14/06/2021 09:37

Bài nói chuyện của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên với các bạn trẻ tại Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XIV

Bài nói chuyện của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên với các bạn trẻ tại Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XIV tại quảng trường TGM giáo phận Vinh ngày 17/11/2016. Chủ đề: Môi Trường

Chủ đề: Môi Trường

Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội Lần Thứ XIV

tại Giáo Phận Vinh, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

Trọng kính Đức Hồng Y, Quí Đức Tổng, Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ, Quí Thầy, Quí Đại Biểu và các bạn trẻ,

Tôi được đề nghị nói về chủ đề môi trường trong khoảng thời gian 7 phút. Khi nhìn vào chủ đề này, tôi tự hỏi ‘mình sẽ nói gì đây trong khoảng thời gian đó?’, bởi vì, khái niệm ‘môi trường’ rất đa dạng, liên quan đến tất cả các thực tại thuộc thế giới vĩ mô, thế giới vi mô, thế giới tâm linh hay bất cứ thế giới nào khác mà con người có thể liệt kê được, chẳng hạn, môi trường hạt nhân, môi trường nguyên tử, môi trường phân tử, môi trường tế bào, môi trường thái dương hệ, môi trường các thiên hà, môi trường văn hóa, môi trường tôn giáo, môi trường xã hội. Chúng ta có thể nêu lên hàng trăm hình thức môi trường khác nhau. Trong bối cảnh hôm nay, tôi muốn nói về môi trường thiên nhiên theo cách hiểu thông thường nhất, môi trường gắn liền với căn tính, đời sống và hoạt động của con người và môi trường đó đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tôi nghĩ rằng thật là thiếu sót nếu tôi không đề cập tới sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên ở miền Trung này.  

Hơn 7 tháng qua, người dân Việt Nam chúng ta nói chung, đặc biệt, người dân 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) bàng hoàng lo lắng vì thảm cảnh ô nhiễm môi trường thiên nhiên do Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh gây nên. Formosa không chỉ làm ô nhiễm môi trường biển bằng các chất thải lỏng, mà còn làm ô nhiễm môi trường đất bởi các chất thải rắn và ô nhiễm môi trường khí quyển bằng các chất thải khí. Đây là sự ô nhiễm nặng nề nhất trong lịch sử đất nước Việt Nam chúng ta. Hậu quả là cá chết hàng loạt, hàng trăm ngàn người mất việc làm và hàng triệu người khác bị ảnh hưởng gián tiếp.

Thảm họa ô nhiễm môi trường thiên nhiên do Formosa gây nên làm cho những người nghèo, những người bán lưng cho trời bán mặt cho biển, cho đất chịu thiệt hại lớn. Trong bối cảnh hiện nay, trợ giúp hay đền bù thiệt hại cho những người bị nạn chỉ là giải pháp tạm thời. Thay đổi nghề nghiệp lại không phải là giải pháp thích hợp, bởi vì, chúng ta kinh nghiệm rằng chúng ta không thể thay đổi nghề nghiệp của một người như thay đổi một chiếc áo vậy, chẳng hạn, từ nghề làm biển chuyển sang các nghề khác không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện được. Hơn nữa, trong tình trạng tỷ lệ thất nghiệp cao như đất nước chúng ta hiện nay thì việc chuyển đổi nghề nghiệp lại gặp muôn vàn khó khăn.

Trong khi nhiều tổ chức, nhiều người hiệp thông liên đới với các nạn nhân của Formosa, cũng như lên tiếng để bảo vệ môi trường thiên nhiên miền Trung, thì cũng có những tổ chức, những người tỏ ra lãnh đạm với biến cố này. Với họ, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên là việc của ai đó chứ không phải của mình. Chúng ta biết rằng im lặng trước việc hủy hoại môi trường thiên nhiên cũng chính là tiếp tay cho việc này tiếp tục hoành hành. Do đó, chúng ta không chỉ được mời gọi đóng góp phần mình để làm giảm sự ô nhiễm, giúp đỡ các nạn nhân, mà còn được mời gọi đồng tâm hiệp lực, ngăn chặn những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nữa. 

