14/06/2021 09:30

Bài 6: Kỹ năng sáng tác hò với thơi Lục bát

Linh hoạt viên cần biết

 

I - DẪN NHẬP

Hò là một loại hình sinh hoạt rất đặc thù của người Việt Nam, hết sức gần gũi, đơn sơ và phổ biến nhưng lại đầy tính văn hóa và nghệ thuật. Trong sinh hoạt tập thể, một đôi câu thơ lục bát, một vài câu hò hụi, khi được một người khởi xướng, sẽ nhanh chóng gây bầu khí vui tươi, sôi động, lôi cuốn mọi người hưởng ứng tham gia mà không cần đến bất cứ một phương tiện hỗ trợ nào. Đối với Linh Hoạt Viên, hay nhất là có thể tự sáng tác thật nhanh các câu thơ lục bát rồi hò lên, đáp ứng kịp tính thời sự nóng hổi của hoàn cảnh, con người và biến cố đang diễn ra.

Do vậy, ngoài việc thực hành một số công thức hò, Linh Hoạt Viên cũng cần nắm chắc luật bằng trắc và gieo vận để sáng tác thơ lục bát, vừa hay vừa đúng thì mới đạt mức độ nghệ thuật.

 

II - LUẬT THƠ LỤC BÁT

Các sách giáo khoa môn Tiếng Việt của cấp học phổ thông xưa nay đều có bài dạy cách làm thơ lục bát một cách có hệ thống khoa học. Ở đây, chỉ xin đơn cử một công thức tuy đã khá xưa nhưng vẫn đắc dụng, được phổ vào trong chính đoạn thơ lục bát, vừa dễ nhớ lại vừa dễ thuộc.

Về luật bằng trắc trong thơ lục bát, bài thơ công thức nêu trên đưa ra 2 nguyên tắc cần thiết là:

Nguyên tắc thông thường: 

... Bằng ... Trắc ... Bằng,

... Bằng ... Trắc ... Bằng ... Bằng.

Ví dụ:     Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Nguyên tắc bất thường:

... Trắc ... Bằng ... Bằng,

... Trắc ... Bằng ... Bằng ... Bằng.

Ví dụ:      Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Về luật gieo vận trong thơ lục bát, bài thơ công thức đưa ra một nguyên tắc bắt buộc là:

Từ cuối cùng của câu lục trên phải ăn vần với từ thứ sáu của câu bát dưới.

Từ cuối cùng của câu bát tiếp theo nếu có, cũng lại phải ăn vần với từ cuối cùng của câu lục ngay sau đó.

 

III - CÁC CÔNG THỨC HÒ

1.   CÒ LẢ ( MIỀN BẮC ):

  Lấy ví dụ hai câu thơ lục bát bằng Lời Tin Mừng dưới đây:

Cải kia hạt bé tí teo,

Mọc lên cây lớn, chim reo trên cành.

  Với điệu Cò Lả, đoạn thơ này sẽ được hò bằng âm giọng Bắc của người Hà Nội như sau:

Cải kia ( kia ) hạt bé ( bé ) tí teo,

Mọc lên ( lên ) cây lớn, chim reo ( là reo ) trên cành,

Tình tính tang là tang tính tình,

Ơi học trò, ơi học sinh,

Học Giáo Lý thì có biết chăng ?

Học Giáo Lý thì có biết chăng ?

2.  HÒ HỤI ( MIỀN TRUNG ):

  Lấy ví dụ hai câu thơ lục bát về nhân bản dưới đây:

Một đời tươi sáng ai ơi,

Nghĩ điều đoan chính, nói lời nết na.

Với điệu Hò Hụi, đoạn thơ sẽ được hò bằng âm giọng Huế:

Một đời ( nì, là hù là khoan nì )

Tươi sáng ( mà ) ai ơi ( nì, là hù là khoan nì )

Nghĩ điều đoan chính ( nì, là hù là khoan nì )

Nói lời ( mà ) nết na ( nì )

Là hù là khoan, khoan ơi khoan hời hò khoan,

Là hù là khoan, khoan ơi khoan hời hò khoan.

Hết khoan rồi tới hụi, ớ ơ hụi,

Hết hụi lại hò khoan nì, Là hù là khoan,

A lá khoan hò khoan, A lá khoan hò khoan.

 

3. HÒ ƠI ( MIỀN NAM ):

Lấy ví dụ đoạn thơ lục bát toát yếu từ một bài Giáo Lý dưới đây:

Thánh Gia gương mẫu gia đình,

Gương ba đấng Thánh chúng mình gắng theo

Một là gương mẫu thương yêu,

Cón hai gương mẫu sống nghèo vẫn vui.

  Đoạn thơ sẽ được hò bằng âm giọng Sài-gòn

( Xin lưu ý: nếu hò 2 câu thôi thì về chủ âm cuối câu hai, nếu hò 4 câu thì cuối câu tư mới được về chủ âm ).

( Hò ơi ời ơ ới ớ ơ ơi ) Thánh Gia gương mẫu gia đình,

Gương ba đấng Thánh ( ớ ơ ời, hò ơi ời ơ ới ớ ơ ơi )

Gương ba đấng Thánh, chúng mình ( mà ) gắng theo...

 

4. HÒ DÔ TA:

Lấy ví dụ 2 câu lục bát động viên trong sinh hoạt dưới đây:

Đèo cao thì mặc đèo cao

Nhưng lòng ta quyết còn cao hơn đèo.

Đoạn thơ sẽ được hò vui tươi và mạnh mẽ rộn ràng như sau:

Đèo cao ( dô ta ) thì mặc đèo cao ( dô ta )

 

Nhưng lòng ta quyết ( dô ta ) còn cao hơn đèo,

Dô tà, dô tà, là hò dô ta, dô ta !

5. A LI HÒ LỜ:

Lấy ví dụ 2 câu thơ lục bát ca dao dưới đây:

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy

Lấy chi đền đáp dạ này khắc sâu.

Đoạn ca dao sẽ được hò thật nhịp nhàng như sau:

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy ( a li hò lờ )

Lấy chi đền đáp ( a li hò lờ ) dạ này khắc sâu,

Hò lơ hó lơ, lắng tai nghe

Tiếng ai đang hò lờ, hò lo, hó lơ.

 

LƯU Ý:

Mở đầu luôn là câu gọi: “Ơi này anh chị em ơi !” hoặc “Ơ này anh hai, cô ba đó ơi !” và giữa câu thơ luôn có thêm những từ như: mà, là, nì, ơi hỡi... làm cho điệu hò thêm duyên dáng ý vị, đậm đà tình tự dân tộc. Do vậy cần nắm vững cách phát âm từng miền.