ta là những sản phẩm ngẫu nhiên của những chuyển động vật chất, một chuyển động không có mục đích và mù mờ đối với mọi nỗ lực của con người. Chúng ta nên dùng chính ngôn từ và đòi hỏi của họ. Xét điểm này, một cách chính xác thì sự thiện đạo đức bắt nguồn từ điều gì? Tuân theo tiếng nói lương tâm khó có thể được bắt nguồn từ một chuyển động vật chất không rõ mục đích.

Giả sử chúng ta nói nó không được bắt nguồn từ cái gì sâu hơn cả ý chí và khát vọng của con người. Trong trường hợp đó, chúng ta không có tiêu chuẩn đạo đức nào dựa vào đó mà đánh giá những khát vọng của con người. Vì mỗi khát vọng sẽ khởi đi từ cùng một nguồn tối hậu – vật chất không mục đích, không lòng thương xót. Và như thế, điều gì trở nên sự bó buộc? Theo quan điểm này, nếu tôi nói có một bổn phận để nuôi người đói, đó là tôi nêu ra một thực tế về mong muốn và ước vọng của chính tôi chứ không phải điều gì khác. Tôi sẽ nói rằng tôi muốn người đói được ăn, và rằng tôi chọn hành động theo ước muốn đó. Nhưng điều này trở nên một sự thừa nhận rằng tôi cũng như mọi người không thực sự bị bó buộc cho người đói ăn, và rằng trên thực tế, không có bất kỳ ai có bổn phận thực sự nào cả. Do đó, quan điểm vô thần về thực tại là không tương hợp với việc tuân theo tiếng nói lương tâm chân thực.

Luận chứng từ Lương tâm

Ngày nay, vì chủ nghĩa chủ quan về đạo đức rất phổ biến nên các luận chứng về đạo đức phải mang lại hiệu quả, vì nó không giả định trước chủ nghĩa tương đối về đạo đức. Con người thời nay thường nói họ tin rằng không có nghĩa vụ ràng buộc về đạo đức một cách phổ quát, và rằng tất cả chúng ta phải làm theo tiếng nói lương tâm của riêng mình. Nhưng chính thừa nhận đó là đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Điều đáng chú ý là không có ai, thậm chí cả những người hoàn toàn theo chủ nghĩa chủ quan nhất, lại tin rằng việc cố ý không tuân theo tiếng nói lương tâm của mình là điều tốt cả. Thậm chí nếu lương tâm của nhiều người khác nhau nói cho họ biết phải làm hay tránh những điều hoàn toàn khác nhau, thì vẫn còn một tiêu chuẩn tuyệt đối về đạo đức cho tất cả mọi người: không bao giờ không tuân theo tiếng nói lương tâm của mỗi người.

Bây giờ, bởi đâu mà lương tâm đã nhận được một thẩm quyền tuyệt đối như thế – một thẩm quyền được thừa nhận ngay cả bởi những người theo chủ nghĩa chủ quan và khách quan về đạo đức? Chỉ có bốn khả năng: (1) từ một cái gì đó kém hơn tôi (thiên nhiên); (2) từ tôi (cá nhân); (3) từ những người khác ngang bằng với tôi (xã hội); hoặc (4) từ một cái gì đó ở trên tôi (Thiên Chúa). Hãy xem xét mỗi một trong các khả năng này theo thứ tự.

1. Làm thế nào tôi có thể hoàn toàn tuân theo một cái gì đó kém hơn tôi, ví dụ, theo bản năng động vật hoặc theo nhu cầu thực tiễn cho sự sống còn về mặt vật chất?

2. Làm thế nào tôi có thể bó buộc phải tuân theo bản thân mình một cách tuyệt đối? Tôi có là tuyệt đối không? Tôi có quyền đòi hỏi bất kỳ ai, ngay cả bản thân mình vâng phục cách tuyệt đối không? Và nếu tôi là một người tự khóa bản thân mình trong nhà tù của sự bó buộc, tôi cũng có thể cho bản thân mình ra ngoài, nên sẽ phá hủy cái tuyệt đối của bó buộc mà chúng ta đã thừa nhận như là tiền đề của chúng ta.

3. Làm thế nào xã hội có thể bó buộc tôi được? Những người ngang bằng tôi lấy quyền gì mà áp đặt những điều đó lên tôi? Liệu số lượng làm nên chất lượng không? Liệu một triệu con người có làm cho một điều tương đối trở thành tuyệt đối không? “Xã hội” là Thiên Chúa hay sao?