Là những Ki-tô hữu, chúng ta có thể nói rằng (1) sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên là do sự ô nhiễm môi trường xã hội, (2) sự ô nhiễm môi trường xã hội là do sự ô nhiễm môi trường tâm hồn con người, (3) sự ô nhiễm môi trường tâm hồn con người là do sự ô nhiễm Môi Trường Nguyên Tổvà hậu quả của sự ô nhiễm này. Bốn hình thức môi trường này không thể tự làm sạch mà cần sự hiện diện và hoạt động của ‘Môi Trường Thiên Chúa’ và chúng ta biết rằng sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô chính là sự hiện diện của Môi Trường Thiên Chúa. Do đó, vấn đề chính là chúng ta cần thiết lập tương quan mật thiết với Đức Giê-su Ki-tô và thực thi giáo huấn của Người.

Kính thưa toàn thể cộng đoàn,

Giờ đây, tôi xin tóm lược những điểm chính yếu về môi trường thiên nhiên theo mặc khải Ki-tô giáo như sau: (1) môi trường thiên nhiên là thụ tạo của Thiên Chúa, (2) môi trường thiên nhiên là món quà của Thiên Chúa cho con người, (3) con người vừa là chủ, vừa là nhà quản lý, vừa là bạn của môi trường thiên nhiên, (4) Con người được mời gọi chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên, (5) môi trường thiên nhiên biến đổi không ngừng và sự biến đổi theo hướng tốt hay xấu lệ thuộc vào cách hành xử của con người.

Quả thật, Thiên Chúa là Cha của toàn thể nhân loại và là nguồn gốc của muôn vật muôn loài. Nhờ Người, muôn vật muôn loài được hiện hữu và thực thi sứ mệnh của mình trong chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại mà còn là anh chị em với nhau trong gia đình lớn hơn, đó là gia đình thế giới thụ tạo, và lớn hơn nữa đó là Gia Đình Thiên Chúa. Khi chúng ta có cảm thức như thế, cũng là khi chúng ta biết tôn trọng môi trường thiên nhiên và dành cho môi trường này chỗ đứng quan trọng trong đời sống mình, bằng không, môi trường này vẫn tiếp tục bị xâm hại và đối xử bất công.

Môi trường thiên nhiên mang dấu ấn tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Môi trường này vừa là phương tiện cho cuộc sống chúng ta, vừa tham dự vào ‘bản tính người’ của chúng ta. Chính Đức Giê-su Ki-tô, trong thân phận con người cũng mang lấy những yếu tố của môi trường thiên nhiên như tất cả chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái, ‘Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi’ (Dt 4,15). Đức Giê-su Ki-tô đã mang lấy thân phận con người để nối kết trời với đất, vô hạn với hữu hạn, vĩnh cửu với thời gian, thánh thiêng với tội lội,  ‘Môi Trường Thiên Chúa’ với ‘môi trường thiên nhiên’. Đức Giê-su Ki-tô đã mang lấy những yếu tố do mình sáng tạo để yêu thương, để biến đổi và qui tụ tất cả trong Trời Mới, Đất Mới khi Thiên Chúa đưa thời gian tới hồi viên mãn.

Thiên Chúa luôn quan tâm đến muôn vật muôn loài. Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không chỉ ban huấn lệnh cho Dân Do Thái nghỉ ngơi một ngày sau sáu ngày làm việc mà còn ban huấn lệnh cho họ rằng họ phải cho đất nghỉ ngơi một năm sau sáu năm canh tác. Đây thật là điều đáng chúng ta suy gẫm về sự quan tâm, chăm sóc của Thiên Chúa đối với môi trường thiên nhiên (Xh 20,10; Lv 25,2-5). Trong Kinh Thánh Tân Ước, Đức Giê-su cũng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa quan tâm đến những sinh vật bé nhỏ nhất, chẳng hạn, Đức Giê-su nói rằng năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). Đức Giê-su cũng nói về vẻ đẹp vượt trội của bông hoa huệ được Thiên Chúa chăm sóc so với cẩm bào được thêu dệt tinh xảo của Salomon, vị vua khôn ngoan và giàu có của Dân Do Thái trong Cựu Ước (Mt 6,28-29).

Kính thưa toàn thể cộng đoàn

Ngạn ngữ Anh có câu ‘không ai là một hòn đảo’. Chúng ta có thể nói tương tự như thế đối với tất cả các thụ tạo rằng ‘không thụ tạo nào là một hòn đảo’, bởi vì, trong thế giới thụ tạo, muôn vật muôn loài đều liên kết chặt chẽ với nhau. Không gian, thời gian, các tinh tú, trái đất, thực vật, động vật đều có ảnh hưởng qua lại. Nhà vật lý thiên văn người Anh, Stephen Hawking nói rằng “a butterfly flapping its wings in Tokyo can cause rain in New York's Central Park” (một con bướm vỗ cánh ở Tôkyô có thể gây mưa ở Công Viên Trung Tâm New York(1995).