4. Nguồn gốc duy nhất của việc tuân theo tiếng nói lương tâm cách tuyệt đối là một cái gì đó vượt trội trên tôi. Điều này gắn chặt với ý chí của tôi về mặt đạo đức, với những đòi hỏi chính đáng đối với việc vâng phục hoàn toàn.

Vì thế, Thiên Chúa hay một điều gì như Thiên Chúa là nguồn gốc và nền tảng duy nhất xứng đáng với việc tuân theo tiếng nói lương tâm cách tuyệt đối, tất cả chúng ta cảm thấy phải vâng phục lương tâm. Vì thế, lương tâm chỉ có thể được giải thích như tiếng nói của Thiên Chúa trong linh hồn.

Luận Chứng từ Ước muốn

1. Mọi ước muốn tự nhiên và bẩm sinh trong chúng ta tương ứng với những đối tượng có thực vốn có thể làm thỏa mãn ước muốn đó.

2. Nhưng tồn tại trong chúng ta một ước muốn bẩm sinh mà không gì trong thời gian, không gì trên mặt đất này, không một thụ tạo nào có thể làm thỏa mãn.

3. Do đó, phải tồn tại một điều gì đó vượt trên thời gian, trên mặt đất và trên các thụ tạo mới có thể làm thỏa mãn ước muốn này.

4. “Điều gì” ở đây là cái mà người ta gọi là “Thiên Chúa” và “sự sống với Thiên Chúa vĩnh viễn.”

Tiền đề đầu tiên ngụ ý một sự phân biệt các ước muốn thành hai loại: do bẩm sinh và do điều kiện bên ngoài, hay tự nhiên và không tự nhiên. Chúng ta ước muốn tự nhiên những thứ như thức ăn, thức uống, tình dục, giấc ngủ, kiến thức, tình bạn và vẻ đẹp; và chúng ta xa tránh cách tự nhiên những thứ như sự chết đói, cô đơn, vô tri và xấu xí. Chúng ta cũng mong muốn (nhưng không phải bẩm sinh hay tự nhiên) những thứ như xe thể thao, chức vụ chính trị, bay qua không khí như Siêu nhân, vùng đất Oz và một chức vô địch thế giới Red Sox.

Giờ đây có sự khác biệt giữa hai loại ước muốn. Ví dụ, chúng ta không nhận thấy rằng loại thứ hai, tức là loại không tự nhiên, thiếu hụt những trạng thái tương ứng với những ước muốn như chúng ta mong muốn cho loại thứ nhất. Không có từ nào như Ozlessness song song với sự khó ngủ. Nhưng quan trọng hơn những ước muốn tự nhiên đến từ bên trong, từ bản chất của chúng ta, trong khi những cái không tự nhiên đến từ bên ngoài xã hội, quảng cáo hay tưởng tượng. Điều khác biệt thứ hai này là lý do cho một sự khác biệt thứ ba: trong tất cả chúng ta đều có những ước muốn tự nhiên, nhưng những ước muốn không tự nhiên thì khác nhau từ người này đến người.

Sự tồn tại của những ước muốn không tự nhiên không nhất thiết có nghĩa rằng các đối tượng được mong muốn tồn tại. Một số tồn tại, một số không. Những chiếc xe thể thao tồn tại; vùng đất Oz không tồn tại. Nhưng có sự tồn tại của những ước muốn tự nhiên, trong mọi trường hợp có thể tìm thấy, có nghĩa là các đối tượng được ước muốn tồn tại. Không ai thấy có một trường hợp một ước muốn bẩm sinh tồn tại mà không có một đối tượng không tồn tại bao giờ cả.

Tiền đề thứ hai chỉ đòi hỏi cái nhìn nội tâm chân thực. Nếu ai đó chối bỏ nó và nói, “Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi chơi với những cái bánh bùn, hoặc xe thể thao, hoặc tiền bạc, hoặc tình dục, hoặc năng lượng, chúng ta chỉ có thể hỏi, “có thực bạn như vậy không?” Nhưng chúng ta chỉ có thể mời gọi, chúng ta không thể bắt buộc. Chúng ta có thể nói đến một người như thế với lời chứng gần như phổ quát của lịch sử con người trong tất cả nền văn học vĩ đại của nó. Ngay cả triết gia vô thần Jean-Paul Sartre đã thừa nhận rằng “đến lúc người ta phải hỏi, thậm chí cả Shakespeare, cả Beethoven, ‘Đó có phải là tất cả không?”