Những gì thuộc về môi trường thiên nhiên luôn vượt quá tầm hiểu biết, tầm nhận thức của nhân loại trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Do đó, thật là hão huyền khi nói rằng con người có thể nghiên cứu và chế ngự môi trường thiên nhiên, môi trường thế giới thụ tạo cách tuyệt đối. Chúng ta có thể khẳng định rằng tri thức con người cũng như khoa học kỹ thuật dù có tiến triển đến đâu cũng không bao giờ hiểu biết tường tận thế giới thụ tạo này. Nhà bác học Albert Einstein nói rằng "only two things are infinite, the universe and human stupidity, and I'm not sure about the former" (chỉ có hai thứ vô tận, vũ trụ và sự đần độn của con người, tôi không chắc lắm về sự vô tận của vũ trụ). Ý ông muốn nói rằng vũ trụ vô tận hay không thì ông không chắc lắm, còn sự đần độn vô tận của con người thì ông không chút nghi ngờ.

Tương lai của gia đình nhân loại lệ thuộc vào những ai biết mở lòng trí mình cho những điều mới mẻ hơn là những người cho rằng mình hiểu biết và giải thích mọi sự. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những ai nhận thức sự giới hạn của bàn thân, chịu khó tìm hiểu và luôn dành chỗ cho những ngạc nhiên trong thế giới thụ tạo, thì đóng góp cho gia đình nhân loại nhiều hơn là những người tự hào với kiến thức và hiểu biết của mình. Nhà bác học Einstein nói rằng “imagination is more important than knowledge” (sự tưởng tượng thì quan trọng hơn kiến thức).

Thông thường chúng ta dùng khái niệm ‘phẩm giá’ để nói về con người, hữu thể nhân linh‎, chứ không nói về những thụ tạo khác trong vũ trụ này, chẳng hạn, chúng ta không nói ‘phẩm giá môi trường thiên nhiên’. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta nên mạnh dạn dùng khái niệm ‘phẩm giá môi trường thiên nhiên’ hay phẩm giá của bất cứ thụ tạo nào khác, nhằm khơi dậy ý thức của mỗi người về việc chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên, đồng thời, khơi dậy ý thức của mỗi người rằng muôn vật muôn loài mang dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa đúng nghĩa khi chúng ta không yêu mến môi trường thiên nhiên mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta. 

Chúng ta thâm tín rằng bao lâu việc chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên chưa trở thành văn hóa sống của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, bấy lâu môi trường thiên nhiên vẫn còn bị đe dọa và đối xử bất cẩn, vô trách nhiệm. Do đó, chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên không phải là một công việc thêm vào đời sống của chúng ta tại một không gian, thời gian nào đó, mà trở thành ‎ý thức quán xuyết và hành động cụ thể trong suốt cuộc đời chúng ta. Chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên là chăm sóc và bảo vệ chính mình, con cháu mình và các thế hệ mai sau.

Là những Ki-tô hữu, chúng ta cần ý thức về 3 cuốn sách: Cuốn sách Kinh Thánh, cuốn sách Thế Giới Thụ Tạo và cuốn sách Lương Tâm của mình. Siêng năng đọc và suy gẫm về 3 cuốn sách này sẽ khơi dậy lên trong chúng ta ý thức rằng chúng ta không hiện hữu trên trần gian này như là những hữu thể khép kín, nhưng là những hữu thể luôn mở ra: Mở ra với Thiên Chúa, mở ra với anh chị em đồng loại và mở ra với thế giới thụ tạo. Đồng thời, siêng năng đọc và suy gẫm về 3 cuốn sách này sẽ cho phép chúng ta ngày càng đi sâu hơn vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cũng như toàn thể thế giới thụ tạo này, nhờ đó, chúng ta ý thức hơn về việc cần thiết để thiết lập sự hòa hợp của các chiều kích trong đời sống cá nhân chúng ta, cũng như sự hòa hợp với anh chị em đồng loại, hòa hợp với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo và hòa hợp với Thiên Chúa, trong hành trình của chúng ta về với ‘Môi Trường Hạnh Phúc Vĩnh Cửu’ của Người.

Xin chân thành cảm ơn toàn thể cộng đoàn

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

(Nguồn: giaophanvinh.net)