C.S. Lewis, người sử dụng luận chứng này ở nhiều nơi, tóm tắt ngắn gọn như sau:

Mọi thụ tạo không sinh ra với những ước muốn trừ khi sự thỏa mãn cho những ước muốn này tồn tại. Một em bé cảm thấy đói; một cách tương ứng, có một điều như vậy là thực phẩm. Một vịt con muốn bơi lội; một cách tương ứng, có một điều như vậy là nước. Con người cảm thấy ham muốn tình dục; một cách tương ứng, có một điều như vậy là tình dục. Nếu tôi tìm thấy trong bản thân mình một ước muốn mà không kinh nghiệm nào trong thế giới này có thể đáp ứng, thì lời giải thích khả dĩ nhất là tôi đã được dựng nên cho thế giới khác. (Chỉ Kitô giáo, quyển 3,. chương. 10)

Luận Chứng từ Kinh Nghiệm Thẩm Mỹ

1. Có âm nhạc của Johann Sebastian Bach.

2. Như vậy, phải có một Thiên Chúa. Hoặc bạn có thể thấy Ngài hoặc bạn không thấy.

Cuộc đánh cược của Pascal

Giả sử bạn vẫn cảm thấy rằng tất cả các luận chứng này là không thuyết phục. Có một luận chứng khác, khác với loại luận chứng trên. Nó đã được biết đến như là một cuộc đánh cược của Pascal. Chúng tôi đề cập đến nó ở đây và làm cho nó thích ứng với mục đích của chúng ta, không phải vì nó là một bằng chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng vì nó có thể giúp chúng ta trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa trong khi không có bằng chứng thỏa đáng.

Theo đề xuất ban đầu của Pascal, cuộc đánh cược giả định rằng nó không đưa ra những lý lẽ ủng hộ hay chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa; nhưng vẫn có các lý lẽ ủng hộ cho cả hai bên. Vì lý trí không thể quyết định cho chắc chắn được, và vì vấn đề có tầm quan trọng như vậy, dù sao chúng ta cũng phải quyết định, chúng ta phải “đánh cược” nếu chúng ta không thể chứng minh. Câu hỏi được đặt ra là: Bạn sẽ đặt cược vào đâu?

Nếu bạn đặt cược vào Thiên Chúa, thì bạn chẳng mất gì, ngay cả khi Thiên Chúa không hiện hữu. Nhưng nếu bạn đặt cược không có Thiên Chúa, và bạn mắc sai lầm nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu, khi đó bạn mất tất cả: Thiên Chúa, đời sau, thiên đàng, ích lợi đời đời. “Chúng ta hãy đánh giá hai trường hợp: nếu bạn thắng, bạn được tất cả, nếu bạn thua, bạn chẳng mất tí gì” (xem hình 2)

Thiên Chúa hiện hữu          Thiên Chúa không hiện hữu

Tôi tin vào Ngài                 Tôi không tin vào Ngài

Cuộc đánh cược có thể có vẻ vụ lợi khó chịu và hoàn toàn ích kỷ. Nhưng nó có thể được diễn tả lại cho hợp với một động cơ đạo đức cao hơn: Nếu có một Thiên Chúa tốt lành vô cùng, và Ngài thực sự xứng đáng với lòng trung thành và lòng tin của tôi, thì tôi có nguy cơ làm điều bất chính nhất nếu không nhìn nhận Ngài.

Cuộc đánh cược không thể – hay không nên ép buộc tin. Nhưng nó có thể là một sự khích lệ chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, để học tập và tái nghiên cứu các luận chứng mà chúng cho thấy rằng có một Điều gì đó – hay – một Đấng nào đó là lời giải thích cuối cùng về vũ trụ và về cuộc sống của tôi. Nó có thể thúc đẩy “Lời nguyện của người theo thuyết hoài nghi”: “Lạy Thiên Chúa, tôi không biết liệu Ngài có hiện hữu hay không nhưng nếu Ngài hiện hữu, xin thương tỏ cho tôi biết Ngài là ai.”

Pascal nói rằng có ba loại người: những người đã tìm kiếm Thiên Chúa và đã thấy Ngài, những người đang tìm kiếm và chưa tìm thấy, và những người không tìm kiếm và cũng không thấy. Loại người đầu tiên thì khôn ngoan và đạt được hạnh phúc, loại người thứ hai thì khôn ngoan nhưng chưa hạnh phúc, loại người thứ ba thì chẳng khôn ngoan hay hạnh phúc. Nếu cuộc đánh cược khích lệ chúng ta ít là để tìm kiếm Thiên Chúa, thì nó cũng sẽ khích lệ chúng ta trở nên khôn ngoan. Và nếu lời hứa mà Chúa Giêsu hứa là đúng, thì tất cả những ai tìm kiếm thì sẽ thấy (Mt 7:7-8) và, do đó, sẽ được hạnh phúc.